Sàigòn Của Tôi

.

 

Lời giới thiệu

.
.
Mời quý vị và các bạn đọc một bài viết rất hay và khá đẩy đủ về Sàigòn trước 1975. 
.
.
Sàigòn Của Tôi” – Tác giả Nguyễn Thanh Hoàng. 
.
.
TB:  Sở dĩ tôi rất thích bài viết này vì các chi tiết ghi lại làm tôi cứ tưởng chừng như đã ghi lại kỷ niệm của chính bản thân tôi (!) về Sàigòn trước 1975:  
.
.
  • Tác gỉa cũng xấp xỉ ở tuổi như tôi (chỉ hơn tôi độ vài tuổi). 
  • Gia đình ông ta “di cư” từ Mỹ Tho lên sống ở Sàigòn khoảng 1953-54; trong khi gia đình tôi gốc Bắc cờ di cư từ Hải Phòng vào thẳng Khánh Hội. Sàigòn năm 1954 cho đến khi Sàigòn rơi vào tay csvn tháng 4/1975. 
  • Ở giai đoạn trước 1975, tác giả là hàng xóm của tôi mà tôi không hay? (À!  Lại có chuyện “Thấy người sang bắt quàng làm họ” –  Tác giả cư ngụ ở số 9 Lô C còn gia đình tôi bao năm sống tại số 15 Lô O cư xá Vĩnh Hội Sàigòn). 
  • Sau 1975, tác giả và tôi đều sống lưu vong trên đất Bắc Mỹ. 
.
.
Trân trọng, 
.
.
Trần Văn Giang 
.
.
*

 

 Dừng chân trên bến khi chiều nắng chưa phai.

Từ xa thấp thoáng muôn tà áo tung bay.

Nếp sống vui tươi nối chân nhau đến nơi đây.

Sàigòn đẹp lắm Sàigòn ơi, Sàigòn ơi.

Ngựa xe như nước trên đường vẫn qua mau.

Người xa thăm bến câu chào nói xôn xao..

Phố xá thênh thang đón chân tôi đến chung vui.

Sàigòn đẹp lắm, Sàigòn ơi, Sàigòn ơi…

Sàigòn đẹp lắm, Sàigòn ơi, Sàigòn ơi!

(Y Vân – “Sàigòn đẹp lắm”)

 

Tôi đoán nhạc sĩ Y Vân cảm tác bài “Sàigòn đẹp lắm” khi ông di cư vào tới thủ đô của miền Nam. Ông viết bài nhạc bằng cảm nghĩ chân thật của một người lần đầu tiên đặt chân tới Sàigòn hoa lệ. Ông ghi lại vào ký ức vài hình ảnh bắt mắt: “một chiều nắng chưa phai với muôn tà áo tung bay,” dĩ nhiên là của phái nữ, phố xá thênh thang nhộn nhịp ngựa xe như nước áo quần như nêm. Một nếp sống vui tươi chào đón người di dân mới. Y Vân đã nói giùm cho hằng triệu người di dân khác đến Sàigòn từ khắp nẻo đường đất nước. Thi sĩ Bàng Bá Lân vừa vào Sàigòn cũng yêu thích tâm tình và nếp sống của người Sàigòn và cảnh đẹp miền Nam ngay qua nhiều bài thơ của ông, trong đó có những câu như:

 

Yêu xe thổ mộ xôn xao,

Trên đường khúc khuỷu đi vào miền quê

 

Hoặc:

 

Tôi yêu nắng lóa châu thành,

Trận mưa ngắn ngủi, gió lành hiu hiu.

 

Thật vậy, Sàigòn chợt nắng chợt mưa, phố phường lúc bấy giờ nhộn nhịp với tiếng vó ngựa lóc cóc trên mặt đường nhựa của những chuyến xe thổ mộ lót chiếu chạy các tuyến lộ trình Sàigòn ra khắp các vùng ngoại ô. Tôi cũng là dân di cư trong khoảng thời điểm đó. Người di cư đến từ miền Bắc, miền Trung, và họ cũng đến từ đồng bằng sông Cửu long như câu hát Anh từ đồng quê đến; Tôi từ miền cát lên.

 

Sàigòn đẹp lắm! Đúng hay sai? Đẹp hay xấu là tùy theo quan niệm riêng của mỗi người, một câu nghe hoài. Hình ảnh đứa con bao giờ cũng đẹp trong lòng một người mẹ, một câu khác nữa. Nhưng đối với đa số thi nhạc sĩ đã từng gắn bó với Sàigòn, họ ưa thích xem Sàigòn như người tình hơn, vì chỉ có yêu người tình mới đê mê, thắm thiết, mãnh liệt, nồng nàn, da diết, lâu dài, suốt cả cuộc đời. Họ thích gọi Sàigòn bằng một tiếng “Em” rung cảm.

 

Tôi chết nhát, không dám gọi Sàigòn bằng “Em.” Tôi sợ các vong hồn tiền nhân Sàigòn vặn cổ. Họ là những nhà tiên phong khai phá từ xứ Quảng miền Trung gồm các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Đức (Thừa Thiên), Quảng Nam, Quảng Ngãi vào đây lập nghiệp dưới thời các chúa Nguyễn từ đầu thế kỷ thứ mười tám; hoặc là những thuyền nhân người Minh hương (vì thế mới bị gọi là Ba Tàu?) đến từ hai tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây của Trung Hoa (cũng lại Quảng nữa!). Họ là những Ông Lãnh, Bà Chiểu, Thị Nghè, Đỗ Hữu Phương, Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của, Trịnh Hoài Đức, Hui Bòn Hỏa, Nguyễn An Ninh, Lê Quang Định, Võ Tánh, Trương Tấn Bửu, Võ Di Nguy, Cha Cả Bá-Đa-Lộc, v.v…

 

Vong hồn tiền nhân Sàigòn linh thiêng nhứt là Lê Văn Duyệt. Nếu ông không linh thiêng thì tại sao người dân Sàigòn xây lăng mộ ông lớn nhất, tôn thờ ông như một vị thần và hằng năm cúng lễ ông đông nhất để khấn nguyện xin ông phù hộ. Nếu bạn dám vỗ ngực tự hào xưng là dân Sàigòn thứ thiệt thì ít nhứt một lần bạn phải đến viếng thăm lăng Tả Quân Lê Văn Duyệt vào một ngày đầu năm để hái lộc, để bị khói nhang xông cay chảy nước mắt trong lúc chờ người yêu làm một quẻ bói xăm. “Lăng Ông,” “Vườn Ông Thượng,” không cần phải kể tên, người ta cũng biết “Ông” là ai. Cái oai, cái vía của Ông vẫn còn tồn tại mãi mãi trong lòng người dân Sàigòn và đã trở thành bất tử, mặc dầu Ông mất từ lâu lắm, năm 1832.

 

Tuy Sàigòn ngày nay bị đổi tên, nhưng đối với người dân Sàigòn, làm sao ông Hồ Chí Minh được tôn kính bằng ông Lê Văn Duyệt. Là Tổng trấn thành Gia Định dưới triều vua Minh Mạng, dưới trướng còn có đứa con nuôi Lê Văn Khôi gốc người Nùng dũng mãnh, còn có ông Hoành, ông Trấm hầu cận, Lê Văn Duyệt tỏ ra là một nhà hành chánh giỏi tài tổ chức và quản trị, có đủ uy danh và đức độ, ai ai cũng nể vì, kể cả mấy ông vua Cao-Miên thuở đó. Với cây gươm Thượng-phương-kiếm của vua trao cho quyền tiền trảm hậu tấu, ông thẳng tay chém đầu kẻ tội, dù người đó là Huỳnh Công Lý, cha vợ của vua, ông cũng không tha. Ông có công lớn trong việc mở mang bờ cõi, xây dựng và phát triển Sàigòn. Trong khi triều đình Huế khắc khe áp dụng chính sách bài ngoại và bế môn tỏa cảng, ông đón nhận di dân nước ngoài, khuyến khích thương mãi và giao dịch, một mặt duy trì an ninh trật tự xã hội. Ông đáng được gọi là Người Sài Gòn Số Một. Sàigòn thu hút dân tứ xứ đến sinh cơ lập nghiệp kể từ đó và tiếp tục phát triển.

 

Nhưng danh hiệu “Hòn Ngọc Viễn Đông” (La Perle de l’Extrême-Orient / The Pearl of the Far-East) mà Sàigòn có được vào đầu bán thế kỷ hai mươi phải nhìn nhận là do công của người Pháp. Sau khi toàn cõi miền Nam đã trở thành thuộc địa của Pháp vào năm 1859, người Pháp muốn đặt nền móng hành chánh lâu dài nên ra sức canh tân thành phố Sàigòn, thiết kế đô thị theo kiểu mẫu kiến trúc Âu châu trong suốt 80 năm cho đến trước khi Đệ Nhị Thế Chiến. Sàigòn thu hút đầu tư của giới kinh doanh kỹ nghệ Pháp cùng với sự đóng góp của kiều dân gốc Hoa, Ần, Tây Ban Nha, Ý Đại Lợi, Ái Nhĩ Lan, Mã Lai, và nhiều nước khác nữa. Sau khi thực dân Pháp hoàn toàn rút chân ra khỏi Việt Nam vào năm 1954, nhiều công ty tư nhân của Pháp vẫn còn tiếp tục làm ăn ở Sàigòn: Denis Frères, Michelin, B.G.I., Mélia, Bastos, v.v…

 

Tuy cách xa bờ biển gần một trăm cây số nhưng Sàigòn được xem như là một hải cảng có nhiều ưu điểm chiến lược và lý tưởng vì mọi tàu bè viễn dương thời đó đều vào được. Sàigòn cũng mang đầy đủ đặc tính tiêu biểu của những thành phố cảng khác trên thế giới như Marseille, New Orleans, Montreal, Thượng Hải; là nơi dân giang hồ tứ chiến dừng chân. Họ thuộc đủ mọi thành phần, từ những bậc vương tôn công tử lắm bạc tiền cho đến những tay anh chị khét tiếng thuộc xã hội đen, những con buôn thủ đoạn nắm bắt thời cơ làm giàu, ăn chơi hưởng thụ, thích ứng và hài lòng với đời sống mới, xin chọn Sàigòn làm quê hương và gởi nắm xương tàn nơi đó.

 

Hai mươi tám năm qua rồi, tôi chưa nhìn thấy lại Sàigòn; hai mươi tám năm cách trở giữa tôi với thành phố mà nơi đó, tôi đã trải qua lứa tuổi hoa niên thơ mộng và đáng nhớ nhất của cuộc đời mình. Hai mươi tám năm, một nửa phần đời đã qua, dài hơn phần đời còn lại. Hai mươi tám năm sống trên xứ lạ, tâm tư thật nhiều nhớ nhung, vọng tưởng, thật nhiều hồi ức và hoài niệm về thành phố thân yêu đó. Hai mươi tám năm dõi mắt hướng về, lắng tai ngóng đợi, cố thu thập mọi diễn tiến xảy ra nơi vùng đất cũ, nơiõ đã in dấu biết bao kỷ niệm vui buồn.

 

Tôi bước chân đến thành đô Sàigòn lần đầu tiên vào mùa bãi trường và nghỉ hè năm 1950, khi quái kiệt Trần Văn Trạch hay hát “Con chim hòa bình đang đau nặng, Ngày và đêm càng thêm lo lắng.” Thằng bé nhà quê sáu tuổi như bị thôi miên trước Sàigòn hoa lệ, rực rỡ ánh đèn, dập dìu xe cộ. như đi lạc vào trong một thế giới mới lạ của chuyện thần tiên. Phố xá thênh thang đón chân tôi đến chung vui. Sàigòn đẹp lắm, Sàigòn ơi, Sàigòn ơi! Suốt mấy tháng cuối hè năm ấy, tôi mải mê tiếp nhận những kinh nghiệm mới mẻ, đẹp đẽ và hấp dẫn đầy những hình ảnh và âm thanh quyến rũ, quyến rũ đến nỗi tôi quên cả nhớ nhà, nhớ bà ngoại, nhớ mẹ và đứa em nhỏ. Quyến rũ đến nỗi ba tháng trôi qua một cái vèo, và đã đến lúc tôi phải từ giã Sàigòn lần đầu tiên trong bịn rịn luyến tiếc. Không luyến tiếc làm sao được khi tôi đã được chiêu đãi như một hoàng tử bé trong suốt quãng thời gian đó. Tôi chỉ có vui chơi, dạo xem các thắng cảnh của thành phố, ăn ngon mặc đẹp, và tham dự vào những thú tiêu khiển giải trí thời thượng của cả người lớn nữa.

 

*

 

Lúc bấy giờ tôi chưa hiểu lý do tại sao tôi lại được cha tôi cưng chiều như vậy và tôi cũng chẳng cần đi tìm một sự giải thích. Mãi về sau, khi đã trưởng thành thêm, tôi mới biết rõ được đầu đuôi sự việc. Tôi xin kể sau đây.

 

Vì lý do an ninh và kinh tế, cha tôi một mình rời quê Mỹ Tho lên Sàigòn tìm công ăn việc làm, trong khi mẹ tôi và anh em tôi ở lại quê ngoại. Ông tìm được việc ngay, thư ký kế toán cho Nhà Đèn Chợ Quán, tức nhà máy điện của Đô thành. Thỉnh thoảng ông đáp chuyến xe lửa Sàigòn-Mỹ tho (dài bảy mươi hai cây số, mất hai tiếng rưỡi đồng hồ) về quê thăm gia đình, mang theo nhiều quà cáp cho tất cả mọi người trong nhà, thường là các loại kẹo bánh Pháp như Chocolat Nestlé ổ chim, bánh hộp Bisquit, Lu, bơ Bretel, fromage La Vache Qui Rit con bò cười. Hè năm đó, ông không về mà chỉ nhắn tin gọi tôi lên thăm ông. Ông thu xếp với một người quen làm tài xế xe hàng chở dừa cho tôi quá giang lên Sàigòn, xong ông đến vựa bán dừa của người quen ở Chợ Cầu Muối đường Kitchener (sau nầy là đường Nguyễn Thái Học) đón tôi về nhà trọ ở khu Nancy (Chợ Quán). Đó là lần đầu tiên tôi đi xe điện chạy tuyến đường Sàigòn-Chợ Lớn dài sáu cây số và cũng là tuyến đường xe điện độc nhất của thành phố Sàigòn. Sau khi đã định cư ở xứ cờ lá phong, trong mấy năm cuối của thập niên 70, tôi đi làm mỗi ngày trên đường Queen St., thành phố Toronto, cũng bằng xe điện “streetcar,” y như hai mươi tám năm trước đó ở Sàigòn.

 

Về đến nhà trọ, cha tôi giới thiệu tôi với một phụ nữ trẻ khoảng độ hai mươi tuổi, bảo tôi gọi là Dì Ngân. Dì Ngân là người thành phố, tuy không đẹp lắm nhưng tánh tình dạn dĩ, tự nhiên, tự tin, hoạt bát, vui vẻ. Dì gọi tôi bằng con nghe ngọt xớt, xoa đầu tôi, cặp cổ tôi, bẹo má tôi, xem tôi như một món đồ chơi. Dì chăm sóc tôi chu đáo, mua sắm quần áo, giầy dép mới cho tôi. Dì nấu ăn khéo, làm cơm ngon, mua thức ăn đắt tiền như tôm càng rim, thịt bò xào dưa cải, canh nấm đông cô. Dì Ngân có một người chị làm đào cải lương cho đoàn hát Hoa Sen của Bảy Cao, cứ vài ba đêm lại dắt tôi di coi cải lương ở rạp hát Nguyễn Văn Hảo trên đại lộ Gallieni (đường Trần Hưng Đạo sau này). Vãng hát, cha tôi và Dì Ngân còn dắt tôi đi ăn “xíu dề,” cữ ăn khuya theo thói quen của người Tàu Chợ Lớn, ở “La-Cai” (Lacaze, tức đường Nguyễn Tri Phương), thường là món cháo hoa ăn kèm hột vịt muối hoặc hột vịt bắc thảo ở một quán người Tàu, rồi mới về nhà.

 

Những ngày cận Tết Trung Thu, tôi được dắt vô Chợ Lớn dạo phố, mua bánh, mua đèn. Cuối tuần, cha và dì dắt tôi đi dạo vườn “Bờ-Rô” (do chữ Pháp “Pelouse,” sân cỏ, theo như sự giải thích của nhà văn Sơn Nam trong quyển bút ký “Người Sài Gòn”), tức Vườn Tao Đàn, coi người ta chơi “Boules” (học giả Vương Hồng Sển trong tác phẩm “Sàigòn Năm Xưa” gọi môn chơi thể thao nầy là “quần lăn”), một trò chơi thảy những trái banh bằng sắt cỡ vừa lòng bàn tay. Lúc khác nữa, tôi được dắt đi bát phố Catinat, Charner, Bonard (các đường Tự Do, Nguyễn Huệ, Lê Lợi sau nầy), xem phòng trưng bày xe hơi ô tô có các hiệu Citroën, Peugeot, xem xi-nê, ăn kem, mua bánh kẹo Pháp (Thật không ngờ năm mươi năm sau, ngày nay tôi vẫn còn mua fromage hiệu La Vache Qui Rit ăn lai rai). Còn nữa, tôi được dẫn vô khu giải trí Đại Thế Giới ở Chợ Lớn, Kim Chung ở Sàigòn coi thiên hạ cờ bạc, Trường đua Phú Thọ coi đua ngựa và coi thiên hạ đánh cá ngựa, người nào thua cháy túi thì coi như bị ngựa đá.

 

Một tình yêu mến như lời hát câu ca.

Để lòng thương nhớ bao ngày vắng nơi xa.

Sống mãi trong tôi, bóng hôm nay sẽ không phai.

Sàigòn đẹp lắm, Sàigòn ơi, Sàigòn ơi.

 

Sàigòn một thời được tặng cho danh xưng “Hòn Ngọc Viễn Đông” kể cũng không ngoa. Tuy Sàigòn không đồ sộ bằng những thành phố lớn ở Bắc Mỹ, không cổ kính bằng những thành phố ở Âu Châu, nhưng Sàigòn duyên dáng mỹ miều với những con đường rợp bóng cây, những công trường ngã năm, ngã sáu, ngã bảy đầm ấm nhộn nhịp, những dinh thự, phố xá và nhà ốc có nét kiến trúc yêu kiều. Sàigòn có một nền kinh tế phồn thịnh, nằm sát vựa lúa trù phú miền đồng bằng sông Cửu Long. Bến cảng Sàigòn có hải xưởng bảo trì và chỉnh trang tàu bè, là cửa ngõ mậu dịch với thế giới, là trạm tiếp vận cho hai nước Cao Miên và Lào. Tuyến đường hỏa xa dự định nối liền Sàigòn-Nam Vang chỉ mới thực hiện đoạn đầu đến Mỹ Tho đã phải bị đình chỉ khi sự vận chuyển bằng xe hàng dễ khả thi hơn và đường hàng không lần lượt phát triển mạnh mẽ. Tâm tình người Sàigòn xề xòa, không quá bon chen đua đòi, có làm có ăn, cầu vừa đủ xài và luôn luôn mở rộng tấm lòng đón nhận dân mới đến.

 

Sau khi đã trở lại làng quê Long Bình Điền, quận Chợ Gạo để bắt đầu năm học mới, tôi tỉnh bơ nói ra cảm nghĩ thật của mình về cha tôi, về cô tình nhân của ông là Dì Ngân, về những ngày vui của tôi ở Sàigòn. Tôi nào biết điều đó đã làm cho mẹ tôi, ngoại tôi buồn lòng rất nhiều. Mỹ Tho cách Sàigòn chỉ có 72 cây số, sự giao-thông thuận tiện, có xe lửa, xe đò, xe lô chạy suốt ngày, tuy gần mà xa. Hèn chi tôi hay nghe cha tôi ngâm nga mấy câu thơ:

 

Cúc mọc bờ ao kêu bằng cúc thủy,

Chợ Sài Gòn xa, chợ Mỹ cũng xa.

Viết thơ thăm hết nội nhà,

Trước thăm phụ mẫu, sau là thăm em.

 

Hoặc:

 

Mười giờ tàu lại Bến Thành,

Xúp-lê vội thổi, bộ hành xôn xao.

 

Tôi cũng hay nghe mấy câu hát ru con:

 

Đèn Sài Gòn ngọn xanh ngọn đỏ,

Đèn Mỹ Tho ngọn tỏ ngọn lu.

Anh về anh học chữ nhu,

Chín trăng em đợi, mười thu em chờ.

 

Học “chữ Nhu,” phải chăng ý nói hiền bớt lại, đừng nóng nảy cộc cằn, đừng mắng chửi em, đừng bạt tai em; hay “chữ Nhu” do “chữ nho” nói trại ra (?), điều nầy hoàn toàn tôi không được rõ.

 

Tôi lên Sàigòn lần thứ nhì để định cư luôn vào cuối năm 1953 cùng với mẹ và em tôi. Tôi định khoe với đứa em trai chiếc xe điện chạy trên đường rầy, ở trên mui có cái đuôi dài móc dính lên giây điện, mỗi lần xe chạy, cái đuôi xẹt ra ánh sáng nghe lạch tạch. Nhưng xe điện đã bị dẹp mất tiêu! Cha tôi mua một căn nhà trong hẻm 192 đường Đề Thám cho gia đình ở, đồng thời vẫn duy trì “phòng nhì” với Dì Ngân trong khu Nancy. Lúc ấy cha tôi bắt đầu làm việc cho ngân hàng Banque Franco-Indochinoise trên đường Boulevard de la Somme (đại lộ Hàm Nghi); ông có sắm một chiếc xe Mobilette để đi làm mỗi ngày ở Chợ Cũ. Sau đó khá giả hơn nhờ có cao trào chuyển ngân qua Pháp, cha tôi sắm một chiếc xe hơi hiệu Fiat của Ý để đi chơi xa, về quê Mỹ Tho hái mận hồng đào, đi tắm suối Trị An ăn canh chua lá vang, tắm biển Gò Công ăn gột vịt lộn, biển Vũng Tàu, Long Hải, đi Đà Lạt đồi thông, Nha Trang cát trắng, Ban Mê Thuột đất đỏ.

 

Xóm 192 Đề Thám là một xóm lao động, đa số dân cư trong xóm là phu phen, thợ thuyền, bạn hàng buôn bán lẻ. Cha tôi nằm trong thiểu số có ít vốn liếng chữ nghĩa, đi làm mặc áo “sơ mi” trắng, ôm cặp-táp, nên được lối xóm kêu bằng thầy Tư, vì mẹ tôi thứ tư. Nhà trong xóm là nhà dãy san sát nhau, trệt, lầu lẫn lộn, có một vài gia đình người Tàu sống hòa thuận với chòm xóm người Việt.

 

Xóm lao động dĩ nhiên là đông đúc và ồn ào, suốt ngày nghe đủ loại những tiếng rao hàng. Một ông Tàu không rành rẽ tiếng Việt, đầu đội một cái nia lớn, vai đeo khung chân ghế xếp cất tiếng rao: “Bánh bò bánh tiêu bánh bò. Dầu-chá-quải bánh bò. Bánh bò lá dứa nước dừa. Mại dô mại dô.” Một ông Tàu khác gánh cần-xé đi mua đồ lạc-xon rao: “Ve chai. Ai có xoong nhôm nồi đồng hư bể bán hôn?”  Một ông Tàu khác mặc áo có nhiều túi rộng phình, đi tay không rao: “Vàng vụn bạc vụn bán hôn? Răng vàng hư, đồng hồ bể bán hôn?”  Có ông gánh nồi nước bốc khói, tiết kiệm lời rao, hoặc ngượng nói tiếng Việt không rành, chỉ lắc một cái trống nhỏ nghe lung tung, người ta cũng biết ngay đó là ông thợ nhuộm. Ông mài dao thì quơ một xâu dài có nhiều miếng sắt móc dính với nhau; khi quơ? phát ra tiếng kêu reng rẻng. Hai cha con ông bán mì thì chỉ cần gõ thanh gỗ “cắc cụp.” Vui nhất là ông Tàu bán thuốc trừ gián, chí, rệp: “Thuốc chí trừ chí, thuốc rệp trừ rệp.” Một lần người ta hỏi mua một gói thuốc trừ rệp, ông Tàu lục túi dết kiếm một hồi rồi lấy đưa ra. Người mua thắc mắc, “Sao tui mua thuốc rệp mà ông đưa thuốc chí?” ông Tàu đáp tỉnh bơ: “Thuốc chí chừ dệp cũng lược mà hầy lớ!”

 

Người Việt bán hàng rong ít khi di chuyển mà chỉ thích quây quần lại một chỗ nhất định ở đầu hẻm, trước trường học, trước rạp hát, là những nơi có đông người qua lại. Số người đi dạo vào tận xóm trong qua từng nhà có một chị bán chè với tiếng rao trong trẻo lảnh lót: “Ai ăn chè bột khoai nước dừa đường cát hôn?” Nghe êm tai vô cùng. Ngoài ra còn có một chị bán sương sa hột lựu, một bà xỏ lỗ tai, một bà cắt lể, một ông giác hơi, một ông đấm bóp và mấy chú nhỏ bán cà-rem cây mang trên vai cái bình thủy nặng nề. Một cây cà-rem béo ngon lúc bấy giờ giá chỉ có năm cắc bạc và một tô hủ tiếu hai đồng. Những người bán dạo nầy dần dần giải nghệ hoặc cải tiến theo thời gian, theo sự biến đổi của luật tuần hoàn và theo sự đào thải của luật cung cầu.

 

*

 

Hằng ngày, tôi đi học ở Trường Tư thục Tiên Long, đường Cô Bắc cho đến hết lớp Đệ Tứ; sau đó học tiếp các lớp đệ tam, nhị, nhất Trường Hưng Đạo của thầy Nguyễn Văn Phú (Cống Quỳnh), Trường Trường Sơn của thầy Nguyễn Sỹ Tế (Lê Văn Duyệt), trường dạy Anh ngữ của thầy Trần Việt Anh (Đinh Tiên Hoàng, Đakao). Tôi đi học ở Sàigòn trong mười một năm liền, rớt tú tài một mấy keo, tú tài hai thêm mấy keo nữa vì ham mê văn nghệ hơn là ham học các môn toán, lý hóa, vạn vật. Sư tổ chuyên trị thi rớt là Trần Tế Xương (1869-1907) thi hương tám lần mà vẫn rớt có phán rằng:

 

“Mai không tên tớ, tớ đi ngay.

Giỗ tết từ đây nhớ lấy ngày.”

 

Tội nghiệp ông Tú Vị Xuyên sinh bất phùng thời, có bằng tú tài mà không có Trường Võ Bị Thủ Đức để mà kiếm cái lon chuẩn úy le lói chơi, đành sống trong cảnh nghèo, làm thơ chua và mất sớm. Thi rớt, làm đúng theo lời sư phu, tôi đi ngay thật. Tôi đi ngay vào rạp hát xuất “permanent” ngồi suốt buổi sau khi không thấy tên mình trong danh sách thí sinh trúng tuyển. “Vui chi khi chàng trai hỏng thi, Khóc như cô thiếu nữ lúc bước đi về nhà chồng.” Tôi đâu có khóc, mà cũng không thể khóc như cô dâu về nhà chồng. Cô dâu buồn trong chốc lát rồi sẽ được vui nhiều, chớ người trượt vỏ chuối ở trường thi thì “buồn vào hồn không tên, thức giấc nửa đêm, thấy buồn sao là buồn!

 

Những ngày nghỉ (nhiều lắm!), tôi lội nát quận Nhì, quận Nhứt, lan lên tới quận Ba. Những con đường Hồ Văn Ngà, Nguyễn Văn Sâm, Lefèvre, Yersin, Calmette của quận Nhì, tôi lội bộ qua đó đều đều để bắn me bằng giàn ná thun, để ăn vặt bò viên, bánh ướt tôm khô chả lụa, gỏi đu đủ bò kho, bò bía, phá lấu, mực luộc. Tôi đi coi “xiné” ở các rạp Khải Hoàn, Thanh Bình, Rex, Kinh Đô, Vĩnh Lợi, Lê Lợi, Majestic, Long Phụng, Casino Sàigòn, Moderne Tân Định. Gần nhà nhất là rạp Đại Quang ngay đầu hẻm 192 Đề Thám; Nhưng tôi chê vì rạp nầy chuyên hát phim Tàu, xem mặt cô đào Lý Lệ Hoa mãi củng chán. Xa hơn chút nữa có rạp hát Đại Nam trên đại lộ Trần Hưng Đạo. Rạp nầy xịn lắm, với màn ảnh “đại vĩ tuyến,” ghế nệm và có máy lạnh đàng hoàng. Đường Cô Giang gần Chợ Cầu Muối có rạp Diên Hồng, bên Bến Vân Đồn thuộc quận tư có rạp Nam Tiến tệ hệ quá, nước đái khai rùm, chỉ đi coi một lần là dội ngược, không trở lại lần thứ hai.

 

Thuở đó tôi mê coi phim chiếu bóng lắm. Phim Pháp chẳng có bao nhiêu, tôi chỉ nhớ phim “Khỉ Đột Xin Chào – Le Gorille Salue Bien” do tài tử Lino Ventura đóng, một số phim khác có hề “mặt ngựa” Fernandel , có kép đẹp Alain Delon, có các đào đẹp Catherine Deneuvre, Claudia Cardinale, Brigitte Bardot, v.v…  Đa số là phim Mỹ với các tựa phim bằng chữ Pháp mới tức cười, chẳng hạn như “Le Soleil Se Lève Aussi – Mặt Trời Vẫn Mọc,” “Vallée de la Mort – Thung Lũng Tử Thần,” “L’Auberge au Sixième Bonheur – Quán Trọ Lục Phúc,” “L’Homme au Colt d’Or Dũng Sĩ” – Súng Bá Vàng,” “Le Pont de la Rivière Kwai – Cầu Sông Kwai,” “Bonjour la Tristesse – Buồn Ơi Ta Chào Mi,” “Le Jour le Plus Long – Ngày Dài Nhất,” v.v…

 

Tôi cũng mê coi cải lương nữa, thành thử ra học dốt là phải! Rạp Nguyễn Văn Hảo ở ngay góc đường Trần Hưng Đạo với Đề Thám, rất gần nhà, tôi đi bộ không đầy mười phút, là rạp tôi coi thường trực. Rạp nầy thiết kế bên trong theo kiểu hí viện Âu châu, cũng có hai từng “balcon” hình vòng cung, hai đầu vòng cung có các khu ngồi ngăn riêng cho khách xộp. Hai tuồng cải lương “Đoàn Chim Sắt” và “Mộng Hòa Bình” của đoàn hát Hoa Sen diễn cả tháng, tôi xem không biết là mấy lần. Tôi mê sự mới lạ của kỹ thuật điện ảnh, ánh sáng, âm thanh, cơ giới, mà ông bầu Bảy Cao với đầu óc sáng tạo, tiên phong đem áp dụng vào sân khấu cải lương. Tôi khoái coi ông thợ vẽ “affiche” bằng bột màu ngồi khòm lưng làm việc ngay một góc trước rạp. Về nhà, tôi cũng bắt chước kẻ ô vuông một tấm hình trong tạp chí rồi “cọp-py” lại trên một tờ giấy trắng lớn hơn.

 

Sau rạp Nguyễn Văn Hảo là “Ngã Tư Quốc Tế” góc đường Đề Thám và Bùi Viện, một khu vực thân thiết của giới nghệ sĩ, là nơi gặp gỡ của các ông bầu, soạn giả, họa sĩ vẽ phông, ký giả săn tin, và các tay làm áp-phe văn nghệ… Gọi đó là Ngã Tư Quốc Tế cũng xứng đáng, vì chỉ trong vòng tròn với đường bán kính vài cây số, có ba rạp hát cải lương và bốn rạp chiếu bóng thường tổ chức đại nhạc hội thi ca vũ nhạc kịch vào dịp cuối tuần hoặc vào những ngày lễ lớn. Đại nhạc hội nào càng có nhiều hề, tôi càng khoái đi xem. La Thoại Tân bô trai giả bộ anh khờ ngây thơ, Túy Hoa xí xọn, Thanh Việt chuyên đóng vai đầy tớ, Thanh Hoài hiền ngoan vô tư, Khả Năng chàng ngốc vai u thịt bắp, Tùng Lâm mỏ chuột ma lanh, Xuân Phát lên mặt dạy đời, Hoàng Mai nổi nóng gây sự, Phi Thoàn õn ẹo như lại cái, Văn Chung cười “băm lăm con dê” hết xẩy. Nằm lọt trong cái vòng tròn đó là đường Bùi Viện, nổi tiếng là nơi tập trung những quán nhậu thuần túy đặc sản quê hương, và một quán cơm bình dân “tự phục vụ” (self-service) theo kiểu một “cafeteria” nằm ngay góc đường của ngã tư. Cuối Đề Thám về hướng Bắc là ngã ba đường Phạm Ngũ Lão, bản doanh của nhiều tòa soạn nhật báo, tuần báo, tạp chí. Phía bên kia đường rầy xe lửa là đường Lê Lai với rạp Thành Chung của đoàn Kim Chung, với nhiều cửa hàng cung cấp nhiều mặt dịch vụ khác nhau. Bến xe đò đi lục tỉnh Nguyễn Cư Trinh, Ga Xe Lửa và Chợ Bến Thành cũng nằm trong vòng tròn đó.

 

*

 

Suýt soát hai mươi năm sống ở Sàigòn, tôi hay la cà ở cái ngã tư đầy cám dỗ nầy. Ban đầu, tôi mê mẩn những giọng hát lời ca ngọt ngào như mía hấp hoặc tài diễn xuất lôi cuốn như nam châm của Út Bạch Lan, Thành Được, Thành Công, Kim Cương, Ngọc Giàu, Văn Chung, Ngọc Nuôi, Việt Hùng, Bích Thuận, Bích Sơn, Bạch Tuyết, Hùng Cường. Dần dần, tôi mơ mộng một thần tượng Thanh Nga tài sắc vẹn toàn. Tôi đã từng lén ra hậu trường để coi Thanh Nga sắm tuồng, thoa son dồi phấn. Đám tang của nghệ sĩ Năm Nghĩa, thân phụ của Thanh Nga, diễn ra trên đại lộ Trần Hưng Đạo, tổ chức lớn lắm, người đi rất đông, tôi cũng có xem. Dĩ nhiên sau nầy khi đã vào lính và đã lập gia đình, tôi chỉ còn mơ mộng đến Ngã Tư Quốc Tế qua hình ảnh mấy món nhậu gà xối mỡ, cua rang muối, bò lúc lắc, lươn um xả, đùi ếch chiên bơ, tôm gỏi ngó sen, đầu cá hấp, và mấy chai bia 33, bia con cọp mà thôi.

 

Đại lộ Trần Hưng Đạo là một trong những con đường huyết mạch, là trục giao thông chính nối liền Sàigòn với Chợ Lớn. Lề đường hai bên rất rộng, được che mát bởi hai hàng cây cao vút, thân to lớn, thẳng đứng, nhánh xòe mang nhiều trái có hình thù giống dái ngựa (?) nên cây bị đặt luôn cho cái tên khó nghe đó. Nghe vậy mà không phải vậy, vì theo tôi nhận thấy, thành phần nào của loại cây nầy cũng dễ thương hết. Tôi đã từng say sưa ngửa mặt dang tay hứng đón những cơn mưa hoa vàng đổ xuống trong khi gió lay lá reo xào xạc. Đến mùa trái khô, những trái hình quả lê hay quả bơ màu nâu láng năm cánh nở bung ra rớt xuống lề đường, tức thì cả đống hột có cánh đơn đồng loạt bay, vừa bay vừa quay mòng trông giống như một màn đổ bộ của đoàn quân nhảy dù lơ lửng trên không. Nhà phố hai bên rất khang trang, sầm uất, có nhiều cơ sở thương mãi, trường học công lập, hí viện, nhà thương, cơ quan chính phủ, giáo đường. Nhà thờ Tin Lành Sàigòn (nằm ngay góc Trần Hưng Đạo / Đề Thám) cũng là nơi tôi hay la cà vì ham vui, nhất là vào dịp lễ Giáng Sinh, được nghe ban hợp ca hát liên tiếp nhiều bài êm ả lỗ tai vô cùng (“Đêm đông lạnh lẽo, Chúa sinh ra đời, Chúa sinh ra đời nằm trong hang đá, nơi máng lừa”). Tôi từng vào bên trong thánh đường ngồi chăm chú nghe rao giảng đạo của Đức Chúa Trời, được phát cho mấy tập bài giảng có nhiều hình vẽ rất đẹp.

 

Lễ Quốc Khánh 26/10 hằng năm dưới thời Đệ Nhứt Cộng Hòa nhiều lần được tổ chức trên con đường nầy với khán đài danh dự được dựng lên trước trường nam tiểu học Tôn Thọ Tường. Tiếng trống, tiếng kèn của các ban quân nhạc vang vọng vào tận nhà tôi nghe rất rõ. Bài hát Suy Tôn Ngô Tổng Thống với những câu:

 

Ai bao năm từng lê gót nơi quê người.

Cứu đất nước, thề tranh đấu cho tự do.

 

đã bị bọn trẻ trong xóm tôi sửa lời lại là:

 

Ai bao năm từng lên gối nơi be sườn.

Cú cái cốc ngồi chong ngóc trong cầu tiêu!

 

Sân trường Tôn Thọ Tường rộng lắm, được dùng làm nơi tổ chức hội chợ triển lãm hàng nội hóa mấy lần, có sân khấu và chương trình ca nhạc sống giúp vui. Tôi đã nghe ca sĩ Việt Ần hát bài “Hận Đồ Bàn” ở đấy. Sân trường nữ tiểu học Phan Văn Trị có trồng mấy cây chuối, cả bầy dế cơm làm ổ dưới gốc, tôi bắt mấy chục con cho ông hàng xóm dồn đậu phọng chiên nhậu chơi. Một lần khác, cà cuống bay về ngã tư nầy rất nhiều lúc ban đêm quần theo ánh đèn đường sáng quắc và đâm đầu rớt xuống dưới chân cột điện, tôi lượm đem về cho mẹ tôi nướng để giầm vô nước mắm pha lấy mùi thơm. Trường Phan Văn Trị vào ban đêm biến thành Trường Bách Khoa Bình Dân Học Vụ dành cho học sinh người lớn trau giồi kiến thức văn hóa cho nên nhộn nhịp với đèn đuốc sáng trưng vui lắm.

 

Cạnh rạp hát Đại Nam có lò bánh mì Vạn Kim của người Tàu hầu như mở cửa suốt ngày đêm. Bánh mì ổ kiểu Pháp và kiểu Ý xuất phát từ lò nầy ra nổi tiếng ngon nhứt Sàigòn. Tôi hay ra lò bánh mì nầy mua vài ổ nóng hổi mới ra lò thơm phức đem về ăn với vịt quay, xá xíu mà cha tôi đã mua ở Chợ Cũ. Vừa bước vào cửa và đứng ở quầy đặt hàng và trả tiền, tôi có thể nhìn thấy sau vách ngăn thấp có gắn kính trong suốt bên trên, những người thợ toàn là thanh niên trẻ đang nhanh nhẹn làm việc. Họ làm việc hầu như suốt ngày đêm vì bất cứ giờ nào tôi lội bộ ngang qua đó cũng đều thấy. Họ mặc áo thun trắng, bụng quấn “tạp-dề” (Apron) trắng, đầu đội nón nồi trắng, cả nước da của họ nữa cũng trắng luôn vì dính đầy bột mì và vì luôn luôn làm việc không có ánh nắng mặt trời. Họ làm việc trong im lặng, hai tay cử động lẹ làng thoăn thoắt nhồi nhồi nắn nắn mấy cục bột rồi dùng một cây que thật dài bằng gỗ giống y như mái chèo để đưa bột vào lò gạch, bên dưới lửa than cháy đỏ rực.

 

Xin mời bạn đọc một văn sau đây nói về con đường Trần Hưng Đạo trích trong quyển tùy bút “Thành Phố Trong Hồi Tưởng” của Trần Hồng Châu, bút hiệu của giáo sư Nguyễn Khắc Hoạch, người từng giữ chức Khoa trưởng Đại học Văn khoa Sàigòn trước 1975:

 

“Tôi vốn có duyên với đường Trần Hưng Đạo. Đổi nhà mấy phen vẫn quanh quẩn trong lưu vực của dòng Trường giang thành phố đó. Tôi trầm ngâm nhìn ngoài bản đồ Sàigòn và trong tâm tư để xác định những điểm ‘cao,’ những địa linh rải rác khắp dọc ‘sông.’ Đường Đồng Khánh hay Trần Hưng Đạo nối dài, vùng các khách sạn Đồng Khánh và Thiên Hồng (Arc-en-Ciel) nhất định phải là hẻm Vu sơn, Vu giáp trong Tình sử và Đường thi. Lòng đường bỗng dưng co hẹp lại, nhà cao tầng san sát, rập rình lớp lớp ngựa xe, từng hồi chao đảo, từng hồi nhấp nhô như sóng nước Trường giang bị kẹp chặt giữa hai sườn núi đá chênh vênh. Luôn luôn âm u sương khói phủ, khói phù dung và phạn điếm giống như những nét mịt mùng, đậm nhạt, rất thủy mặc của vùng cao nguyên Tứ xuyên, đầy lam sơn chướng khí và màu sắc u huyền. Luôn luôn chìm trong mênh mông màn khói thuốc lá thơm và hoang tưởng mùi phấn hương của nhạc chiều luân vũ, gần bên những Tân Đào Viên, những Bá Lạc Đài, những Đại Thế Giới của một thuở nào. Đây là nơi đã từng đốt cháy hơn một cuộc đời, đất hứa của những cảm giác lạ, những giấc mơ tình ái có nhiều mây và mưa trong vương quốc của nữ thần huyền thoại. Đây là nơi, đúng như trong những diễm tình tiểu thuyết cổ điển, ta có thể lên ngôi hoàng đế một đêm, để sớm mai lại lủi thủi đi bên lề đường, cô đơn, như một Mại-du-lang đa tình, hay một thư-sinh chưa trọn giấc kê vàng sau buổi lạc đề thi ngoài cửa khuyết.

 

Đi xa hơn nữa tới vùng Nancy, mang tên con gái êm đềm của một vang vọng tình cảm, là đường Cộng Hòa, mà tôi tạm gọi là sông Tương chảy vào Trường-giang.”

 

Tác giả Trần Hồng Châu còn nói rất nhiều nữa (bảy trang giấy) về con đường Trần Hưng Đạo mà ông ví nó như một con sông chính có nhiều nhánh phụ chảy vào. Ông nhắc đến phía “hạ lưu” của dòng sông Trần Hưng Đạo có cái xóm Đề Thám của tôi với rạp hát Nguyễn Văn Hảo, Ngã Tư Quốc Tế, một cách ưu ái. Ông gọi đó là “một vùng Giang, Triết phồn hoa,” “một trong vài tụ điểm của những người đẹp Sàigòn, một trong vài vương quốc của phụ nữ đô thành, của những cái gì đem lại một tấm linh hồn yểu điệu, nồng thắm cho trái tim miền Nam.” Ông khen cái khúc phố tôi ở có nhiều người đẹp, điều đó đúng, vì thằng bé mười mấy tuổi là tôi trong những năm cuối của thập niên 50 đã rong chơi cuối trời quên học làm chứng cho ông. Tôi đoán chắc ông đã nhiều lần lân la ở phòng trà ca vũ nhạc Tháp Ngà (Tour d’Ivoire) nằm cùng một dãy với rạp Nguyễn Văn Hảo. ở đó thì khỏi nói, là nơi tụ họp của bao nhiêu ca sĩ tân nhạc thời danh như Kim Tước, Mỹ Thể, Bạch Yến, Bích Chiêu, Khánh Ngọc, người đẹp, quần áo đẹp, xe hơi đẹp, dân chơi cũng đẹp. Trai thanh và gái lịch nói cười rộn rã. Tiếng kèn “saxophone,” “trombone,” “trompette” từ các cửa sổ trên lầu thoát ra vọng xuống đường mê hoặc. Những bóng đèn đủ màu chớp nháy chạy vòng khung bảng hiệu vũ trường nằm thẳng đứng càng làm cho môi son, má phấn, tóc mây trở nên thêm huyền hoặc. Gió mát của trời đêm thoảng mùi nước hoa “Channel No. 5” mân mê tà áo gợi ngất ngây. Một vùng phồn hoa. Đúng quá phải không Người Tân Định?

 

*

 

Thật ra cái gì cũng có mặt trái của nó. Người ta thường có quan niệm văn chương thì phải hoa mỹ, bàn rộng khai triển mặt tốt và lược bỏ những nét tiêu cực. Thành phố Sàigòn, dẫu mà khó thương, cũng vẫn là thành phố tôi đã lớn lên, đã sống, đã yêu, đã nuôi dưỡng tôi khôn lớn. Những nét xấu của nó không ít, nhất là cái xóm Đề Thám, rồi đến xóm Khánh Hội đã mang tiếng rất nhiều. Hai nơi đó có đầy đủ hết những tệ đoan của xã hội. Đề Thám có đĩ điếm, hút sách, cờ bạc, rượu chè. Vĩnh Hội có du đãng, trộm cướp, đá cá lăn dưa. Đã nói Sàigòn là thành phố có đầy đủ đặc tính của một thành phố bến cảng tất nhiên phải hiểu cái tốt và cái xấu cùng hiện hữu song hành bên nhau. Tôi không ca ngợi cái xấu, nhưng tôi cũng không nhắm mắt chối bỏ sự có mặt của nó. Xã hội nào cũng có mặt phải thắp sáng hào quang và mặt trái bị tránh né bỏ quên. Một thành phố tân tiến ở Bắc Mỹ cũng không ra khỏi ngoại lệ nầy, cũng có khu sang trọng, khu bình dân, cũng có những vấn nạn khó giải quyết và tệ đoan xã hội.

 

Thành phố nước văn minh tân tiến có lường gạt kiểu tinh vi hiện đại; Sàigòn chậm tiến lường gạt kiểu cò con. Dọc theo tường ngăn ga xe lửa Sàigòn đầu đường Phạm Ngũ Lão, vào những năm cuối của thập niên 1950, tôi thấy có mấy người Thượng người Mường, gia tài chỉ có một cái gùi, ngồi xổm bán thuốc dân tộc gia truyền trị bệnh tầm bậy và tà ma. Tôi bị họ níu lại một lần. Tuy nói tiếng Việt không rành bằng một giọng khó nghe, nhưng họ rất kiên trì giảng giải về mức công hiệu của thuốc. Trước hết, họ kêu hoặc ngoắc một khách bộ hành dừng lại rồi làm giọng như thương hại như thế nầy: “Chà! Cậu em đang bị bịnh nặng lắm đó! Da xanh, mặt mụn, cổ ốm cao nhòng! Dương khí đi đâu mất hết! Di tinh, mộng tinh, hoạt tinh, linh tinh! Hay là bị thư bùa ngải gì rồi! Lại đây, lại đây. Tui có thuốc nầy hay lắm! Ma lai trên rừng mà còn phải chịu thua! Có năm đồng thôi. Uống vô bảo đảm một tháng sau là hết! Không hết lợi đây tui trả tiền lại!” Dù trước đó chưa xanh mặt nhưng nghe họ phán xong, tôi cũng phải xanh vì sợ. Định bỏ đi thì bị níu lại: “Tui chỉ muốn cứu người làm vui, nếu cậu không có năm đồng thì trả tui hai đồng cũng được, miễn là cậu hết bịnh!” Thằng nhỏ vốn cả nể nên mất toi hai đồng cho yên thân. Gói thuốc thì quăng luôn xuống cống. Mấy ngày sau đi ngang qua đó thì các thầy thuốc “dân tộc ít người” kia cũng đã chuồn đi chỗ khác! Đọc phóng sự “Hà Nội Lầm Than” của ký giả Trọng Lang, tôi mới biết nơi chốn thủ đô ngàn năm văn vật cũng có mặt những người Mường ngồi vỉa hè xóm Khâm Thiên bán thuốc trị bệnh kín cho các gái nhẩy nghèo.

 

Trên khúc đường Đề Thám giữa Trần Hưng Đạo và Cô Bắc có mấy tiệm may áo dài sát liền nhau, khách hàng thuộc phái đẹp dập dìu. Nhà may Hạnh Dung rất nổi tiếng trong giới nghệ sĩ cải lương. Bà chủ có hai cô con gái tên Hạnh và Dung, trạc tuổi tôi. Tình nhân của bà chủ là nghệ sĩ Thành Công, hay đến đó lắm. Mỗi ngày đi học, tôi bắt buộc phải đi ngang qua tiệm may, chạm mặt hoài. Một lần không biết vì lý do gì, em trai của tôi và em trai của Hạnh và Dung đánh lộn. Bạn trai của Hạnh cũng nhào vô chơi đòn hội chợ. Em tôi chạy về nhà kêu tôi tiếp cứu. Tôi nổi máu anh hùng, quên mất tấm thân ròm, cùng em tôi chạy trở lại chiến trường hỏi tội “bọn côn đồ” và đấm đá một trận với thằng bạn trai đáng ghét của Hạnh. Sau đó tôi mới biết nguyên nhân chỉ vì em tôi đi ngang qua tiệm may và bị bọn chúng chọc ghẹo, em tôi tức quá đáp lại vỏn vẹn hai tiếng “công ngủ,” thế là bị đánh!

 

Tưởng như vậy đã yên, ai dè sau đó ít lâu, một bữa bọn tôi ba đứa gồm có chú Mười tôi, thằng Kiệt em tôi và tôi đi học lội bộ về ngang qua đó, lại có chuyện xảy ra. Ba chị em Hạnh, Dung đi học trường Tây cũng vừa về tới nhà bằng xế hộp Peugeot 403. Hạnh Dung mặc đồ đầm bước xuống xe, tôi mới đưa mắt liếc một cái thì con chó berger từ trong tiệm may phóng ra sủa mừng bọn chủ. Chú Mười tôi (chú út, nhỏ hơn tôi mấy tháng) thích chọc chó hơn là ngó gái nên dậm chân giả bộ gừ gừ. Con chó quay qua, thằng em tôi sợ chó cắn nên chạy, hai chú cháu cũng chạy luôn, thế là con chó chạy theo và ngoạm vô ống giò của tôi một phát rách da chảy máu, báo hại tôi phải nghỉ học ngày hôm sau để cha tôi chở đi viện Pasteur chích ngừa bịnh dại. Tôi bị lụi kim vô bụng cả chục mũi, đau còn hơn chó cắn.

 

Ngã tư Đề Thám – Cô Bắc có hai tiệm nước (bán cà phê, hủ tiếu) chéo góc nhau tây-bắc và đông-nam, góc tây-nam là “phông-tên” nước công cộng, góc đông-bắc có trường tư thục Tiên Long. Trường nầy rất có uy tín, với ban giáo-sư tên tuổi giàu kinh nghiệm, cỡ tuổi ba mươi mấy trở lên, phân nửa đã già. Pháp văn lúc bấy giờ vẫn còn là sinh ngữ chánh; thầy Đồng Văn Nam với dáng người hom hem xổ tiếng Pháp nói với học trò, bắt học trò quỳ gối lia chia nhưng vô cùng tận tụy với nghề nghiệp, luôn luôn tự đánh máy bài giảng (cours) trên giấy “pelure” phát cho học trò. Tôi ngồi gõ “keyboard” bài viết nầy mà hình dung lại cảnh ông phải lụm khụm đánh máy chữ nhiều lần, mỗi lần từng xấp sáu tờ giấy mỏng có lót xen kẽ năm tờ giấy than được dùng đi dùng lại, tôi thấy tội nghiệp cho ông quá. Thầy Hồ Công Mến dạy hóa học cũng là kỹ sư ở Pháp về, đầu tóc bạc phơ, luôn luôn thắt “cravat” mặc “complet” màu ngà giống như một Trần Văn Hương. Thầy Lê Thọ Xuân cao gầy dạy Sử Địa là một học giả vừa dạy học vừa làm quản lý nhà in Maurice in sách cho nhà xuất bản Phạm Văn Tươi nên thân với học giả Nguyễn Hiến Lê, khuyên học trò chúng tôi nên mua cuốn bút ký phóng sự “Bảy Ngày Trong Đồng Tháp Mười” của Nguyễn Hiến Lê mà đọc. Thầy Tư Mã Lộ dạy Việt văn chắc cũng gần sáu chục, mặt đen, mang kính cận dầy, rất ngọt ngào với đám học trò, gọi đứa nào cũng bằng con hết. Thầy Phong dạy Vật Lý tương đối còn trẻ, dáng dấp cao lớn khỏe mạnh. Thầy Đông lai Tây, trắng trẻo, mắt sâu, tóc dợn sóng, dạy Anh văn sinh ngữ hai bằng quyển “L’Anglais Vivant,” sau đó mới đổi qua “English for Today” theo chương trình mới của Bộ Giáo Dục. Thầy Trần Hiếu Trung dạy vẽ phát họa bằng bút chì, thật chậm và thật kỹ, mỗi tuần chỉ có một giờ làm tôi sốt ruột. Tôi chỉ lo kẽ ô hình mấy minh tinh Doris Day, Linda Blair, Vivien Leigh, Debbie Raynold, Audrey Hepburn, Jayne Mansfield, và “cóp-pi” lại bằng màu nước để tặng cho tụi bạn gái trong lớp. Thầy dạy nhạc là nhạc sĩ Văn Lương, tác giả của những bản nhạc Tía Em, Má Em, Anh Đi Giữa Trời Xuân, Thao Thức, Nhìn Theo Xe Hoa, Tiếng Hát Trên Ngàn, Giấc Mơ Không Đến Hai Lần, Tình Không Biên Giới, Người Yêu Của Tôi, Yêu Không Nói, Em Vẫn Là Hoa Khôi Thành Phố, Trăng Với Tuổi Trẻ, v.v… Thầy Văn Lương nhỏ con, vậy mà ông lái một chiếc Harley Davidson đồ sộ, máy nổ rầm rầm, đúng là nghệ sĩ chịu chơi; trong khi những ông thầy khác đi dạy bằng xe tắc xi, xe xích lô đạp, xe Mobilette mà thôi.

 

*

 

Dường như trường Tiên Long là một ổ cách mạng (?), một tiểu tổ đảng phái hay một chi nhánh hội kín làm chính trị, vì cứ lâu lâu lại có một ông thầy biến mất, lâu lâu lại có công an mật vụ xuất hiện ở văn phòng nói chuyện với ông hiệu trưởng rất nghiêm trọng. Một vài thằng bạn trong lớp rõ chuyện nói với tôi là “thầy A, thầy B vô nằm trong Chí-Hòa rồi!” Tôi là đứa vô tư, đầu óc đơn giản, ham chơi hơn ham học, ham làm chuyện nhỏ hơn chuyện lớn, cho nên tôi không mấy quan tâm đến việc làm ngoài lớp học của mấy ông thầy. Lắm lúc nghĩ lại, tôi nhận thấy việc học hành của tôi gặp nhiều lận đận một phần do tôi khăng khăng nghe theo lời khuyên của các thầy. Thầy khuyên tôi theo ban Toán, trong khi tôi chỉ khá các môn sinh ngữ và văn chương, giống như mấy câu thơ Xuân Diệu tự nói về mình trong tập Thơ Thơ:

 

Hãy biết rằng anh lúc ở trường,

Rất tồi toán pháp, khá văn chương.

Chàng trai đi học nghe chim giảng,

Không thuộc bài đâu, ấy sự thường.”

 

Lớp học không có cửa sổ; tôi không có nghe chim giảng. Tôi chỉ mê văn chương thôi. Tôi nghĩ nếu tôi thi ban C từ đầu thì tôi đã đậu. Nhưng tôi đã ngoan cố thi ban B mới trợt vỏ chuối dài dài.

 

Vỏ chuối hay vỏ dưa hấu cùng với đủ loại trái cây khác trong Chợ Cầu Muối lúc nào cũng nhiều, lối đi trong chợ lúc nào cũng lầy lội trơn trợt. Một thằng bạn cùng lớp học dốt hơn tôi sống luôn nơi vựa trái cây trong chợ. Nó tên Các, chị nó tên Anh. Hai chị em học cùng lớp mấy năm đệ lục, ngũ, tứ với tôi. Chị nó có cái mỏ trớt nên nói tía lia, đúng là con gái buôn bán, lanh lợi vô cùng. Thằng Các và chị nó đều ngủ ghế bố. Ba Má nó thì ngủ trên một cái sạp thấp chủm, trên sạp lại có treo một cái võng. Chiều tan học, Các hay rủ tôi theo về vựa nó ngồi ké bên mép sạp đánh cờ tướng ăn củ sắn non, cam, quít, mận, ổi xá lị. Mỗi lần mẹ tôi cần mua trái cây để cúng hoặc ăn tráng miệng, tôi giành mua, ba má thằng Các bán rẻ cho tôi.

 

Mặt tiền Chợ Cầu Muối xoay ra đường Nguyễn Thái Học, cũng là một đại lộ với bóng cả cây già. Tháng cận Tết, các vựa dưa hấu cất lấn ra chiếm hết lề đường, và lan dài ra gần tới Trần Hưng Đạo. Đối diện với Chợ Cầu Muối là Trường Trung Học Tư Thục Bồ Đề ba tầng lầu chiếm một góc của ngã tư Nguyễn Thái Học với Nguyễn Công Trứ. Kế bên trường Bồ Đề là trường dạy nhạc của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ, tiếp theo là một dãy tiệm chạp phô bán đồ khô của người Tàu, lâu lâu bị đám học trò nghịch ngợm đi ngang qua bóc một nhúm tôm khô hay mấy quả táo tầu đựng trong các bao bố để sát lề đường. Đường Nguyễn Thái Học chấm dứt ở ngã ba Bến Chương Dương dưới chân Cầu Ông Lãnh và Chợ Cá.

 

Tôi không nhớ lý do tại sao có nhiều lần tôi lội vô Chợ Cá nhầy nhụa nầy. Nhưng tôi dám chắc một điều là không phải tôi đi cua đào, mặc dầu tôi biết rành câu ca dao

 

Trai khôn tìm vợ chợ đông,

Gái khôn tìm chồng giữa chốn ba quân.”

 

Tôi lội vô Chợ cá Cầu Ông Lãnh chắc là chỉ vì theo một thằng bạn học nào mua cá, hoặc là để thỏa tính phiêu lưu thôi. Tôi xuống các ghe chành chở đầy cá từ Biển Hồ ở Nam Vang về đậu san sát mấy hàng dưới con rạch Bến Nghé để cung cấp cá cho các vựa chánh bán sĩ trong chợ. Từ đó cá được lựa ra và chứa trong những thùng tròn lớn bằng thiếc để phân phối lại cho các bạn hàng buôn bán lẻ. Cá ở Biển Hồ to lớn hơn cá ruộng đồng Tiền Giang quê tôi. Nhiều con cá lóc bự bằng cổ chân người lớn, một bàn tay cầm không giáp vòng. Mỗi ghe cá chứa hàng mấy ngàn con dưới lòng ghe có ba ngăn, bên trên lót ván làm sàn có chừa nắp làm chỗ thòng vợt xuống vớt cá. Con nào con nấy khi được vớt lên đều sứt đầu vỡ trán chứng tỏ chúng không ngừng tung mình tìm cách thoát thân.

 

Trong loạt bài phóng sự kể chuyện thăm lại Sàigòn dịp đầu năm 2001, tác giả Nguyễn Tường Phong có kể sinh hoạt buổi sáng sớm của khu lao động đó như sau:

 

“Với lòng phấn khởi, tôi tà tà thả bộ (từ khách sạn đang trú ngụ) ra khu Cầu Ông Lãnh tìm ly cà phê buổi sáng xem dân tình thế sự. Trên hè đường, lác đác vẫn còn một vài bạn hàng căng ghế nằm ngủ trước những khu cửa tiệm mở cửa trễ. Trái cây sắp vào mùa, chiếc xe ba bánh của cặp vợ chồng trẻ bên đường chất lớp lớp những trái măng cầu xiêm trên lớp rạ tỏa mùi thơm ngát. ‘Mua đi anh Hai, mười lăm ngàn một ký.’ Chị vợ mời.

 

Nhìn những trái măng cầu xanh tươi chín mộng, có trái hơi nứt ra khoe thớ thịt trắng phau. Tôi nuốt nước miếng: ‘Dạ cám ơn’ rồi hướng về ngã tư Ký Con, Nguyễn Thái Bình. Chao ơi, thật đúng Sài Gòn năm xưa của tôi. Thiên hạ, đa số là dân lao động thợ thuyền, dân làm ăn, xe ôm… đầy trên các bàn thấp quanh những sạp đồ ăn và các xe cà phê trên vỉa hè. Tôi xà xuống chọn cái ghế trống giữa đám đông ngay sau một trạm sửa máy xe nơi góc đường gọi một ly cà phê sữa nóng.

  

‘Nóng đấy nhé cô hàng, thật nóng cho tôi.’  Sự thật là tôi phải giữ gìn mồm miệng trong khi ăn uống để tránh cảnh ôm quần mà chạy. Không tuyệt vời nhưng đúng ý, tôi cảm thấy vị cà phê trong hơi nóng còn đang bốc khói. Xem nào, trước mặt tôi là sạp “cơm bụi.” Năm ngàn đồng một dĩa cơm gồm hai nửa cái giò heo kho tàu, trái trứng ‘vzịt’ và một gắp đầy đồ chua rồi chan thêm nước mắm pha kiểu Sài Gòn ngòn ngọt cay cay.”

 

Hình ảnh vài bạn hàng căng ghế nằm ngủ vào năm 2001 thật chẳng khác với hình ảnh tôi chứng kiến gần nửa thế kỷ trước của hai chị em thằng bạn học tên Các sống trong vựa bán trái cây Chợ Cầu Muối. Sau trận hỏa hoạn cuối năm 1979 Chợ Cầu Muối được xây dựng lại khang trang hơn và ngăn nắp hơn, nhưng dường như nếp sinh hoạt và đời sống của người dân quanh chợ vẫn không thay đổi. Xe ba gác đã thay cho xe thổ mộ, nhưng con người lao động, lời gọi chào, lối xưng hô, hàng quán bên vĩa hè, ly cà phê, dĩa cơm bình dân vẫn như dạo nào, thật đúng là Sàigòn năm xưa của tôi như tác giả Nguyễn Tường Phong đã thốt lên.

 

*

 

Đợt di cư 1954 mang vào Sàigòn cho tôi nhiều bạn mới và thầy mới. Giọng nói khác và một số từ ngữ lạ chẳng những không gây ra một khó khăn trở ngại nào mà còn làm cho cuộc nói chuyện tăng thêm phần hứng thú và vui nhộn. Tôi có mấy đứa bạn học, bạn cùng sở làm người Bắc gia đình định cư ở Thị Nghè, Bàn Cờ, Hòa Hưng, Lăng Cha Cả. Một điều khiến cho tôi kinh ngạc là trong số bạn đó có đứa cũng nghịch ngợm, phá phách, ham chơi và chịu nhậu như tôi vậy.

 

Sàigòn có một cái “flea market” lớn lắm. Đó là khu Dân Sinh trên đường Yersin, cách Chợ Cầu Muối chỉ một “block” đường. Vào những năm đầu của cuộc di cư của đồng bào miền Bắc, khu Dân Sinh tràn ngập quần áo cũ để mặc vào mùa đông ở các xứ lạnh. Tôi ngạc nhiên quá đỗi khi thấy hàng đống áo choàng bằng lông thú bự sự cồng kềnh quá khổ. Tôi đoán chừng số hàng nầy là quà tặng của các cơ quan từ thiện và cứu trợ từ các nước Âu Mỹ. Sau nầy, khi sự hiện diện của quân đội Mỹ ngày một gia tăng ở Việt Nam, khu Dân Sinh là nơi hàng quân dụng thặng dư tràn ngập, món gì cũng có, trừ súng đạn. Gọi là quân dụng thặng dư cho nó lịch sự chớ thật ra, đó là hàng nhảy dù, hàng lậu, hàng ăn cắp từ các kho tiếp liệu của Mỹ hoặc hàng quân-tiếp-vụ của QLVNCH. Tôi lui tới cái “chợ rận” nầy cũng năm bảy lần, lúc thì mua một cái “field jacket,” lúc thì một đôi “botte de saut” tân trang có may “fermeture” bên hông, ghế bố cá nhân, mùng, võng bằng giây dù rất bền chắc.

 

Gần ngã ba Yersin với Bến Chương Dương có một ngôi chùa Minh Hương thật cổ kính được dựng lên từ khi những người Hoa đầu tiên đến vùng đó lập nghiệp, mặt tiền xây ra sông, trước sân chùa có hồ nuôi rùa, có vòng rào bao bọc. Không kể vùng Chợ Lớn, trong phạm vi Sàigòn, người Hoa tập trung ở quận nhì đông hơn cả. Nhân vật nổi tiếng là Chú Hỏa, tức Hui Bòn Hỏa. Ông ta là một tay tài phiệt làm chủ nhiều đất đai nhà cửa vào bậc nhất ở Sàigòn, cũng giống như một Donald Trump của thành phố Nữu Ước. Dinh cơ của ông ta như một lâu đài có tường rào bao bọc chiếm nguyên một khu đất nằm lọt trong các đường Nguyễn Văn Sâm, Hồ Văn Ngà, Yersin và Ký Con, gần nhà xuất bản Tinh Hoa Miền Nam sau đó đã dời về đường Trần Hưng Đạo. Ngôi dinh thự Chú Hỏa xây trên gò đất cao giữa vườn, chung quanh có cây cối, phía sau có một ngôi nhà phụ nhỏ hơn. Hồi đó tôi hay đi ngang qua đó thấy ngôi nhà lúc nào cũng vắng vẻ im lìm. Tôi nghe người ta đồn một người con gái của Chú Hỏa bị bịnh điên, phải nhốt riêng ở cái nhà phía sau đó.

 

Trên Bến Chương Dương hai bên ngã ba Calmette là Công Trường Diên Hồng tức trụ sở Thượng Nghị Viện và Ngân Hàng Quốc Gia Việt Nam. Sát mé sông trước Công Trường Diên Hồng có một cái “parkette” nho nhỏ sạch sẽ, có băng ghế xi măng, chiều chiều ra đó hóng mát cũng khoái lắm. Từ đó nhìn lên cây cầu Calmette hình vòng cung đen xì thấy cũng hay hay. Vào buổi nước lớn, bọn trẻ con hay leo lên cầu rồi “plongeon” phóng mình xuống nước vừa hò hét om sòm. Tôi cũng là một tay thích tắm sông, nhưng thà chịu khó đạp xe đạp lên Bình Nhâm tắm nước trong veo mát lạnh chớ tôi không khi nào có can đảm tắm sông Ông Lãnh đầy rác rưởi. Tuy nhiên, khúc sông Ông Lãnh từ cầu Công Lý trở ra phía sông Sàigòn tương đối cũng đã sạch sẽ hơn vì không có ghe thuyền, chợ búa bừa bãi nữa.

 

Gần cầu Khánh Hội chỗ ngã ba sông Ông Lãnh nhập vô sông Sàigòn có Cột Cờ Thủ Ngữ và Hội Quán Thể Thao Trượt Nước có cái tên Tây “Cercle Nautique Saigonnais” có sân thượng “patio” che dù, dân tây đầm ngồi dựa ngửa hướng mắt ra thương cảng Sàigòn, dõi nhìn những chiếc ca nô “hors-board” kéo theo dân chơi trượt nước rẽ sóng, vừa uống bia vừa hóng gió. Thủ Ngữ là từ Hán Việt, nếu dịch sát nghĩa đen là dùng ngôn ngữ bằng cách ra dấu tay. Nhưng thật ra người ta dùng cờ vải đủ màu và hình thể để làm hiệu cho các tàu bè theo quy luật hàng hải. Qua cầu Khánh Hội là con đường mang tên vị tướng Trịnh Minh Thế tử trận trên cầu trong một trận đánh giữa quân đội quốc gia với quân phiến loạn Bình Xuyên năm đầu tiên của nền Đệ Nhất Cộng Hòa. Đây là lãnh thổ Quận Tư với thương cảng Sàigòn, với các dãy nhà kho mênh mông và với huyền thoại về những tay anh chị đâm thuê chém mướn xóm đường Tôn Đản. Nghe thì ghê vậy chứ tôi chưa hề gặp một tay mặt rằn giết người không gớm tay nào cả trong suốt bảy năm sống vùng đó.

 

Cha tôi quan niệm có làm việc thì phải có hưởng thụ. Cuối tháng lãnh lương, ông hay đưa gia đình đi ăn cơm thố ở Chợ Cũ, nhà hàng Đồng Khánh trong Chợ Lớn, bò bảy món ở quán Bảy Lọ (góc ngã ba Cống Quỳnh – Bùi thị Xuân). Quán nầy nguyên là một ngôi biệt thự nhỏ nằm ở góc đường, sân trước có rào, đặt mươi cái bàn, khách ngồi ghế xếp, nhưng đông khách vì nấu ngon. Cha tôi cũng đưa gia đình đi ăn nhà hàng Arc-en-Ciel, Parc-au-Lac rộng lớn, có sân lộ thiên lót gạch, trang trí các chậu sứ cây kiểng uốn hình chim thú. Cuối tuần đi làm ra, ông hay ghé Chợ Cũ mua thịt heo quay, hoặc vịt quay, hoặc xá xíu cùng với vài ổ bánh mì tây mang về nhà ăn thay cơm thường ngày. Vì vậy, anh em chúng tôi trong gia đình cũng bị lây nhiễm triết lý sống đó, có khi lạm dụng, hưởng thụ hơi nhiều. Thành tích hưởng thụ của riêng tôi không lấy gì làm ghê gớm. Tôi hay đạp xe đạp đi câu cá ở vùng ngoại ô: đi An Lạc, Bình Chánh, Phú Lâm câu cá rô, cá trê vàng, cá lóc; đi Phú Xuân Nhà Bè bắt cua, bắt còng; đi gần hơn ra cầu Bình Lợi câu cá ngác, tôm càng; siêng nữa thì lên tuốt Bình Nhâm Bình Dương tắm suối tắm sông, bẻ mía và ăn trái cây đã đời.

 

Tôi cũng mê sưu tầm tem một thời gian dài. Khởi đầu, tôi trầm trồ ngắm ngía những con tem cha tôi mang về từ sở làm. Dần dần, tôi đạp xe đạp ra “Passage Eden” để la cà hàng giờ nơi tiệm tem lớn “Philatélique” gần bên tiệm sơn mài Thành Lễ. Lần nào ra đó, tôi cũng dốc hết tiền túi ra để mua tem, album tem, kính rọi, kẹp gắp tem. Vào những ngày có phát hành tem đầu tiên, tôi ra Bưu Điện chực chờ và chen lấn với đám đông một cách hứng thú để mua phong bì in sẵn từ những người bán lẻ, xong rồi mua mấy bộ tem mới tinh từ các “guichet” bưu điện, xong lại cẩn thận dán tem lên phong bì cho ngay ngắn, và cuối cùng đến các bàn xin đóng cho cái dấu “Ngày phát hành đầu tiên.”

 

Sau nầy, khi “tiện nội” đã vào làm việc ở Nha Viễn Thông của Tổng Cục Bưu Điện, tôi đã có một “tay trong” đắc lực lo hộ mua vài bộ tem phát hành đầu tiên đó. Địa chỉ Nha Viễn Thông, số 3 đường Nguyễn Hậu bên hông Bưu Điện Sàigòn đã đi vào thiên tình sử với những buổi Em tan sở về. Đường mưa rầm rập. (thay vì “Em tan trường về. Đường mưa nho nhỏ” của “Ngày Xưa Hoàng Thị”). Những ngày đó của những năm 1967 – 1973, có một anh chàng lính văn phòng gầy gò đậu chiếc xe Yamaha (sau đổi qua Honda Dame) bên lề đường đầy lá me bay trên con đường Nguyễn Hậu ngắn ngủn để ngóng chờ bóng dáng người yêu trong chiếc áo dài thướt tha xuất hiện nơi đầu bậc thềm cao vào giờ tan sở.

 

Thuở chúng tôi mới quen nhau vào năm 1961, nàng ở với người cậu ruột trên đường Gia Long. Khu vực nầy thuộc Quận Nhứt gồm toàn những biệt thự kín cổng cao tường. Cậu nàng là một sĩ quan hải quân cao cấp ở gần tư dinh của đại tướng Lê văn Tỵ. Nhà cậu nàng có nuôi hai con vượn trắng bị cột giây xích thả trên cành cây ngoài vườn. Mỗi lần tôi dừng chiếc “Vélo solex” trước cổng và hồi hộp bấm chuông là hai con vượn nhảy nhót tưng bừng và hú lên inh ỏi vang tiếng trong vòm cây làm cho tôi càng khớp hơn. Vài năm sau, nàng lại dọn về ở nhà người chú mãi trên đường Hoàng Hoa Thám, Gia Định. Cuối tuần đi gặp nàng, chuyến đi của tôi xa hơn và dài thêm. Đề Thám, đại lộ Trần Hưng Đạo, đại lộ Hàm Nghi, Bến Chương Dương, đường Đinh Tiên Hoàng thăm thẳm qua Đakao, ngang qua lăng Tả Quân Lê Văn Duyệt, thêm một đoạn dài trên đường Hoàng Hoa Thám ngang qua đền thờ Hai Bà Trưng, mừng quá, tôi đã đến nhà nàng! Hoàng Hoa Thám. Quả là định mệnh. Tên đường chất chứa tên hai đứa. Tên tôi chất chứa tên nàng. Con đường xưa em đi. Cũng là con đường vu qui vào năm 1965. Nàng rời nhà ở đường Hoàng Hoa Thám để về nhà tôi ở đường Đề Thám, thì cũng chỉ là tên của một người, vị anh hùng chống Pháp trên suốt 25 năm và từng được mệnh danh là Hùm thiêng Yên Thế.

 

Tôi là một con dế mèn thích phiêu lưu, tuy chỉ là phiêu lưu vặt quanh khu xóm, quanh thành phố trong vòng vài tiếng đồng hồ cuốc bộ bằng bộ giò ống điếu của tôi. Tôi từng vừa cõng vừa dắt mấy đứa em đi Hội Chợ Thị Nghè năm 1958, cũng may buổi chiều lo về sớm, nếu không thì có thể bị đám đông đè chết trên cầu Thị Nghè. Tối hôm đó nghe tin tức trên “radio,” tôi mới biết là tai nạn đã xảy ra khi hai đám đông từ hai đầu cầu dồn nhau lại gây hỗn loạn khiến cho lan can cầu sập, người ta lớp bị đạp nghẹt, lớp lọt xuống sông, chết mấy chục mạng. Mỗi khi bắt được tin nóng hổi có biến cố xảy ra, tôi dọt ra khỏi nhà liền. Năm 1954, tôi dắt em tôi đi coi biểu tình do những người Bắc mới di cư vô Sàigòn tổ chức. Mục đính của họ là phản đối sự có mặt của một phái đoàn Cộng Sản Bắc Việt đến Sàigòn tham dự cuộc họp với Ủy Ban Quốc Tế Kiểm Soát Đình Chiến. Cuộc biểu tình đã bắt đầu từ ngày hôm trước nơi Khách sạn Majestic cuối đường Tự Do với Bến Bạch Đằng. Bây giờ nó xảy ra trước một trụ sở góc đường Trần Hưng Đạo – Nguyễn Khắc Nhu, gần khu nhà tôi. Tiếng hô lớn của đoàn thanh niên sinh viên người Bắc biểu tình qua các loa phóng thanh đã lôi kéo tôi, một thằng bé tò mò thích phiêu lưu. Dịp đó, tôi bị nếm mùi lựu đạn cay khi cảnh sát đô thành đến giải tán đám biểu tình. Không chuẩn bị trước, anh em tôi lãnh đủ, chạy về nhà trong ràn rụa nước mắt và nước mũi, suýt nữa có cả nước gì khai khai!

 

Đường Lê Lợi có nhiều điểm nóng đầy hấp lực đối với học sinh trung học Sàigòn. Từ Chợ Bến Thành đến trụ sở Hạ Nghị Viện về phía bên trái có nhà sách Khai Trí, là cửa hàng sách lớn nhất nước. Gần đến góc Nguyễn Huệ có Phòng Thông Tin Hoa Kỳ, sáng sủa mát mẻ lịch sự, ta vào đó để được phát cho một quyển tạp chí Thế Giới Tự Do in trên giấy tốt và đầy hình ảnh màu. Nếu bạn có tiền rủng rỉnh trong túi và có người yêu đi bên cạnh thì cứ băng qua đường tạt vào quán kem Givral cho người đẹp ngồi nghỉ chân; nếu không thì hãy vòng lại trên đường Lê Lợi đến ngã tư Pasteur kêu hai ly nước mía Viễn Đông có thêm quít cũng được; nếu đói thì làm tạm một ổ bánh mì tiệm Thanh Bạch cạnh đó, xong tha hồ tạt vào những sạp bán sách cũ, bán bài nhạc, bán thiệp, bán lịch, có đủ loại tạp chí sách báo tiểu thuyết chữ Anh, chữ Pháp lựa mua vài món tặng cho nàng để làm kỷ niệm một chuyến dạo phố Bonard. Trước khi chia tay nhau, nếu nàng có rủ bạn tạt qua tiệm Bảo Hiên Rồng Vàng sau chợ Bến Thành để mua một cân chả quế, năm ba cái bánh cốm, bánh dầy thì bạn cũng hãy vui vẻ chiều nàng như hai câu ca dao Chiều em anh hết sức chiều. Như chàng Đinh San họ Tiết đã chiều nàng Phàn Lê Huê. Trên đường Tự Do có tiệm Thái Thạch chuyên bán rượu bánh nhập cảng từ các nước Ấu châu toàn là sản phẩm thượng hạng đắt tiền. Những năm cha tôi còn khá giả, ông hay mua rượu bánh ở tiệm nầy. Đến đời tôi, lương lính chẳng có bao nhiêu, cho nên tôi xin về nguồn.

 

Sàigòn có nhiều công trường. Không hiểu tại sao thuở đó ai bày gọi các tụ điểm của nhiều ngả đường là công trường. Nghe hai chữ công trường, tôi cứ bắt nghĩ đến những chỗ con người bị cưỡng bức lao động khổ sai. Nhưng không, các công trường ở Sàigòn rất đáng yêu, là nơi bạn học ngồi ăn vặt và tán láo, nơi con trẻ vui đùa, và nơi các đôi thanh niên thiếu nữ tình tự. Công trường Diên Hồng trên Bến Chương Dương có gió sông mát mẻ, công trường Duy Tân cây già bóng mát bất tử trong một bài hát của Phạm Duy; công trường Mê Linh với bức tượng Hai Bà Trưng bị tai tiếng là được tạc tạo bằng đường nét của hai mẹ con bà cố vấn Ngô Đình Nhu và Ngô Đình Lệ Thủy; công trường Lam Sơn xuất hiện nhiều nhất trên các kiểu bưu thiếp Sàigòn và cả trong các album ảnh gia đình của người dân Sàigòn; công trường Quách Thị Trang tức Bùng Binh Chợ Bến Thành Sàigòn vinh danh một nữ sinh Phật tử chết vì đạo nạn trong một cuộc biểu tình bị đàn áp. Đầu đường Lê Lợi cạnh công trường Quách Thị Trang có bót cảnh sát Lê Văn Ken, rất tiếc tôi chẳng biết gốc gác của cái tên đó, không chừng là tên của một vị bạn dân bỏ mình vì công vụ. Một lần tôi bị đạo chích thuỗm mất chiếc xe đạp hiệu St. Laurent khi tôi vào tiệm Minh Phát ở góc đường Lê Lợi và Nguyễn Trung Trực để mua mấy bản nhạc mới ra lò tặng người yêu. Tôi đến bót cớ. Dù dượng ba (chồng của cô ba tôi) đang làm xếp phó cảnh sát Quận Nhì, chiếc xe đạp phần thưởng đậu bằng tiểu học của tôi một đi không trở lại.

 

Bây giờ đã quen với hình ảnh gồ ghề của cảnh sát Bắc Mỹ, chợt nhớ lại hình ảnh của những nhân viên cảnh sát công lộ ở Sàigòn, tôi thấy những người bạn dân của Sàigòn hiền khô thật dễ thương và vui vui nữa. Họ mặc đồng phục trắng ủi hồ mang găng tay trắng, đứng trên một cái bục tròn bằng cái thùng phuy cắt đôi rồi úp lại cũng sơn trắng. Miệng ngậm cái tu huýt của trọng tài đá banh, họ vừa thổi còi vừa không ngớt giăng hai cánh tay ra hiệu để điều khiển dòng xe cộ nườm nượp vì ngả tư đường phố Sàigòn hồi đó chưa có đèn lưu thông. Người bình dân không gọi mấy ông bạn dân nầy bằng tên chính thức là cảnh sát công lộ; họ gọi bằng một cái tên nôm na nhiều “ấn tượng” là “cảnh sát chim bay cò bay!” Tôi nghĩ công việc của họ mệt lắm chớ không phải chơi vì phải múa may quay cuồng trong nhiều tiếng đồng hồ dưới nắng chang chang. Vào ban đêm, họ cũng làm việc chim bay cò bay, hai tay cầm hai cây que dạ quang. Đôi lần bị họ chặn hỏi thẻ căn cước và thẻ đăng bộ xe, tôi không sợ bằng gặp “trooper” trên xa lộ xuyên tiểu bang, vì tôi có thể năn nỉ cảnh sát phe ta xí xóa chớ mấy ông cớm Mỹ mang kính đen biên giấy phạt răm rắp không có năn nỉ gì hết!

 

Máu lãng tử trong người rộn rã, Óc phiêu lưu hối hả lên đường.  Ngày 11/11/1960, tôi và chú út tôi, hai thiếu niên 16 tuổi, đèo nhau trên chiếc xe đạp theo đường Công Lý ra trước Dinh Độc Lập coi biểu tình ủng hộ đảo chánh. Trên đại lộ Thống Nhứt, đoàn biểu tình hàng ngàn người căng biểu ngữ dàn hàng ngang từ hướng Nhà Thờ Đức Bà đang tiến tới trước cổng Dinh trong khí thế rất hăng say. Chú cháu tôi cũng nhập vô đám biểu tình, cũng hô theo các khẩu hiệu. Bỗng súng nổ ào ào hàng loạt không dứt. Mọi người tán loạn, lớp chạy núp vào gốc cây hai bên công viên, lớp nằm lại. Tôi cúi đầu nằm sấp xuống lộ. Khi tiếng súng đã dứt, tôi bò dậy thì không thấy chú tôi đâu cả, đôi dép tôi cũng mất, tay chân bị trầy sướt mấy chỗ vì chen lấn xô đẩy trong đám đông. Có nhiều người chết hoặc bị thương. Tôi lo tìm chú tôi một hồi nhưng vẫn không thấy, đành hối hả vừa đi vừa chạy về nhà, lòng tràn đầy lo lắng, không biết phải ăn nói làm sao với cha tôi đây. May quá, từ đầu đường hẻm, tôi đã thấy chiếc xe đạp của chú tôi dựng trước nhà. Bước vô nhà, tôi thấy chú tôi còn nguyên vẹn hình hài, đang ngồi uống xá xị. Hú vía! Chú tôi tử trận ở Tây Ninh năm 1973 khi chưa tròn 29 tuổi.

 

Năm 1961, chúng tôi lại chứng nào tật nấy, đạp xe ra phi trường Tân Sơn Nhứt đi đón Phó Tổng Thống Hoa kỳ Lyndon B. Johnson qua Sàigòn, vì tò mò thôi. Chúng tôi cũng đi coi đám tang đại tá Hoàng Thụy Năm, sĩ quan liên lạc trong Ủy Hội Kiểm Soát Quốc Tế bị Việt Cộng ám sát ném xác xuống sông Sàigòn. Kể từ đó, tình hình chiến sự bắt đầu leo thang khắp nơi trong nước, mấy lần về quê thăm ông bà ngoại, tôi không dám ở lại ban đêm nữa. Tình hình chính trị ở Sàigòn cũng bất ổn, sinh ra nhiều biến động.

 

Năm 1963, Sàigòn có biểu tình liên miên. Phật tử phản đối lịnh của chính quyền cấm treo cờ Phật giáo. Ngày 11 tháng 6 năm đó, tôi ngơ ngẩn dừng xe lại trên đường Lê Văn Duyệt khi thấy đám đông ngăn cản giữa lộ, cách vài chục thước là cảnh hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu. Phản ứng giây chuyền, việc cấm treo cờ đưa đến biểu tình, tự thiêu; tự thiêu đưa đến việc phong tỏa khám xét chùa chiền, bắt bớ sư sãi; đàn áp tôn giáo đưa đến đảo chánh, đảo chánh mà thành công thì trở nên cách mạng. Tháng tám, sinh viên học sinh Sàigòn xuống đường biểu tình rầm rộ, chánh quyền ra lịnh đóng cửa tất cả các trường đại, trung-học, công cũng như tư. Biểu tình vẫn tiếp tục diễn ra, hàng ngàn sinh viên học sinh bị bắt. Mỗi lần tôi bước ra khỏi nhà là mỗi lần mẹ tôi năn nỉ: “Con ơi, đừng có biểu tình nghe con.” Tôi “dạ” cho có lệ rồi dọt lẹ ra đường.

 

1/11/1963, ngày cách mạng, tôi đã 19 tuổi, càng lớn càng đâm ra hoang mang trước thời cuộc, ai phải, ai quấy không biết đường nào mà rờ. Tôi lại ra đường nghe ngóng, quan sát, bất chấp lời cảnh giác trên làn sóng phát thanh, yêu cầu đồng bào hãy ở yên trong nhà, đừng ra ngoài đường, để tránh mọi sự đáng tiếc có thể xảy ra. Mọi sự đáng tiếc đã xảy ra hết rồi thì còn gì nữa để mà tránh. Hai anh em ông tổng thống bị giết. Có sự rạn nứt trong hàng ngũ các tướng lãnh. Binh sĩ hoang mang, dân chúng hoang mang. Việt cộng mừng thầm trong bụng, rảnh tay đánh phá và giết hại phe ta nhiều hơn. Kinh tế bị ảnh hưởng, vật giá leo thang, con buôn đầu cơ tích trữ, người tiêu thụ nghèo càng khốn đốn hơn.

 

Năm đó, nếp sống trung lưu của cha tôi cũng đã chấm dứt; chấm dứt từ khi Bà Cố Vấn Ngô Đình Nhu hoàn toàn làm chủ hệ thống kinh tài, nắm hết trong tay dịch vụ chuyển ngân cùng nhiều ngành kinh doanh khác. Cha tôi mất việc ở ngân hàng, quay sang thử thời vận hùn hạp làm ăn riêng với vài người bạn đồng sự cũ trong một thời gian và bị thua lỗ, sau nầy phải bán xe rồi bán nhà. Mỗi tuần, cha tôi không còn rủ tôi đi xem xổ số kiến thiết quốc gia ở rạp Thống Nhứt nữa. Nhưng ông dễ gì quên bài hát gắn liền với tên tuổi của quái kiệt Trần văn Trạch, bạn học cũ của ông ở Mỹ Tho. Thỉnh thoảng ông vẫn hát:

 

Kiến thiết quốc gia giúp đồng bào ta xây đắp muôn người được nên cửa nhà…

Tô điểm giang san qua bao lầm than ta thề kiến thiết trong giấc mộng vàng…

 Triệu phú đến nơi chỉ mươi đồng thôi mua lấy xe nhà giàu sang mấy hồi…

Kiến thiết quốc gia giúp đồng bào ta, ấy là thiên chức của người Việt Nam.”

 

Tôi nghe vậy rồi nghĩ đến hoàn cảnh của những người mê cờ bạc mà tan nát cửa nhà bèn lén hát nho nhỏ:

 

Kiến thiết quốc gia khiến đồng bào ta tan nát cửa nhà nghèo xơ mấy hồi.” (Xin lỗi chú Trạch).

 

Cũng may, ông xin được việc làm ở phòng kế toán cho hãng dệt DACOTEX và dọn về cư xá Vĩnh Hội bên kia Cầu Ông Lãnh.

 

Đầu năm 1964, tôi nhận được lệnh động viên lên đường nhập ngũ. Mẹ tôi ngỡ ngàng rưng lệ. Cha tôi khuyên con nên cố gắng. Người yêu tôi thề nguyền một dạ thủy chung và vững một niềm tin chờ đợi một ngày về. Mãn khóa huấn luyện và tốt nghiệp ra trường, tôi trình diện đơn vị mới ở Nha Trang. Tôi tạm xa chiếc nôi tình thương Sàigòn. Hai năm sau, tôi hát bài “Anh Về Thủ Đô.” Tôi được thuyên chuyển về Sàigòn làm lính kiểng. Lúc bấy giờ, gia đình tôi đã dọn về xóm Vĩnh Hội thuộc quận Tư.

 

Sàigòn Thứ Bảy ngàn hoa trên đường.

Lòng mình cứ tưởng mùa xuân yêu đương.

Đời tôi năm tháng phong sương,

Dầm mưa dãi nắng biên cương.

Nay tôi về kiếm người tôi thương.

Sàigòn Thứ Bảy còn ai mong chờ.

Một người lính trẻ về thăm kinh đô.

Người lính chiến ấy là tôi.

Lần đi khi nắng đang vơi.

Gói trọn nỗi thương cuộc đời.

 

Máy bay vừa đáp xuống phi trường Tân Sơn Nhứt là tôi vui quá, trong đầu nghe như có tiếng hát của Thanh Phong đang trình bày một bài nhạc quen thuộc của Anh Bằng. Tôi tiếp tục được làm người Sàigòn, hít thở bụi Sàigòn, bây giờ còn có thêm mùi sình của con kinh Bến Nghé (thường được quen gọi là sông Cầu Ông Lãnh) vào lúc nước ròng, mùi rau cải ún thối của Chợ Cầu Muối, mùi khăm khắm của vựa làm mắm trên Bến Vân Đồn. Tôi tắm nắng dội mưa Sàigòn, có cả mưa pháo kích hỏa tiễn 122 ly của Việt cộng từ miệt Tân Quy bên kia con Sông Tẻ bắn bừa bãi vào Quận Tư, miểng ngói bay rào rào trên căn C. 9 cư xá Vĩnh Hội. Tôi chia sớt ngọt bùi đắng cay với Sàigòn, bằng lòng đóng vai một chứng nhân trung kiên của Sàigòn bên lề lịch sử.

 

Tết Mậu Thân 1968, người lính kiểng cũng phải cầm súng chiến đấu bảo vệ đơn vị đồn trú và bảo vệ Sàigòn, nơi đó có vợ, có con, có cha, có mẹ của mình đang sống trong kinh hoàng sợ hãi. Một lần nữa, người lính kiểng có dịp chạm mặt và giao tranh với quân địch Việt cộng trong một trận đụng độ ở cấp trung đội, đẩy lui toán xâm nhập của cộng quân trong khu đường Khổng Tử, Chợ Lớn. (Chùa) Nghĩa Nhuận Hội Quán gần Cầu Ba Cẳng cấp tốc trở thành trại tiếp cư che chở cho mấy trăm đồng bào tị nạn. Tôi có mặt trong toán bảo vệ an ninh cho Chùa, một toán lính văn phòng trói gà không chặt nhưng may mắn được đặt dưới quyền chỉ huy của đại úy Nghiêm, một sĩ quan đầu đã bạc và từng có nhiều kinh-nghiệm chiến trường. Lợi dụng ưu thế bố trí trên lầu cao và yếu tố bất ngờ, chúng tôi đồng loạt khai hỏa và tung lựu đạn vào toán cộng quân đang chạy lúp xúp bên hông hãng xà bông Trương Văn Bền, gây cho chúng một số thiệt hại nhân mạng và tịch thu một số vũ khí. Phe ta chỉ có hai người bị thương, một nặng một nhẹ.

 

Thành phố Sàigòn thân yêu ngập tràn trong khói lửa. Khu Bàn Cờ Nguyễn Thiện Thuật thành bình địa. Khu Khổng Tử Chợ Lớn nát tan. Khu Vĩnh Hội Quận Tư tôi ở cũng nếm mùi hỏa tiễn. Những hôm về nhà ngủ, tôi dằn gối một quả lựu đạn M26 lén mang về từ đơn vị và một khẩu “Smith & Wesson” của ông dượng người Mỹ cho tôi làm của riêng. Tôi định bụng nếu Việt cộng vào nhà thì tôi bắt buộc phải chơi liều.

 

Bấy giờ, gia đình tôi cư ngụ trong Cư Xá Vĩnh Hội thuộc Quận Tư. Hàng ngày đi làm bằng chiếc xe gắn máy Yamaha, tôi chạy một đoạn Bến Vân Đồn, qua cầu Calmette, qua bùng binh Sàigòn, theo đường Lê Văn Duyệt đi miết qua khỏi ngã sáu Trần Quốc Toản, quẹo trái vào cổng trại Biệt Khu Thủ Đô. Suốt gần bảy năm trời, tôi đã đi làm qua lộ trình đó, bị đụng xe mấy lần mang thẹo và cũng đã từng chứng kiến tận mắt cảnh người chết trên vũng máu giữa lộ. Khoảng cuối năm 1969, toàn thể khu Chợ Cầu Muối bị hỏa hoạn thiêu rụi, cháy suốt cả ngày, hai chiếc trực thăng Chinook của quân đội Mỹ luân phiên nhau múc nước sông gần Cầu Ông Lãnh phụ chữa cháy. Tôi xách máy ảnh ra đứng ở hành lang cư xá chụp hết cả một cuộn phim 36 “bô” trước sự hứng chí hò hét của thằng con trai đầu lòng ba tuổi. Nó bị hình ảnh máy bay mê hoặc kể từ đó. Ngày nay, nó không bỏ sót một cái Air Show hàng năm nào quanh vùng Toronto này cả: Hamilton, Buffalo, London, Winsor, chụp cả đống hình đủ loại máy bay.

 

Sàigòn là nơi có rất nhiều cơ quan hành chánh và đơn vị quân sự của Việt Nam Cộng Hòa mà tiền thân nguyên là các doanh trại của quân đội viễn chinh Pháp, cho nên có kiến trúc giống nhau: Bộ Tổng Tham Mưu QLVNCH, Bộ Tư Lệnh BKTĐ, Bộ Tư Lệnh CSQG, Bộ Tư Lệnh TQLC, v.v… Chu vi các doanh trại nầy có tường dầy bao bọc (nên thường được gọi là thành: thành Ô-Ma, thành Cộng-Hòa), có nhiều cổng chánh, cổng phụ dẫn ra đường phố; trong thành là những dãy lầu hai tầng, dài khoảng năm chục thước, một mặt có hành lang rộng, có lan can bằng sắt rắn chắc, nền lót gạch hoặc xi-măng, thềm cao, chính giữa và hai đầu dãy có bậc thang. Phòng ốc thoáng mát vì có trần nhà cao, cửa cái và cửa sổ rộng ở hai đầu phòng.

 

Biết bao đêm ứng chiến đơn vị, tôi giăng mùng nơi hành lang thoáng mát, nằm ngắm ánh trăng lung linh qua lá cành cây bã đậu bên khẩu súng Carbine M.2 tự động, nghĩ đến những thằng bạn học đang xông pha nơi chiến trận: Nguyễn Mộng Thu, Võ Văn Sang, Lâm Văn Mỹ, Nguyễn Sĩ, Thái Văn An, Trần Tán Xuất, Trần Cao Siêu. Xuất là em của nhạc sĩ Y Vân và nhạc sĩ Y Vũ (tác giả của bản nhạc “Tôi Đưa Em Sang Sông”). Bút hiệu của nó là Y Phong, bay bướm và quậy dữ hơn tôi nhiều. Nó kể bố nó chọn tên trước cho bốn anh em của nó là Thanh Long Xuất Động. Nó nhằm đứa con trai thứ ba trong gia đình, phải lãnh cái tên Xuất tiền định! Siêu là em của đại tá Biệt Động Quân Trần Cao Lầu, rất nhanh nhẹn tháo vát, lo lắng giúp đỡ cho bạn bè và đồng đội tận tình. Có đứa như Nguyễn Sĩ, hoa tiêu trực thăng, lập được nhiều chiến công ngoài mặt trận, được bầu làm Chiến Sĩ Xuất Sắc về thủ đô dự Ngày Quân Lực 19/6, tôi thì ở trong ban tổ chức và tiếp đón phái đoàn; chúng tôi gặp nhau vui mừng biết mấy. Thế rồi chỉ một tuần lễ sau khi trở lại đơn vị chiến đấu, bạn tôi đã đền xong nợ nước.

 

Vì nhu cầu công vụ, trong thời gian bảy năm làm lính kiểng ở Sàigòn, tôi có nhiều dịp vào Bộ Tổng Tham Mưu, Phòng Nhứt, Trung Tâm Khai Thác An Bài Điện Tử, Trường Sinh Ngữ Quân Đội, Bộ Quốc Phòng, Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị, Cục Tâm Lý Chiến, Bộ Ngoại Giao. Những văn nghệ sĩ quân đội mà tôi có dịp làm việc chung đơn vị là Duy Năng, Tạ Tỵ, Hoàng Ngọc Liên, Tô Kiều Ngân, Nguyên Vũ (Vũ Ngự Chiêu), Nhật Tiến, Nguyễn Đức Quang, Trần Phạm Vũ (Nguyễn Thượng Tiến), Nguyễn Tấn Lộc. Lộc là tác giả của nhiều bản nhạc hùng ca quen thuộc thường nghe trên đài phát thanh quân đội như “Bình Long Anh Dũng, Trị Thiên Oai Hùng.” Lộc cũng có tài viết phóng sự rất hay và nhanh như máy.

 

Vì đơn vị tôi đồn trú trong địa phận Biệt Khu Thủ Đô, sau Tết Mậu Thân, mỗi tuần một lần, tôi được phân công phải tham dự một toán tuần tiểu hỗn hợp của Quân Vụ Thị Trấn với sự góp mặt của Quân Cảnh và Cảnh Sát. Xe Jeep của toán tuần tiểu chạy qua những đường phố Trần Quốc Toản, Trương Minh Giảng, Lý Thái Tổ, Nguyễn Tri Phương, thỉnh thoảng dừng lại xét hỏi những người đáng khả nghi. Đêm Sàigòn giờ giới nghiêm lặng lẽ chịu đựng bất trắc. Ống liên hợp máy truyền tin sè sè âm thoại. Ánh đèn điện hắt hiu soi lòng đường phố vắng. Người lính thao thức băn khoăn cho thân phận và quê hương, thầm hỏi cuộc chiến nầy sẽ đi về đâu và cho đến bao giờ?

 

Nhưng do số phận đưa đẩy, tôi rời Sàigòn giữa năm 1973 để đi phục vụ một nhiệm sở ngoại giao ở ngoài nước và đã mất luôn lối về kể từ đó. Mặc dù trí nhớ hao mòn theo tháng năm, những kỷ niệm xưa còn sót lại là phần đã được đãi lọc trong vắt ngọt ngào tinh chất, mỗi lần hồi tưởng là mỗi lần thấy lòng rưng rưng.

 

Dù đang sống trong lòng Bắc Mỹ, bất cứ lúc nào tôi cũng có thể nghĩ đến Sàigòn. Ngày nắng ấm tôi nghĩ xem có nóng bằng Sàigòn không, mẹ già mỗi ngày đi chợ đầu ngõ có đang lau những giọt mồ hôi lấm tấm không. Ngày đông rét buốt tôi nghĩ đến cái nóng của Sàigòn ngày nào mỗi trưa ở sở nằm lên mặt bàn làm một giấc. Mưa gió mù trời sao tôi không thấy vui như những ngày tôi lội lõm bõm và tắm mưa ngoài đường phố Sàigòn. Trăng chênh chếch trên bầu trời vào một đêm lái xe đi làm về chỉ gợi nhớ một vầng trăng Sàigòn lung linh soi gác trọ. Ngồi nhà hàng Tây uống một chai bia ướp lạnh, tôi nhớ thay bàn nhậu quán vỉa hè Sàigòn xôn xao tiếng nhai chóp chép hòa lẫn tiếng nói cười ồn ào, thỉnh thoảng lại chêm năm ba tiếng chửi thề khoái trá. Quả thật ngày tháng cũ đã qua, nơi chốn cũ đã xa, còn chăng là những bài thơ, bài nhạc ru hồn:

 

Sàigòn ơi, tôi đã mất người trong cuộc đời.

Sàigòn ơi, thôi đã hết thời gian tuyệt vời.

Giờ còn đây, những kỷ niệm sống trong tôi,

Những nụ cười nát trên môi.

Những giọt lệ ôi sầu đắng!

 

“Vĩnh biệt Sàigòn,” bài hát của Nam Lộc làm não lòng bao nhiêu người Sàigòn lưu vong.

 

Sàigòn ơi, mùa nắng ấm còn vương trên đường?

Đường ngày xưa, mưa có ướt ngập lối người về?

Rồi mùa thu, lá còn đổ xuống công viên,

Bóng người còn bước nghiêng nghiêng

Hay đang khóc thương cho người đi…

 

Tôi muốn có, muốn nghe tất cả những bài thơ, bài nhạc nói lên tâm tư sầu lắng thương nhớ Sàigòn. Tôi vụng về ăn nói, bày tỏ cảm nghĩ trên giấy cũng khó đối với tôi; thôi thì hãy nghe và hãy đọc thơ và nhạc của người vì vần điệu vốn dễ thấm nhập rung cảm.

 

Tôi giờ như con thú hoang lạc đàn.

Từng ngày qua, từng phút sống quên thời gian.

Kiếp tha hương, lắm đau thương, lắm chua cay,

Tôi gọi tên em mãi thôi…

 

Thôi thì hãy bắt chước mọi người tâm nguyện rằng một ngày đẹp trời nào đó, tôi sẽ về Sàigòn, dù chỉ một lần, trước hồi chung cuộc của đời:

 

Sàigòn ơi, tôi xin hứa rằng tôi trở về.

Người tình ơi, tôi xin giữ trọn mãi lời thề.

Dù thời gian có là một thoáng đam mê,

Phố phường ngập ánh sao đêm,

Nhưng tôi sẽ không bao giờ quên.

 

Nam Lộc, người cùng với Trường Kỳ, đã từng bị một bài báo của Cộng sản trong nước gọi là hai tên C.I.A. nằm vùng ở miền Nam trước 1975, cũng đã toại nguyện lời thề là đã trở về thăm lại Sàigòn. Người nhạc sĩ may mắn đó đã có dịp nhìn lại phố phường xưa, tay bắt mặt mừng bạn cũ, nhất là được ghé qua quán ăn của Bà Cả Đọi để hồi tưởng đến những bữa ăn thuần túy quê hương đậm đà tình dân tộc gồm có canh mồng tơi, cà pháo, ốc giả ba ba, thịt kho, trứng đúc. Trường Kỳ quả quyết viết một câu trong loạt bút ký Một Thời Nhạc Trẻ như sau:

 

“Tôi dám chắc một điều là quý đọc giả ở Sàigòn, dù đã ghé tới quán nầy hay chưa, cũng đã từng nghe đến tên Bà Cả Đọi, là một cái tên đã đi vào lịch sử đớp hít và đã từng được báo chí nhắc nhở tới nhiều trong các bài viết vào cuối thập niên 60.”

 

Có một bài nhạc khác về Sàigòn mang tựa đề “Sàigòn Bây Giờ Buồn Không Em” của Song Ngọc, được trình bày qua giọng ca mê hoặc của Lệ Thu:

 

“Sàigòn bây giờ buồn không em?

Và em còn hong tóc bên thềm?

Em còn đợi chờ ngoài hiên vắng?

Em còn gội nắng trong sân trường?

Đường nào anh trở về bên em?

Hàng me ngày xưa chắc ngỡ ngàng?

Anh còn để lại một chút nắng.

Anh còn gợi đó một tình yêu.

Hơn một lần anh hứa sẽ quay về.

Hơn một năm, ngày ấy vẫn xa xôi.

Nghe cuộc tình hai đứa mãi xa vời.

Ôi thời gian nhuộm tím cuộc đời thêm.

Giờ này sao ngủ mộng không vui?

Người đi thì thương nhớ đã nhiều.

Nhưng người ở lại buồn nuối tiếc.

Bao giờ mình biết được gặp nhau.”

 

*

 

“Vĩnh biệt Sàigòn” là đề tài được ưa chuộng nhất trong các bài thơ bài nhạc. Nỗi nhớ niềm thương Sàigòn có thể chất ngất choáng ngộp và ray rức khôn nguôi dằn vật mãi, nhưng thật ra hình ảnh kỷ niệm sâu đậm ghi khắc trong tim không nhiều, quanh đi quẩn lại cũng chỉ là mưa với nắng, là con đường, vỉa hè, hàng cây, là ghế đá công viên, một tà áo, một đôi mắt. Những hình ảnh xem ra vô cùng đơn sơ đó lại có tác dụng mãnh liệt làm cho chúng ta điêu đứng ngẩn ngơ khờ người, là dấu hiệu của điều thường được gọi là khủng hoảng tâm thần. Ta sống ở một thành phố có nhiều tiện nghi vật chất hơn Sàigòn nhưng ta vẫn cảm thấy xa lạ, trống vắng, cô đơn, lẻ loi, lo lắng, chán chường, mệt mỏi, thiếu thốn. Ta vẫn mơ ước về thăm lại Sàigòn, vì đó mới chính thật là thành phố yêu quí thân quen của ta:

 

“Chiều nay tôi lang thang nơi xứ người.

Chợt nghe ngậm ngùi thương nhớ quê hương.

Sàigòn đó, tôi ra đi một buổi sáng mưa rơi.

Tàu rời bến, mang theo bao niềm vương vấn.

Mẹ ru câu ca dao khi bé dại.

Dù thời gian qua rồi tôi vẫn chưa quên.

Từng đường phố tôi đi qua đầy hình bóng thân yêu,

ngàn lời nói vang trong tim. Ôi Sàigòn của tôi…

Nhưng hôm nay xa cách muôn trùng.

tôi gọi quê hương, nước mắt tuôn trào.

Đâu sông Hương soi mái tóc thề.

Đồi thông in bóng trong sương mù.

Và Sàigòn còn đâu nữa bao tà áo phất phơ bay.

Hoài hương mênh mang trong giấc mộng,

mà thời gian trôi dần nghe xót xa thêm.

Người nào biết trong tâm tư của kẻ mất quê hương.

Dù ngàn kiếp, tôi luôn mơ, ôi Sàigòn của tôi…”

(“Sàigòn Của Tôi,” Phan Kiên)

 

Nhạc sĩ Lam Phương, một con người Sàigòn thâm niên hơn, nhiều gốc rễ hơn với thủ đô Miền Nam, dĩ nhiên niềm đau xa nhà của ông cũng thống thiết hơn, bài nhạc “Sàigòn Ơi Vĩnh Biệt” của ông chan hòa nước mắt:

 

“Sàigòn ơi, xin giã từ em.

Thành phố yêu ơi, xa cách muôn đời.

Biết tìm đâu, và còn tìm đâu công viên nào đưa ta vào cơn mê tình ái.

Một thoáng mưa bay sầu dâng tê tái, nép nhau chờ, chờ đến bây giờ.

Chờ tỉnh cơn mê mới hay rằng ta vĩnh biệt nhau.

Nhớ ơi là nhớ từng lời yêu. Cuộc tình nồng.

Những đêm lạnh lẽo sầu hoài hương về ngập lòng.

Dòng nước mắt nầy gởi về cho cố nhân.

Thương quá khi em chờ mong.

Cuộc tình thì theo cơn lốc bay.

Cuộc đời thì, giờ đôi tay trắng.

Biết bao giờ và đến bao giờ trở lại quê hương.

Hay muôn đời anh vĩnh biệt em.”

 

Hàng ngũ thi nhạc sĩ Sàigòn từng “khóc cười theo mệnh nước nổi trôi” và đang sống tha hương còn nhiều lắm. Họ không thể nén tiếng lòng nên sáng tác cho đời nhiều bài thơ bài nhạc nữa. Nguyễn Mạnh Trinh có “Thơ Cho Buổi Mai Sàigòn” với những câu:

 

Thành phố đó em nắng phai tóc úa

Nợ áo cơm xuôi ngược mãi một đời

Có nhớ lại những ngày còn nhung lụa

Nghe nát nhàu manh áo đẫm mồ hôi

Thành phố của ta lẽ nào vĩnh biệt

Đến ngày nào phất phới một ngọn cờ

Đường nẽo sẽ thay tên hàng chữ viết

Vinh danh người đem tổ quốc vào mơ

Đường hoa bướm tuổi thơ rộn tiếng cười

Trời Việt Nam xanh mắt ngời vời vợi

Bài quốc ca đón mặt trời vang dội

Ta trở về thành phố dấu yêu ơi.

 

Luân Hoán trong bài thơ “Viết Trên Đường Rời Việt Nam” có những tiểu đoạn nhắc đến Sàigòn là thành phố tạm trú trong thời gian chờ làm thủ tục đi định cư ở nước ngoại như sau:

 

Đã sáu tháng ta vào đây tạm trú

Tập làm người khách lạ của quê hương

Ngày mấy bận đi về đường Lê Lợi

Đêm mấy lần quanh quẩn phố Hùng Vương

Từ Bà Chiểu lang thang vào Chợ Lớn

Từ An Đông trôi nổi đến Bến Thành

Đường mấy ngã đã thay tên đổi họ

Cây mấy hàng sao chưa đổi màu xanh.

 

Sàigòn của Thanh Nam dĩ nhiên không thể nhạt phai sau bảy năm xa lìa nơi xứ người, khi mà “Một năm người có mười hai tháng, Ta trọn năm dài một tháng Tư,” biến cố đau thương ấy cứ hiển hiện thường trực trong suy tưởng:

 

Tháng Tư thoắt bảy năm tròn,

Bảy năm hình ảnh Sàigòn chưa phai

Bảy năm cơn ác mộng dài

Con tàu viễn xứ trôi hoài mỗi đêm

Sàigòn ôi những thân quen

Nhịp xe chợ sớm, ánh đèn hẽm khuya

Vang trong hồi tưởng não nề

Tiếng mưa pháo kích bốn bề thủ đô

Ghé thân lữ thứ trăm miền

Nỗi buồn nào cũng mang tên Sàigòn.

 

Nguyễn Đình Toàn qua “Sàigòn Niềm Nhớ Không Tên” quả phải cảm thấy một nỗi mất mát lớn lao và đau xót khi tên chính thức của Sàigòn bị tướt đoạt:

 

Sàigòn ơi, ta mất người như người đã mất tên,

như dòng sông nước cuộn quanh bùn,

như người đi cách mặt xa lòng,

Ta nhủ thầm, em có nhớ không.

Sàigòn ơi, đâu những ngày thành phố xôn xao,

trong niềm vui tiếng hỏi câu chào,

Sáng đời tươi thắm vạn sắc màu, Nay còn gì đâu…

Ai ra đi nhớ hàng me già,

Khu công viên hoa vàng tượng đá.

Thôi hết rồi mộng ước xa xôi, theo dòng đời trôi…

Sàigòn ơi, đâu những ngày mưa mùa khoác áo đi,

tay cầm tay nói nhỏ câu gì.

Đâu quày hoa quán nhạc đêm về,

đâu rộn ràng giọng hát Khánh Ly.

Sàigòn ơi, thôi hết rồi những ngày hát bên nhau,

Đâu Phạm Duy với tình ca sầu.

Mắt lệ rơi khóc thuở ban đầu. Còn gì đâu.

Ai ra đi nhớ hàng me già,

khu công viên hoa vàng tượng đá.

Ta tiếc thời âu yếm xa xưa, Nay còn gì đâu…

Sàigòn ơi, ta mất người như người đã mất tên,

như hàng cây lá đỏ trông tìm,

Mặt trời soi dáng nhỏ dịu hiền,

đang ngậm ngùi trên môi lắng im…

Sàigòn ơi, ta mất người như người đã mất tên,

như mộ bia đá lạnh hương nguyền,

như trời xa đã bỏ đất liền, còn gì đâu…

Khi màn đêm buông xuống,

kẻ tha hương trăn trở giấc ngủ,

bóng tối xoa mềm suy tư, tâm hồn lắng đọng,

kỷ niệm bồng bềnh hiện về,

lan tỏa tràn ngập hình ảnh quá khứ.

 

Trầm Tử Thiêng viết bài nhạc “Đêm Nhớ Về Sàigòn” như sau:

 

Đêm nhớ về Sàigòn,

thấy phố phường buồn xưa chưa nguôi,

những con đường thèm đôi chân vui đã bao lâu chờ đợi.

Đường êm nghe quá khứ trong sâu,

Đường chia ly vẫn ngóng tin nhau.

Tình lẻ loi canh thâu…

Đêm nhớ về Sàigòn,

tiếng nhạc vàng gọi từng âm xưa,

ánh đèn vàng nhạt nhòa đêm mưa,

ai sầu trong quán úa.

Bóng mẹ hiền mờ mờ bên song,

mắt người tình một trời mênh mông,

gợi bao nhiêu cho cùng…

Yêu me một khối tình quê,

yêu em từng bước tình si,

đêm đêm mộng thấy đường đi đường về.

Ta như cậu bé mồ côi,

cố vui cuộc sống nhỏ nhoi,

cố quên ngày tháng lẻ loi để lớn,

để đêm đêm nhớ về Sàigòn,

thấy mình vừa trở lại quê hương,

đã gặp người một trời yêu thương,

cho lòng thêm chút ấm.

Thấy bạn bè thèm ngồi bên nhau,

nhắc chuyện người, chuyện đời thương đau,

tình chia trong đêm sầu…

 

Sàigòn không có lăng tẩm uy nghi, non xanh nước biếc như Huế. Sàigòn không có đền đài cổ kính, di tích lịch sử như Hà Nội. Sàigòn chỉ là một thành phố vươn lên từ vùng đất sình lầy nhưng đầy sức sống luôn luôn mở rộng vòng tay chào đón người mới. Có người chỉ ghé lại Sàigòn một thoáng; có người tạm trú một thời gian ngắn hay dài; có người những tưởng ở Sàigòn cho đến cuối đời nhưng lại phải bỏ đi khi giặc chiếm. Sàigòn đã cưu mang họ. Bù lại, họ đã đổ mồ hôi, nước mắt, và có khi cả máu để xây dựng và bảo vệ Sàigòn. Vận nước ngả nghiêng, Sàigòn mất. Nhiều đứa con của Sàigòn từ giã thành phố thân yêu ra đi trong vội vã hoảng hốt, trong muôn vàn đớn đau cắt ruột. Nguyệt Ánh viết:

 

Tôi thấy rồi Sàigòn trong ngày giặc đến,

Bối rối xôn xao Bến Bạch Đằng.

người chen lên người. Rồi người đi,

rồi biệt ly, rồi sầu bi, nối theo nhau xa dần thành phố u ám…

Tôi thấy rồi Sàigòn buồn lắm em ơi.

Phố xá tan hoang nên trời buồn giăng mây sầu.

Bên giáo đường, bên trường xưa,

bên hè phố nối lên nhau xác người nằm chật trên thềm.

Tôi thấy rồi Sàigòn trong ngày giặc đến.

Là người hay là thú? Cường đạo hay giải phóng?

Từ rừng sâu về cướp tự do, từ rừng sâu về cướp ấm no.

Bắt bớ dân lành, nhốt tối tháng ngày thảm thương.

Tôi thấy rồi Sàigòn buồn lắm em ơi.

Mắt ngấn lệ rơi, nhìn trời tìm hướng xa vời.

Trên phố dài, bên hàng cây,

trong chiều vắng nối theo nhau từng kỷ niệm làm cơn đau dài.

(“Sàigòn Buồn Lắm Em Ơi”)

 

Mưa Sàigòn còn buồn không em.

Ta tìm đâu ngày cũ êm đềm.

Những con đường ngập nước mưa đêm.

Từng quầy hoa, ghế đá công viên.

Nắng Sàigòn còn ấm không em.

Hai hàng cây bóng ngả bên thềm.

Nắng ban mai xanh mầu mắt biếc.

Gió ban chiều làm tóc em bay.

Mưa Sàigòn, ôi mưa Sàigòn.

Bờ đại dương nghe mình chờ ngóng.

Ta ra đi mất lối quay về.

Rồi chiều mưa ai đón đưa em.

Mưa bên nầy buồn lắm em ơi.

Riêng mình ta lê bước trên đời.

Giãi ngân hà ngăn cách đôi nơi.

Từng giọt mưa như nước mắt rơi.

Nắng bên nầy buồn lắm em ơi.

Một mình ta lê bước trên đời.

Nắng nơi đây cũng là nắng ấm.

Nhưng ấm sao bằng nắng ấm quê hương.

(“Mưa Sàigòn Còn Buồn Không Em”)

 

Nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ cũng góp công để lại cho đời bài nhạc “Đêm Qua Mơ Thấy Sàigòn” sau đây:

 

Hôm qua mơ thấy Sàigòn.

Tôi về trong lòng rộn rã.

Đi về thăm lại thành xưa.

Tôi đi tim những bồi hồi.

Đi tìm nhữn gì ngày đó.

Cho vừa nỗi lòng hằng mơ…

Bao năm xa cách Sàigòn.

Tôi về đôi hàng lệ ứa.

Khi nhìn đô thành ngày xưa.

Tan hoang xơ xác nào ngờ.

Tiêu điều trên đường ngày cũ.

Tiêu điều trong lòng người xưa.

Thôi rồi giấc mơ tàn.

Tôi nằm tôi nhớ vu vơ.

Mơ rồi giấc mơ tàn.

Tôi nằm tôi tiếc ngẩn ngơ.

Ai ngờ tôi như là.

Như là em bé ngây thơ.

Mơ rồi giấc mơ tàn.

Tôi ngồi tôi khóc như mưa.

Hôm qua mơ thấy Sàigòn.

Tôi về mưa chiều tầm tã.

Đi tìm thăm người tình xưa.

Tôi đi, đi tới Bàn Cờ.

Không ngờ em còn ở đó.

Không ngờ em còn chờ tôi.

Ôm tôi em khóc từng hồi.

Đau buồn mối tình ngày ấy.

Sao đành ai làm lìa tan.

Ôm em tôi khóc sụt sùi.

Đôi người đôi dòng lệứa.

Đôi người đôi lòng cùng đau.

 

Cũng như Trầm Tử Thiêng, bây giờ chắc là Hoàng Thi Thơ, người nhạc sĩ tận tụy cả cuộc đời cho nghệ thuật này đã mãn nguyện rồi khi vừa nằm xuống trên cõi đất tạm dung và hồn ông có thể tiêu diêu bay về với cố hương.

 

Dường như bất cứ bài nhạc nào viết về Sàigòn mà một khi đã được trình bày qua giọng ca liêu trai của Khánh Ly cũng đều trở nên truyền cảm có tác dụng xoáy tận tâm hồn người nghe. Bài “Sàigòn Ơi Ta Sẽ Về” của Trần Lãng Minh nằm trong số những bài nhạc để đời đó mà người Sàigòn ra đi luôn luôn trân quí:

 

Nhớ hôm nào một buổi ta xa em.

Không gian sầu, mây cũng bâng khuâng tiễn đưa.

Gió gợn lòng buồn, ôi khúc nhạc chia ly,

ôi cung sầu ai bi, ôi lệ nhòa ra đi.

Sàigòn ơi, xa em ta mang đời viễn xứ.

Trả lại em bóng dáng con phố xưa.

Và tình yêu xanh tháng ngày muôn thuở.

Sàigòn ơi, ta xa em mất rồi.

Và từ đây, rong trôi đời ta tháng ngày.

Và từ đây, nghìn trùng đời ta trong tiếc nhớ.

Đời rộng bước chân, ôi đã là dang dở.

Sàigòn ơi, giữ hộ ta mái tóc yêu.

Biết bao giờ, ta về con sông xưa.

Chốn êm đềm nơi cũ mang bao thiết tha.

Mắt ngời niềm chờ, ta sẽ về bên em,

thôi ngừng gót phiêu du, bao năm rồi xa nhau.

Nhớ nhung đầy, những ngày xuôi trên vai.

Với cơn mộng đưa lối ta đang thoáng mơ.

Giấc mộng ngày về,

ta sẽ về bên ai, trong chiều đón đôi tay,

trong mắt rưng lệ cay.

Sàigòn ơi. Sàigòn ơi.

Giữ hộ ta cuộc đời.

Giữ hộ tình tôi.

 

“Một Thoáng Sàigòn” của Bảo Phúc và Vũ Tuấn Bảo, “Sàigòn Chỉ Vui Khi Các Anh Về” của Bảo Chương, “Cho Một Thành Phố Mất Tên” của Hoàng Ngọc Ẩn và Phạm Thành, “Sàigòn Vĩnh Biệt Tình Ta” của Hoàng Ngọc Ẩn và Song Ngọc, v.v… Có bài được cảm tác ngay khi tác giả còn trong ngục tù cộng sản, hay trong trại tị nạn. Đa số được viết ra ở nơi định cư an toàn, đầy đủ tự do.

 

Chính vì điểm tương phản đó mới làm cho ta chạnh lòng liên tưởng đến Sàigòn trong hiện tại lầm than cơ cực để rồi hoài niệm nhớ thương một thời dĩ vãng. Ta chỉ nghe, chỉ biết các sáng tác đã được phổ biến. Còn biết bao sáng tác khác rải rác đó đây chưa được giới thiệu trình làng và góp nhặt đầy đủ. Hoặc là kỷ niệm chỉ luôn luôn chôn chặt đáy lòng. Rồi giai đoạn của lớp người Sàigòn cũ như bạn, như tôi sẽ qua đi. Chừng đó hoài niệm của bạn, của tôi cũng bị chôn vùi theo lớp bụi thời gian. Sàigòn đã ba trăm năm tuổi, đã trải qua bao nhiêu thế hệ. Thêm một lần nữa, lịch sử Sàigòn lại sang trang.

 

Nguyễn Thanh Hoàng

 

Nguồn: https://ar-ar.facebook.com/groups/1399481216981167/permalink/2160338174228797/

 

Trần Văn Giang (st)

 

Sàigòn Của Tôi – Nguyễn Thanh Hoàng

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *