Cách xưng hô trong tiếng Việt

 .

 

 

Kinh nghiệm rút ra từ nhiều năm dạy tiếng Việt ở hải ngoại cho tôi thấy, đối với những người mới học, trong tiếng Việt, có hai điều khó nhất: thanh điệu và cách xưng hô.

 

Ðối với những ngoại quốc học tiếng Việt, hai cái khó ấy cơ hồ ngang nhau, dù cái khó thứ nhất, về thanh điệu, cần phải được ưu tiên khắc phục trước, để từ đó, học viên mới có thể phát triển được khả năng nghe và nói của họ.

 

Ðối với học viên Việt Nam sinh trưởng ở nước ngoài, cái khó về thanh điệu thường không đến mức quá trầm trọng: dù chưa bao giờ chính thức học tiếng Việt, họ cũng đã từng nghe cha mẹ và bà con chuyện trò bằng tiếng Việt, đã quen với cái điệu lên bổng xuống trầm của tiếng Việt, vì vậy, thường, không cần có tài thẩm âm lắm, họ cũng có thể phân biệt được sự khác nhau giữa những chữ, chẳng hạn, MA, MÁ, MÀ, MẢ, MÃ, và MẠ.

 

Tuy nhiên, cả người ngoại quốc lẫn người Việt sinh trưởng ở nước ngoài đều cảm thấy lúng túng về cách xưng hô trong tiếng Việt.

 

Mà không phải chỉ có những người mới học. Ngay cả những người sử dụng tiếng Việt cực kỳ thành thạo cũng có lúc, thậm chí, nhiều lúc cảm thấy bối rối trong việc xưng hô.

 

Ai cũng biết cách xưng hô của người Việt chủ yếu dựa vào quan hệ đẳng cấp và tuổi tác.

Ðẳng cấp thì có nhiều loại: không nhất thiết phải là chức vụ trong hệ thống công quyền, ngay cả thứ bậc trong gia đình hay một số nghề nghiệp trong xã hội cũng là những đẳng cấp cần tuyệt đối tôn trọng trong cách xưng hô.

 

Ngày xưa, đẳng cấp là nguyên tắc chủ đạo. May là thời ấy, ý niệm tôn ti còn nặng nên người nào an phận người nấy, vấn đề xưng hô chắc không mấy khi cần phải đặt thành vấn đề; cứ hễ gặp người có chức tước cao hơn mình thì cứ cúi đầu và khom lưng xuống, “bẩm quan,” “bẩm cụ.” Muốn cho chắc ăn hơn nữa thì thêm tính từ “lớn” sau các chữ “quan” hay chữ “cụ” ấy.

 

Những người làm quan được gọi là “quan,” đã đành. Những người không phải là quan nhưng trông có vẻ hơi sang sang một chút cũng được gọi là “quan.” Bác sĩ là “quan”: “quan đốc.” Nhà báo cũng là “quan”: “quan tham nhựt trình.”

 

Không “quan” thì là “thầy”: nghề gì dính đến giấy mực đều là “thầy”: thầy thông, thầy ký, thầy cò, v.v…

 

Từ 1945 đến nay, tất cả những kiểu xưng hô phong kiến như thế đều bị bỏ. Ngay những cách gọi “ông” hay “bà” cũng bị cho là khách sáo và cổ hủ: Bỏ. Cách xưng hô trở thành thân mật hơn: hễ ai bằng hoặc lớn tuổi hơn bố mẹ mình thì mình gọi là “bác”; trẻ hơn chút thì gọi là “chú” hay “cô”; bằng hoặc lớn tuổi hơn mình thì mình gọi là “anh” hay “chị”; trẻ hơn thì gọi là “em.” Ðại khái thế.

 

Nguyên tắc thì đơn giản nhưng việc thực hiện không phải không phức tạp. Ðiều những người ngoại quốc học tiếng Việt thường phàn nàn nhất là: rất khó đoán tuổi người Việt Nam. Ai cũng có vẻ trẻ măng cả. Hơn nữa, trong các cuộc chuyện trò mặt đối mặt thì còn đỡ. Nói chuyện qua điện thoại mới khó. Làm thế nào để có thể xác định được ngay người ở đầu dây bên kia khoảng bao nhiêu tuổi để xưng hô cho thích hợp? Chịu. Thú thực, tôi đã bao nhiêu lần nghe các sinh viên nêu lên cái câu hỏi ấy. Vẫn không biết trả lời thế nào cho thực ổn.

 

Nguyên tắc dựa vào tuổi tác, tưởng dễ, cũng có vô số ngoại lệ. Ví dụ, với người trẻ hơn mình thì mình có thể gọi là “em.” Nhưng thế nào mới được gọi là trẻ hơn mình? Một tuổi? Năm tuổi? Mười tuổi? Ở lứa tuổi 20, việc xưng là “anh/chị” và gọi người khác là “em” trong những lần gặp đầu tiên có khi còn thể tất. Nhưng từ khoảng lứa tuổi 30, 40 trở lên, khi người ta đã có gia đình và đã có chút địa vị trong xã hội, việc xưng hô như thế rất dễ bị xem là suồng sã, thậm chí, lỗ mãng.

 

Tôi có một người quen sau nhiều năm ở hải ngoại, cùng vợ về Việt Nam, gặp một số bạn bè mới. Ông ấy kể là, suốt cả hơn một tháng ở Việt Nam, ông vẫn không tránh được cảm giác kinh ngạc và bất bình khi nhiều người đàn ông ông mới quen, có khi, chỉ mới gặp lần đầu, đều gọi vợ ông là “em” và xưng “anh” một cách ngon ơ. Ông cảm thấy có cái gì như bị xúc phạm. Ngày trước, ở miền Nam, là một công chức thuộc loại khá cao, ông sống trong một môi trường khá nhiều lễ nghi. Lâu lắm, ông chưa nghe ai, trừ ông và những người thân trong gia đình, gọi vợ ông là “em” cả. Ông cứ đinh ninh chữ “em” ấy là một cái gì ít nhiều có tính độc quyền. Vậy mà…

 

Ngược lại, trong nhiều giới, đặc biệt là giới văn nghệ, không ít người chỉ muốn người khác gọi là “anh” hay “chị” thôi. Tôi nhớ, lần đầu tiên gặp Mai Thảo, tôi gọi ông là “bác”; ông xua tay: “anh đi.” Ừ, thì… “anh.” Tôi vừa gọi “anh” vừa thấy hơi ngường ngượng. Ông sinh năm 1926, lớn hơn tôi đến 30 tuổi. Riết, cũng quen dần. Sau đó, gặp Phạm Duy, lớn hơn tôi 35 tuổi, tôi cũng lại cứ anh anh em em. Sau đó, gặp Võ Phiến, lớn hơn Mai Thảo một tuổi và trẻ hơn Phạm Duy bốn tuổi, quen miệng, tôi cũng gọi bằng “anh”; ông có vẻ hơi… sửng sốt. Thoáng nhìn, tôi biết ngay, bèn đổi lại “bác.” Thì mọi chuyện lại yên ổn. Thành ra, ở đây, ngay trong giới văn nghệ, cũng chẳng có luật lệ gì cho việc xưng hô cả. Tuỳ người.

 

Chuyện xưng hô trong tiếng Việt, khó là thế.

 

 

NGUYỂN HƯNG QUỐC

 

*

 Cách xưng hô và tiến trình dân chủ hóa

tại Việt Nam

.

 

Những sự phức tạp và lắt léo trong cách xưng hô tiết lộ điều gì trong văn hoá Việt Nam?

 

Tôi nghĩ đến hai điều:

 

Thứ nhất, qua việc sử dụng hệ thống từ vựng chỉ thân tộc làm đại từ nhân xưng, người Việt Nam đã biến gia đình thành hệ quy chiếu của quan hệ xã hội. Người nào ngang tuổi ông bà mình thì tự động trở thành “ông,” “bà”; người nào ngang tuổi chú bác cô dì thì tự động trở thành “chú,” “bác,” “cô,” “dì”; người nào ngang tuổi anh chị thì tự động biến thành “anh,” “chị,” v.v… Như thế, xã hội được xem như một gia đình mở rộng.

 

Nền tảng của gia đình là huyết thống. Ðiều này, tôi nghĩ, giải thích tại sao người Việt không sử dụng một số từ như “vợ,” “chồng,” “dâu” và “rể” làm đại từ nhân xưng. Trước đây, đã có người nêu ý ấy. Cao Xuân Hạo phản bác: “thím” và “dượng” đâu khác gì “dâu” và “rể”? Cũng là những người ở ngoài huyết tộc cả thôi.(1)

 

Tuy nhiên, tôi nghĩ, những trường hợp này không giống hẳn nhau. “Thím” và “dượng” là những cách gọi từ những người thuộc vai cháu; trong khi “vợ”/“chồng” và đặc biệt, “dâu”/“rể” là những thuật ngữ được dùng bởi những người đang đứng ở vai trên: cha mẹ. Người thuộc vai dưới phải chấp nhận vị thế của người trên, trong khi đó, người bề trên có quyền khống chế người dưới: vợ chồng phải biến thành “anh”/“em”; dâu và rể phải biến thành “con”/“cháu” mới thực sự biến thành những thành viên ruột thịt trong gia đình.

 

Xem xã hội như một gia đình mở rộng cũng là một điều hay.

 

Ừ, thì…hay. Nhưng dở, cũng lắm chuyện dở.

 

Dở nhất, theo tôi, là với cách nhìn ấy, người Việt Nam rất khó xây dựng được một xã hội công dân thực sự, ở đó, tư cách mỗi người được xác định bằng một tiêu chí duy nhất: luật pháp. Không phải ngẫu nhiên mà ở Việt Nam, chỉ có một nơi duy nhất cách xưng hô dựa trên hệ thống từ thân tộc hoàn toàn bị loại bỏ: toà án. Nghĩ cũng phải chứ. Chẳng lẽ quan toà lại phán: “Cháu tuyên án bác 30 năm tù khổ sai vì tội giết người có vũ khí.” hay: “Anh phạt em 2 năm tù ở vì tội làm điếm.” Chẳng lẽ thế?

 

Thế nhưng, tại sao trong các cơ quan công quyền khác, người ta lại cứ tiếp tục bác bác cháu cháu? Nghe, dễ tưởng là thân mật, thậm chí, dân chủ nữa, nhưng theo tôi, chính cái cách xưng hô như thế đã góp phần ngăn chận quá trình dân chủ hoá của Việt Nam: người xưng “bác” hay xưng “chú” có thể tiếp tục độc đoán và người xưng “cháu” tiếp tục chấp nhận những sự độc đoán ấy là những điều bình thường.

 

Có thể nói, cách xưng hô như thế rất dễ làm triệt tiêu cảm giác phẫn nộ chính đáng của người dân khi đối diện với những sự bất công. Mà không có cảm giác phẫn nộ ấy thì sẽ không thể nào có được một xã hội công dân thực sự.

 

Thứ hai, cách xưng hô trong tiếng Việt cho thấy tính chất cụ thể trong ngôn ngữ và trong tư duy của người Việt.

 

Chúng ta không hề có những khái niệm mang tính khái quát cao như các đại từ trong phần lớn các ngôn ngữ Tây phương: trong đối thoại, mỗi người, với tư cách cá nhân, đều thuộc một trong ba phạm trù: người phát ngôn (ngôi thứ nhất), người trực tiếp đón nhận việc phát ngôn (ngôi thứ hai); và người được đề cập đến trong nội dung của lời phát ngôn (ngôi thứ ba). Lấy tiếng Anh làm ví dụ: là kẻ phát ngôn thì ai cũng như nhau, cũng là “I” cả. Chuyện trò, tổng thống xưng “I” gọi “you” mà tên lính quèn cũng xưng “I” và gọi “you.” Trong tiếng Việt, chúng ta không có những khái niệm nào tương đương với những “I,” những “you” ấy.

 

Hình như trong cách nhìn của nền văn hoá truyền thống Việt Nam, không có khái niệm cá nhân như một cái gì độc lập, chỉ được xác định bằng một tiêu chí duy nhất: hành ngôn. Cá nhân chỉ được định nghĩa theo các quan hệ nhất định: với người này, hắn là “ông,” với người nọ, hắn là “cha,” với người kia, hắn là “anh,” với người khác nữa, hắn lại là “em,” v.v…

 

Thử nghe lời nói này:

 

“Lẹ lẹ lên nào. Coi chừng trễ chuyến bay bây giờ. Nội, nội đưa cái dù cho cháu cầm cho; còn ba đưa cái xách cho con. Còn anh nữa, anh cứ ra xe trước đi để em khoá cửa cho. À này…, mấy đứa xem giùm mấy cái cửa sổ phía sau mẹ đã khoá kỹ chưa? Lẹ đi. Trời ơi!”

 

Chỉ qua mấy câu nói ngắn như vậy, chúng ta thấy là người phụ nữ đang nói chuyện với bốn, năm người khác nhau. Với mỗi người, chị làm một cuộc hoá thân: Với ông hoặc bà nội, chị xưng là “cháu”; với ba, chị xưng là “con”; với chồng, chị xưng là “em,” và với mấy đứa con, chị xưng là “mẹ.” Như vậy, người phụ nữ ấy thực sự là ai? Câu trả lời: không là ai cả. Chúng ta chỉ có thể xác định chị khi đặt chị trong mối quan hệ với những người khác.

 

Ðặc biệt, tất cả những quan hệ ấy đều tạm thời: chúng thay đổi xoành xoạch. Mỗi sự thay đổi đều dẫn đến sự thay đổi trong tư cách của người phát ngôn. Có thể nói, với người Việt Nam, mỗi lần chuyện trò là mỗi lần đóng một vai nhất định: đóng vai ông/bà, đóng vai cha/mẹ, đóng vai con/cháu, đóng vai anh/em, v.v…

 

Ðã vậy, người Việt còn có thói quen thích đóng các vai… giả. Ví dụ, một người đàn ông 50 tuổi có thể gọi một người đàn ông lạ khoảng 30 tuổi là “bác” và xưng là “cháu”: người ấy đang nhập vào vai đứa con của ông để gọi người khách.

 

Ở Việt Nam, người ta gọi cách xưng hô như thế là lối nói khiêm. Trong quan hệ vợ chồng, người ta cũng hay nhập vai con để gọi người phối ngẫu: vợ sẽ không gọi chồng là “anh” mà là “bố thằng cu” hay “bố nó” hay, gọn hơn, chỉ là “bố” suông thôi. Ngược lại, nói chuyện với chồng, người vợ có thể không xưng “em” mà lại xưng là… “mẹ,” kiểu:

 

“Bố ơi, chiều nay bố có đi Footscray không?”

“Có. Mẹ có cần gì không?”

“Ờ, bố mua cho mẹ thùng xoài nghe.”

“Xoài gì mà xoài. Mới ăn tuần trước mà. Ăn xoài nhiều nóng lắm, đâu có bổ béo gì…”

“Trời ơi, nóng với niếc gì, bố mày sao nhiều chuyện quá. Mùa này xoài đang rẻ, cứ cho con ăn cho đã. Hết mùa thì tụi nó lại nhịn.”

“Mẹ mày cứ hay chiều con…”

 

Ngày xưa, đặc biệt ở miền quê hay trong thơ văn, người ta còn cố gắng tránh tất cả mọi vai cụ thể như thế: người ta chỉ gọi là “ai” và xưng là “ai” một cách hết sức bâng quơ. Thuý Kiều nói với Kim Trọng: “Ðừng điều nguyệt nọ hoa kia / Ngoài ra, ai lại tiếc gì với ai.” Tản Ðà nói với người tình nhân không quen biết: “Ai những nhớ ai, ai chẳng nhớ / Ðể ai luống những nhớ ai hoài.” Thì cũng là những kiểu nhập vai giả, cái vai vô hình.

 

Nói chuyện là buộc phải đóng một vai nhất định. Do đó, trên nguyên tắc, bằng tiếng Việt, mọi cuộc đối thoại đều bất khả. Ðứng một mình, cá nhân sẽ không là gì cả. Mà đối thoại, nhất là tranh luận, cũng khó. Tôi đã chứng kiến, trong các cuộc họp hành, vô số những cuộc cãi cọ bằng tiếng Anh rất gay gắt. Cãi kịch liệt. Cãi đến nơi đến chốn. Thế nhưng, sau buổi họp, đâu lại vào đấy, mọi người lại là bạn bè, lại chuyện trò hoà nhã với nhau, như không hề có chuyện gì xảy ra. Tuy nhiên, cũng những người ấy, khi cãi với nhau bằng tiếng Việt thì lại khác. Khác hẳn. Ngay khi đang cãi cọ, người ta đã có thể linh cảm được là có cái gì đó đang đổ vỡ. Tại sao? Lý do chính, tôi đoán, chủ yếu là ở… tiếng Việt.

 

Mà thật. Cãi với nhau bằng tiếng Anh, mọi người đều bình đẳng ngay từ đầu: ai cũng là “I” và “you.” Từ vị thế bình đẳng ấy, người ta có thể an tâm tập trung vào lý luận để giành thắng lợi trong lý luận và bằng lý luận.

 

Cãi với nhau bằng tiếng Việt thì khác. Từ khởi sự, đã có cái gì như không bình đẳng và cũng không sòng phẳng: người lớn tuổi hơn thì xưng “bác” hay “anh,” do đó, từ tiềm thức, đã mơ hồ cảm thấy mình đang ở thế bề trên, thế đàn anh; người trẻ hơn, ngược lại, phải xưng “cháu” hoặc “em,” do đó, cũng tự trong tiềm thức, đã có chút mặc cảm yếu thế. Ðể bù lấp cái mặc cảm yếu thế ấy, những người trẻ hơn, ngoài lý luận, thường tự động sử dụng một số biện pháp khác: khuôn mặt đanh lại một chút, giọng nói to lên một chút, giọng điệu chì chiết hơn một chút, chữ nghĩa nặng nề hơn một chút.

 

Có khi người ta đổi cả cách xưng hô: bình thường thì anh anh em em; khi cãi nhau thì anh/chị với tôi. Ðối với những người tự đặt mình ở vị thế cha, chú, anh, chị… tất cả những điều ấy đều dễ dàng gây thương tổn. Nghe chữ “tôi” từ miệng một người vốn thường xưng “em” với mình, người ta dễ có cảm tưởng như bị hạ bệ hay bị phản bội. Cảm giác “đổ vỡ” không chừng xuất phát từ đó.

 

Cảm giác ấy càng rõ hơn khi vợ chồng cãi nhau. Bắt đầu cãi, đang tức, người vợ phải xưng “em,” càng dễ thấy… tức hơn. Cảm thấy như mình bị xử ép. Càng dễ bù lu bù loa hơn nữa. Vẫn thấy bị ép. Cứ phải xưng “em” là lại thấy bị ép. Bèn đổi thành “tôi” cho… ngang cơ. Chồng, chưa cần biết vợ nói đúng hay sai, chỉ cần nghe chữ “tôi” bất bình thường ấy, đã đùng đùng nổi giận, có cảm giác là vợ mình… hỗn láo, đòi đảo chánh… mình.

 

Tôi tuyệt đối chống lại mọi hình thức bạo hành, từ trong gia đình đến ngoài xã hội, nhưng tôi tin là tôi hiểu được lý do gì đã thúc đẩy nhiều gã đàn ông, trong những trường hợp như thế, đã không tự kìm chế được, phải vung tay lên: cái hắn muốn đánh, trước hết, là chữ.

 

Chữ, chứ không phải là người.

 

____________

Chú thích:

(1) Cao Xuân Hạo (2001), Tiếng Việt Văn Việt Người Việt, Thành phố HCM: Nxb Trẻ, tr. 298 (chương “Mấy vấn đề văn hoá trong cách xưng hô của người Việt”). Về vấn đề xưng hô trong tiếng Việt, có thể xem thêm Võ Phiến (1999), Cảm nhận, California: Văn Mới, tr. 29-38 (chương “Cái tiếng mình nói”).

 

NGUYỄN HƯNG QUỐC

.

Cách xưng hô trong tiếng Việt – Nguyễn Hưng Quốc

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *