Đĩ bút
.
Cán bộ đi quyên tiền đóng góp chung tay chống dịch
Sáng nay vừa mò mặt tới toà soạn, lão trưởng ban đã ngoắc lại. Nhìn nụ cười đểu đểu trên gương mặt lão, hắn đã mừng thầm. Hắn cứ tưởng sẽ được xếp giao đi xuống các cơ sở kinh doanh viết bài, kiếm tí cháo vì cả tháng nay đói meo rồi, ngày nào vợ cũng cho nghe chửi… nhưng không phải. Lão trưởng ban nhe răng ra, hơi thở toàn mùi rượu:
– Hôm nay cấp trên giao cho đồng chí nhiệm vụ viết về các tấm gương chung tay đóng góp chống dịch Covid 19. Mục đích là để nhử mồi, lôi kéo nhân dân đóng góp càng nhiều càng tốt. Cơ quan ta có đạt được thành tích thi đua hay không là nhờ ở đợt vận động này đấy.
Trong bụng hắn buồn như mùa thu chết nhưng hắn vẫn phải làm ra vẻ sốt sắng:
– Vâng, thế các tấm gương đó ở đâu ạ. Anh cho em biết địa chỉ để em chạy ngay xuống tìm hiểu viết bài.
Lão trưởng ban nghẹo cổ, cái cổ gầy như cổ gà và dơ kinh khủng, chắc lâu lắm rồi lão chưa tắm:
– Làm gì có tấm gương nào? Phải tự phát huy ra chứ. Nếu có gương thật thì ai viết chẳng được, cần gì phải nuôi cả một toà soạn báo bọn mình cho tốn lương, tốn thưởng của nhà nước.
Trong lúc đang bối rối vì bị xếp sửa lưng, hắn buột miệng chống chế:
– Em tưởng nhiệm vụ của báo chí là bảo vệ sự thật, là phản ảnh trung thực các sự kiện xảy ra trong xã hội…
Cái cần cổ bẩn thỉu bổng nhiên không nghẹo nữa mà ngỏng cao lên như cổ gà chọi, hàm răng vẩu của lão chìa hẳn ra, xém chút xíu chọc vào mắt hắn:
– Ơ, hôm nay đồng chí phát biểu linh tinh, mất lập trường nhỉ. Cái điều mà đồng chí vừa nói chỉ áp dụng cho nền báo chí của bọn tư bản giãy chết thôi, còn chúng ta là báo chí cách mạng, phải khác đi chứ lị. Đây này, tôi đã giật tít sẵn cho các bài báo, đồng chí đọc đi rồi cứ thế theo đó mà ngồi viết bài. Viết sao cho nó y như thật là đạt yêu cầu. Nghe chửa?
Hắn cúi xuống đọc các tựa bài mà lòng phải bái phục trình độ đặt tít rất giật gân của lão trưởng ban:
– Cụ ông 84 tuổi, vợ bịnh nặng, con khát sửa khóc ằng ặc, vẫn chống gậy đi 40 km để trao tiền chống dịch Covid 19 cho UBND xã.
– Em học sinh lớp 6 đập ống heo của hàng xóm; đóng góp gần 1 triệu cho công cuộc phòng chống dịch bệnh.
– Cụ bà đơn thân bán con gà nuôi đã hơn 20 năm để lấy tiền ủng hộ quỹ phòng chống dịch.
– Chém người xong, thủ phạm còn ghé UBND phường đóng góp cho quỹ phòng dịch 200 ngàn rồi mới chạy về nhà ẩn nấp.
Đọc lướt qua xong, hắn ngập ngừng góp ý với xếp:
– Em thấy toàn hình sự với lại các cụ già, em bé đóng góp thì có vẻ đơn điệu quá, hay là để em bịa thêm vô là ông giám đốc công ty hay bà phó chủ tịch UBND tỉnh nào đó cũng đóng góp, cho nó đầy đủ mọi thành phần từ nhà nước đến nhân dân, được không anh?
Lão trưởng ban trợn ngược mắt lên:
– Ấy chết, không được đâu. Nói đến chuyện cán bộ ta bỏ tiền túi ra đóng góp thì ai mà tin. Chuyện này có bao giờ xảy ra đâu? Mình bịa thì cũng phải viết thế nào cho nó giống thật, để dân còn tin chứ. Bịa như đồng chí thì chỉ có chó nó tin. Chết thật thôi. Trình độ như thế mà cũng đi làm báo đảng, không trách được cả nước ai cũng chửi tụi mình là một bọn đĩ bút, chuyên nghề viết báo bưng bô…
Theo FB Loc Duong
_____________________________________________________
Bài viết bàn thêm cho vui về chữ Đĩ / Điếm / “Nhà Thổ”
“Thổ” vốn không phải là “Điếm”
“Thổ” có nghĩa gốc là “đất,” rồi từ nghĩa gốc này, nó mới có nghĩa phái sinh khá thông dụng là “Thuộc về một địa phương lớn nhỏ nào đó,” như: thổ âm, thổ cẩm, thổ công, thổ dân, thổ hào, thổ ngữ…
Tuy nhiên, có một cách hiểu khá thông dụng cho rằng “Thổ” còn có nghĩa là “Đĩ, Điếm.”
Từ điển tiếng Việt của Trung tâm Từ điển học do Hoàng Phê chủ biên có ghi nhận “Thổ” như là một từ cũ và giảng là “Gái mại dâm trong xã hội cũ [hàm ý khinh].” Trước đó, Việt Nam tự điển của Lê Văn Đức đã ghi nhận “Nhà Thổ” và giảng là “Nhà đĩ,” rồi ở phần chữ cái “T” thì ghi nhận “Thổ” với lời giảng theo nghĩa “Đĩ điếm.” Nhưng “Thổ” [土] tuyệt nhiên không có cái nghĩa nào trực tiếp liên quan đến khái niệm “Gái điếm” cả. Nếu có thì đó cũng chỉ là một thao tác “gá nghĩa” mà thôi. Nó chỉ liên quan đến danh ngữ “Thổ xướng gia” [土娼家] của tiếng Hán.
Vậy “Xướng” [娼] là gì? Đây là một “đồng nguyên tự” (chữ cùng gốc) với hai chữ [唱] và [倡], đều đọc là “Xướng” và có nghĩa gốc là “Ca, Hát” (nên mới đi với bộ khẩu [口] thành [唱]), rồi “Người ca hát” (nên mới đi với bộ nhân [亻] thành [倡]) và vì “Người ca hát” trong các kỹ viện, tửu lâu thời xưa, nói chung đều là “Nữ” (đàn bà con gái) nên khái niệm này mới được cụ thể hóa bằng chữ “Xướng” [娼] bộ “Nữ” [女]. Cuối cùng thì vì “Ca nữ” nhiều khi cũng “kiêm nhiệm” thêm chức năng của “kỹ nữ” nên chữ “Xướng” [娼] đã mang cái nghĩa chính thức là “Gái điếm.” Ở đây, “Thổ” có nghĩa gốc là “Thuộc về địa phương” (local) nên tại một số nguồn trên mạng “Thổ xướng” đã được dịch theo từng từ sang tiếng Anh thành “Local prostitute[s]” (tức là Điếm “sở tại”). Còn cái nghĩa chính xác của danh ngữ này là “Unlicensed prostitute” (Điếm không có giấy phép), “Unregistered prostitute” (Điếm không đăng ký). Vì vậy những “Gái điếm” này còn được gọi là “Tư xướng” [私娼], tức “Điếm chui,” “Điếm lén” – trước đây ngôn ngữ bình dân trong Nam gọi là “Đĩ lậu” – hành nghề điếm không có phép, không đóng thuế và không đi lục xì, để phân biệt với “Công xướng” [公娼], là những “gái điếm có đăng ký” và được nhà cầm quyền cho phép. Cứ như trên thì “Thổ xướng” đồng nghĩa với “Tư xướng” và có nghĩa là “Gái mại dâm chui,” “Gái mại dâm lén.” Nơi hành nghề của “gái mại dâm chui,” tức của “Thổ xướng,” là “Thổ xướng gia” [土娼家] và đây chính là cái ngữ đoạn danh từ được chuyển ngữ sang tiếng Việt thành “Nhà Thổ.”
Một ấn bản (chữ Hán) của “Lão Tàn du ký”
(Ảnh: An Chi)
Tại hồi thứ 19 của truyện Lão Tàn du ký [老殘遊記], nói về hành động của nhân vật Hứa Lượng, tác giả Lưu Ngạc có kể rằng y “tựu đáo giá thổ xướng gia” [就到這土娼家], nghĩa là y “bèn đến thổ xướng gia này.” Ở đây, “Thổ xướng gia” cũng đã được chuyển sang tiếng Việt thành “Nhà Thổ” (xin xem Lão Tàn du ký, Trần Văn Chánh dịch, NXB Văn nghệ TP.HCM, 1989, tr. 258).
Vậy “Nhà Thổ” là “dịch phẩm” từ “Thổ xướng gia” của tiếng Hán nên “Thổ” vốn không hề có nghĩa là “Điếm” hay “Đĩ” gì hết ráo!
Theo An Chi
Trần Văn Giang (ghi lại)
.