“Đầu” trong “tâm đầu ý hợp” nghĩa là gì?
.
*
Bài “Tâm đầu ý hợp” trên trang “Tiếng Việt giàu đẹp” (26 Tháng Sáu 2021) đặt vấn đề như sau:
“Chúng ta thường dùng câu “tâm đầu ý hợp” để chỉ việc hai người thấu hiểu rất rõ về nhau, người này có thể đoán biết hoặc dễ dàng đồng tình với quan điểm của người kia. “Tâm,” “ý,” “hợp” thì hẳn ai cũng biết nghĩa, vậy còn “đầu” thì sao?
Có người cho rằng “đầu” ở đây chính là “đầu” trong “cái đầu,” “hàng đầu.” Tuy nhiên lập luận như thế thì “tâm đầu ý hợp” sẽ trở thành “tâm đặt ở đầu, ý hòa hợp lại,” nghe không hợp lý chút nào.
Có người cũng ủng hộ “đầu” là “cái đầu” và giảng “tâm đầu ý hợp” là cả tâm, đầu và ý đều hợp. Cách giải thích này nghe càng khiên cưỡng hơn vì cấu trúc “ba danh từ + một động từ” gần như không xuất hiện trong thành ngữ. Đó là chưa kể đôi lúc người ta còn đảo ngược lại thành “ý hợp tâm đầu,” chẳng lẽ lúc này lại giảng là “ý hợp với tâm và cái đầu” hay sao? Vậy rõ ràng “đầu” ở đây không phải là một bộ phận trong cơ thể, cũng không phải là vị trí đối lại với “cuối.”
Lập luận ở phần đặt vấn đề trên đây của “Tiếng Việt giàu đẹp” (TVGĐ) có thể chấp nhận được. Tuy nhiên, phần giải thích tiếp theo lại mắc lại lỗi suy diễn về yếu tố đồng âm dị nghĩa (y như những gì mà TVGĐ đã phản biện trong phần đặt vấn đề). Cụ thể TVGĐ giải thích “đầu” trong “Tâm đầu ý hợp” như sau:
“Thực tế, các tư liệu đã chỉ ra rằng “đầu” trong “tâm đầu ý hợp” là một từ Hán Việt vốn được viết bằng chữ 投, có nghĩa là “ném, quẳng” hay “đưa vào,” “bỏ vào.” Đây cũng chính là “đầu” trong “đầu tư” (vốn viết bởi Hán tự là 投資, hiểu nôm na là “ném / đưa tài vật vào”), “đầu quân” (vốn viết bởi Hán tự là 投軍, nghĩa là “xung vào quân”)…
Từ điển Baidu cho thấy “đầu” (投) có nghĩa gốc là “ném, tung (đồng xu),” rồi mới mở rộng ra thành “nhảy vào,” “đưa vào,” “tham gia vào.” “Tâm đầu ý hợp” như thế được hiểu thuần là “tâm đưa vào (hướng vào) nhau, ý hòa quyện với nhau.”
Quả tình, “đầu” (投) cũng có nghĩa là ném, đưa vào, đúng như TVGĐ đã giảng. Tuy nhiên, “đầu” (投) trong “Tâm đầu ý hợp” ( 心投意合) lại có nghĩa là “hợp,” chứ không phải “đưa vào.”
Hán ngữ đại từ điển giảng nghĩa thứ 13 của “đầu” (投) là “hợp; tương hợp” (合; 投合 – hợp, đầu hợp). Sách này trích dẫn câu “Đầu thi phú chỉ” (Sở từ – Đại chiêu), với lời chú của Vương Dật: “Đầu, nghĩa là hợp vậy… Ca từ và thơ nhã, tương hợp, có phép tắc.” [楚辭‧大招: “投詩賦只.” 王逸 注: “投,合也… 言與詩雅相合,且有節度也”].
Hán Việt tự điển (Thiều Chửu) giảng nghĩa thứ 5 của “đầu”(投) là: “Hợp, như tình đầu ý hợp 情投意合 tình ý hợp nhau.”
Ngay như Baidu, từ điển mà TVGĐ đã tham khảo cũng ghi nhận nghĩa thứ 5 của đầu 投 là: “hợp; tương hợp,” và dẫn thành ngữ “Ý khí tương đầu” (意氣相投 – Ý hướng và chí hướng tương hợp với nhau), làm ngữ liệu.
Trong tiếng Việt, “đầu hợp”(投合) là chữ ghép đẳng lập gốc Hán, hiện ít dùng. Tuy nhiên, Việt Nam Tân tự điển (Thanh Nghị) và Từ điển Việt Nam phổ thông (Đào Văn Tập) có ghi nhận và giảng nghĩa (trích lần lượt) như sau:
“đầu hợp • dính hợp, ngẫu hợp”;
“đầu-hợp • (Tâm đầu ý hợp) Tính-tình hợp nhau.”
Phép cấu tạo của “Tứ tự thành ngữ” (thành ngữ có bốn chữ) thường chia tách các thành tố trong một từ ghép đẳng lập thành những từ độc lập trong hành chức, tạo nên hai vế tiểu đối. Ví dụ thuận hòa (Mưa thuận gió hòa); ấm êm (Trong ấm ngoài êm); sung sướng (Ăn sung mặc sướng); đói rách (Ăn đói mặc rách)…
Trong chữ ghép đẳng lập đầu hợp, thì đầu có nghĩa là hòa hợp, tương hợp; mà hợp cũng có nghĩa hòa mục, hòa hợp. Bởi vậy, khi đầu và hợp tách ra thành những từ độc lập trong hành chức, tạo nên thành ngữ “Tâm đầu ý hợp” (心投意合) hay “Ý hợp tâm đầu” (意合心投 – dị bản Tình đầu ý hợp 情投意合), có nghĩa là tâm/tình hợp nhau mà ý cũng hợp nhau, chứ không phải “tâm đưa vào (hướng vào) nhau, ý hòa quyện với nhau,” như TVGĐ giải thích. Ấy là chưa nói đến việc TVGĐ lái nghĩa “đưa vào” thành “hướng vào” cũng rất miễn cưỡng. Và “tâm đưa vào (hướng vào) nhau” chỉ có nghĩa là nhớ/nghĩ về nhau, chứ đâu có nghĩa là đôi bên hòa hợp với nhau?
Hoàng Tuấn Công
Nguồn:
https://saigonnhonews.com/van-hoa-van-nghe/ca-ke-chu-nghia/dau-trong-tam-dau-y-hop-nghia-la-gi/
Trần Văn Giang (ghi lại)