Tam tòng: Ý nghĩa mà người hiện nay hiểu đã diễn biến sai lệch ra sao?

.

 

(Ảnh minh họa)

 

 

Chúng ta vẫn luôn cho rằng “tam tòng” là hủ tục và bất công đối với phụ nữ trong xã hội phong kiến. Nhưng ý nghĩa thật sự của khái niệm này lại khác xa so với những gì mà chúng ta vẫn nghĩ.

 

*

 

Nói đến “Tam tòng,” có người cho rằng đó là thứ tư tưởng phong kiến, cổ hủ, lạc hậu, lỗi thời, là coi thường và ức hiếp phụ nữ, không cho họ có thân phận gì, khiến họ luôn phải phụ thuộc vào đàn ông… Thực tế khái niệm này có nội hàm rất sâu sắc và nhân văn, nhưng đến thời hiện đại đã bị lợi dụng làm bình phong để đả phá phong kiến và che giấu sự phá hoại văn hóa truyền thống 5000 năm.

 

 

Tam tòng là gì?

 

Hầu hết chúng ta đều lý giải “Tam tòng” dựa vào câu: “Tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử,” cho rằng đó nghĩa là người phụ nữ ở nhà thì theo (phục tùng) cha, lấy chồng thì theo (phục tùng) chồng, chồng mất thì theo (phục tùng) con trai. Thực tế cách hiểu này chỉ mới xuất hiện khoảng 100 năm trở lại đây mà thôi.

 

Thuật ngữ “Tam tòng” xuất hiện sớm nhất trong “Nghi lễ” – cuốn kinh điển Nho gia có từ thời đầu nhà Hán (khoảng năm 200 TCN), ghi chép lại những lễ nghi thời nhà Chu. Sách “Nghi lễ,” phần “Tang phục – Tử Hạ truyện” viết rằng:

 

“Phụ nữ không mặc tang phục ‘trảm thôi’ hai lần, điều này nghĩa là gì? Phụ nữ có cái nghĩa tam tòng, không có đạo dùng riêng. Do đó chưa lấy chồng thì theo cha, đã lấy chồng thì theo chồng, chồng chết thì theo con (con trai).” 

 

(Nguyên văn: Phụ nhân bất nhị trảm giả, hà dã? Phụ nhân hữu tam tòng chi nghĩa, vô chuyên dụng chi đạo, cố vị giá tòng phụ, ký giá tòng phu, phu tử tòng tử.)

 

 

Vị giá tòng phụ

 

Phụ nữ khi chưa lấy chồng, nếu cha mất thì mặc tang phục trảm thôi (‘trảm thôi’ là loại trang phục nặng nhất và được dệt bằng sợi đay thô nhất) trong 3 năm. Đối với người thân khác mất thì cũng mặc tang phục giống theo người cha, tức lễ quy định người cha chịu tang người thân kia thế nào thì phụ nữ chưa lấy chồng cũng theo như thế ấy. Đó chính là nghĩa gốc của câu “Vị giá tòng phụ” (ở nhà thì theo cha).

 

 

Ký giá tòng phu

 

Phụ nữ đã lấy chồng, khi chồng mất thì mặc tang phục trảm thôi trong 3 năm. Đối với người thân khác mất thì cũng mặc tang phục giống theo người chồng, tức là lễ quy định người chồng chịu tang đối với người thân đó như thế nào thì phụ nữ đã lấy chồng cũng theo như thế ấy. Đó chính là ý nghĩa gốc của câu “Ký giá tòng phu” (lấy chồng thì theo chồng). 

 

 

Phu tử tòng tử

 

Sau khi chồng chết thì phụ nữ chịu tang đối với những người thân khác giống theo con trai, tức là lễ quy định con trai chịu tang đối với người thân đó như thế nào thì người phụ nữ cũng chịu tang như thế ấy. Đó chính là ý nghĩa gốc của câu “Phu tử tòng tử” (chồng mất thì theo con trai).

 

Như vậy, “Tam tòng” là quy định về cách thức chịu tang đối với người phụ nữ: Khi họ chưa lấy chồng thì theo cách thức của cha, đã lấy chồng thì theo cách thức của chồng, còn sau khi chồng mất thì theo cách thức của con trai. Vì thế cả cuộc đời người phụ nữ chỉ chịu tang với nghi thức cao nhất một lần, tức mặc trảm thôi trong 3 năm chỉ một lần trong đời. Đó chính là ý nghĩa câu “Phụ nhân bất nhị trảm giả.”

 

Thời cổ đại quy định có 5 loại tang phục, gọi là ngũ phục, bao gồm: trảm thôi, tư thôi, đại công, tiểu công và ti ma. Thế nên tam tòng chỉ là thuật ngữ về chế độ tang phục cổ đại quy định cho phụ nữ, hoàn toàn không liên quan đến nghĩa vụ phục tùng. Do chế độ lễ nghi cổ đại rất chi tiết nên qua các triều đại đã dần dần bị đơn giản hóa, giản lược dần.

 

 

 

Diễn biến sai lệch

 

Lần diễn biến sai lệch thứ nhất

 

Đến cuối thời Tây Hán, tức khoảng 200 năm sau khi kinh sách “Nghi lễ” ra đời, thì những nghi lễ ấy đã được Đới Đức đem giản hóa từ 130 chương chỉ còn 85 chương, đặt tên là “Đại Đới lễ ký.” Trong chương “Bản mệnh thứ 18” sách “Đại Đới lễ ký” có viết rằng:

 

“Phụ nữ là người theo, đàn ông là chủ động. Phụ nữ nghe theo lời dạy bảo của đàn ông, từ đó tăng trưởng hiểu biết về nghĩa lý, do đó gọi là phụ nữ. Phụ nữ là người cúi đầu trước người khác, là do cái nghĩa không được tự ý chuyên chế, có cái đạo tam tòng. Ở nhà thì theo cha, về nhà chồng thì theo chồng, chồng chết thì theo con trai, không được tự ý theo sở thích.”

 

(Nguyên văn: “Nữ giả, như dã, tử giả, tư dã. Nữ tử giả, ngôn như nam tử chi giáo nhi trưởng kỳ nghĩa lý giả dã, cố vị chi phụ nữ. Phụ nữ, phục ư nhân dã, thị cố vô chuyên chế chi nghĩa, hữu tam tòng chi đạo: tại gia tòng phụ, thích nhân tòng phu, phu tử tòng tử, vô sở cảm tự toại dã.”)

 

Như vậy, nếu như từ thời nhà Chu đến thời Tần “Tam tòng” là chỉ chế độ tang phục cho phụ nữ, thì đến thời Tây Hán đã phát sinh biến đổi. Thời Tây Hán, một phần là do các lễ nghi có từ thời Chu nay đã bị giản lược, một phần là do hầu hết phụ nữ đều không được đi học, do đó họ không được tự tiện tùy ý làm theo ý thích mà phải nghe theo lời dạy bảo và chỉ dẫn của những người được học hành về đạo lý, lễ nghĩa, và nghi thức – đó là cha, chồng và con trai. 

 

Có lẽ đây là ý nghĩa được sử dụng lâu dài nhất suốt gần 2000 năm. Đại đa số người hiện đại khi nghiên cứu về tam tòng thì đều căn cứ từ tài liệu và ý nghĩa này. Có thể thấy, nếu ghép vào ngữ cảnh đương thời thì thấy quy định ấy cũng hoàn toàn hợp lý, không có ý nghĩa cưỡng chế ép buộc phụ nữ phải phục tùng nam giới vô điều kiện suốt cuộc đời.

 

(Ảnh minh họa)

 

Lần diễn biến sai lệch thứ hai

 

Vậy thì, bắt đầu từ khi nào tam tòng có cách hiểu như chúng ta thấy phổ biến hiện nay?

 

Sau Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất, các nước thắng trận đã ký kết bản Hiệp ước Versailles, trong đó có điều khoản chuyển giao chủ quyền tỉnh Sơn Đông từ tay Đức sang cho Nhật Bản. Vào ngày 4 tháng 5 năm 1919 đã xảy ra Phong trào Ngũ Tứ, tức phong trào của sinh viên và trí thức Trung Quốc đứng lên kêu gọi chống lại quyết định này. Sau đó phong trào chuyển sang chống lại chính phủ Trung Hoa Dân Quốc và lan rộng khắp 22 tỉnh và 150 thành phố ở Trung Quốc.

 

Từ Phong trào Ngũ Tứ trở đi, một số người cầm quyền đã bắt đầu bóp méo nghĩa ban đầu, giải nghĩa thành người phụ nữ cả đời phải phục tùng và nghe theo đàn ông, không có bất cứ quyền lợi hay tự do gì. Họ đã bịa đặt và giải thích lệch lạc ý nghĩa đích thực để kích động nữ giới đấu tranh ‘giành quyền lợi,’ ‘bình quyền,’ mà thực chất là lợi dụng để che đậy mưu đồ chính trị phía sau.

 

Cũng từ sau phong trào Ngũ Tứ đã bắt đầu nổi lên các phong trào đổi mới nhằm chống lại truyền thống, xóa bỏ văn phong văn ngôn, chuyển sang văn phong bạch thoại. Nghĩa là lối dùng từ ngữ và hành văn truyền thống suốt mấy nghìn năm đã bị phá bỏ, thay vào đó là dùng văn nói, tức khẩu ngữ. Cùng với đó là thay thế chữ Hán truyền thống bằng chữ Hán giản thể, quá trình này được thúc đẩy trong suốt mấy chục năm liền. Tiếp đó, phong trào ‘phá tứ cựu’ đã đốt phá hầu hết các văn vật và tài liệu cổ xưa.

 

Cũng từ đó, những trí thức muốn tìm hiểu về văn hóa truyền thống gần như không thể tiếp cận được tài liệu gốc ban đầu. Số tài liệu ít ỏi còn lại thì rất ít người đọc hiểu được do thay đổi về chữ viết (từ phồn thể sang giản thể) và hành văn (văn ngôn sang bạch thoại). Do đó đã khiến “Tam tòng” bị coi là ‘tội ác’ và ‘bất công’ của xã hội phong kiến đối với phụ nữ.

 

Nam Phương

 

Trần Văn Giang (st)

 

Tam tòng: Ý nghĩa mà người hiện nay hiểu đã diễn biến sai lệch ra sao? Nam Phương

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *