Bài viết cho các vị chưa lú hẳn

.

.

Vẫn không thể dừng lời quanh vụ cá chết hàng loạt trên biển Đông. Vì những người tự gọi là lãnh đạo, tự nhận phần quyết định tuyệt đối, tự nhận ‘lo’ tất cả mọi việc của đất nước đến giờ này vẫn chưa đưa ra được nguyên nhân chính xác của sự vụ nghiêm trọng này. Dư luận đã chỉ ra: đây không chỉ là họa cá chết mà sẽ là một họa diệt chủng nếu không nhận rõ nguyên nhân của mọi nguyên nhân và tìm cách rốt ráo khắc phục. Theo tôi, nguyên nhân sâu xa của nó vẫn không tách khỏi cái ‘gien’ di truyền bành trướng bá quyền của tập đoàn cầm quyền Bắc Kinh.

1- Nói thêm ít lời về gien di truyền bành trướng bá quyền đại Hán

Gần đây, khi đi công du một số nước Âu, Mỹ, người đứng đầu tập đoàn Bắc Kinh bỗng   không khảo mà xưng lên rằng: người Trung Quốc không có ‘gien’ bá quyền bành trướng! Nghe mà bật cười, nhớ đến một chuyện tiếu lâm của ta xưa. Chuyện kể nhà nọ bán thịt lợn sề (mà theo dân gian thì thịt lợn sề độc, không nên ăn), mới dặn thằng con là phải giấu đừng cho ai biết. Thằng bé sốt sắng vâng lời, nên mỗi khi có khách đến định mua, nó đều nói lớn ngay rằng: thịt này không phải thịt lợn sề đâu đấy! Khách nghe nói vậy bèn sinh nghi, xem kĩ thịt, thì phát hiện đúng là thịt lợn sề thật, rồi bỏ đi, không mua…

Cái gien, hay cái máu bành, bá của Trung Quốc, ai còn lạ. Nó có từ xưa với cái lý tưởng truyền đời mà những người có tí máu mặt trong đất nước đó thường tâm niệm, đã sống làm người thì phải: Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ. Cả mấy ngàn năm phong kiến, người ‘quân tử Tàu’ đã trung thành với lý tưởng ‘bình thiên hạ’ (đó chỉ là cách nói tránh cho cái tham vọng muốn cướp hết đất đai của các nước khác để làm bá chủ mà thôi). Rồi đến thời cộng sản, thì họ cần phải che giấu cái ý đồ ‘bình thiên hạ’ đi. Nên ngoài miệng họ hô hào xây dựng thế giới đại đồng, chỉ để bàn tay hoạt động, tiếp tục ra sức đánh chiếm đất đai lãnh thổ, lãnh hải các nước mà họ điêu trẹo họng gọi là ‘thu hồi’ lãnh thổ bị mất.

Một điều đặc biệt là, từ khi Trung Quốc xuất hiện đảng cộng sản thì những người cầm đầu đã không ngừng đấu đá sát phạt lẫn nhau trong các cuộc mà họ gọi là ‘đấu tranh đường lối’. Các phe phái trong đảng đấu nhau rất tàn bạo, quyết liệt, không ngán cả đầu rơi máu chảy. Thế nhưng, dù thắng dù thua, không phe nào chịu từ bỏ cái tâm đen bành trướng bá quyền. Mao Trạch Đông là người thắng nhiều nhất trong các cuộc đấu, vì vậy đã có nhiều cơ hội thể hiện máu ‘bá, bành.’ Có thể dẫn ra vài câu nói rất thô lỗ của ông ta: “Tôi sẽ làm chủ tịch 500 triệu bần nông đưa quân xuống Đông Nam Á” hay “Chúng ta phải giành cho được Đông Nam Á… Một vùng như Đông Nam Á rất giàu, ở đấy có nhiều khoáng sản, xứng đáng với sự tốn kém để chiếm lấy”…

Đặng Tiểu Bình, đối thủ chính trị rất nặng kí của Mao, người mà Mao đã phải phát động cả một cuộc ‘Cách mạng văn hóa’ nổi tiếng khủng khiếp để đấu cho bằng được, đấu đến lên bờ xuống ruộng, bị gọi là ‘tên số 2 trong Đảng đi theo chủ nghĩa tư bản’ thì sao? Sau khi Mao chết, Đặng trở lại chính trường, ông ta không hề chọn con đường nào khác Mao. Vẫn là bành trướng bá quyền đại Hán. Thậm chí còn thể hiện hung hăng quyết liệt hơn qua việc phát động cuộc chiến tranh tháng 2- 1979 xua hàng mấy chục vạn quân sang thực hiện cái gọi là ‘trừng phạt Việt Nam’ vì đã phá kế hoạch bá quyền Đông Nam Á của Trung Quốc.

Một người khác, cũng là đối thủ đáng gờm, bị Mao xếp vào hạng ‘đối tượng đấu tranh đường lối’ là Chu Ân Lai. Dưới mắt thiên hạ, ông này trông có vẻ tử tế khiêm cung. Thế nhưng, cũng không tránh khỏi căn bệnh đại Hán, trong các xử lý quan hệ các nước, vẫn trung thành với đường lối nước lớn bắt nạt nước nhỏ của Mao. Điều đó đã thể hiện trong nội dung mật đàm với Kissinger, bắt tay với Mỹ, giành quyền lợi ích kỉ của Trung Quốc, làm hại quyền lợi của Việt Nam và các nước từng là đồng chí anh em với Trung Quốc (tài liệu đã bạch hóa trên nhiều trang mạng và bạn đọc còn có thể tham khảo thêm bài viết về Vụ đấu tố khủng khiếp với Chu Ân Lai tại Bộ chính trị Trung Quốc trong Blog Phạm Viết Đào).

Ông Tập Trọng Huân, cha đẻ Tập Cận Bình, cũng từng bị Mao gán tội “cầm đầu nhóm chống Đảng” và bị cách hết chức vụ, bị phủ định mọi công lao, bị bỏ tù và ngược đãi trong thời gian dài. Bản thân Tập Cận Bình, trong những năm diễn ra cuộc ‘Đại cách mạng văn hóa’, tuy còn nhỏ nhưng cũng đã từng bị bè lũ Mao làm nhục bằng cách chụp mũ giấy, bắt diễu phố, tống ngục giam, rồi bị đày về nông thôn hẻo lánh sống rất khổ cực. Vậy mà ngày nay, khi lên làm vua Trung Quốc, Tập Cận Bình vẫn hăng hái kế tiếp đường lối bành trướng bá quyền do Mao truyền lại. Thậm chí Tập Cận Bình còn thực hiện đường lối đó vừa hung hăng vừa lắt léo, hơn hẳn các bậc tiền bối.

Căn bệnh bành, bá nọ còn có nguy cơ phát tác ở Trung Quốc ngay trong thời kì ‘ hậu cộng sản’ trong tương lai nữa kia. Thật vậy, hãy ngẫm nghĩ chút về hiện tượng một ngôi sao đang lên của Trung Quốc là tướng Lưu Á Châu với nhiều phát biểu rúng động. Bài nói của Lưu Á Châu tại căn cứ quân sự ở Côn Minh (Trung Quốc) ngày 10- 5- 2010 đang được nhiều trí thức Việt Nam khen hay, cho là ngôn từ mạnh dạn, quan điểm mới mẻ, vì ông ta đã thẳng thắn tỏ ra ngưỡng mộ thể chế dân chủ đa nguyên đa đảng của nước Mỹ, lại thẳng thắn vạch ra những yếu kém, lạc hậu của chính dân tộc Trung Quốc. Nhưng nếu xem kĩ sẽ thấy ở đó vẫn không giấu nỗi khát vọng thống trị thế giới.

Động cơ thúc đẩy Trung Quốc chuyển đổi sang thể chế đa nguyên đa đảng là gì? Lưu Á Châu nói: “Tư tưởng dân chủ đã ăn sâu vào sinh mạng, huyết mạch của họ (người Mỹ). Một dân tộc như thế họ không cường thịnh thì ai cường thịnh? Họ không thống trị thế giới thì ai thống trị?” Không biết nước Mỹ, dân Mỹ có chủ tâm thống trị thế giới hay không, nhưng ở đây rõ ràng ông Lưu Á Châu đã bộc lộ dã tâm muốn thống trị thế giới, đặc sản Trung Hoa rồi. Ông ta còn nhấn nhá thề thốt (với ai đây?) rằng: “Tôi là một người trung thành với chủ nghĩa dân tộc, trong bất cứ tình huống nào, tôi cũng xem lợi ích dân tộc là tối cao. Vì điều đó, tôi chấp nhận sứt đầu mẻ trán…”.

Như vậy, cứ như khẩu khí của con người có vẻ cấp tiến này thì không chừng thể chế dân chủ đa đảng kiểu Mỹ cũng chỉ có thể được ‘trưng dụng’ để làm tăng thêm sức mạnh cho chủ nghĩa bành trướng bá quyền đại Hán mà thôi. (Một điều đáng chú ý là: Lưu Á Châu gần đây cứ nói oang oang, viết sắc lẻm về ý tưởng đòi thay đổi thể chế chính trị độc tài độc đảng ở Trung Quốc mà không bị mấy người cầm đầu đảng CSTQ đụng đến một sợi lông chân nào cả, ông ta vẫn tiếp tục đeo lon thượng tướng, vẫn chễm chệ ngồi ghế Chính ủy Đại học quốc phòng. Còn ở Việt Nam thì sao? Các vị khai quốc công thần như Trần Độ, Trần Xuân Bách chỉ mới hé miệng bàn về dân chủ đa đảng mà đã bị ‘Đảng ta’ trù dập tơi bời, đến chết vẫn không yên thân. Đủ biết giới cầm quyền Trung Quốc thâm sâu, tỉnh táo hơn lãnh đạo Việt Nam nhiều).

Gần đây nhất và dễ thấy nhất là ‘cặp đôi’ Tập Cận Bình và  Giang Trạch Dân. Đôi này đang sát phạt nhau ra dáng, nhưng cả hai đều chẳng ai kém ai về thành tích xiển dương chủ nghĩa bá, bành. Ai chẳng biết, Giang Trạch Dân chính là người thiết kế ra cái Mật nghị Thành Đô tai hại, còn Tập Cận Bình chính là kẻ đang hăng hái triển khai tinh thần mật nghị đó.

Như vậy, chủ nghĩa bành trướng bá quyền đại Hán vẫn là bộ phim dài còn lâu mới đến tập cuối mà nhân dân Việt Nam bị buộc phải xem trong một cái rạp chiếu cũ nát, chật chội, nóng bức, hôi hám, bị khóa chặt; đói khát, ngộp thở mà vẫn không thể bỏ về…Chủ nghĩa bành trướng bá quyền đại Hán không những có lịch sử lâu đời mà còn có cả một hệ thống lý luận, bài bản hướng dẫn cụ thể, sắc sảo. Một trong những bài bản của nó là sách Tôn Tử binh pháp. Binh pháp Tôn Tử (BPTT)không chỉ là thuật dụng binh, nó đã và đang được những người cầm quyền Trung Quốc vận dụng trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị, ngoại giao, rất hữu hiệu. Vì BPTT dạy cho họ kế sách ‘sáng suốt nhất trong sự sáng suốt’, không cần đánh mà khuất phục được kẻ địch…

2- Vụ cá chết hàng loạt – Formosa và liên hoàn kế

Cá voi chết, trôi dạt vào biển Nghệ An. Ảnh: VOV

Có thể khẳng định vụ cá chết ở biển từ Vũng Áng kéo dài về phía Nam không phải là ngẫu nhiên, cũng không phải là đơn độc. Nó chính là một khâu trong chương trình đã lập sẵn của mộng bá quyền Trung Quốc, là sự thể hiện của các kế sách trong ‘tam thập lục kế’ của sách Binh Pháp Tôn Tử. Các kế sách đó đang được Bắc Kinh thi triển trong nhiều năm qua. Nhất là từ khi lãnh đạo VN sáng tác ra cái gọi là ‘nền kinh tế thị trường định hướng XHCN’, lấy đó làm phương sách phát triển cho VN. Vì ‘kinh tế thị trường định hướng XHCN’ chẳng qua chỉ là một nền kinh tế tư bản hoang dã được (bị) điều hành bởi một triều đình nhiều vua, bản thân nó vốn chứa đựng nhiều yếu tố rủi ro, mong manh dễ đổ vỡ nên rất tiện cho phía Trung Quốc thao túng, lợi dụng.

Nói cụ thể hơn, vụ cá chết vừa qua trước hết là nằm trong kế liên hoàn (kế thứ 35 trong BPTT), kế đó nói: sử dụng nhiều kế liên tiếp, móc nối nhiều kế với nhau tạo thành chuỗi móc xích hoàn chỉnh, tạo phản ứng dây chuyền khiến đối phương rối loạn không biết bắt đầu gỡ mối từ đâu. Cố gắng lần tìm riềng mối, thì thấy có lẽ phía TQ đã bắt đầu từ kế ‘Tiếu lý tàng đao’ (kế thứ 10 trong 36 kế): dấu dao trong nụ cười. Nụ cười ở đây chính là ‘4 tốt, 16 chữ vàng’, còn con dao thì chính là các dự án TQ đầu tư vào VN lâu nay. Đó là dự án Bô xít Tây Nguyên, các nhà máy nhiệt điện với công nghệ lạc hậu, các dự án thuê đất trồng rừng ở những nơi hiểm yếu, và hiểm độc nhất là cụm công nghiệp Formosa cùng với cảng nước sâu Sơn Dương ở Hà Tĩnh…

Để có thể đặt chân vào các địa điểm trên đất VN, qua mắt dư luận có phần nghi ngại, phía TQ đã có kế ‘Man thiên quá hải’, kế thứ nhất trong 36 kế, nghĩa là che trời để qua biển. TQ đã tìm cách nấp sau các nhà đầu tư không phải TQ. Ví dụ, họ đã nấp sau các nhà đầu tư Indonexia và Malaixia để vào được các dự án Trung tâm nhiệt điện Duyên Hải (Trà Vinh), Trung tâm nhiệt điện Sông Hậu 2 (Hậu Giang), và dự án đang bị dư luận soi nhiều nhất là Formosa Hà Tĩnh. Họ đã ‘man thiên’ bằng các cách như: mua lại dự án, hối lộ để giành chân tổng thầu EPC, cho vay tiền vốn thi công hoặc liên doanh với chủ đầu tư… Đứng chân vào các dự án lớn, họ đạt được nhiều mục tiêu. Đó cũng là thủ đoạn thường thấy của những nhà chính trị TQ: “một mũi tên nhắm nhiều đích”, lợi cho TQ, hại cho VN, như: 

– Thu lợi nhuận từ khâu thiết kế, thi công (là mục tiêu thông thường và có thể coi là chính đáng).

– Bán thiết bị thế hệ cũ với giá đắt.

– Giành việc làm cho lao động phổ thông TQ.

– Vơ vét tài nguyên quý hiếm của VN.

– Khống chế địa bàn hiểm yếu về quân sự quốc phòng.

– Với dự án không thu được lợi nhuận, thậm chí bị lỗ thì lại đặt mục tiêu phá hoại đầu độc môi trường (điển hình như bô xit Tây Nguyên, Formosa).

Muốn trót lọt kế ‘man thiên’ nói trên, TQ không thể bỏ qua kế ‘Phao chuyên dẫn ngọc’ – kế thứ 17, nghĩa là: ném ra hòn ngói, thu về hòn ngọc (hay như dân ta thường nói là thả con săn sắt, bắt con cá rô). Họ có thể hối lộ một khoản tiền rất lớn so với thu nhập của cá nhân, nhưng lại là khá nhỏ so với mối lợi thu được từ dự án (mẹo này của họ không có gì lạ, có thể tìm được nhiều dẫn chứng ngay trong báo chí chính thống).

Một kế nữa đã thi hành: ‘Tá đao sát nhân’ – kế thứ 3 trong Binh Pháp Tôn Tử, nghĩa là mượn dao giết người. Cùng với việc tự tay giết chóc ngư dân VN trên biển Đông; TQ còn khiến cho ngư dân VN gặp nhiều khó khăn khi đánh bắt trên ngư trường truyền thống, phải dạt xuống đánh bắt ở ngư trường phía Nam. Nhiều khi quá bước lọt qua lãnh hải mấy nước như Malaixia, Indonexia, liền bị các nước đó trừng trị, hoặc bắt giam, bắt phạt, thậm chí đánh chìm tàu, chết người…Đó chẳng phải mượn dao giết người sao?

Kế khác: ‘Quan môn tróc tặc’ – kế thứ 22, nghĩa là đóng cửa để bắt kẻ địch. Bao nhiêu năm qua, TQ đã tìm mọi cách bao vây ngăn chặn mọi đường ra của VN. Họ đã xây nhiều nhà máy thủy điện ở đầu nguồn sông Mê kong trong đất TQ, lại dụ Lào, Campuchia và giành phần xây ‘giúp’ các nhà máy thủy điện để dần làm cạn dòng Cửu Long, triệt đường làm ăn của cư dân đồng bằng Cửu Long. Rồi lại giành phần xây các nhà máy nhiệt điện với công nghệ lạc hậu cũng tại đồng bằng sông Cửu Long để phá hoại môi trường nơi đây. Vậy là họ đã đóng được cửa phía Tây và phía Nam của ta. Ở phía  Tây, phía Bắc, thì đã có các dự án trồng rừng biên giới, bô xit Tây Nguyên, phía Đông thì có Nghi Sơn, Vũng Áng… còn cửa ra nào cho VN ta? Vậy họ muốn ‘bắt’ ta lúc nào chẳng được!

Cặp bài trùng của kế ‘quan môn’ kia là kế ‘Phản khách vi chủ’ – kế thứ 30. Báo chính thống cũng cho biết, tất cả các nơi TQ thuê đất của VN, họ đều ngang nhiên coi như tô giới riêng, họ chiếm quyền làm chủ, còn quản lý địa phương vốn là chủ thì trở thành khách, thậm chí không bằng khách, vì họ chẳng bao giờ tỏ thiện chí mời loại khách này vào thăm, đương nhiên có muốn xin vào thăm, họ cũng chẳng cho (trừ trường hợp vừa rồi, ông Tổng Trọng bỗng dưng được họ mời vào thăm rất trân trọng).

Đã thực hiện được ‘phản khách vi chủ’ trên đất của Việt Nam, nhưng đôi khi cần thiết, TQ vẫn không ngại dùng ‘Khổ nhục kế’ – kế thứ 34. Sự việc chưa xa là vào giữa năm 2014, khi nhân dân VN phẫn nộ xuống đường biểu tình đòi giàn khoan HD 981 của TQ cút khỏi biển Đông. Người Việt thì biểu tình ôn hòa, nhưng chính TQ đã kích động một số phần tử quá khích xông vào đập phá mấy nhà máy mang yếu tố Trung Quốc để lu loa, đòi nhà cầm quyền VN phải xin lỗi, phải bồi thường. Và đau hơn, là đã khéo léo khiến phía VN phải lấy gậy tự đánh vào đồng bào mình, bênh che cho TQ. (cái kế này, người VN đã từng biết, và các cụ ta gọi nôm na nó là ‘cào l.. ăn vạ’).

Còn đây, kế quan trọng nhất cũng đã thi hành: ‘Cầm tặc cầm vương’ – kế thứ 18, nghĩa là muốn bắt ‘giặc’thì cốt nhất là phải bắt được vua của nó. Thực tế quá rõ rồi, các ông vua đều đã bị họ cầm tù bằng gái, bằng tiền và bằng… ý thức hệ! Nên bây giờ họ muốn gì được nấy, bảo gì nghe nấy. Thực tế cũng đã cho thấy, khi ‘cầm Vương’ rồi, họ liền thi hành kế ‘Thâu lương hoán trụ’ – kế thứ 25. Nghĩa là họ đã giành quyền thay đổi, sắp xếp nhân sự quan trọng trong lãnh đạo VN. Sự này đâu còn là điều gì bí mật qua mấy kì đại hội?

Bài viết đã quá dài, không thể vạch vòi cho đủ những cách TQ vận dụng cả 36 kế sách để o ép VN. Cần nói, kế sách TQ dùng để ‘bình thiên hạ’ không chỉ thể hiện ở những sách chuyên về chính trị quân sự, mà còn có thể tìm thấy ở cả những sách văn chương như kiểu Tam quốc diễn nghĩa, Thủy hử v.v… Vì tư duy trị quốc gắn với bình thiên hạ nó đã khu trú quá lâu trong trí não người TQ. (Xin mạn phép cung cấp dưới bài viết một danh mục sách nên đọc để hiểu sâu hơn về lý tưởng Tu – tề – trị – bình của các chính khách TQ cổ kim).

Cho đến lúc này, đã trên 50 ngày trôi qua rồi mà nghi án Formosa xả độc làm chết cá, chết môi trường biển VN vẫn chưa được làm sáng tỏ. Nhưng như trên đã nói, Formosa có thực sự dính án hay không thì nó cũng chỉ là một mắt xích trong liên hoàn kế của chủ nghĩa bá, bành Trung Quốc. Không có Formosa thì đã có bao nhiêu dự án tai hại khác. Quan trọng là những người có quyền chấp nhận hay bác bỏ dự án TQ trên đất nước mình có đủ tỉnh táo, khôn ngoan và có tâm với đất nước hay không.

Làm lãnh đạo (nhất là lãnh đạo độc quyền toàn trị như bây giờ) có chịu đọc các sách vở TQ, VN và thế giới hay không. Hay thì giờ vàng ngọc của các vị còn phải dùng để tính toán kiếm tiền ‘phao chuyên’ từ các dự án TQ, hoặc để chơi bời đàng điếm, hoặc để nghĩ mưu mẹo đối phó trấn áp những phản biện đúng đắn, những yêu cầu chính đáng của nhân dân, đối phó với cả các ‘đồng chí’ không cùng phe cánh?

Xin nhắn các vị: không đọc thì là vô trách nhiệm, đọc mà không hiểu thì là vô trí tuệ, đọc hiểu mà không dám ra tay hóa giải các chiêu trò cùa TQ thì là vô bản lĩnh. Các vị có muốn nhận mình là loại người lãnh đạo ‘tam vô’đó hay không? Theo tôi, chưa có thì giờ nhiều, thì ít nhất (nếu chưa lú hẳn) các vị hãy vào mạng mà đọc cho được cuốn Binh Pháp Tôn Tử đã có bản tiếng Việt, ít chữ thôi, chưa đến 100 trang khổ sách thông thường. Cũng mong các vị tìm đọc các bài của nhân vật đang nổi của TQ Lưu Á Châu, và bài nói nóng hổi của tổng thống Obama mới nói ở Mỹ Đình ngày 24-5-2016 vừa qua. Các bài này đều rất dễ tìm trên mạng. (Lưu ý, bài nói của ông Obama có mấy bản dịch, xin hãy tìm bản chuẩn của Sứ quán Mỹ cung cấp). Các vị có biết bao nhiêu người VN đồng tình và hoan nghênh bài nói đó không? Các vị nên tìm hiểu để biết lòng dân bây giờ ra sao. Xin chào!

_____

Danh mục sách tối thiểu cần đọc để hiểu về các kế sách trị quốc, bình thiên hạ của các nhà cai trị ở Bắc Kinh:

  1. Binh Pháp Tôn Tử (đã có tiếng Việt)
  2. Tứ thư ngũ kinh (Hiện chưa có bản tiếng Việt, các lãnh đạo muốn đọc thì cho dịch ra).
  3. Sử ký Tư Mã Thiên (đã có tiếng Việt).
  4. Tam Quốc Diễn Nghĩa(rất nhiều bản tiếng Việt).
  5. Tuyển tập Mao Trạch Đông (chưa thấy bản tiếng Việt).
  6. Đặng tiểu Bình, một trí tuệ siêu việt (sách này đã xuất bản chính thống ở VN, đã và đang bị dư luận ném đá vì ca ngợi nhân vật đã lên tiếng ‘trừng phạt VN’. Quả thật không nên phổ biến trong nhân dân, nhưng lấy làm sách cho lãnh đạo tham khảo thì cần thiết).
  7. Tập đại thành cải cách mở cửa của TQ (không biết đến nay đã có cơ quan nghiên cứu nào dịch ra chưa, nhưng tôi biết sách đã có ở vài thư viện lớn ở nước ta).
  8. Và cuốn sách chính thống cuả Việt Nam: Sự thật quan hệ Việt – Trung trong 30 năm qua – NXB Sự Thật.

 

 

Nguyễn Nguyên Bình

29-5-2016

 

 

 

Nguồn: https://anhbasam.wordpress.com/2016/05/29/8503-bai-viet-cho-cac-vi-chua-lu/

 

Bài viết cho các vị chưa lú hẳn – Nguyễn Nguyên Bình

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *