Thành Ngữ Điển Tích: Non

.

Chùa NON NƯỚC ở Ninh Bình và Đà Nẵng

*

 

NON BỒNG LAI bước tới, Sãi vui với Bát Tiên.

 

Đó là lời của ông Sãi trong tác phẩm “Sãi Vãi” của cụ Nguyễn Cư Trinh khi cho ông Sãi luận về chữ Vui. NON BỒNG hay NON BỒNG LAI đều chỉ chỗ của thần tiên cư ngụ, có xuất xứ mang tính thần thọai như sau:

 

Theo chương Thang Vấn trong sách Liệt Tử 列子: 湯問: Phía đông của Bột Hải, có một nơi vực sâu muôn trượng, gọi là Quy Khâu. Tất cả những sông ngòi ao hồ của đất liền đều chảy về nơi nầy. Tương truyền là mực nước ở nơi đây không lên không xuống, cho dù tất cả sông biển đều đổ về đây.

 

Trên mặt nước mênh mông ở đây, có 5 ngọn núi thần đang trôi nổi, đó chính là: “Đại Dư” 岱輿, “Viên Kiệu” 員嶠, “Phương Hồ” 方壺, “Doanh Châu” 瀛洲, và “Bồng Lai” 蓬萊. Mỗi ngọn núi cao và rộng khoảng 3 vạn dặm, phần bằng phẵng trên đỉnh núi cũng hơn 9 ngàn dặm. Các hòn núi nầy cách nhau khoảng 7 vạn dặm. Trên mỗi núi đều có lâu đài lầu các nguy nga xây toàn bằng hoàng kim và bạch ngọc. Hoa thơm cỏ đẹp, cây trái thơm ngon bốn mùa không dứt, ăn vào thơm tho mồm miệng và trường sinh bất tử. Năm ngọn núi nầy đều là nơi ở của các người tiên. Họ thường bay qua bay lại trên năm ngọn núi nầy mà vui chơi để tiêu dao ngày tháng. Có một điều làm họ không được thoải mái là 5 ngọn núi nầy như là 5 cái hồ lô lớn trôi nổi trên biển cả mênh mông, khiến họ đi lại không được thoải mái và như ý. Nên họ cùng thỉnh cầu với Ngọc Hoàng Thượng Đế giải quyết cho vấn nạn nầy. Ngọc Đế bèn ra lệnh cho thần ở Bắc Hải là Ngung Cường để tìm phương giải quyết. Ngung Cường bèn điều 15 con cự Ngao (Ba ba lớn) chia làm 5 nhóm, mỗi nhóm 3 con chịu trách nhiệm giữ lấy một ngọn núi. Ba con ba ba khổng lồ, một con lặn xuống biển đội núi lên, hai con còn lại giữ hai bên cho núi đừng di chuyển nữa. Phân công là cứ 6 vạn năm sẽ thay phiên một lần. Vì thế mà 5 ngọn núi thần tiên nầy được cố định không còn nổi trôi di chuyển trên biển đông nữa.

 

Nhưng chẳng bao lâu sau, có một người của nước Long Bá (nước của người Khổng lồ) đến nơi nầy, thân hình của hắn cao vút tận mây xanh, hắn bước đi trong biển đông như đi trong ao cá sau vườn; chỉ cần vài ba bước là hắn đã đi khắp cả 5 ngọn núi thần tiên. Hắn phát hiện trong nước có cá ngao (Ba ba) lớn, bèn lấy cần móc mồi câu, câu một hơi 6 con ngao lớn, quảy lên vai vác về nhà. Nên hai hòn núi tiên Đại Dư và Viên Kiệu, bị mất đi 6 con ngao, không có gì cầm giữ lại, nên trôi dạt lên bắc cực và chìm xuống biển mất dạng. Ngọc Hoàng Thượng Đế biết tin, cả giận, bèn thi triển thần uy, làm cho người nước Long Bá nhỏ lại chỉ cao hơn người thường một cái đầu mà thôi. 

 

Đó là truyền thuyết trong Sơn Hải Kinh (山海)và các sách xưa cũng có ghi lại chuyện năm tiên đảo bị chìm hết hai, nên chỉ còn lại có “Phương Hồ” 方壺, “Doanh Châu” 瀛洲, và “Bồng Lai” 蓬萊. Tục gọi là “Bồng Lai Tam Đảo 蓬莱三. Vì là nơi của tiên ở nên còn gọi là “Bồng Lai Tiên Cảnh (蓬莱仙境)” để chỉ cảnh đẹp của tiên giới mà trên đời không thể có được. Sở dĩ Bồng lai nổi tiếng hơn hai tiên đảo kia là vì đó là nơi ở của Bát Tiên trong sự tích “Bát Tiên Quá Hải.” Trong tác phẩm Sãi Vãi của Nguyễn Cư Trinh, khi luận về chữ VUI, ông Sãi đã nói với bà Vãi rằng:

 

NON BỒNG LAI bước tới, sãi vui với Bát Tiên,

 Núi Thương Lãnh tìm lên, sãi vui cùng Tứ Hạo.

 

Trong truyện thơ Nôm khuyết danh “Phạm Tải Ngọc Hoa” của thế kỷ 18 của ta có câu:

 

Loa truyền đòi nàng Ngọc lên,

Trang Vương trông thấyngỡ tiện NON BỒNG.

 

Vì Non Bồng là nơi thần tiên ở, nên còn gọi là NON THẦN, như trong trong truyện thơ Nôm “Bích Câu kỳ Ngộ” tả lúc Tú Uyên mơ tưởng Giáng Kiều có câu:

 

Vời trông năm thức mây vần,

Hồn chưa đến chốn NON THẦN đã mê.   

 

Ngoài ra NON THẦN còn dùng để chỉ tích “Vu Sơn Thần Nữ” (mà ta đã biết trong các điển tích MÂY và MƯA), nên khi tả Kim Trọng trong đêm đang mơ màng tưởng nhớ đến Thúy Kiều, mà Thuý Kiều lại đến thật, cụ Nguyễn Du đã hạ hai câu rất hay là:

 

Bâng khuâng đỉnh giáp NON THẦN,

Còn ngờ giấc mộng đêm xuân mơ màng.

 

Còn trong truyện thơ “Từ Thức gặp Tiên” thì gọi là NON VU vì thần nữ ở trên núi trong huyện Vu Sơn; nên NON VU cũng dùng để chỉ nơi tiên ở:

 

Vườn xuân hoa nở tranh đua,

Am mây còn tưởng NON VU những ngày.

 

Sau NON VU, ta còn có NON ĐÀO cũng là nơi thần tiên cư ngụ. Theo sách “Hải Nội Thập Châu Ký (海內十洲記)” ghi chép: 

 

“Ở ngoài biển Đông trên núi Độ Sách có cây đào to lớn, thân cây trải dài đến mấy ngàn dặm như một cái bàn to, nên gọi là Bàn Đào. Qủa bàn đào là thức ăn của các vị thần tiên, người thường ăn vào sẽ trường sinh bất tử.”

 

Trong truyện thơ Nôm “Hoa Tiên Ký” của nguyễn Huy Tự và Nguyễn Thiện có câu:

 

Nhà xuân vừa mở thọ diên,

Chén pha giếng cúc, bàn chen NON ĐÀO.

 

Còn NON KINHKinh Sơn (荊山), chỉ nơi có ngọc quý, theo tích sau đây:

 

 

Vào thời Xuân Thu, có người nước Sở tên là Biện Hòa (卞和) thấy một con chim phụng hoàng bay lượn hồi lâu rồi đáp xuống một tảng đá xanh trên núi Kinh Sơn (thuộc huyện Bảo Khang tỉnh Hà Bắc hiện nay). Theo truyền thuyết thì nơi phượng hoàng chọn chỗ để đáp xuống thì ắt có ngọc qúy ở bên trong. Biện Hòa bèn khuâng tảng đá đó đem về hiến cho Sở Lệ Vương, vương cho thợ ngọc giám định, thợ bảo, đó chỉ là một tảng đá bình thường. Vương nổi giận ra lệnh chặt đi chân trái của Biện Hòa. Sở Lệ Vương chết, Sở Võ Vương kế vị, Biện Hòa lại đem ngọc dâng lên, người thợ ngọc xem xét xong vẫn bảo chỉ là một tảng đá xanh bình thường. Vương lại chặt thêm một chân phải của Biện Hòa nữa vì tội khi quân. Sở Võ Vương chết, Sở Văn Vương lên thay, Biện Hòa lại ôm tảng đá có ngọc khóc ngày khóc đêm ở dưới núi Kinh Sơn, khóc đến chảy máu cả hai mắt. Sở Văn Vương nghe nói, lấy làm lạ bèn cho người đến hỏi tại sao. Biện Hòa đáp rằng: Thần khóc không phải vì bị chặt mất hai chân, mà khóc vì ngọc qúy bị xem là đá thường, người trung thực thì bị xem là kẻ lừa đảo. Sở Văn Vương nghe nói thế, bèn cho thợ ngọc đục tảng đá ra. Quả nhiên trong đó có một khối ngọc lóng lánh đẹp rực rỡ, bèn cho thợ mài dũa lại thành một viên ngọc bích qúy giá. Vì ngọc bích có được là do Biện Hòa kiên trì đến cùng, nên Sở Văn Vương đặt tên cho viên ngọc ấy là HÒA THỊ BÍCH (和氏璧).

 

 

Trong truyện thơ Nôm khuyết danh song thất lục bát “Bần Nữ Thán” của ta có câu:

 

Mã Long Tuấn gặp chàng Bá Nhạc,

Ngọc KINH SƠN gặp được BIỆN HÒA

 

 

Trong bài thơ “Tự Thuật thứ 6” của cụ Nguyễn Trãi cũng có câu:

 

Thương nhẫn BIỆN HÒA ngồi ấp ngọc,

Đúc nên Nhan tử tiếc chi vàng.

 

                      

Trong bài “Hàn Vương Tôn Phú” của Đặng Trần Thường cũng có câu:

 

Chốn NON KINH dù vẻ ngọc mà lầm, thì dưới trời đâu chẳng giang sơn,

về cửa cỏ lều tranh cho mát mặt.

     

 

Sau Non Kinh là NON KỲ, chữ Nho là KỲ SƠN 祁山 (岐山) thuộc tỉnh Thiễm Tây Trung Quốc hiện nay, là nơi khởi nghiệp của nhà Tây Châu, nên hay lấy nơi nầy làm nơi tiêu biểu cho các vua chúa khi bắt đầu lập nghiệp. Trong “Văn Tế Chiến Sĩ Trận Vong” của Tiền Quân Nguyễn Văn Thành, một khai quốc công thần của nhà Nguyễn có hai câu sau đây:

 

Ba nghìn họp con em đất Bái, cung tên ngang dọc chí nam nhi;

Hai trăm vây cờ cõi NON KỲ, cơm áo nặng dầy ơn cựu chủ.

 

 

NON KỲ còn chỉ Kỳ Liên Sơn (祁連山) ở tỉnh Cam Túc, là vùng biên cương xa xôi giữa nhà Hán với Hung Nô. Danh tướng Hoắc Khứ Bệnh đời Hán Vũ Đế đã xuất quân từ Lâm Thao chiến thắng và đuổi Hung Nô ra khỏi Kỳ Liên Sơn. Đây là vùng chinh chiến liên miên, như trong “Chinh Phụ Ngâm Khúc” của ta có câu:

 

NON KỲ quạnh quẽ trăng treo,

Bến Phì gió thổi đìu hiu mấy gò!

 

 

Còn NON NGỌC tức là Ngọc Sơn (玉山), còn gọi là Quần Ngọc Sơn (群玉山). Theo sách “Sơn Hải Kinh” đây là nơi ở của bà Tây Vương Mẫu, trên núi có nhiều thú lạ chim lạ, đặc biệt là có rất nhiều ngọc. NON NGỌC thường dùng để chỉ cảnh tiên hoặc nơi tiên ở. Trong tác phẩm thơ Nôm “Bích Câu Kỳ Ngộ” tả lại chàng Tú Uyên gặp tiên Giáng Kiều có câu:

 

Dám xin tỏ lối cho nao,

Tới NON NGỌC dễ ai nào về dưng.

 

Cuối cùng, ta có NON NƯỚC, chữ Nho là Sơn Thủy (山水). Sơn Thủy trong dân gian còn có nghĩa là “phong cảnh,” đi ngắm “sơn thủy” là đi ngắm “phong cảnh“. Nhưng trong văn học cổ, thành ngữ SƠN THANH THỦY BÍCH (山青水碧),  ta nói là “Nước Biếc Non Xanh.” NON NƯỚC còn là những lời thề nguyền cùng nhau, như khi Kim Trọng phải đi Liêu Dương hộ tang chú, cùng Thúy Kiều chia tay khi mới vừa thề nguyền hẹn ước, cụ Nguyễn Du đã viết:

 

Còn NON còn NƯỚC còn dài,

Còn về còn nhớ đến người hôm nay.

 

… và khi đã lưu lạc xứ người Thúy Kiều đã nhớ đến Kim Trọng bằng những lời lẽ như sau:

 

Tóc thề đã chấm ngang vai,

Nào lời NON NƯỚC nào lời sắt son. 

  

                

Trong bài thơ “Thề Non Nước” thì cụ Tản Đà lại nói rõ ràng hơn:

 

NƯỚC NON nặng một nhời thề

NƯỚC đi đi mãi không về cùng NON

Nhớ lời nguyện NƯỚC thề NON

NƯỚC đi chưa lại NON còn đứng trông…

 

 ... và:

 

Dẫu rằng sông cạn đá mòn

Còn NON còn NƯỚC hãy còn thề xưa. 

 

 

 Rồi kết thúc với:

 

Nghìn năm giao ước kết đôi

NON NON NƯỚC NƯỚC khôn nguôi lời thề!

 

 

Chủ soái của “Tao Đàn Nhị Thập Bát Tú,” Vua Lê Thánh Tông tả Chùa NON NƯỚC dưới chân núi NON NƯỚC tỉnh Ninh Bình, một danh thắng cổ tích bằng bài thơ 6 chữ độc đáo như sau:

 

 

Nơi gọi Bồng, nơi gọi Nhược,

Hai bên góp làm NON NƯỚC,

Đá chồng hòn thấp, hòn cao,

Sóng trục lớp sau, lớp trước.

             

                       

Đỗ Chiêu Đức

杜紹德

   

Trần Văn Giang (ghi lại)

.

Thành Ngữ Điển Tích: Non – Đỗ Chiêu Đức

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *