Vài ý nghĩ vớ vẩn về quốc tang
.
500 Tăng Ni trong lễ cầu siêu (?) cho Trần Đại Quang
.
Trong vài ngày, hai đại tang, quốc táng. Đại tang đối với Đảng, bởi vì đối với dân, đó là những tin mừng. Chỉ cần vào mạng xã hội sẽ thấy cái vui mừng ấy nổ như pháo, như champagne.
Trong một xứ có một ngày vui, có vạn ngày buồn, người ta tìm mọi cách để vui. Vui không được với trái banh, vì tranh giải túc cầu bị loại, người ta tìm cái vui trong việc lãnh tụ chầu trời. Trăm hoa khôi hài đua nở, và, trong chính trị cũng như ở ngoài đời, khôi hài là võ khí lợi hại nhất, hữu hiệu nhất.
Một quốc gia người dân chúng vui mừng nghe tin lãnh tụ chết, người ta dễ tưởng tượng thực trạng cũng như tương lai của đất nước đó thế nào.
Đó là những tiếng cười tuyệt vọng, bởi vì với một chế độ độc tài, tập đoàn cầm quyền được đào tạo như nhau, được huấn luyện như nhau, suy nghĩ như nhau, canh chừng nhau, chia chác với nhau, anh này chết, anh khác sẽ lên. Sẽ làm cùng một trò hề độc ác, man rợ, tai hại.
Anh nào nghĩ khác, làm khác sẽ bị nghiền nát.
Vấn đề là thay cả cuốn sách, không phải lật vài trang.
NÊN VUI HAY BUỒN?
Biết vậy, nhưng vui được thì cứ vui. Hay, mượn chữ của Phan Khôi, “nắng được thì cứ nắng.” Diễu cợt được thì cứ diễu cợt. Khôi hài là một hình thức lễ phép của sự tuyệt vọng (L’humour est la politesse du désespoir) (1)
Nghĩ đi, thấy lãnh tụ chết cũng vui. Nghĩ lại, chưa chắc đã là tin mừng. Vì một anh lãnh tụ chết, sẽ xây mồ mả bao la, dân hết đất trồng trọt, cắm dùi, sẽ nhăn răng chết theo. Và mỗi lần một anh anh chết, giá xăng lại tăng vọt.
Tuy vậy, không phải cả nước vui mừng. Đám tang ông Quang đã có nhiều người khóc.
Ngoài gia đình, hay những lâu la đã hưởng ơn mưa móc, hay các đồng chí phải đóng kịch buồn rầu, người ta không hiểu khóc vì lý do gì. Ông Quang khi là bộ trưởng Công An đã hành hạ, tra tấn, giết hại bao nhiêu người, đã nâng cao phong trào dân đến tự tử tại đồn Công an. Có cảm tình với đương sự, bởi vì nghe nói ông chống Trung Quốc, bị đầu độc vì muốn thoát Trung? Nếu chuyện đó có thật, cái chống Tàu của ông nó cũng không đến nỗi hung hăng lắm, vì ông vẫn ngậm miệng ăn tiền cho tới chết.
Ông Đỗ Mười, xuất thân từ người hoạn lợn, đã thiến cả nước, miền Bắc, trước, miền Nam sau. Trong mười năm làm Thủ tướng, Tổng Bí Thư, với những chiến dịch đánh tư sản tàn khốc, dã man, đần độn, ông ta đã làm tiêu tan tiềm lực quốc gia, tan nát hàng triệu gia đình, đưa hàng trăm ngàn người đến vùng kinh tế mới để hoặc bỏ mạng, hoặc trốn về thân tàn ma dại, đã đẩy hàng triệu người xuống thuyền vượt biển tìm đường sống, một phần ba bỏ mình trên biển cả.
Ngày đưa tang ông Quang, có người khóc. Đưa ông ĐM, học sinh bị lùa ra đứng hai bên đường, không khóc, nhưng cũng phải đóng vai buồn rầu cho đúng quy trình, mặc dù chẳng biết ông ta là ai.
Quang cảnh thiếu nhi VN khóc lãnh tụ CSVN
*
Những hung thần đó, vẫn có những người khóc, mặc dù ngày nay, thời đại Internet, dân không ngoan hơn, hay bớt ngu hơn. Không còn cảnh vật vã than khóc hơn cả khi cha chết, như trong những đám tang Staline, Mao, HCM, Kim Nhật Thành…
Người ta, nhất là người Tây Phương, thường ngạc nhiên, đúng ra là ngỡ ngàng, trước cảnh than khóc lãnh tụ ở những xứ CS .
Phải đọc một tác giả Bắc Hàn, mới hiểu được hiện tượng đó.
“Truyện ‘La Scène’ (Màn Kịch), trong tuyển tập truyện ngắn Tố Cáo (La dénonciation), của Bandi, mô tả không khí xã hội những ngày dân Bắc Hàn để tang Kim lãnh tụ. Trong buổi họp phường khóm, công an phường cảnh cáo: “Ngay trong hàng ngũ cán bộ cũng có những tên đáng bắn bỏ (vì không bày tỏ đủ lòng thương tiếc Đại lãnh tụ kính yêu)…Chúng ta phải khuyến cáo cán bộ cảnh giác hơn nữa: hàng ngàn con mắt, hàng ngàn lỗ tai, hàng ngàn nắm tay vũ bão phải tích cực canh chừng hơn nữa, phải như vậy mới bảo đảm sẽ không có tên nào dám lầm lỗi.”
Mọi người thi đua tới bàn thờ tưởng niệm lãnh tụ. Người ta biết công an đứng ghi tên từng người. “Dân chúng tới than khóc ít nhất một lần mỗi ngày. Dần dần trở thành một thông lệ được mọi người tuân theo, và con số những người tới sáng, trưa, chiều, tối càng ngày càng đông.” Cả nước vật vã khóc, kể cả những người bị chế độ hành hạ thân tài ma dại. Tác giả viết mỗi người đóng một vai kịch, sống trong da thịt vai kịch (se glisser dans la peau du personnage) đến nỗi trở thành nhân vật, những giọt nước mắt trào ra, tự nhiên. Mỗi người mang tới bàn thờ lãnh tụ một bông hoa. Hậu quả là hoa trong vườn, trong công viên bị hái sạch, thiên hạ, kể cả học sinh nhỏ tuổi phải leo lên núi kiếm hoa, nhiều người rơi xuống hang núi chết, nhiều người bị rắn độc cắn bỏ mạng. Cán bộ phường: “Các người tưởng rằng như vậy là đủ trung thành à? Tưởng rằng hái tất cả hoa trong thành phố để kính dâng hương hồn Đại Lãnh Tụ, tưởng rằng leo lên núi hái hoa có thể rớt xuống hang hay bị rắn độc cắn là đủ à? Trong giai đoạn bi thảm này, dù chúng ta có than khóc đến chết, vẫn không đủ để bày tỏ nỗi đau buồn đã mất người cha chung của dân tộc.’’ (2)
Trong số những người vật vã than khóc, có những người khóc thật, vì được nhồi sọ từ nhỏ, tin rằng mình sống, ăn, ngủ, hít thở khí trời là nhờ lãnh tụ. Cũng có, rất nhiều người, than khóc vì bị lây. Giữa một đám đông, cá nhân không còn nữa, ng
ười ta suy nghĩ, phản ứng như đám đông. Y khoa gọi đó là hiện tượng “mimétisme.”
“Mimétisme,” nơi súc vật: thay lông, đổi mầu để lẫn vào cảnh vật chung quanh; nơi con người: lập lại một cách máy móc, vô thức những hành động, thái độ của những người chung quanh. Trong cả hai trường hợp, đó là một phản ứng để sống còn.
TỪ VÔ THẦN TỚI NIẾT BÀN
Như tất cả những người Cộng Sản, các ông Trần Đại Quang, Đỗ Mười đều hãnh diện khoe trong lý lịch là vô thần, nhưng khi chết, đột nhiên thấy cần Phật hơn là Marx.
Nơi chín suối, Phật hình như có thẩm quyền hơn Đảng, Phật là Tổng Bí Thư. Hối lộ, phải hối lộ đúng chỗ. Bèn vội vàng, khẩn cấp quy y. Bèn vội vàng triệu tập hàng ngàn sư sãi quốc doanh tụng kinh, gõ mõ. Vẫn cái chiến lược lấy thịt đè người. Trước cửa Phật, cũng dàn quân như công an chống biểu tình, nghĩ nếu tương quan lực lượng càng ngả về phe ta, Phật càng phải nhượng bộ sớm, vội vàng mở cửa Niết Bàn. Tội càng nặng, lực lượng sư sãi càng đông, tụng kinh, gõ mõ càng lớn để áp đảo tinh thần đối phương.
Vẫn cái chiến thuật nói láo, theo đúng lời dạy của Lénine: một sự dối trá nhắc đi nhắc lại trăm ngàn lần sẽ trở thành sự thực. Các Dư luận viên đã áp dụng chiến thuật đó với dân. Các sư quốc doanh áp dụng chiến thuật đó với Phật. Một thượng toạ Thích Cầu Siêu hớn hở loan tin, cũng đáng tin cậy như tin trên báo Đảng: Chủ tịch Trần Đại Quang đã về tới Niết Bàn.
Sau giai thoại đồng chí Chủ Tịch thuở nhỏ bắt đom đóm bỏ vào vỏ trứng để học bài, người ta tưởng nghệ thuật điếu đóm đã tới tột đỉnh. Nhưng không, vẫn có những thằng cha muốn đi xa hơn nữa. Thích Minh Hiển, một thượng tọa quốc doanh khác, làm lobby cho cựu Tổng Bí Thư nơi cửa Phật, tuyên bố ngon lành: “Cụ Đỗ Mười có đủ đức tính của một Bồ Tát thị hiện.” Nói chắc nịch, như phát ngôn viên chính thức của Đức Phật, sau khi đã xét hồ sơ .
Hai ông trùm một đảng cướp lăn ra chết, cả nước phải để tang. Hiện tượng quái dị đó phải trách ai? Đảng cướp lộng hành hay một dân tộc thụ động, cam chịu?
LÒNG DÂN, Ý TRỜI
Bộ Ngoại Giao kiêu hãnh loan tin: nhiều nưóc gởi điện chia buồn với nhân dân VN và gia đình cựu TBT Đỗ Mười.
Tò mò, muốn biết “nhiều nước” là những nước nào? Trả lời: Trung Quốc, Lào và Campuchia. Thấy thiêu thiếu. Nếu có thêm Bắc Hàn và Cu Ba, có thể khẳng định ít nhất 100% nhân dân thế giới đã tiếc thương Bồ tát.
Nước nào tiếc thương nhiều nhất? Tàu. Trung Quốc vô cùng thương tiếc “một đồng chí, và một người bạn thân thiết nhất của Đảng và nhân dân Trung Hoa.”
Trung Quốc có thể an tâm. Đồng chí này chết, đồng chí khác lên thay. Cái chức “bạn thân thiết nhất của Đảng và nhân dân Trung Hoa,” nhiều đứa sẵn sàng giết nhau để tranh dành cho kỳ được. Chưa bao giờ, phong trào khoe khoang những hành động và thành quả của tình hữu nghị Hoa Việt lên cao hơn như những ngày gần đây.
Nhìn cảnh vua quan mặt mũi rầu rĩ tiễn đưa các đồng chí ra đi, viết (hay chép lại) những lời ai điếu thống thiết trên sổ vàng, người ta không thể không nghĩ tới đám tang của những godfathers trong cuốn phim về mafia của Coppola. Và một câu nói của một nhà văn Pháp: những con cá sấu chưa dự đám tang lãnh tụ, sẽ không biết khóc.
Bây giờ đang là mùa lãnh tụ băng hà, các godfathers khi xếp hàng thắp hương phúng điếu cũng nên thận trọng, nhìn trước nhìn sau. Ngày xưa, trong truyện Tàu, mỗi lần các quan chức tiếp nhau, bao giờ cũng mời khách ngồi dựa lưng vào tường. Ra cái điều là mình không có ý xấu, không tính chuyện thích khách, đâm vào lưng khi khách ngồi nhậu.
Ông Quang ngỏm, bác Trọng lên thay thế, kiêm nhiệm. 100 % bộ chính trị đã đề cử bác. Ít nhất 100% dân biểu sẽ bỏ phiếu cho bác, theo ý nguyện của ít nhất 100% nhân dân. Con số 100% hơi khả nghi, vì trong số gần 100 triệu người Việt, có hai người không đồng ý.
Người thứ nhất là tác giả bài này, từ đầu vẫn ủng hộ ông Quang Lùn thuộc nhóm Cờ Đỏ.
Người thứ hai là chính bác Trọng. Bác không hề hay biết chuyện đề cử này, rất ngạc nhiên, rất bức xúc, rất ngần ngại. Bác đã từng tuyên bố “Vừa là Tổng Bí Thư, vừa là Chủ tịch nước, ai sẽ là người kiểm soát?.” Rất ngần ngại, nhưng cuối cùng, đành phải nhận lời, ý dân không thể từ chối. “Dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh,” như lời Mạnh Tử.
Như vậy, phải nói rõ là không phải hoàn toàn “một chăm phần chăm.” Nhưng không sao. Thiếu một, hai người, nhưng có thêm một phiếu, quan trọng không kém: Trời. Thủ tướng Phúc, người ban chức “top” thế giới cho cả nước, khám phá ra chuyện đề cử bác Trọng “trên thuận ý trời, dưới hợp lòng người.”
Vô thần, nhưng khi cần vào Niết Bàn sớm để chiếm chỗ tốt, vồ nhà mặt tiền, không ngần ngại ra lệnh cho sư sãi quốc doanh tụng kinh loạn cào cào, khi cần thắng cử, không ngần ngại lôi Trời đi bỏ phiếu.
MỒ CAO, MẢ ĐẸP
Mồ mả ông Quang xây hoành tráng, rực rỡ trên 2.000 thước vuông, gấp hàng trăm, hàng ngàn lần nơi an nghỉ của De Gaulle, Kennedy, Kohl là quốc trưởng, thủ tướng của những nước nhược tiểu, nghèo đói.
Mồ ông ĐM nhỏ hơn, trên 1.000 thước vuông, bởi vì ông được báo Đảng ca tụng là người sống giản dị, gần dân, tiết kiệm từng xu cho công quỹ. Giai thoại: khi đi thăm dân, ông từ chối không uống bia, vì “uống bia là uống dollars.”
Mỗi người có một cái thú. Cái thú nho nhỏ của các đầy tớ dân là khi sống, mặc dù rất thanh liêm, thích cất những cái lều thật lớn, khi chết, xây mả to tổ bố. Muốn đời đời thiên hạ chiêm ngưỡng, nhớ ơn công đức của mình. Mặc dù là những người kiến thức bao la, nhờ vỏ trứng, đom đóm, các đỉnh cao trí tuệ loài người chắc chưa đọc những câu danh ngôn về cái sống, cái chết.
Mark Twain: hãy ăn ở làm sao để ngày đưa tang, ngay cả nhân viên nhà đòn cũng nhỏ lệ. André Malraux: Ngôi mộ đẹp nhất là những kỷ niệm tốt đẹp để lại cho thiên hạ. Ngạn ngữ Tàu: Đám tang người quyền thế không thiếu gì cả, chỉ thiếu người thực sự tiếc thương.
.
Từ Thức
Paris 07/10/18
(tuthuc-paris-blog.com)
_____________
Chú thích
(1) L’humour est la politesse du désespoir. Câu này, người ta gán cho Hugo, Wilde, Valéry, Vian, Churchill… , thực ra là của Chris Marher.
(2) Trích từ ‘’Văn Chương Phản Kháng Bắc Hàn’’ trên tuthuc-paris-blog.com
Nguồn: https://chantroimoimedia.com/2018/10/10/vai-y-nghi-vo-van-ve-quoc-tang/
.