Tản Mạn Về Câu Đối Tết

.

 

*

 

Tài liệu Trung Hoa cho rằng câu đối Tết bắt đầu từ Mạnh Sưởng – vua Hậu Thục đời Ngũ Đại, trong tiết xuân năm Quảng Chính thứ 27 (946?):

 

Tân niên nạp dư khánh

Giai tiêt hiệu trường xuân

 

(Dịch nghĩa:

Năm mới đón nhận điều vui mừng còn dư lại

Tiết lành đặt hiệu là trường xuân).

 

Nhưng người ta cũng coi là câu đối Tết này là câu sấm báo hiệu nhà Tống sắp diệt Hậu Thục và trên thực tế đại triều thần triều Tống là Lã Dư Khánh đã đến đây làm tri phủ Thành Đô. Lại có thuyết khác cho rằng câu đối ra đời sớm hơn vì cùng thời đại với Maạnh Sưởng. Tiến sĩ Hậu Đường Phạm Chất trong thời gian ẩn cư ông bày tỏ căm hận bọn tham quan qua câu đới viết trên quạt giấy:

 

Đại thử khứ hạo lại

Thanh phong lai cố nhân

 

(Dịch nghĩa:

Quan lại tàn bạo đi

Gió mát cố nhân đến).

 

Câu đối đến đời Tống ngày càng được ưa thích, không ít các văn nhân rất chuộng hình thức này như Vương Vũ Xứng, Dương Đại Niên, Yến Thù, Lý Thanh Chiếu, Vương An Thạch, Chu Hy… Đến đời Đường, thơ luật hưng khởi, liên cằm (hai câu 3,4) và liên cổ (hai câu 5, 6) phải theo phép đối.

 

Sách “Kinh Sở tuế thời ký viết khoảng thế kỷ thứ VI về phong tục trong những ngày tuần tiết hàng năm tại đất Kinh Sở thuộc địa bàn Bách Việt trong đó có Lạc Việt là tổ tiên dân tộc Việt Nam, có ghi chép hai tục lệ địa phương về ngày Tết đầu năm. Đó là tục đốt pháo trúc (“trúc bộc,” lấy ống tre nhồi thuốc nổ rồi châm ngòi đốt), và tục treo hai bên cửa ngõ Bùa gỗ đào (“đào phù”) có hình hai vị thần: Thần Đồ và Uất Lũy. Đốt pháo và treo bùa đều nhằm trừ ma quỷ thường đến quấy rối vào những ngày cuối năm và đầu năm. Hai tục lệ đốt pháo và treo bùa này tồn tại mãi về sau này.  Nhưng riêng về “đào phù đến cuối đời Đường Ngũ Đại được thay thế bằng hai vế câu đối dán hai bên cửa, ngoài cổng và trở thành một tên gọi của câu đối xuân (“xuân liên), còn hình “vẽ môn thần thần  Thần Đồ và Uất Lũy vẫn còn, được treo hai bên cửa ngõ, nhiều khi bên cạnh câu đối xuân tức “đào phù,” vẫn còn lưu lại đến nay:

 

Bộc trúc nhất thanh trừ cựu tuế,
Đào phù vạn hộ nhạ tân xuân.

 

(Dịch nghĩa:

Pháo tre một tiếng, xóa năm qua,
Bùa đào muôn nhà gọi xuân mới
.

 

Một tiếng pháo tre xóa trừ tuổi cũ .
Muôn nhà câu đối vẫy gọi xuân về).

 

Câu đối tức cảnh xuân, thường treo ngoài sân hay ngoài cổng, có thể viết trên giấy đỏ:

 

Thục khí huân giai tiết,
Hòa phong phiến tảo xuân.

 

(Dịch nghĩa:

Khí lành ấm áp tiết đẹp,
Gió hòa phây phẩy xuân tươi
).

 

Hơi ấm, gió nhẹ là đặc điểm của xuân sớm, tạo đủ điều kiện cho sự phát triển sức sống muôn loài, hay cảnh nhà điền viên bên dòng nước trong:

 

Cận thủy lâu đài tiên đắc nguyệt,
Hướng dương hoa thảo dị tri xuân

 

(Dịch nghĩa:

Gần làn nước trong, lâu đài trước tiên được ánh trăng,
Hướng hơi dương ấm, cây cỏ sớm biết xuân về
).

 

Nhiều người còn nhắc đến “đối hồi văn” (câu đọc xuôi hay đọc ngược đều có thể giảng được thông) hiếm hoi, xuất hiện vào đời Thanh, kể rằng Kỷ Quân tức Kỷ Hiểu Phong đại học sĩ cùng vua Càn Long chơi trò câu đối. Vua ra một vế “đối hồi văn” như sau:

 

Khách thượng thiên nhiên cư, cư nhiên thiên thượng khách. 

 

(“Thiên nhiên cư” là  một cửa hàng ăn ở Bắc Kinh, và câu này có nghĩa:

Khách lên cửa hàng ăn Thiên nhiên cư, nghiễm nhiên như khách trên trời).

 

Kỷ Quân nghĩ đến Đại Phật tự tại Bắc Kinh liền đối lại:

 

Nhân quá đại phật tự, tự phật đại quá nhân.

 

(Dịch nghĩa:

Có người đến Đại Phật tự, Phật trong chùa lớn hơn người).

 

Người Việt có những câu đối tết về mọi khía cạnh: thiên nhiên, thời tiết, con người và mọi sinh hoạt gần gũi với cuộc sống:

 

Tứ thời bát tiết canh chung thủy,
Ngọn liễu đôi bồ dục điểm trang
.

 

(Dịch nghĩa:

Bốn mùa tám tiết lần lượt đổi thay,
Liễu bờ sông, cỏ bồ gò đất đang muốn điểm trang
.)

 

Tám tiết” chỉ tám tiết chính trong năm, mỗi mùa có hai tiết: Lập xuân, xuân phân; lập hạ, hạ chí; lập thu, thu phân; lập đông, đông chí. Câu trên nói về sự chuyển vận của thời tiết, trước sau nối nhau không cùng, để dẫn ý câu dưới: Nay đến lúc cây cỏ nẩy mầm đâm lộc, tự làm cho đẹp và làm đẹp chung quanh, đó là tiết xuân. Mọi vật chuyển vận không ngừng, niềm vui trước cảnh thay cũ đổi mới đã ánh vào câu đối, đơn giản nhưng bao hàm nhiều ý nghĩa. Về mặt “đối,” bốn chữ đầu ở mỗi vế “tứ thời bát tiết” và “ngọn liễu đôi bồ” không đối chọi nhau từng chữ, khiến mới đầu tưởng rằng đối gượng ép; hay như:

 

“Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ

Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh.”

 

Nhưng đây cũng là trường hợp tương tự với câu “Thịt mỡ dưa hành” đối với “Nêu cao pháo nổ” nói ở trên. Đây là môt trong 6 cách đối mà Lê Quý Đôn đã phân tích trong “Kiến văn tiểu lục” (mục Thiên chương), gọi là “tiểu cú đối (đối cả đoạn câu, không đối từng chữ). Câu trên có 4 chữ đầu đối nhau 2 chữ một (“tứ thời” đối với “bát tiết”), câu dưới cũng vậy (“ngọn liễu” đối với “đôi bồ”). Như vậy một khi luật âm thanh đã được bảo đảm, 4 chữ vế trên coi như đủ điều kiện để đối với 4 chữ vế dưới. Có thế, mới đem được 6 chữ “bát tiết canh, đôi bồ dục” không đối nhau từng chữ và là 6 chữ nêm luồn vào hai vế câu đối chữ Hán và ở vị trí đối nhau. Câu đối thật tài tình, nhất là khi đọc lên vẫn không cảm thấy có chỗ nào gò bó, mà ý nghĩa về mùa xuân, về cảnh đẹp thiên nhiên của mùa xuân như hiện ra trước mắt.

 

Tương truyền Lê Thánh Tôn, ông vua rất chuộng văn học ở thế kỷ XV, một năm gần giao thừa vi hành thăm phố phường Kinh Đô để xem xét dân tình. Vua vui thích thấy hầu hết mọi nhà đều bầy biện trang hoàng cây nêu câu đối đầy đủ. Riêng có một nhà không có câu đối. Vua vào chơi hỏi, biết là nhà thợ nhuộm, vợ góa chồng hành nghề, con trai đi vắng. Vua bèn lấy giấy bút viết hộ câu đối:

 

Thiên hạ thanh hoàng giai ngã thủ,
Triều đình chu tử tổng ngô gia.

 

(Dịch nghĩa:

Xanh vàng thiên hạ đều tay tớ,
Đỏ tía triều đình tự cửa ta
).

 

Tự bàn tay lao động, tự cửa hàng này, đã tỏa ra mọi mầu sắc rực rỡ, làm đẹp khắp gầm trời, và nhất là làm đẹp cả triều đình, nơi tập trung các người quyền quý. Không phải chỉ có thế: “Thanh hoàng” còn chỉ mạ xanh và lúa chín vàng, tức thóc lúa, sản phẩm quý nhất trong một nước nông nghiệp. Quan niệm của phong kiến, mỗi tấc đất trong nước đều là của vua, mọi thóc lúa sản xuất từ đất đều trong tay vua. “Thanh hoàng giai ngã thủ” có thể hiểu “Tự tay ta mà ra,” cũng có thể hiểu “đều ở trong tay ta, thuộc quyền sở hữu của ta,” tức là của vua. “Chu tử” chỉ áo phẩm phục, và theo nghĩa rộng, chỉ người mặc phẩm phục, tức trăm quan trong chiều. “Chu tử tổng ngô gia” có nghĩa “đỏ tía đều từ cửa ta mà ra,” và cũng có nghĩa, “Triều thần đều dưới cửa ta” tức là dưới quyền vua, đúng là “khẩu khí thiên tử.”

 

Vẫn loại câu đối này về nghề nghiệp, một truyền thuyết kể rằng Cao Bá Quát, nhà thơ thiên tài giữa thế kỷ XIX có làm câu đối cho một cửa “hàng sũ”:

 

Thiên thiên tuế nguyệt nhân thiêm thọ,
Xuân mãn càn khôn phúc mãn đường.

 

(Dịch nghĩa:

Trời thêm ngày tháng người thêm thọ,
Xuân đầy trời đất, phúc đầy nhà
).

 

Đúng là câu đối xuân: Thời gian trôi qua, mỗi năm tới thêm năm tháng, người thêm tuổi thọ; xuân về khắp vũ trụ, đem lại hạnh phúc đầy nhà. Câu đối đã khéo dùng chữ cuối 2 vế ghép lại thành từ “thọ đường” có nghĩa là “quan tài” (từ “thọ đường” chữ Hán có nghĩa chỉ huyệt đào sẵn khi người còn sống, chuyển sang tiếng Việt, từ ngày chỉ “quan tài làm sẵn để ở nhà có cụ già,” thường gọi là “cỗ thọ đường”). Liền sau đó, lại một người đàn bà có mang đến xin Cao Bá Quát câu đối xuân cho mình. Ông đã lấy nguyên câu trên, chỉ bớt chữ cuối mỗi vế mà viết:

 

Thiên thiêm tuế nguyệt nhân thiêm,
Xuân mãn càn khôn phúc mãn.

 

(Dịch nghĩa:
Trời thêm ngày tháng, người cũng thêm,
Xuân đầy đất trời, phúc đầy đủ
).

 

Như vậy là đã cắt hai chữ cuối “thọ” và “đường.” Không còn “thọ đường” vì câu đối không còn là của “hàng sũ.” Vẫn là câu đối xuân, và vẫn đầy đủ ý nghĩa, bao hàm ý đón xuân vui và ý chúc tụng đầy đủ, cả trời lẫn người. Nhưng “nhân thiêm” và “phúc mãn” là lời chúc tụng thêm ý tinh nghịch “thêm người, thêm con” và chơi chữ, dùng chữ “phúc” trùng âm với “phúc” là “bụng.” “Phúc mãn” có nghĩa “bụng bầu,” rõ ràng là hợp với người xin câu đối.

 

Niềm vui đón xuân kèm nụ cười đùa rỡn nhẹ nhàng đáng yêu với câu đối của Nguyễn Công Trứ:

 

Chiều ba mươi nợ hỏi tít mù, co cẳng đạp thằng bần ra cửa,
Sáng mồng một rượu say túy lúy, giơ tay bồng ông Phúc vào nhà.

 

Xuân là “Tống cựu nghênh tân” (tiễn cũ đón mới). Ở câu đối trên, xuân trở thành “Tống bần nghênh phúc.” Hành vi xua đuổi càng quyết lịêt thô bạo bao nhiêu, thì hành vi đón tiếp càng trìu mến ân cần bấy nhiêu.

 

Nói đến “Đuổi cũ đón mới,” “Giơ tay bồng ông phúc,” ta không thể không nhớ tới Hồ Xuân Hương đã có một câu đối xuân khá tiêu biểu cho cá tính  chọc trời, hay nói theo ý nay là “ngang chảnh (?)” của nhà thơ “Bà Chúa thơ Nôm”:

 

Tối ba mươi khép cánh càn khôn, ních chặt lại kẻo Ma Vương đưa quỷ tới;
Sáng mồng một lỏng then tạo hóa, mở toang ra cho thiếu nữ rước xuân vào.

 

*

 

Sau đây, mời đọc thêm những bài thơ Nôm vềCây Maicủa vua Lê Thánh Tôn.

 

TẢO MAI (Hoa mai đầu mùa)

 

Vườn xuân dòm dỏ đã chầy ngày

Dễ có Lâm Bô (1) biết được hay                         

Hoa bạc phau phau xâm khí tuyết

Chồi xanh êu ếu (2) lạt hơi may                         

Tỏ tường phòng khách khi đầm ấm

Lau chuốt lòng xuân đoạn đắng cay

Kham hạ (3) điều canh còn để đợi                     

Kẻo (4) còn đào mận những thay lay

 __________

(1) Lâm Bô: đời Tống coi mai là bạn hữu, hạc là người quen.

(2) êu ếu: mơn mởn.

(3) kham hạ: hèn nào; điều canh: pha chế canh.

4) kẻo: khỏi; đào mận: nhân tài; thay lay: lôi thôi.

 

           

 MAI THỤ (Cây mai)

 

Trội cành nam chiếm một chồi

 Tin xuân mãi mãi điểm cây mai

 Tinh thần sáng, thuở trăng tĩnh

 Cốt cách đồng khi gió thôi (1)                            

 Tiết cùng trượng phu thông ấy bạn

 Nết trong quân tử, trúc là đôi

 Nhà truyền thanh bạch dăng từng khối

 Phỉ xứng danh thơm đệ nhất thôi.

 _____________

(1) thôi: ngừng.

 

LÃO MAI (Cây mai già)

 

Dòng dõi Giang Lăng tiếng đã đồn

Già còn hơn nữa thuở còn non

Xuân thêm cốt cách, hương càng bội

Tuyết giúp tinh thần ngọc hãy còn

Kể mặt, hay thông đều bạn tác (1)                     

Theo chân chiếm bảng, những em con (2)        

Tiết là đá sắt thêm khoe muộn

Sực nức danh thơm tiếng chẳng mòn.

___________

(1) bạn tác: bạn tuổi tác.

(2) mai đã chiếm hoa khôi, các hoa khác chỉ là đàn em.

 

 

TQD

 

Trần Văn Giang (ghi lại)

.

Tản Mạn Về Câu Đối Tết – TQD

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *