“Má ơi! Con vịt chết chìm”

.

Ru con

 

*

Lời giới thiệu

 

Tôi còn nhớ, văng vẳng bên tai rõ mồn một, lời mẹ tôi ru con khi chúng tôi còn bé:

 

À ơi ơi…

Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa,

Có nàng Tô thị, có chùa Tam Thanh.

Ai lên xứ Lạng cùng anh,

Bõ công Bác Mẹ sinh thành ra em…”

 

Trần Văn Giang

 

*

 

Tôi vốn người miền Bắc, quê quán ở xứ lụa La Phù, Hoài Đức, Hà Đông, được thấm đẫm những lời ru “Ạ ơi ơi, Ạ ời ời” đầy tình tự quê hương từ thuở nhỏ. Tình cảm đối với điệu ru ấy là trường cửu, là vĩnh viễn, là bất diệt.

 

Điệu ru con.

 

Thế rồi, cuộc đời đưa đẩy, mười năm lăn lóc ở Vĩnh Long, và Trà Vinh giúp tôi biết đến và yêu mến vô cùng những câu hát “Ầu ơ.” Sau này, dù đi đâu, về đâu, ở đâu thì những câu hát điệu hò ấy vẫn mãi mãi còn nguyên trong ký ức. Đây là vài câu hát tiêu biểu của điệu ru “Ầu ơ” phương Nam ấy:

 

Ví dầu cầu ván đóng đinh
Cầu tre lắt lẻo, gập ghềnh khó đi
Khó đi, mẹ dắt con đi
Con đi trường học, mẹ đi trường đời
Má ơi đừng gả con xa
Chim kêu vượn hú biết nhà má đâu
Bước ngang qua nhà má
Tay tui xá
Cẳng tui quỳ
Vì thương con má sá gì thân tui
Chiều chiều ong nữ đi đăng
Cá tôm nhảy hết nhăn răng cười hoài
Má ơi con vịt chết chìm,
Con thò tay con vớt,
Con cá lìm kìm nó đớp tay con!…

 

Một điều lạ lùng là nội dung những câu hát ấy nhiều khi đơn sơ lắm, thậm chí… vô nghĩa nữa… nhưng hiệu quả thấm nhuần của chúng vẫn là vô cùng vô tận: mãi mãi đi sâu vào lòng người, nghe một lần rồi không thể nào mà quên đi cho được!

 

“Má ơi! Con vịt chết chìm”

 

Lại nói về mấy câu hát:

 

Má ơi! Con vịt chết chìm
Con thò tay con vớt,
Con cá lìm kìm nó đớp tay con.”

 

Tôi tách ra thành ba dòng, nhưng thật ra xét về mặt hình thức, chỉ có hai câu thuộc thể loại “Lục bát MORE” (Lục bát thêm vào):

 

Má ơi ! Con vịt chết chìm
(Con thò tay con vớt) Con cá lìm kìm nó đớp tay con.

 

Vần được gieo ở chữ thứ tư trong câu bát chính thể (chìm – kìm).

 

Lời thơ thì vô cùng đơn sơ, với những hình ảnh chân quê “con vịt, con cá lìm kìm.”  Thật là bình dị thế thôi, không có văn chương, hoa hoè, hoa sói chi hết!

 

Về mặt nội dung, khởi đầu bằng tiếng gọi “Má ơi! ngọt ngào, dễ thương. Tiếp ngay theo đó là cái hình ảnh ngược đời “Con vịt chết chìm,” “Cá lìm kìm đớp tay con.” Vịt thì có chết chìm bao giờ? Cá lìm kìm cũng vậy nữa, con cá nhỏ xíu chuyên bơi lội trên mặt nước này hễ thấy nước xao động là… nhảy, là lặn mất tăm luôn, nó có bao giờ cắn, đớp, hoặc chích ai đâu!

 

Nhưng chính từ những cái ngược đời ấy mà thể hiện được hình ảnh một cô gái bé nhỏ rõ là thơ ngây, đang nhõng nhẽo mẹ!

 

Đọc lời thơ chân quê ấy đã thấy hay, nghe ru “Ầu ơ” mấy câu ấy lại càng thấm thía, nhớ đời vậy. Cái ngày mà tôi được nghe ru Ầu ơ mấy câu ấy cách nay đã lâu lắm rồi, chính xác là 29 năm. Hai mươi chín năm ròng, các bạn ạ! Hai mươi chín năm nhưng “Con vịt chết chìm” và “Con cá lìm kìm đớp tay” vẫn như còn quanh quất đâu đây!

 

Gặp Lại “Con cá lìm kìm”

 

Ngày đó, trong một lúc buồn tênh, thả lòng vòng trong trang thơ Trinh Nữ, tôi tình cờ gặp lại những hình ảnh thân thương ấy trong bài thơ “Hát về con mương nhỏ” của tác giả Thu Nguyệt do thi sĩ Huyền Lâm giới thiệu.

 

Với mật độ mỗi ngày đăng hơn 50 bài thơ mới, một bài thơ nào đó dù vừa mới ra lò, cũng nhanh chóng bị các bài đăng sau đẩy lùi xuống tận… trang 5. Do đó, có rất nhiều bài thơ hay chưa kịp xem đã… mất hút ! Người đọc nếu bận rộn một chút, sẽ dễ dàng bỏ lỡ những bài ấy.

 

Bài thơ “Hát về con mương nhỏ” này cũng vậy, nó được anh Huyền Lâm giới thiệu, đăng ngày 26/9, và nửa tháng sau, khi tôi tình cờ xem được thì nó đã ở tuốt tận trang thứ 78!

 

Xin mời các bạn cùng đọc lại bài thơ ấy:

 

Hát về con mương nhỏ
-Thu Nguyệt

 

“Má ơi! Con vịt nó chết chìm…
Con thò tay xuống vớt cá lìm kìm nó cắn tay con”
Con mương nhỏ mỗi chiều tôi nghịch nước
Chú cá lìm kìm đang cắn khúc Ca Dao
Mười năm qua không ai đắp ai đào
Lá tre rụng con mương sâu thành cạn!
Chú cá lìm kìm giờ đây bỏ bạn.
Trôi dạt phương nào theo lời mới dân ca?
Chiều nay buồn tôi trở lại quê nhà
Tay khỏa nước gọi lìm kìm đâu hỡi?!

Mười năm nữa con mương thành lộ mới
Mẹ tôi rồi phải quét lá tre rơi!
Tôi trở về nhớ mãi nước mương vơi
Những mắt cá lìm kìm đầy cơn khát.
Con vịt có chết đâu mà tôi buồn tôi hát?
Để cá lìm kìm cắn mãi trái tim tôi!

 

Một luồng cảm xúc bất chợt nổi dậy trong tôi, chẳng khác nào một luồng điện xẹt ngang qua vậy!

 

Mở đầu vẫn là những hình ảnh “Con vịt chết chìm” và “Con cá lìm kìm” thân quen, xa xưa ấy, nhưng tác giả không nói về một cô bé nhõng nhẽo mẹ, mà khéo léo dùng chúng như một cách “nhập đề ngẫu hứng,” để nói về một hình ảnh, một câu chuyện khác: Hình ảnh một con mương xưa đầy nước, với những chú cá lìm kìm bơi lội nhởn nhơ, mơ màng… cắn khúc ca dao (!) Ý tưởng cá lìm kìm mê ca dao thật là đặc sắc vậy!

 

Con mương nhỏ mỗi chiều tôi nghịch nước
Chú cá lìm kìm đang cắn khúc Ca Dao.

 

Bất chợt, mạch thơ chuyển gắt sang “chuyện đời tang thương, dâu bể,” do quy luật của tự nhiên (lá tre rụng) hoặc do sự vô tâm, hoặc thiếu quan tâm của con người mà giờ đây con mương nhỏ nên thơ ấy đã dần dần cạn nước.

 

Mười năm qua không ai đắp ai đào
Lá tre rụng con mương sâu thành cạn!

 

Hậu quả là những con cá lìm kìm ngày xưa ấy giờ đã đi xa, không về con mương ấy nữa.

 

Chú cá lìm kìm giờ đây bỏ bạn
Trôi giạt phương nào theo lời mới dân ca.

 

Chuyện tang thương dâu bể nào cũng buồn cả, đặc biệt với những tâm hồn sâu lắng, thì cái buồn sẽ mênh mang vô tận, dẫu chỉ là cái hình ảnh tượng trưng “con mương đầy, khô cạn.” Tâm sự của người trở về đứng trước con mương cạn, vắng bóng cá lìm kìm mới thắt lòng làm sao:

 

Chiều nay buồn tôi trở lại quê nhà
Tay khỏa nước gọi lìm kìm đâu hỡi?!
Mười năm nữa con mương thành lộ mới
Mẹ tôi rồi phải quét lá tre rơi!

 

Đưa được hình ảnh người mẹ già còng lưng quét lá tre rơi vào đây thật là tinh xảo! Chính câu này đã làm sâu lắng thêm, gợi cảm hơn cho toàn bài thơ vậy!

 

Đặc biệt, nỗi buồn mênh mang của tác giả hiện hữu không chỉ lúc đối diện con mương, mà sau này, khi đi xa rồi, nỗi buồn ấy vẫn trầm trầm đeo đẳng:

 

Tôi trở về nhớ mãi nước mương vơi
Những mắt cá lìm kìm đầy cơn khát.

 

Đến 2 câu kết lại càng ảo diệu hơn, tác giả trở lại với hình ảnh con vịt, và cá lìm kìm nhập đề, để kết một cách độc đáo:

 

Con vịt có chết đâu mà tôi buồn tôi hát?
Để cá lìm kìm cắn mãi trái tim tôi!

 

 

Hàn Sĩ Nguyên

 

>>> 

 

*** Hai Bài Đọc Thêm (BONUS) – by Trần Văn Giang

 

Bài 1

 

Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa

 

 

Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa,

Có nàng Tô thị, có chùa Tam Thanh.

Ai lên xứ Lạng cùng anh,

Tiếc thương bác mẹ sinh thành ra em.

Tay cầm bầu rượu, nắm nem,

Mải vui quên hết lời em dặn dò.

Gánh vàng đi đổ sông Ngô,

Đêm nằm mơ tưởng như mò sông Thương.

Vào chùa thắp một nén hương,

Miệng khấn tay vái bốn phương chùa này.

Chùa này có một ông Thầy,

Có hòn đá tảng, có cây ngô đồng.

Cây ngô đồng không trồng mà mọc,

Rễ ngô đồng rễ dọc rễ ngang.

Quả dưa gang trong vàng ngoài trắng,

Quả mướp đắng trong trắng ngoài xanh.

 

 * Các Dị bản:

 

1.

Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa,
Có nàng Tô Thị, có chùa Tam Thanh.
Ai lên xứ Lạng cùng anh,
Tiếc công bác mẹ sinh thành ra em.
Tay cầm bầu rượu nắm nem,
Mảng vui quên hết lời em dặn dò.
Gánh vàng đi đổ sông Ngô,
Đêm nằm tơ tưởng đi mò sông Thương.
Vào chùa thắp một nắm hương,
Miệng khấn tay vái bốn phương chùa này.
Em đi tìm bạn anh đây,
Bạn thấy em khó bạn nay chẳng chào.

 

2.

Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa,
Có nàng Tô Thị có chùa Tam Thanh.
Em lên xứ Lạng cùng anh,
Bõ công bác mẹ sinh thành ra em.
Tay cầm bầu rượu nắm nem,
Khi vui quên hết lời em dặn  dò.

Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa,
Có nàng Tô Thị có chùa Tam Thanh.
Ai lên xứ Lạng cùng anh,
Tiếc công bác mẹ sinh thành ra em.
Tay cầm bầu rượu nắm nem,
Mải vui quên hết lời em dặn dò.
Gánh vàng đi đổ sông Ngô,
Đêm nằm tơ tưởng đi mò sông  Tương.

 

3.

Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa,
Có nàng Tô  Huệ, có chùa Tam Thanh.
Ai lên thú Lạng cùng anh,
Tiếc công bác mẹ sinh thành ra em.
Tay cầm bầu rượu nắm nem,
Mảng vui quên  cả lời em dặn dò.
Gánh vàng đem đổ sông Ngô,
Đêm nằm tơ tưởng đi mò sông Thương.
Lên chùa thắp một  tuần hương,
Chắp tay khấn  vái bốn phương chùa  này.

 

4.

Thứ nhất thời bầu Chi Lăng,
Thứ hai cây khế Đồng Đăng Kỳ Lừa.
Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa,
Có nàng Tô  Thị có chùa Tam Thanh.
Em lên xứ Lạng cùng anh,
Tiếc công bác mẹ sinh thành ra em.
Tay cầm bầu rượu nắm nem,
Cơn vui quên  mất lời em dặn dò.
Gánh vàng đi đổ sông Ngô,
Đêm nằm tơ tưởng đi mò sông Thương.
Lên chùa thắp một  tuần hương,
Khấn cùng Trời Bụt, bốn phương chùa này.
Tôi đi tìm bạn tôi đây,
Bạn rày thấy  khổ bạn nay  không chào.
Chắp tay vái lạy con sào,
Nông sâu đã biết, thấp cao đã từng.
Chân đi ba bước lại dừng,
Thương em còn bé chưa từng đi buôn.

 

5.

Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa,
Có nàng Tô Thị có chùa Tam Thanh.
Em lên xứ Lạng cùng anh,
Tiếc công bác mẹ sinh thành ra em.
Tay cầm bầu rượu nắm nem,
Mảng vui quên hết lời em dặn dò.
Gánh vàng đi trả nước Ngô,
Đêm nằm tơ tưởng đi  đò sông Thương.
Vào chùa thắp một  nén hương,
Miệng khấn tay vái bốn phương chùa này.
Tôi đi tìm bạn tôi đây,
Bạn rầy thấy  khó bạn nay chẳng  chào.
Chắp tay vái lạy con sào,
Nông sâu đã biết thấp cao đã từng.
Chân đi ba bước lại dừng,
Thương em còn bé chưa từng đi buôn.
Đi buôn có dáng đi buôn,
Đi buôn cau héo cũng buồn cùng chăng.

 

6.

Thứ nhất thì bầu Chi Lăng,
Thứ nhì cây khế Đồng Đăng Kỳ Lừa.
Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa,
Có nàng Tô Thị, có chùa Tam Thanh.
Chân đi ba bước lại dừng,
Thương em còn bé chưa từng đi buôn.
Đi buôn có dáng đi buôn,
Đi buôn cau héo có buồn cùng  chăng?

 

7.

Cái cò bay bổng bay cao,
Bay qua cửa phủ bay vào Đồng Đăng.
Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa,
Có nàng Tô Thị có chùa Tam Thanh.
Ai lên xứ Lạng cùng anh,
Tiếc công bác mệ sinh thành ra em.
Tay cầm bầu rượu nắm nem,
Mảng vui quên hết lời em dặn dò.
Gánh vàng đi đổ sông Ngô,
Nằm đêm tơ tưởng đi mò sông  Thương.

 

TVG

 

*

 

Bài 2

 

Phân tích 4 câu đầu bài ca dao

“Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa”

 

 

Đây là một trong những bài ca dao hay nhất trong các bài với đề tài ca ngợi cảnh đẹp đất nước. Hai câu đầu giới thiệu Đồng Đăng – mảnh đất địa đầu Tổ quốc với những tên núi, tên phố, tên chùa nổi tiếng xưa nay. Hai câu thơ sau là lời mời mọc du khách lên thăm xứ Lạng. Thoạt nghe tưởng như đây chi là bài ca dao ca ngợi cảnh đẹp quê hương đất nước nhưng đọc kĩ thì thấy nó còn là một bài ca dao về tình yêu đôi lứa. Thông qua việc giới thiệu cảnh đẹp của quê hương, chàng trai bày tỏ tình yêu chân thành, nồng nhiệt mà vẫn hết sức kín đáo, tế nhị của mình.

 

Hai nhân vật anh và em chính là chủ thể và đối tượng trữ tình của bài ca dao này. Ở đây, tình yêu quê hương đất nước và tình yêu đối lứa đã gắn bó hoà quyện làm một và tình yêu đôi lứa giữ vai trò là cảm xúc chủ đạo trong bài thơ:

 

Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa
Có nàng Tô Thị, có chùa Tam Thanh
Ai lên xứ Lạng cùng anh…

 

Điệp từ có được nhắc lại ba lần liên tiếp (có phố, có nàng, có chùa), kết hợp với nhịp thơ dồn dập thể hiện sự hứng khởi cao độ cùng tình cảm gắn bó thiết tha của chàng trai đối với quê hương. Xứ Lạng tuy xa xôi một chút, núi rừng một chút nhưng rất đẹp và rất đáng tự hào!

 

Thiên nhiên nơi đây kì thú hiếm nơi nào có. Phố Kỳ Lừa sầm uất ở bên sông Kỳ Cùng; của ngon vật lạ chẳng thiểu thứ chi. Tượng đá nàng Tô Thị ờ trên đỉnh núi, Thuỷ chung son sắt chờ chồng nắng mưa dãi dầu mấy nghìn năm. Chùa Tam Thanh ẩn sâu trong hang đá, cõi Phật lùi vào chốn u tịch, chỉ nghe thấy tiếng nước từ những nhũ đá nhỏ giọt thánh thót, đếm thời gian, tự ngàn xưa.

 

Xứ Lạng của anh đẹp như vậy đó! Sông núi, phố thị, chùa chiền, danh thắng liên kết với nhau, tạc nên một khung cảnh tuyệt vời khiến cho những văn nhân, tài tử đã từng tới đây đều để trái tim mình rung động thành thơ.

 

Lịch sử giữ nước của dân tộc Việt đã ghi lại bao trang sử anh hùng của người xứ Lạng. Một ải Chi Lăng hiểm trở, một cái tên Quỷ Môn Quan gắn liền với giai thoại thập nhân khứ, nhất nhân hoan (mười người đi chỉ có một người trở về) đã làm khiếp sợ đời đời lũ quân xâm lược phong kiến phương Bắc, cũng đáng tự hào lắm thay! Vậy nên anh tha thiết mời những ai có lòng yêu cái Đẹp, hãy lên xứ Lạng cùng anh!

 

Hai câu ca dao trên không chi nhằm giới thiệu về cảnh đẹp xứ Lạng mà còn là lời bày tỏ tình yêu quê hương thắm thiết của chàng trai. Đúng là có cả hai ý ấy nhưng đó mới chỉ là cơ sở và điều kiện, còn nguyên nhân và mục đích của sự giới thiệu hào hứng say mê ấy lại thuộc về chỗ khác. Điều này được bài ca dao thể hiện một cách kín đáo, tế nhị:

 

Ai lên xứ Lạng cùng anh,
Bõ công bác mẹ sinh thành ra em.

 

Đại từ phiếm chỉ “Ai” nhiều lần xuất hiện trong ca dao, nhất là trong ca dao tỏ tình. Ai ở đây chính là em, là cô gái được chàng trai tha thiết mời lên xứ Lạng. Cách gọi em bằng “Ai” làm cho đối tượng tỏ tình trực tiếp trở thành gián tiếp, xác định trở thành không xác định. Đây là cái “mẹo” giúp chàng trai tránh được sự đường đột khó nói mà vẫn ngỏ được ý mình và khiến cho cách tỏ bày càng thêm tình tứ.

 

Hai từ bõ công có nghĩa là xứng công, đáng công, khỏi uổng công. Mà công ờ đây là công sinh thành của bác mẹ (cách gọi theo lối xưa – tức là cha mẹ). Theo suy nghĩ của chàng trai, nếu cô gái bỏ lỡ dịp may lên xứ Lạng thì quả là uổng phí!

 

Em hãy lên xứ Lạng cùng anh, cho Bõ công bác mẹ sinh thành ra em – người con gái nết na xinh đẹp mà anh thầm yêu trộm nhớ. Em bên anh, chúng ta sẽ cùng nhau thưởng thức những hương vị lạ lùng của nhiều sản vật bày bán ở phố chợ Kì Lừa sầm uất, cùng thấm thía bài học nghĩa tình thuỷ chung ẩn chứa trong bức tượng nàng Tô Thị bồng con ngóng chồng, cùng lắng nghe cho thấu tận tâm linh cái không khí thiêng liêng của cảnh chùa Tam Thanh u tịch.

 

Xứ Lạng tuy xa xôi nhưng cảnh đẹp, người hùng với nhiều chiến công làm rạng rỡ non sông. Anh tin rằng, nếu có em bên cạnh thì cảnh ấy, tình này sẽ cảng đẹp đẽ, quyến rũ bội phần. Trên quê hương yêu dấu đẹp như gấm như hoa, chúng ta sẽ chung tay xây dựng cuộc đời làm cho sự sống mãi mãi sinh sôi.

 

Quê hương như thế, con người như thế, hỏi làm sao không thương, không quý, không hãnh điện tự hào?! Tất cả cảm xúc trong bài ca dao trên đã kết thành một tình yêu mênh mông, sâu nặng nghĩa tình. Thì ra lời giới thiệu về vẻ đẹp kỳ thú của quê hương xứ Lạng thú vị thay lại là lời tỏ tình say đắm, chân thành của chàng trai với người yêu.

 

Trong thơ ca, ý ở ngoài lời là vậy.

 

 

Tôn Tiền Tử

 

Nguồn:

 

https://www.thivien.net/Ph%C3%A2n-t%C3%ADch-4-c%C3%A2u-%C4%91%E1%BA%A7u-b%C3%A0i-ca-dao-%C4%90%E1%BB%93ng-%C4%90%C4%83ng-c%C3%B3-ph%E1%BB%91-K%C3%AC-L%E1%BB%ABa/reply-sLNZ_ynaysd9vEmsySisuA

 

 

Trần Văn Giang (ghi lại)

.

 

 

 

Má ơi! Con vịt chết chìm – Hàn Sĩ Nguyên

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *