Sự Giàu Nghèo

.

Nghèo  –  Giàu

 

Tại sao lại có người giàu và người nghèo?  Và tại sao người giàu giàu thêm và người nghèo nghèo thêm? 

 

Ngoại trừ một vài ngoại lệ (như đảng viên cao cấp cộng sản và con cháu), tôi thấy chưa có câu trả lời nào gọi là thỏa đáng cho hai câu hỏi trên.  Những dòng sau đây phản ánh kinh nghiệm xương máu của cá nhân người viết – một người tị nạn cộng sản sống sót trên biển, đặt chân đến đất Mỹ thuộc loại “trên răng dưới dép,” có nghĩa là trong túi không có đến “25 Cent” để cạo gió; thêm vào đó đã từng bị sập tiệm một lần (phá sản, mất trắng) vì đầu tư trớt quớt.

 

Hiển nhiên, trên thế giới lúc nào cũng có hai loại người: Người giàu và người nghèo.  Giàu thì ít còn lại đa số là nghèo.  Có người nói đùa là “Thượng đế thương người nghèo cho nên Ngài sinh ra vô số người nghèo” (God loves the Poor that is why He makes so many of them!)  Thiệt không hà?!  Tôi thấy không phải như vậy đâu.  Kinh sách đều nói là Thượng đế muốn con người sống hạnh phúc; Mà trên trần tục này (không phải thiên đàng) muốn sống hạnh phúc thì việc “đầu tiên” là phải có đủ tiền.  Tôi thấy khó có thể ngụy biện là “Tiền không mua được hạnh phúc.”  Thử hỏi chứ có thứ gì mình ưa thích, làm mình hạnh phúc có thể rinh về nhà mà không mất tiền?  Biết rồi khổ lắm!  Hạnh phúc không thể mua được bằng tiền; nhưng có thể mua được bằng nhiều tiền là vậy!

 

Nếu quý vị để ý một chút sẽ thấy trong câu chuyện bình thường hàng ngày, mọi người đều nói về giàu nghèo.  Ngay cả truyền thông báo chí TV đều có tin tức hay bàn luận liên quan đến sinh hoạt của người giàu và người nghèo…  Không kể một số ngoại lệ như trúng sổ số hay thừa hưởng gia tài lớn của ông bà cha mẹ để lại (đảng viên cs và con cháu?!), chúng ta, ngay cả những người  đang giàu có nhất thế giới như Bill Gates (Microsoft), Steve Jobs (Apples), Jeff  Besoz (Amazon)… đều bắt đầu từ người nghèo (hay ít ra không phải là người giàu), từ con số không, sát đất (Ground zero).

 

Sau đây là một số quan điểm thô thiển (short view) của cá nhân người viết.

 

 

Người Nghèo

 

1. Người nghèo không có các quan hệ tốt, thuận lợi: Họ chỉ quen biết người chung quanh đều nghèo như họ… Một khi cần phải có sự giúp đỡ hay hướng dẫn thì khó tìm thấy.

 

2. Người nghèo khó kiếm tiền nhưng không giữ tiền được.  Nói đúng ra người nghèo không tính đến chuyện phải để dành tiền.

 

3. Người nghèo làm các công việc với thù lao / lương thấp, loại lợi tức kém. Giá cả thị trường thường (market process) thường cao hơn mức lợi tức.  Họ luôn luôn bươn chải, giật gấu vá vai, luôn luôn ở tình trạng thiếu hụt.

 

4. Người nghèo thường nặng gánh gia đình (đông con, nhiều vợ) vì không biết hay không có kế hoạch hóa gia đình (No family plan).  Họ tốn rất nhiều tiền nuôi con (chi phí cao về thực phẩm, quần áo, thuốc thang, học phí…).

 

5. Người nghèo ít học không thể nghĩ xa (“Nhân bần chí đoản”) mà khi nghĩ thì lại nghĩ toàn chuyện yếm thế (negative thinking) không thể nào ngóc đầu lên được.

 

6. Người nghèo không có cách sống hữu hiệu (good lifestyle).  Họ tiêu nhiều tiền để mua những món không thực tế:  Thích mua những món rẻ tiền không bền và mua nhiều lần không cần thiết.  Thường hay tổ chức nhậu nhẹt, tiệc tùng linh đình vô cớ tốn kém, và tìm cách xài tiền trong các dịp lễ lạc, hội hè.

 

7. Xã hội, thân nhân, bạn bè có lẽ không màng đến chuyện giúp đỡ họ để có họ thể vượt qua sự nghèo; chẳng hạn như cho vay vốn nhẹ lãi để làm ăn, hay tận tình chỉ dẫn phương cách, các kiến thức có thể làm cho bớt nghèo…

 

8. Người nghèo làm việc cực nhọc đã kiếm được ít tiền mà lại bị chính phù đánh thuế nặng (Xem hãng Exxon không trả đồng thuế nào!?)  Họ không có gì để khai được trừ bớt thuế (Tax deductions).

.

Người giàu

 

1. Người giàu có những quan hệ, quen biết thuận lợi:  Có bạn quyền thế và giàu có, có thể cùng tham dự trong việc kiếm tiền.

 

2. Người giàu có cái nhìn và cách tốt về việc tiết kiệm.  Họ không tiêu xài nhiều chuyện vô ích.

 

3. Giá cả thị trường (market price) không ảnh hưởng nhiều đến họ vì họ có đủ tiền để đối phó với sự trồi sụt (tiêu trưởng) bất thường.

 

4. Người giàu biết kế hoạch hóa gia đình (Quality family plan).  Vì ít con cho nên họ bớt nặng gánh chi phí gia đình.

 

5. Người giàu suy nghĩ một cách tích cực (positive).  Họ có nhiều tham vọng để tiến xa hơn tình trạng hiện tại (làm họ giàu hơn).  Ngoài ra, người giàu thường học hành tới nơi tới chốn.  Họ cũng cho con cái học hành đâu ra đấy.  Sự giáo dục và hiểu biết giúp họ thăng tiến trong mọi hoàn cảnh.

 

6. Người giàu không mua các món hàng xa xỉ mà họ thấy không cần thiết.  Họ có thói quen tốt kiểm soát được sự tiêu xài (spending habits).  Khi phải mua, họ luôn luôn mua hàng tốt, bền.  Trong các dịp lễ lạc họ lại tìm ra cách kiếm thêm tiền thay vì tiêu thêm tiền như người nghèo.

 

7. Người giàu có xã hội, ngân hàng, thân nhân và bạn bè sẵn sàng giúp đỡ các trong dự tính làm giàu của họ.

 

8. Người giàu có các phương tiện thuận lợi để làm giàu. Họ có kiến thức về thuế vụ, cách đầu tư và biết cách dùng tiền để sinh ra thêm tiền như bất động sản cho thuê, tiền lời do đầu tư trên thị trường chứng khoán…

.

Một xã hội tiêu thụ, như Hoa kỳ chẳng hạn, làm cho người nghèo mang nhiều gánh nặng về tinh thần. Hay nói cách khác, cuộc sống có nhiều thúc đẩy phải sống đời sống ở mức cao.  Các quảng cáo thương mại làm người nghèo có ảo tưởng như đang sống “chung thuyền” (same boat) với người  giàu.  Kết quả người nghèo phải mua các món hàng đắt tiền (như xe “xịn”, vòng vàng kim cương, rượu chè, thuốc lá…) mà đời sống nghèo của họ không hề cần tới.  Mua sắm như vậy làm họ cảm thấy sung sướng hãnh diện hơn; nhưng chính ra cũng làm họ nghèo hơn.  Đây cũng là cái mà sách vở gọi là “Tư duy Bần cố nông” (Inferiority complex) –  So với người ta, mình cũng có đầy đủ cả, đâu có nghèo gì đâu hà?!

 

Nếu mình thực sự muốn thay đổ để bớt nghèo y như định luật Newton đã mô tả:

“Mọi sự vật đều phải di chuyển nếu có một động lực nào đó tác dụng vào nó.” 

(Newton’s First Law –  also called “The Law of Inertia”:

Unless acted upon by an external force, an object at rest remains at rest, or if in motion.”)

 

Rõ ràng là đời sống không ngừng thay đổi nếu mình muốn nó thay đổi. Không ai thể nghèo mãi (i.e., “at rest”) nếu như mình nhất định không muốn nghèo.  Như 8 phân tích chi tiết ở trên, đời sống nghèo – có nghĩa là chỉ sống sót qua ngày bằng tiền lương lãnh mỗi tuần và sự cầu nguyện triền miên – không nhất thiết vì lười biếng hay xui xẻo.  Sự nghèo là do 2 khuyết điểm chính:

 

1. Thiếu kiến thức / giáo dục (lack of education).

2. Thiếu khả năng quản trị tiền bạc (poor money management) và tiêu xài hoang phí (mua hàng loạt những thứ không cần thiết  – bad spending habits).

 

 

A- Thiếu kiến thức

 

Tôi xin đưa ra một thí dụ về hai anh thanh niên đánh cá:

 

  1. Cùng tuổi và sức lực,
  2. Cùng thức dậy đi bắt cá lúc 5 giờ sáng và cùng về nhà lúc 5 giờ chiều,
  3. Cùng đánh cá một chỗ,
  4. Cùng dùng một loại tàu như nhau.

 

Nhưng một anh bắt nhiều cá (giàu) và một anh bắt ít cá (nghèo) là vì sao? 

 

Nhìn kỹ lại thì thấy anh bắt nhiều cá biết dùng lưới đánh cá; và anh bắt ít cá chỉ dùng cần câu cá.

 

Kết luận: Kiến thức (và cách cùng phương tiện) bắt cá khác nhau. Kiến thức (hay giáo dục) không thể thiếu trong việc làm giàu.

 

B- Thiếu khả năng quản trị tiền bạc

 

Câu chuyện đánh cá thứ hai:

 

Có hai anh đánh cá, một giàu và một nghèo sống gần nhau trong một làng đánh cá.  Một ngày kia, anh nhà nghèo gặp Đấng Tối Cao (God) và than phiền là:

 

– “Lạy Chúa.  Tại sao người lại làm người này giàu mà con lại nghèo?  Con thấy bất công quá!”

 

Chúa phán:

 

– “Được rồi.  Ta sẽ lấy hết của cải của hắn và chỉ để lại cho hắn một cái cần câu như nhà ngươi thôi.”

 

Bây giờ hai anh chàng đánh cá đều nghèo y như nhau: Mỗi người chỉ có một cái cần câu cá.

 

Ngày hôm sau, cả hai anh bắt đầu đi câu cá.  Mỗi người câu được 20 con cá; và mỗi người bán được $40.00 đem về nhà.

 

Anh nhà nghèo khi đem tiền về nhà trong ngày, mua thức ăn ngon lành cho đủ 3 bữa; mua thêm một đôi dép mới mặc dù đôi dép cũ của anh ta vẫn còn dùng được.

 

Anh nhà giàu “cũ” cũng bán 20 con cá được $40.00; nhưng anh ta dùng tiền mua thêm một cần câu nữa tốn hết $20.00; chỉ mua một ít thức ăn đạm bạc cho đủ cho 2 bữa; và đồng thời tiếp tục mang đôi dép cũ chứ không mua đôi dép mới.

 

…  Và tiếp tục như thế trong một vài năm sau, anh nhà giàu “cũ” sống đơn giản, lại giàu lên trong khi anh nhà nghèo sống phung phí… vẫn nghèo!!!

 

Kết luận: Sự giàu nghèo là kết quả của cách sử dụng tiền bạc đúng chỗ và sống  tiết kiệm đạm bạc trong nhiều năm; biết cách dùng tiền để làm ra thêm tiền.

 

Nên biết thêm là lúc nào cũng có ngoại lệ…

(“There Is an Exception to Every Rule!”)

 

Vài lời thô thiển.

 

Trần Văn Giang

Ngày 31 tháng 3 năm 2019.

 

Sự Giàu Nghèo – Trần Văn Giang

One thought on “Sự Giàu Nghèo – Trần Văn Giang

  • April 1, 2019 at 12:34 pm
    Permalink

    Tôi cho rằng không có chuyện ca sĩ hot nhất Việt nam được nâng để đạt giá trị thương mại không dùng văn hóa chế độ cũ.

    Reply

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *