Thi ca yêu nước: Chưởi và chửi

.

.

Đấu tranh bất bạo động có nhiều hình thức: Nào là xuống đường biểu tình hay tọa kháng; Nào là hội thảo kiến nghị hay tuyên cáo; Nào là hội luận hay cầu nguyện hiệp thông. Nhưng mới đây, xuất hiện một hình thức đấu tranh, tuy cổ điển, nhưng có thể nói là hữu hiệu và hợp thời, đáp ứng tình hình sôi bỏng tại Việt Nam hôm nay. Đó là “chửi” hay “chưởi” theo tiếng Trung…

 
Chưởi, mà chưởi độc, thì phải nêu tên Trần Vàng Sao, là một người đã từng “ăn cơm quốc gia thờ ma cộng sản,” sau đó thức tỉnh, làm thơ chửi cộng sản với những lời lẽ cay độc hết chỗ nói. Nhất là khi từ “chưởi” đi với chữ “tau” thay vì “tao,” thành cụm từ “tau chưởi” càng có tính cách bình dân đại chúng như văn chương dân gian phỉ nhổ chế độ.

 

Nếu hỏi chưởi ai thì hãy nghe nhà thơ thẳng thắn trả lời là chưởi cả dòng họ, từ người sống cũng như người chết, không trừ một ai, nội ngoại cha con cháu chắt của lũ người bán nước buôn dân:

 

Mười hai nhánh họ bây đem lư hương bát nuớc
Giường thờ chiếu trải sắp hàng ra đây
Đặng nghe tau chưởi
Mười hai nhánh họ gồm những ai?

 

Trước tiên là “tụi bây,” bọn côn đồ đang vỗ ngực tự hào là kẻ chiến thắng. Tác giả chửi thẳng vào mặt, không cần nói cạnh khóe, không cần bóng gió:

 

Tau chửi bây
Tau chưởi thẳng vào mặt bây
Không bóng không gió
Không chó không mèo

 

Và chưởi luôn cả cha mẹ con cháu, đứa mới biết đi cũng như đứa đã lớn, tất cả đều phải chết thảm trong vạc dầu sôi, vất xác liệng hồn xuống đáy địa ngục:

 
Tau chưởi cho cha mẹ bây có chết cũng mồ xiêu mả lạc
Đọa xuống ba tầng địa ngục bị bỏ vào vạc dầu..
Tau chưởi cho con cái bây đứa mới đi đứa đã lớn
Sa chân sẩy tay đui què sứt mẻ nửa đòi nửa đoạn

 

Nếu hỏi tại sao phải chưởi thì câu trả lời khẳng quyết là vì chế độ hôm nay chỉ là bầy sâu ác độc, là lũ rắn gian manh, là đàn cú nham hiểm, ngày đêm chỉ rình mò đem nọc độc và con mắt cú vọ để hãm hại dân tộc:

 

bây sâu độc thiểm phước
bây thủ đoạn gian manh
bây là rắn
toàn là rắn
như cú dòm nhà bệnh
đêm bây mò
ngày bây rình
dưới giường
trên bàn thờ
trong xó bếp

 

Bầy sâu lũ rắn đàn cú đó đã sử dụng mọi thủ đoạn để hại người, để giết chết dân tộc bằng miệng nói ngược nói xuôi, thay trắng đổi đen, ngậm máu phun người:

 

bây ăn tai nói ngược
ăn hô nói thừa
đòn xóc nhọn hai đầu
ngậm máu phun người
bây bứng cây sống trồng cây chết
vu oan giá hoạ
giết người không gươm không dao

 

Không nói ra thì ai cũng biết, thế nào là ngậm máu phun người? Chỉ cần biểu tỏ lòng yêu nước, chống ngoại xâm, thì bị kết án là “phá rối trật tự an ninh.” Chỉ cần lên tiếng đòi tự do dân chủ trị thì bị luận xử là “âm mưu lật đổ chế độ.” Hay “bị kích động do thế lực thù địch.”

 

Còn chưởi để làm gì thì rõ ràng không phải chỉ là chưởi cho suớng miệng, cho hả dạ, mà cốt yếu là một chiêu thức đấu tranh, một ngón đòn độc hiểm nhằm giật sập lâu đài đao phủ, rồi liệng tất cả bọn phản bội xuống đáy địa ngục để làm sạch xã hội, để cứu rỗi trần gian:

 

tau chưởi cho bây chết hết
chết sạch hết
không còn một con
không còn một thằng
không còn một mống
chết tiệt hết
hết đời bây

 

Hòa theo tiếng chưởi của Trần Vàng Sao, còn vang vọng tiếng chửi của Lão Báng, cũng không kém cay độc. Nhà thơ đã chỉa thẳng mũi dùi vào những tên cộng sản đầu sỏ, mà không nói thì ai cũng biết, đó là tập đoàn Trung Ương đảng gồm khoảng 200 đứa, và cả lũ đàn em đang cúi đầu làm tay sai cho Tàu chệt:

 
Có bọn da Việt óc Tàu
Không nhận là tay sai
Chúng nó 200 đứa

 

Lão Báng cũng không nương tay với những người dân Việt tại quê nhà, muốn an thân, như lúa lép bay vèo trước gió, làm nhục cả truyền thống dận tộc hào hùng, bôi đen cả lịch sử oanh liệt:

 

Một bọn ở dưới ngây ngây
Dại dại
Dân Việt đếm được chín tư triệu
Lúa lép
Gió thổi bay vèo
Chịu làm thân chùm gửi

 

Đặc biệt, Lão Báng còn hướng về một số người Việt hải ngoại, nỡ quên căn cước tị nạn và thân phận lưu vong của mình, chạy theo lối sống đua đòi dị hợm, quên cả cội nguồn, quay lưng với những nỗi đau chất ngất của đồng bào tại quê nhà:

 

Cái điều muốn chửi thề văng tục
Là bọn hải ngoại
Chết tiệt
Ăn cho mập dư mỡ động cỡn lên cơn
Nước mất nhà tan trốn biệt

 

Nhóm người lưu vong này đã bị tha hóa, vui chơi phè phỡn bên lề thời cuộc. Ngày đêm son phấn lòe loẹt, áo mũ nghêng ngang, khoe sang khoe giàu, mặc kệ ai xuống đường biểu tình yểm trợ quốc nội, cử hành lễ chào cờ tôn vinh chính nghĩa quốc gia. Thay vì hòa đồng vào tiếng hát chuyển lửa về quê hương của Trúc Hồ, Việt Khang, Phan Văn Hưng, Thu Sương, Đình Đại, lại rủ nhau xếp hàng nghe nhạc ru ngủ, kể cả tiếng hát của những văn công từ Hà Nội gửi ra trong chủ trương “giao lưu văn hóa”:

 

Ca nhạc tốn tiền rủ nhau sắp hàng
Đánh má phấn bận áo vét
Di coi người khác biểu tình
Cử hành lễ chào cờ.

 

Mặc cho đồng bào rẫy chết tại quê nhà. Mặc cho cộng đồng tị nạn biểu tình yểm trợ đấu tranh trong nước. Mặc cho dân Việt bị đóng đinh trên khổ giá búa liềm, bọn người vong thân cứ vùi đầu trong những thú vui rẻ tiền, thản nhiên ngồi uống cà phê tán dóc, dương mắt chó mà không dám sủa trước bất công và bất nhân của bọn đao phủ đang hủy diệt cả một dân tộc:

 

Một bọn ngồi cà phê
Dương mắt chó
Biểu đừng chửi sao được
Con bà nó
Bắn mẹ hết cho xong!

 

Trần Vàng Sao, Lão Báng, và còn biết bao nhà thơ khác đang cùng với các ca nhạc sĩ, gieo vần thơ, bấm nốt nhạc, đốt lên ngọn lửa đấu tranh.

 

Đó là tiếng thi ca yêu nước, làm bừng dậy cuộc cách mạng dân chủ đang được châm ngòi tại Việt Nam.

.

Ngô Quốc Sĩ

 

*

Bài đọc thêm

 

1)- Bình Luận của Nam Đan

 

Trần Vàng Sao tên thật là Nguyễn Đính, sinh năm 1941 (Tân Tỵ) ở Thừa Thiên – Huế. Năm 1961 ông thi đỗ tú tài rồi vào Đại học Huế, tham gia các phong trào đấu tranh của sinh viên cùng thế hệ với Hoàng Phủ Ngọc Tường, Trần Quang Long, Ngô Kha. Từ 1965 đến 1970, ông lên chiến khu và công tác tại Ban Tuyên huấn Thành uỷ Huế, viết báo với các bút danh Nguyễn Thiết, Lê Văn Sắc, Trần Sao. Năm 1970 ông được đưa ra miền Bắc an dưỡng, chữa bệnh. Ở miền Bắc, ông có viết nhật ký gồm những suy nghĩ của ông về cái gọi là “hậu phương xã hội chủ nghĩa” và sau đó bị tố cáo, đấu tố và cô lập đến nỗi ông có cảm giác không còn được coi là con người mà đã thành “một con vật, một con chó,” (theo như Hồi ký “Tôi bị bắt” – Nhớ lại những năm tháng tôi bị bắt rồi được thả ra và sống như tù sau này của ông).

 

Sau khi Việt Nam thống nhất (tháng 4 năm 1975), Trần Vàng Sao xung phong về quê công tác nhưng không được chấp nhận; ông tự trở lại Huế làm liên lạc ở xã, sau đó được bố trí công tác tại Phòng Văn hóa thành phố Huế rồi được điều về làm liên lạc ở xã Hương Lưu (nay là phường Vỹ Dạ), Huế cho đến khi về hưu năm 1984. Sau đó ông đang sống ở thành phố Huế.

 

Vào thời điểm này, bài thơ “Người đàn ông bốn mươi ba tuổi nói về mình” của ông được đăng trên Sông Hương, số kỷ niệm 5 năm ngày tạp chí ra đời. Bài thơ lập tức gặp phản ứng dữ dội của một số chức sắc địa phương.

 

Ông hầu như không cho xuất bản thơ nhưng vẫn nổi tiếng với “Bài thơ của một người yêu nước mình” ký bút danh Trần Vàng Sao sáng tác tháng 12 năm 1967 và được chọn trong 100 bài thơ xuất sắc nhất Việt Nam thế kỷ 20.

 

Năm 2008, Nhà xuất bản “Giấy Vụn” đã cho in tập thơ “Bài thơ của một người yêu nước mình” của ông.

 

Ở hải ngoại, nhà xuất bản Tân Thư (California, Hoa Kỳ) cũng cho in tập “Bài thơ của một người yêu nước mình” của ông.

 

Ông mất hồi 14 giờ 45 phút ngày 09/5/2018 tại thành phố Huế.

(theo Wikipedia tiếng Việt)

 

*

Sáng nay tình cờ tôi đọc bài thơ “Tau chưởi” dưới đây, và nghĩ rằng có lẽ trong văn học VN (và thế giới?!) khó tìm ra một bài thơ nào kinh dị, khốc liệt như bài thơ này. Điều gì làm cho tâm hồn con người – thi sĩ – phải đau đớn, quằn quại, căm hận, phẫn nộ đến vậy?

 

Tôi  thấy lời bình của nhà báo Mặc Lâm (RFA) rất thú vị về bài thơ này:

 

Trong văn học dân gian, không hiếm những bài vè, lục bát dùng để chửi bới người mình ghét. Nhưng đối với các nhà thơ vốn quen thuộc và trân trọng những con chữ thì việc chửi bới là một điều phạm húy. Trần Vàng Sao chẳng những không sợ chữ nghĩa đau đớn mà ông còn bóc trần, nạo hết nét vàng óng bên ngoài của chúng để phục vụ cho một bài thơ mà ông cảm thấy hả hê. Ông dùng thơ để chửi cả một chế độ. Chửi từng sự việc, từng con người. Cách chửi của bà nhà quê mất gà được ông “biên đạo” lại thành của riêng, gây sốc lẫn gây cười cho người đọc bài thơ.

 

Có điều là cười xong thì người ta lại chảy nước mắt…”

 

Tôi chỉ xin góp thêm vài ý.

 

Bài thơ “Người đàn ông bốn mươi ba tuổi nói về mình” làm cho Trần Vàng Sao nổi tiếng, nhưng theo tôi, bài “Tau chưởi” mới là bài đáng kể nhất trong thơ của ông.

 

Về ngôn từ, ông lật đổ quan niệm “duy mỹ trong ngôn ngữ” lâu nay trong thơ Việt, nhưng điều khác biệt là ông không sử dụng đến những từ tục tỉu như nhiều nhà thơ đương thời đang dùng. Ông ác miệng, cực kỳ ác miệng, nhưng không tục tĩu.

 

Chửi là 1 trong 2 hành vi của kẻ yếu, của người thấp cổ bé miệng mà có chữ (nhà văn, nhà thơ chẳng hạn), nhưng không có cách gì để tự vệ, để phản ứng trước kẻ mạnh. Họ không thể phản ứng bằng hành động, bằng bạo lực, nên họ chọn cách phát ngôn bằng lời nói hay chữ viết. Hành vi còn lại sau chửi là đặt, viết những chuyện tiếu lâm đen mà chúng ta thường đọc, hay nghe kể. Tôi chưa từng gặp Trần Vàng Sao, nhưng tôi mơ hồ nghĩ rằng với cái tâm tính bộc trực và tâm hồn mẫn cảm của mình, ông chỉ có thể bày tỏ cảm xúc bằng cách chửi thẳng chứ không thể dùng ẩn dụ né tránh, nói kiểu móc họng, sâu xa, thâm thúy như nhiều người khác.

Điển hình là bài thơ “Tau chưởi.” Bài thơ nói thẳng, nói thật cảm xúc và suy nghĩ của một con người bị vùi dập, bị thể chế CS đàn áp thô bạo đến chỗ tàn tệ nhất.

 

Ban đầu, tôi suýt hiểu nhầm rằng bài thơ như phát ngôn của một con người vì quá đau đớn, quá phẫn nộ mà đứng ở chỗ mấp mé sự điên loạn, nhưng khi tôi đọc kỹ lại thì thấy không phải vậy. Bài thơ có một cấu trúc chặt chẽ, diễn đạt một tiến trình tâm lý rất lớp lang.

 

Từ dòng đầu của bài thơ, ông chưa chửi, mà ông nói. Ông bình tĩnh nói thiệt hơn về nỗi ấm ức vì phải câm nín trước sự tàn độc, bất công và dối trá cho tới khi chịu không nổi nữa:

 

“tau phải câm miệng hến
không được nói
không được la hét
nghĩ có tức không.”

 

Từ đó, sự phẫn nộ kết tụ rồi bùng vỡ dữ dội thành tiếng gào thét. Ông quyết định phải chửi, nhưng không chửi vòng vo, vông khống, ông chửi thẳng, không chỉ chửi thẳng, ông còn kêu đối tượng, thậm chí cả dòng họ thân tộc của chúng ra để nghe ông chửi. Ông không chỉ chửi, ông vừa chửi vừa kể tội chúng, và sau cùng, ông nguyền rủa, những lời nguyền rủa vô cùng độc địa.

 

Tôi tự hỏi, với một cảm xúc khốc liệt như thế, trong thơ, thì cái thiện ở đâu, cái đẹp ở đâu? Tính nhân văn ở đâu? Lương tri con người ở đâu?

 

Hay, khi đặt những tiêu chí có vẻ cao đẹp đó ra cho thơ – cho thi ca – của một tâm hồn bị tổn thương đến tận cùng như Trần Vàng Sao thì chúng ta đang bắt đầu cho một sự dối trá khác?

 

Nam Đan

 

*
 

(Nguyễn Đính – Trần Vàng Sao)

.

 

Bài thơ: tau chưởi

 

tau tức quá rồi

tau chịu không nổi

tau nghẹn cuống họng

tau lộn ruột lộn gan

tau cũng có chân có tay

tau cũng có đầu có óc

có miệng có mắt

có ông bà

có cha mẹ

có vợ con có ngày sinh tháng đẻ

có bàn thờ tổ tiên một tháng hai lần

rằm mồng một hương khói bông ba hoa quả

tau đầu tắt mặt tối

đổ mồ hôi sôi nước mắt

vẫn đồng không trự nõ có

suốt cả đời ăn tro mò trú

suốt cả đời khố chuối Trần Minh

kêu trời không thấu

tau phải câm miệng hến

không được nói

không được la hét

nghĩ có tức không

tau chưởi

tau phải chưởi

tau chưởi bây

tau chưởi thẳng vào mặt bây

không bóng không gió

không chó không mèo

mười hai nhánh họ bây đem lư hương bát nước

giường thờ chiếu trải sắp hàng một dãy ra đây

đặng nghe tau chưởi

tau kêu thằng khai canh khai khẩn tam đợi mười đời

cao tằng cố tổ ông nội ông ngoại cha mẹ chú bác cô dì

con cháu thân hơi cật ruột bây tau chưởi

tau chưởi cho tiền đời dĩ lai bây mất nòi mất giống

hết nối dõi tông đường

tau chưởi cho mồ mả bây sập nắp

tau chưởi cho bây có chết chưa liệm ruồi bu kiến đậu

tam giáo đạo sư bây

cố tổ cao tằng cái con cái thằng nào móc miếng cho bây

hà hơi trún nước miếng cho bây

bây ỉ thế ỉ thần

cậy nhà cao cửa rộng

cậy tiền rương bạc đống

bây ăn tai nói ngược

ăn hô nói thừa

đòn xóc nhọn hai đầu

ngậm máu phun người

bây bứng cây sống trồng cây chết

vu oan giá hoạ

giết người không gươm không dao

đang sống bây giả đò chết

người chết bây dựng đứng cho sống

bây sâu độc thiểm phước

bây thủ đoạn gian manh

bây là rắn

rắn

toàn là rắn

như cú dòm nhà bệnh

đêm bây mò

ngày bây rình

dưới giường

trên bàn thờ

trong xó bếp

bỏ tên bỏ họ cha mẹ sinh ra

bây mang bí danh

anh hùng dũng cảm vĩ đại kiên cường

lúc bây thật lúc bây giả

khi bây ẩn khi bây hiện

lúc người lúc ma

lúc lên tay múa ngón sủi bọt mép gào thét

lúc trợn mắt khua môi múa mỏ đả đảo muôn năm

lúc như thầy tu vào hạ

lúc như con nít đói bụng đòi ăn

hai con mắt bây đứng tròng

bây bắt hết mọi người trứơc khi chết phải hô

cha mẹ bây ông nội ông ngoại bây tiên sư cố tổ bây

sống dai đời đời kiếp kiếp

phải quỳ gối cúi đầu

nghe bây nói không được cãi

phải suốt đời làm người có tội

vạn đợi đội ơn bây

đứa nào không nghe bây hớt mỏ chôn sống

thằng nào không sợ bây vằm mặt thủ tiêu

bây làm cho mọi người tránh nhau

bây làm cho mọi người thấy nhau nhổ nước miếng

đồ phản động

đồ chống đối

đồ không đá bàn thờ tổ tiên

đồ không biết đốt chùa thiêu Phật

thượng tổ cô bà bây

mụ cô tam đợi mười đời bây

tau xanh xương mét máu

thân tàn ma dại

rách như cái xơ mướp chùi trách nồi không sạch

mả ông bà cố tổ bây kết hết à

tụi bây thằng nào cũng híp mắt hai cằm

bây ăn chi mà ăn đoản hậu

ăn quá dã man

bây ăn tươi nuốt sống

mà miệng không dính máu

người chết bây cũng không chừa

năm năm mười năm hai mươi năm

xương chân xương tay sọ dừa vải liệm`

bây nhai bây khới bây mút

cả húp cả chan bây còn kêu van xót ruột

bao nhiêu người chết diều tha quạ rứt xương

khô cốt tàn dọc bờ dọc bụi giữa núi giữa rừng

để bây xây lăng đắp mộ dựng tượng dựng đài cho

cha mẹ cố tổ bây

hỡi cô hồn các đảng

hỡi âm binh bộ hạ

hỡi những kẻ khuất mặt đi mây về gió

trong am trong miếu giữa chợ giữa đường

đầu sông cuối bãi

móc họng bóp cổ móc mắt bọn chúng nó

cho bọn chúng nó chết tiệt hết cho rồi

bây giết người như thế

bây phải chết như thế

ác lai thì ác báo

tau chưởi ngày chưởi đêm

mới bét con mắt ra tau chưởi

chập choạng chạng vạng tau chưởi

nửa đêm gà gáy tau chưởi

giữa trưa đứng bóng tau chưởi

bây có là thiền thừ mười tám con mắt tau cũng chưởi

mười hai nhánh họ bây

cao tằng cố tổ bây

tiên sư cha bây

tau chưởi cho bây ăn nửa chừng mẻ chai mẻ chén

xương cá xương thịt mắc ngang cuống họng

tau chửi cho nửa đêm oan hồn yêu tinh ma quỷ

mình mẩy đầy máu hiện hình vây quanh bây đòi trả đầu trả chân trả tay trả hòm trả vải liệm

tau chưởi  cho cha mẹ bây có chết cũng mồ xiêu mả lạc

đoạ xuống ba tầng địa ngục bị bỏ vào vạc dầu

tau chưởi cho cha mẹ bây có còn sống cũng điên tàn

đui què câm điếc làm cô hồn sống lang thang đầu đường xó chợ

bốc đất mà ăn xé áo quần mà nhai cho bây có nhìn ra

cũng phải tránh xa

tau chưởi cho con cái bây đứa mới đi đứa đã lớn

sa chân sẩy tay đui què sứt mẻ nửa đòi nửa đoạn

chết không được mà sống cũng không được

tau chưởi cho dứt nọc dòng  giống của bây cho bây chết sạch hết

không bà không con

không phúng không điếu

không tưởng không niệm

không mồ không mả

tuyệt tự vô dư

tau chưởi cho bây chết hết

chết sạch hết

không còn một con

không còn một thằng

không còn một mống

chết tiệt hết

hết đời bây

 

Trần Vàng Sao

 

*

 

2)- Người đàn ông bốn mươi ba tuổi nói về mình

 

 

  1. tôi tuổi tỵ
    năm nay bốn mươi ba tuổi
    thường không có một đồng trong túi
    buổi sáng buổi chiều
    thứ hai thứ ba thứ bảy chủ nhật
    trong nhà ngoài sân với hai đứa con
    cây cà cây ớt
    con chó con mèo
    cái đầu gãy cái tay gãy của con búp bê
    cọng cỏ ngọn lá vú sữa khô
    thúng mủng chai chén sách vở quần áo mũ nón cuốc rựa trên ghế dưới bàn
    hai ba ngày một tuần một tháng có khi không đi đâu hết
    một hai ba giờ sáng thức dậy ngồi vác mặt ngó trời nghe chó sủa
    miếng nước trà mốc nguội có mùi bông lài rát cổ
    cũng không có chi phiền
    vấn một điếu thuốc hút
    hai ba lần tắt đỏ
    rồi nửa chừng rách giấy
    bạn bè gặp nhau
    cho uống một ly cà phê
    một lần
    qua hai lần phải tránh
    không phải ai cũng nghĩ như mình
    nhiều đứa vui gặp nhau cho năm ba đồng một chục
    đưa tay cầm lấy
    miệng nói không được 2.
    tôi thấy tôi như người tù được thả rông
    lang thang giữa đường giữa phố
    nhìn hết mọi người
    xem mình lâu ngày mặt mũi có khác người không
    tôi đi lui
    tôi đi tới
    phố phường đông chật
    tiếng cười tiếng la tiếng nói tiếng xe cộ
    chẳng có ai quen thử nói chào tôi một tiếng
    tôi đưa hai tay lên đầu vuốt tóc
    lấy chân hất một hòn đá
    cúi xuống nhìn mấy bao thuốc không bên lề đường
    rồi đi về
    qua cầu dép sút một quai
    tôi không muốn nhớ gì hết 3.
    tôi ngồi trên hòn đá trước nhà
    buổi chiều không có một con chim đậu trên cây
    đám trẻ con chia phe bắn nhau cười la ngoài sân
    đứa sống đứa chết cãi nhau ăn gian chưởi thề
    những người đi bán về nói chuyện to
    hai đứa nhỏ nhà bên cạnh cầm đèn che miếng lá chuối
    qua xin lửa hỏi tôi nấu cơm chưa
    tôi cười lắc đầu muốn đi ngủ
    trong gió có mùi rơm cháy
    tôi không biết làm gì hết
    tôi bỏ hai chân ra khỏi dép cho mát
    đám trẻ con bỏ chơi chạy theo phá đàn trâu bò đi qua
    tôi bước vào nhà mở rộng hai cánh cửa lớn thắp một cây đèn để lên bàn thờ
    hai đứa con ra ngoài đường chờ mẹ chưa về
    trời còn lâu mới tối
    tôi đi gánh một đôi nước uống 4.
    tôi sống yên ổn với những việc làm hàng ngày của mình
    không định được ngày mai
    có một đồng để mua cho con nửa cái bánh tráng hay hai
    cái kẹo gừng
    có hai đồng cất dưới chân đèn trên bàn thờ
               lỡ khi hết dầu thắp tới bữa thiếu ruốc hết bột ngọt
    mả cha cuộc đời quá vô hậu
    cơm không có mà ăn
    ngó lui ngó tới không biết thù ai
    những thằng có thịt ăn thì chẳng bao giờ ỉa vất 5.
    lâu ngày tôi thấy quen đi
    như quen thân thể của mình
    tiếng ho gà nửa đêm của những đứa bé chưa đầy hai tuổi
    buổi chiều không có cơm ăn
    những con ruồi ăn nước mũi khô trên má
               những đứa đau quan sát những con chuột
                                      chết lòi ruột ở bến xe đò
    những tiếng cha mẹ vợ chồng anh em
              con cái chưởi bới la hét trong bữa ăn
    người điên ở trần đứng làm thinh
              giữa trời mưa ngoài chợ
    những ngày hết gạo hết tiền hết củi
              muối sống không còn một hột của tôi
    những trách canh rau khoai tháng năm không có bột ngọt
    hai mắt tôi mở to
    đầu tôi cúi thấp
    miệng tôi há ra
    những lá khoai nhám và rít mắc vài hột cơm
                                   dồn cứng chật cuống họng nói thật lúc này tôi muốn được say rượu
    họa may thấy một đồng thành ba bốn đồng 6.
    nhiều khi tôi quá chán
    chân tay rã rời
    đầu óc đau nhức
    không muốn làm gì hết
    mấy đứa nhỏ chơi buôn bán bỏ đi đâu không biết
                                               để đất đá lá cây đầy nhà
    tôi dựa cửa ngồi yên một chỗ
    dụi mắt nghĩ hết chuyện này tới chuyện khác
    nói chi tới những đứa đã chết trên rừng giữa phố
    bạn bè có đứa giàu đứa nghèo
    đứa ngụy đứa cách mạng
    đứa của tiền ăn tiêu mấy không hết
    đứa không có được một cái áo lành
    đứa đi kinh tế mới ba bốn bảy tám năm
                                trở về xách một cái bị lát
     mặt cắt không có một hột máu
    đứa đạp xe thồ ngồi vắt chân ăn củ sắn
                                chờ khách ở bến xe
    đứa vô tích sự ở nhà không có việc chi làm
    có đứa râu tóc dài che kín mặt
    có đứa tàn không nhớ mình tên chi
    có đứa chịu không nổi dắt vợ con vào nam
                                                 ăn chợ ngủ đường
    mỗi lần gặp nhau mở to mắt cười hút một điếu thuốc
    hết chuyện nói hai đứa con đi chơi về cười nói
    đứa nhỏ bắt tôi đánh trống
                 cho nó làm ông địa múa thiên cẩu 7.
    cái trống lon mặt ni lông và hai chiếc đũa tre
    tôi đánh
    múa đi các con
    này đây cái nón gãy vành làm đầu thiên cẩu
    và sợi dây chuối treo ngọn lá làm tiền
    múa đi các con 
    cái bụng ông địa to tròn giơ lỗ rún gài nút áo không được
    ông địa chống tay vỗ bụng ngửa mặt lên trời cười ha ha
    tôi vỗ tay hoan hô
    và không biết mình có nhớ ra được
                                 cái mặt ông địa không.

Trần Vàng Sao

Tháng chín 1984

 

*

 

3)- Bài thơ của một người yêu nước mình

 

Buổi sáng tôi mặc áo đi giày
                                   ra đứng ngoài đường
Gió thổi những bông nứa trắng bên sông
Mùi toóc khô còn thơm lúa mùa qua
Bầy chim sẻ đậu trước sân nhà
Những đứa trẻ đứng nhìn ngấp nghé
Tôi yêu đất nước này như thế
Mỗi buổi mai
Bầy chim sẻ ngoài sân
Gió mát và trong
Đường đi đầy cỏ may và muộng chuộng
Tôi vẫn sống
            vẫn ăn
                  vẫn thở
                           như mọi người
 
Đôi khi chợt nhớ một tiếng cười lạ
Một câu ca dao buồn có hoa bưởi hoa ngâu
Một vết bùn khô trên mặt đá
Không có ai chia tay
Cũng nhớ một tiếng còi tàu.
Mẹ tôi thức khuya dậy sớm
Năm nay ngoài năm mươi tuổi
Chồng chết đã mười mấy năm
Thuở tôi mới đọc được i tờ
Mẹ thương tôi mẹ vẫn tảo tần
Nước sông gạo chợ
Ngày hai buổi nhà không khi nào vắng người đòi nợ
Sống qua ngày nên phải nghiến răng
Cũng không vui nên mẹ ít khi cười
Những buổi trưa buổi tối
Ngồi một mình hay khóc
Vẫn thở dài mà không nói ra
Thương con không cha
Hẩm hiu côi cút
Tôi yêu đất nước này xót xa
Mẹ tôi nuôi tôi mười mấy năm không lấy chồng
Thương tôi nên ở góa nuôi tôi
Những đứa nhà giàu hằng ngày chửi bới
Chúng cho mẹ con tôi áo quần tiền bạc,
                                                        như cho một đứa hủi
Ngày kỵ cha họ hàng thân thích không ai tới
Thắp ba cây hương
Với mấy bông hải đường
Mẹ tôi khóc thút thít
Cầu cha tôi phù hộ tôi nên người
Con nó còn nhỏ dại
Trí chưa khôn chân chưa vững bước đi
Tôi một mình nuôi nó có kể chi mưa nắng
Tôi yêu đất nước này cay đắng
Những năm dài thắp đuốc đi đêm
Quen thân rồi không ai còn nhớ tên
Dĩ vãng đè trên lưng thấm nặng
Áo mồ hôi những buổi chợ về
Đời cúi thấp
Giành từng lon gạo mốc,
Từng cọng rau hột muối
Vui sao khi con bữa đói bữa no
Mẹ thương con nên cách trở sông đò
Hàng gánh nặng phải qua cầu xuống dốc
Đêm nào mẹ cũng khóc
Đêm nào mẹ cũng khấn thầm
Mong con khôn lớn cất mặt với đời
Tôi yêu đất nước này khôn nguôi
Tôi yêu mẹ tôi áo rách
Chẳng khi nào nhớ tuổi mình bao nhiêu.

Tôi bước đi
Mưa mỗi lúc mỗi to,
Sao hôm nay lòng thấy chật
Như buổi sáng mùa đông chưa thấy mặt trời mọc
Con sông dài nằm nhớ những chặng rừng đi qua
Nỗi mệt mỏi, rưng rưng từng con nước
Chim đậu trên cành chim không hót
Khoảng vắng mùa thu ngủ trên cỏ may
Tôi yêu đất nước này những buổi mai
Không ai cười không tiếng hát trẻ con
Đất đá cỏ cây ơi
Lòng vẫn thương mẹ nhớ cha
Ăn quán nằm cầu
Hai hàng nước mắt chảy ra
Mỗi đêm cầu trời khấn phật, tai qua nạn khỏi
Tôi yêu đất nước này áo rách
Căn nhà dột phên không ngăn nổi gió
Vẫn yêu nhau trong từng hơi thở
Lòng vẫn thương cây nhớ cội hoài
Thắp đèn đêm ngồi đợi mặt trời mai
Tôi yêu đất nước này như thế
Như yêu cây cỏ ở trong vườn
Như yêu mẹ tôi chịu khó chịu thương
Nuôi tôi thành người hôm nay
Yêu một giọng hát hay
Có bài mái đẩy thơm hoa dại
Có sáu câu vọng cổ chứa chan
Có ba ông táo thờ trong bếp
Và tuổi thơ buồn như giọt nước trong lá sen
Tôi yêu đất nước này và tôi yêu em
Thuở tóc kẹp tuổi ngoan học trò
Áo trắng và chùm hoa phượng đỏ
Trong bước chân chim sẻ
Ngồi học bài và gọi nhỏ tên tôi
Hay nói chuyện huyên thuyên
Chuyện trên trời dưới đất rất lạ
Chuyện bông hoa mọc một mình trên đá
Cứ hay cười mà không biết có người buồn.
Sáng hôm nay gió lạnh vẫn còn
Khi xa nhà vẫn muốn ngoái lại
Ngó cây cam cây vải
Thương mẹ già như chuối ba hương
Em chưa buồn
Vì chưa rách áo
Tôi yêu đất nước này rau cháo
Bốn ngàn năm cuốc bẫm cày sâu
Áo đứt nút qua cầu gió bay
Tuổi thơ em hãy giữ cho ngoan
Tôi yêu đất nước này lầm than
Mẹ đốt củi trên rừng cha làm cá ngoài biển
Ăn rau rìu rau éo rau trai
Nuôi lớn người từ ngày mở đất
Bốn ngàn năm nằm gai nếm mật
Một tấc lòng cũng trứng Âu Cơ
Một tiếng nói cũng đầy hồn Thánh Gióng.

Tôi đi hết một ngày
Gặp toàn người lạ
Chưa ai biết chưa ai quen
Không biết tuổi không biết tên
Cùng sống chung trên đất
Cùng nỗi đau chia cắt Bắc Nam
Cùng có chung tên gọi Việt Nam
Mang vết thương chảy máu ngoài tim
Cùng nhức nhối với người chết oan ức
Đấm ngực giận hờn tức tối
Cùng anh em cất cao tiếng nói
Bản tuyên ngôn mười bốn triệu người đòi độc lập tự do
Bữa ăn nào cũng phải được no
Mùa lạnh phải có áo ấm
Được nói cười hát ca yêu đương không ai cấm
Được thờ cúng những người mình tôn kính
Hai mươi năm cuộc đời chưa khi nào định.

Tôi trở về căn nhà nhỏ
Đèn thắp ngọn lù mù
Gió thổi trong lá cây xào xạc
Vườn đêm thơm mát
Bát canh rau dền có ớt chìa vôi
Bên hàng xóm có tiếng trẻ con khóc
Mẹ bồng con lên non ngồi cầu Ái tử
Đất nước hôm nay đã thấm hồn người
Ve sắp kêu mùa hạ
Nên không còn mấy thu
Đất nước này còn chua xót
Nên trông ngày thống nhất
Cho bên kia không gọi bên này là người miền Nam
Cho bên này không gọi bên kia là người miền Bắc
Lòng vui hôm nay không thấy chật
Tôi yêu đất nước này chân thật
Như yêu căn nhà nhỏ có mẹ của tôi
Như yêu em nụ hôn ngọt trên môi
Và yêu tôi đã biết làm người
Cứ trông đất nước mình thống nhất.

.

Trần Vàng Sao

19 Tháng 12 năm 1967

 

4)- Bài thơ “Tự hỏi” của Lão Báng

 

Tự Hỏi!

 

Nhiều lúc không biết làm chi,
Tôi ngồi một mình suy nghĩ.
Ủa, sao đảng nói ta đánh Mỹ
Vì nó bóc lột nhân dân!
Kêu dân hy sinh đánh, đánh, đánh…
Đánh cho đến người cuối cùng,
Mỹ đi… bây giờ rước trở lại?

Nhiều lúc tôi cũng hay tự hỏi:
Ủa, ngộ ghê “đảng quanh vinh?”
Đảng nói lãnh đạo toàn dân,
Đảng kêu dân hy sinh,
Đánh, còn cái lai quần cũng đánh.
Để đem dân đến cơm no áo ấm,
Bây giờ dân mới thấm,
Dân chỉ còn cái lai quần!

Dân tôi khổ, dân tôi nghèo
Đã không đủ ăn lại thêm sưu cao thuế nặng
Thời Tây đô hộ cũng không khổ như giờ
Nhưng có nhiều người không thấy
Tại sao? Có ai hỏi Tại sao?
Có ai biết xin làm ơn cho tôi biết.

Không nói, chắc các bạn cũng biết
Này là thằng lú, đó là đầu niễn, kia là ngu
Là những tên do người dân dặt
Dân ta suy nghĩ trật.
Dân lú chớ thằng đó không lú,
Dân ta ngu chớ thằng đó không ngu,
Dại ngu sao nhà cao cửa rộng?
Lú lẫn mà càng lúc càng giàu?
Quyền lực tóm thâu, trong khi dân đói?

Có người nói “Đất nước đang đi lên!”
Nè, coi kìa nhà cao tầng như nấm
Đường phố xe cộ quá nhiều
Đâu thua kém Thái, Hàn, Sing…
Đất nước mình số Một Đông Nam Á
Có nước nào làm được cái bánh chưng Chà Bá?
Có nước nào đạt ‘Guinness’ nhiều như ta?
Trời ơi! tôi kêu trời không thấu!

Hãy nói giùm cho dân tôi
Chuyện thiết thực là có cái chi ăn
Quần áo cho đủ mặc
Trẻ thơ có trường để học
Đào tạo thật nhiều nhân tài
Cuộc sống phải đều hoà
Văn minh và tiến bộ
Có Độc lập và Tự do
Thực phẩm không nhiễm độc
Môi trường phải an toàn…
Và nhiều chuyện phải làm
Đừng thấy lợi trước mắt.
Sống cần có nghĩa có tình.
Thiệt tội cho dân mình
Thua cả Lào và Campuchia!!!

Ngồi không tôi tự hỏi,
Làm được chi cho quê hương?
Câu trả lời thiệt lòng,
Hết sức, chỉ còn nước mắt.

 

Lão Báng
Tháng Chín, hai mươi mười bảy.

.

 

Trần Văn Giang (sưu tầm)

.

Thi ca yêu nước: Chưởi và chửi – Ngô Quốc Sĩ

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *