Chữ “Y” Trong Tiếng VIỆT
.
Một ngàn năm lịch sử đã trôi qua kể từ khi kinh đô được dời từ Hoa Lư về Đại La, rồi được đổi tên là Thăng Long, tức Hà Nội ngày nay. Nhưng khi đặt bút xuống để viết, ta không khỏi ngập ngừng… Triều vua nào đã dời đô từ Hoa Lư về Đại La rồi đổi tên là Thăng Long? Đời Lý Thái Tổ hay đời Lí Thái Tổ?
Để trả lời, mỉa mai thay chúng ta không cần phải lục tìm trong sử sách, mà phải đi tìm lai lịch của một mẫu tự: Chữ Y! Đúng vậy, vì tính chất của chữ Y trong tiếng Việt có thể cho chúng ta câu trả lời đúng: “Nhà Lý” hay “Nhà Lí,” viết thế nào có lý (lí) hơn?
Để đi tìm lời giải đáp cho văn viết, trước hết chúng ta cần phải phân tích tính chất ngữ âm của mẫu tự Y.
Y LÀ NGUYÊN ÂM HAY BÁN NGUYÊN ÂM?
Đây là một đề tài thú vị đã gây tranh luận không ít trong nhiều ngôn ngữ. Ngữ âm học (Pháp: phonétique, Anh: phonetics) quá rộng lớn cho chúng ta bàn cãi ở đây. Trong khuôn khổ bài này, người viết chỉ xin lạm bàn với đôi chút ý kiến xoay quanh những câu hỏi sau:
Y là nguyên âm hay bán nguyên âm trong tiếng Việt?”
“Có cần thiết phải thay I vào Y khi viết không? Nếu có thì trong trường hợp nào? Hậu quả ra sao?”
- MẪU TỰ Y, NGUYÊN ÂM HAY BÁN NGUYÊN ÂM TRONG TIẾNG VIỆT?
Trong tiếng Pháp, mẫu tự Y được gọi là “i-grec” vì nó không phải là nguyên gốc La Tinh, mà được người Romains mượn từ mẫu tự Hy Lạp (Upsilon), tiếng Pháp phát âm Y giống như mẫu tự I. Trong tiếng Anh, mẫu tự Y có thể được phát âm hai cách khác nhau như trong chữ “baby” hay trong chữ “why.” Mặc dù có nhiều ngôn ngữ sử dụng mẫu tự La Tinh, nhưng mỗi ngôn ngữ đều có thể có một bộ nguyên âm riêng biệt. Vì vậy, Y là nguyên âm hay bán nguyên âm là tùy vào từng ngôn ngữ. Sau đây, chúng ta hãy thử tìm hiểu thêm trong tiếng Pháp và tiếng Anh, là hai ngôn ngữ có những sự liên quan khá mật thiết với tiếng Việt ngày nay, cộng với cách sử dụng thông thường của chữ Y để thử đi đến kết luận về tính chất của chữ Y trong tiếng Việt.
Tự điển Le Grand Larousse (online) giải thích mẫu tự Y như sau : Chữ thứ hai mươi lăm trong bảng mẫu tự tiếng Pháp, được dùng để ghi nhận nguyên âm /i/ hoặc phụ âm /j/. (“Vingt-cinquième lettre de l’alphabet français, servant à noter soit la voyelle [i], soit la consonne [j]”).
Tự điển Oxford Advanced Learner’s Dictionary thì chỉ cho định nghĩa ngắn gọn : Y là chữ thứ hai mươi lăm trong bảng mẫu tự tiếng Anh.
NGUYÊN ÂM
Trong tiếng Pháp, nguyên âm (voyelle) được định nghĩa là âm nói mà khi phát ra làn hơi đi qua thanh quản để tạo ra thanh âm không bị chướng ngại gì ngăn trở (“Son du langage dont l’articulation est caractérisée par le libre écoulement du flux d’air expiré à travers le conduit vocal qui ne comporte aucun obstacle susceptible d’engendrer la formation d’un bruit audible” – Le Grand Larousse). Tự điển này không liệt kê các nguyên âm ở phần định nghĩa.
Trong Anh ngữ, thì nguyên âm (vowel) được định nghĩa là âm nói phát ra với miệng mở và lưỡi không đụng vào răng hay vòm họng (“A speech sound in which the mouth is open and the tongue is not touching the top of the mounth, the teeth, etc.” (Oxford Advanced Learner’s Dictionary, 7th Ed.). Tự điển này liệt kê các nguyên âm trong tiếng Anh là A, E, I, O và U (không có Y).
Tự điển Từ và Ngữ Việt Nam của Nguyễn Lân, xuất bản trong nước năm 2000 định nghĩa nguyên âm là “Âm phát ra từ cuống họng thành tiếng, không bị cản trở ở miệng.” Theo tác giả Nguyễn Lân thì tiếng Việt có 12 nguyên âm, trong đó có Y.
Như trên, ta có thể nhận xét rằng định nghĩa nguyên âm khá thống nhất trong ba ngôn ngữ Anh, Pháp và Việt. Tuy nhiên, Y là nguyên âm hay không thì các nguồn tra cứu trên đã không thống nhất.
BÁN NGUYÊN ÂM
Tự điển Larousse không cho định nghĩa rõ rệt về bán nguyên âm (semi-voyelle) mà giải thích rằng bán nguyên âm là những âm như /j/ trong “paille,” [ɥ] trong “lui”và /w/ trong “oui,” nằm
giữa nguyên âm và phụ âm. (“Type de sons tels que, en français, [j] (paille), [ɥ] (lui) et [w] (oui), intermédiaires entre les voyelles et les consonnes”). Bán nguyên âm cũng còn được gọi là bán phụ âm (semi-consonne) (Larousse).
Tự điển Oxford định nghĩa bán nguyên âm (semi vowel) là âm phát ra nghe như nguyên âm, nhưng lại có chức năng như một phụ âm. Thí dụ âm /w/ trong chữ “wet” hay âm /j/ trong chữ “yes” (“A speech sound that sounds like a vowel but functions as a consonant.” – Oxford).
Tự điển Việt Nam của Nguyễn Lân không có định nghĩa cho bán nguyên âm.
Nhận xét: Trong tiếng Pháp, Y không được định nghĩa rõ ràng như là một bán nguyên âm vì âm /j/ được biểu thị bằng “ill” như trong các chữ “paille,” “fille” hay cheville.” Trong tiếng Anh, bán nguyên âm được định nghĩa bằng chức năng (function) của mẫu tự, chứ không được định nghĩa một cách quy ước bằng cách liệt kê ra chữ nào là bán nguyên âm. Trong Tự điển Việt Nam hiện nay, Y lại được định nghĩa rõ ràng là nguyên âm. Như vậy, Y không được định nghĩa một cách quy ước như là bán nguyên âm trong cả ba ngôn ngữ, mà tùy thuộc vào chức năng của nó trong từng chữ (từ).
Đây chính là điểm quan trọng sẽ được phân tích trong phần sau về chức năng của Y trong tiếng Việt.
NHỊ HỢP ÂM (diphtongue, diphthong) và TAM HỢP ÂM (triphtongue, triphthong).
Tự điển Oxford định nghĩa diphthong và triphthong lần lượt là âm kết hợp bởi hai hoặc ba nguyên âm. Thí dụ âm /ou/ trong chữ “doubt” (nhị hợp) hay âm /ai-r/ trong chữ “fire” (tam hợp). Trong khi đó, Larousse định nghĩa diphtongue là một “phức nguyên âm” (voyelle complex) mà khi phát ra âm thanh phải uốn đi một lần. Tuy nhiên, Larousse lại cho rằng trong Pháp ngữ ngày nay, diphtongue không tồn tại nữa, vì những âm như /au/, /eu/, /ou/ đã được coi giống như những nguyên âm đơn tương ứng. Larousse định nghĩa triphtongue một cách tương tự (âm thanh uốn hai lần khi phát âm), nhưng lại chỉ cho thí dụ trong tiếng Anh (chữ “fire”) mà không có thí dụ tiếng Pháp. Thật đúng vậy, vì những âm hợp bởi ba nguyên âm như /eau/ và /eue/ cũng đã được đồng hóa với nguyên âm đơn /o/ và /e/ khi phiên âm trong tiếng Pháp ngày nay.
Tự điển Việt Nam của Nguyễn Lân không có định nghĩa tương đương cho diphtongue hay triphtongue.
Với những định nghĩa trên, chúng ta hãy thử phân tích xem Y là nguyên âm hay bán nguyên âm và trong những trường hợp nào Y được dùng để tạo ra nhị hợp âm hay tam hợp âm trong tiếng Việt.
Bán nguyên âm (semi vowel), cũng có khi được gọi là bán phụ âm (semi consonant), tự nó không tạo ra “syllable” (tạm dịch là âm vận), mà chỉ được dùng kèm với nguyên âm khác cấu thành nhị hợp âm và tam hợp âm. Thí dụ tiếng Anh, chữ Y trong “yes” là bán nguyên âm vì nó kết hợp với một nguyên âm khác làm thành nhị hợp âm /j/. Nếu cắt bỏ nguyên âm kia đi, thì không phát âm được (trường hợp chữ “yes”), hoặc nếu có phát âm được thì âm sẽ khác đi (trường hợp chữ “boy”). Bây giờ chúng ta hãy xem đến chức năng của Y trong những chữ sau đây: “party” và “symphony.” Nếu xét về chức năng, thì tất cả các chữ Y trong “party” hay “symphony” phải được coi là nguyên âm vì tự mỗi chữ Y đứng một mình, cạnh hoặc giữa các phụ âm đã có thể tạo ra một syllable khiến cho phát âm được mà không cần nguyên âm nào khác trợ giúp. Thí dụ với Y làm phận sự của một nguyên âm có rất nhiều trong tiếng Anh, như trong “hymn,” “mummy,” “baby,” “system,” “symptom,” và rất nhiều tĩnh từ và trạng từ kết thúc bằng Y.
Trong tiếng Pháp, ta thấy Y làm phận sự của một bán nguyên âm trong những chữ như “yeux,” “yoyo,” “yaourt,” hay “voyage.” Trái lại, Y phải được coi là nguyên âm trong những chữ như “cygogne,” “cycle,” “stylo,” “lyre,” “lycée,” “lys,” “lynx,” “myth,” “cyclone,” “gymnase,” “pyramide,” v.v… Lý do cũng như trên đã bàn: Trong những chữ vừa kể, Y đứng một mình như một nguyên âm mà không cần nguyên âm khác đi kèm. Khi đứng cuối chữ, thì Y cũng có thể làm chức năng nguyên âm như trong “Vichy,” “Champigny,” “Clichy.”
Trong tiếng Việt, Y cũng có thể đứng riêng (“lý,” “mỹ,” “ý”) hay đứng chung với nguyên âm khác (“yêu,” “quỳnh,” “nguyên,” “quý”). Tương tự như trong tiếng Anh và tiếng Pháp, nếu đứng riêng thì Y phải được coi là nguyên âm vì nó hoàn toàn đảm đương được chức năng của một nguyên âm, tức là tạo ra âm vận (syllable) với những phụ âm mà không cần sự giúp đỡ của nguyên âm nào khác.
Về cách phát âm và “trường độ,” thì ta thấy Y trong tiếng Việt được phát âm hoàn toàn giống như I. Ta không thể nào đoan quyết được rằng “lý” phát âm dài hay ngắn hơn “lí.” Nói chung, theo thiển ý thì khái niệm “trường độ” của một âm trong tiếng Việt là không có căn bản, vì tiếng Việt là tiếng độc vận (monosyllable), mỗi chữ (từ) đều chỉ có một vần, cho dù vần đó có thể là nhị hợp hay tam hợp âm, cho nên muốn kéo dài âm chính ra bao nhiêu thì kéo, tùy theo người nói và tùy theo ý nghĩa khi nói. Thí dụ khi nói mỉa mai thì kéo dài chữ ra, tức là kéo dài nguyên âm ra: “Mày giỏi nhỉỉỉ!.” Khi quát nạt thì nói ngắn lại, khô khan: “Cút đi!,” v.v… Trường độ không phải là tính chất để phân biệt Y với I trong tiếng Việt và lại càng không phải là lý do để thay thế Y bằng I trong mọi trường hợp.
Trở lại với chức năng của Y trong tiếng Việt. Như trên, ta thấy Y chỉ có thể được coi là bán nguyên âm khi tự nó không tạo được âm vận mà cần sự kết hợp với một hay hai nguyên âm khác. Như vậy, trong những chữ như “ý,” “lý,” “mỹ”… Y phải là nguyên âm vì mình nó đã tạo ra âm vận mà không cần nguyên âm nào khác. Trường hợp Y đứng sau vần “qu” như trong chữ “quy,” thì có thể phân tích theo hai cách. Thứ nhất, nếu ta coi là Y đã kết hợp với nguyên âm U để tạo vần “uy” (là một diphthong) thì phải coi Y là bán nguyên âm. Còn nếu coi vần đầu là “qu” (đọc là “quờ”) thì Y còn lại một mình (monophthong) nên Y phải là nguyên âm. Như vậy, sau “qu” thì viết y hay i là còn tùy ở sự phân tích vần “qu.” Hơn nữa, sau “s” thì hầu như đại đa số người viết ngày nay ở khắp mọi nơi đều dùng “i,” như trong các chữ “y sĩ,” “bác sĩ,” “giáo sĩ.”.. Đó là vấn đề thói quen mà chúng tôi sẽ xin đề cập trong phần sau. Còn khi Y kết hợp với một hay hai nguyên âm khác thì hẳn nhiên Y đã làm chức năng của một bán nguyên âm, như trong “yêu,” “quỳnh” hay “nguyên.”
Tóm lại, trong tiếng Việt, nếu ta chọn định nghĩa một cách tiên quyết theo quy ước, hay theo một văn bản chính thức của một hàn lâm viện nói rằng trước hết Y phải là bán nguyên âm, thì theo định nghĩa, nó không thể đứng riêng được mà cần có nguyên âm khác đi kèm trong bất cứ trường hợp nào. Nếu chọn cách định nghĩa này thì Y chỉ có thể đứng chung với nguyên âm khác để tạo ra diphthong hay triphthong mà thôi chứ không thể đứng riêng rẽ như một nguyên âm. Theo cách này thì “lý,” “mỹ,” hay “ý” đều phải sửa lại là “lí,” “mĩ” và “í.” (Xin mở dấu ngoặc ở đây để nhắc lại là Tự điển Việt Nam của Nguyễn Lân đã định nghĩa ngược lại và khẳng định Y là nguyên âm).
Ngược lại, nếu ta chọn định nghĩa theo chức năng (theo cách được giải thích trong tự điển Anh ngữ Oxford), thì như đã nói trên, Y có hai chức năng. Trong “lý,” “mỹ” hay “ý,” Y làm chức năng của một nguyên âm (không cần nguyên âm nào khác đi kèm). Như thế, không cần thiết và không bắt buộc phải thay I vào Y trong những trường hợp này. Tuy nhiên, Y không mang chức năng của một nguyên âm trong các chữ như “yêu,” “quỳnh,” hay “nguyên” vì nếu bỏ các nguyên âm bên cạnh đi thì không phát âm được hoặc âm sẽ biến đổi. Vậy Y là bán nguyên âm trong các trường hợp này và không thể thay thế bằng I được (vì I là nguyên âm, tính chất không tương đồng).
KẾT LUẬN:
Theo thiển ý, trong tiếng Việt, Y là nguyên âm, hay đúng hơn là làm nhiệm vụ nguyên âm khi đứng riêng một mình không có nguyên âm khác đi cạnh, dù ở vị trí nào. Ngược lại, Y làm nhiệm vụ bán nguyên âm khi kết hợp với một hay hai nguyên âm khác. Do đó, ta có thể dùng Y ở mọi vị trí như nằm ở đầu chữ (‘yêu,” bán nguyên âm, tạo nhị hợp âm), hay giữa chữ (“nguyên,” bán nguyên âm, tạo tam hợp âm), hay cuối chữ (“lý,” nguyên âm, đơn âm) đều được và không sai chính tả cũng như không phạm vào các quy tắc của ngữ âm học. Như vậy, nếu đã quen viết Y thì không cần bỏ để thay I vào những chữ như “Ý tứ,” “Quản lý,” “Lý do,” “Ly biệt,” “Công ty,” “Lý Thái Tổ” và hàng trăm chữ tương tự khác.
- SỰ THAY THỀ I VÀO Y TRONG TIỀNG VIỆT: ĐƠN GIẢN HÓA HAY PHỨC TẠP HÓA?
Như chúng ta đã biết, chữ Quốc Ngữ có nguồn gốc La Tinh từ các nhà truyền giáo tây phương. Giáo sĩ Alexandre de Rhodes (Đắc Lộ) được coi là người sáng lập ra chữ Quốc Ngữ. Tuy nhiên, không vì thế mà chữ Quốc Ngữ phải theo đúng quy tắc của tiếng Pháp, tiếng Tây Ban Nha hay Bồ Đào Nha là ngôn ngữ của các nhà truyền giáo thời đó, vì ngay cả những tiếng này cũng có nhiều quy tắc khác nhau dù có chung một nguồn gốc La Tinh. Để có thể đối thoại được với người bản xứ trong mục đích truyền giáo, các giáo sĩ đầu tiên đến Việt Nam chắc chắn đã phải học cách phát âm từ dân Việt. Một tài liệu cho rằng giáo sĩ Đắc Lộ đã học cách phát âm Việt ngữ từ một cậu bé chừng 12 tuổi làm phụ lễ ở nhà thờ (Wikipedia, Alexandre de Rhodes). Như vậy, nghe người bản xứ phát âm ra sao, các giáo sĩ sẽ dùng mẫu tự la tinh phiên âm lại y hệt như vậy thành chữ viết. Trong quyển Tự Điển Việt Nam – Bồ Đào Nha – La Tinh của Alexandre de Rhodes biên soạn (có thể vào xem nguyên bản ở link này http://purl.pt/961 do Thư Viện Quốc Gia Bồ Đào Nha để lên mạng), ông đã không phân biệt nguyên âm “I” với “Y,” mà gộp chung trong mục “I.” Ông viết “í,” “vô í,” “địa lí,” nhưng “yếu đuối,” “chết yểu,” và “yết hàu.”
Nếu suy ra từ đó, thì chính Giáo sĩ Đắc Lộ đã không coi Y như một nguyên âm, nên ông đã dùng I trong các chữ như “vô í,” “địa lí.” Tuy nhiên, đó chỉ là những phác thảo đầu tiên, rất đơn sơ cho tiếng Việt. Cũng trong tự điển đó, ông viết ‘tr” thành “blơ,” như “trở đi trở lại” đã được viết là “blở đi blở lại,” “Trời” viết là “Blời” (vì người Đàng Trong khi đó phát âm như vậy). Điều đó chứng tỏ ông nghe sao thì phiên âm ra như vậy, chứ không hề định ra một phương pháp hay nguyên tắc cố định nào cho tiếng Việt. Giả thử khi đó ông nghe một người Quảng Nam, người Huế, hay người Bùi Chu, Phát Diệm với những cách phát âm đặc biệt thì chắc ông cũng sẽ phiên âm ra như vậy mà thôi.
Tiếng Việt từ Alexandre de Rhodes cho đến nay đã trải qua biết bao biến đổi. Cho đến khi nào chúng ta chưa có được một Hàn Lâm Viện được toàn dân công nhận để tiêu chuẩn hóa tiếng Việt thì những cách dùng chữ hay viết chữ chỉ là do thói quen từ lâu đời mà ra. Không ai có thể đoan quyết một nguyên tắc đúng về việc sử dụng nguyên âm “I” hay “Y” trong tiếng Việt. Cứ xem chữ “giặt gỵa” thì biết! Như đả nói ở phần trên, Tự điển Từ và Ngữ Việt Nam, NXB TP HCM, ấn bản năm 2000, tác giả Nguyễn Lân đã giải thích “Y” như sau: “Y, (danh từ) Chữ cái thứ hai mươi ba và là nguyên âm thứ mười hai của vần quốc ngữ.” Như vậy, ngay một nhà ngôn ngữ học đương thời trong nước được mang danh hiệu “Nhà giáo nhân dân” cũng không định nghĩa Y là bán nguyên âm (xin nhấn mạnh như vậy để chứng tỏ tác giả chắc hẳn đã phải tuân hành những quy định của chính quyền đương nhiệm, nếu có, về thay đổi trong tiếng Việt so với trước năm 1975 ở Miền Nam). Thế nhưng, dù định nghĩa Y là nguyên âm, ông vẫn dùng “I” thay cho “Y” trong các chữ như “lí do,” “quản lí,” “mĩ thuật.”.. mà lại giữ nguyên “Y” trong các chữ như “vô ý,” “ý vị,” “ỷ lại,” “yểu,” “yếu.”.., và ngộ nghĩnh nhất là chữ “y lí.” Ngay cả chữ “nước Mỹ” cũng được viết là “Mĩ” (trong chữ mĩ kim, giải thích mĩ là nước Mĩ). Tại sao tác giả Nguyễn Lân định nghĩa Y là nguyên âm mà lại phải thay thế nhiều chữ Y với I như vậy? Có nguyên tắc văn phạm hay “phát âm học” nào chứng minh cho sự thay đổi đó không, hay chỉ là… thay đổi để cho khác trước và theo đúng quy định của nhà nước mà thôi?
Chữ viết thì do các nhà thông thái làm ra, nhưng ngôn từ của một dân tộc chắc chắn phải đến từ dân gian. Các nhà ngôn ngữ học chỉ làm công việc dùng những ký hiệu để ghi chép lại những gì dân gian trao đổi với nhau. Lâu dần, chính các thói quen đã tạo nên ngôn ngữ riêng biệt của một dân tộc. Dân tộc nào cũng hãnh diện về ngôn ngữ của mình mà không muốn thay đổi. Thí dụ, các chữ e hay h muet (không phát âm) trong tiếng Pháp có nguồn gốc từ thời Trung Cổ, do các thư lại viết thuê đơn từ cho dân ngu, đếm số mẫu tự mà tính tiền viết mướn nên đã bịa ra thêm để kiếm thêm tiền! Nhưng thế kỷ này qua thế kỷ khác, cho dù nước Pháp có một hàn lâm viện ngôn ngữ học vào hàng cao thủ, nhưng cũng không ai nghĩ đến việc bỏ các chữ e hay h muet đi cả. Đó là vì những chữ đó đã biến thành thói quen, và hơn nữa đã góp phần làm nên nét hoa mỹ cho tiếng Pháp, một ngôn ngữ mà người Pháp rất hãnh diện. Trong cái hãnh diện đó bao gồm cả những chữ e và h “câm” mà ai cũng biết nguồn gốc là từ các người viết mướn bịa ra! Chắc chắn Hàn Lâm Viện Pháp không bao giờ sửa những chữ đó một khi chúng đã được những Montesquieu, Rousseau, Hugo hay Verlaine… sử dụng như một thói quen dân tộc không thay đổi được. Mà thay đổi để làm gì cơ chứ? Có gì xấu xa đâu mà cần phải thay đổi?
Những động từ bất quy tắc trong Anh ngữ cũng vậy. Chúng ta có thể tự hỏi tại sao không đơn giản hóa, tiêu chuẩn hóa hết bằng cách thêm “ed” vào tất cả các động từ thì hiện tại để ra thì quá khứ cho xong chuyện? Người Anh hay người Mỹ sẽ không bao giờ làm chuyện đó, bởi vì không ai muốn, và cũng không một viện hàn lâm Anh ngữ nào có đủ “quyền lực” dùng văn bản chính thức để sửa đổi ngôn ngữ của Shakespeare, của Byron, của Jefferson, của Frost…, một thói quen đã ăn sâu vào cội nguồn dân tộc, nhất là khi thói quen ấy không có gì xấu xa và sự sửa đổi cũng chẳng có gì hay ho hơn cả. Vậy tốt hơn hết là cứ để nguyên như cũ, cho đến khi nào thói quen dân tộc ấy được chính người dân dần dần thay đổi. Thay đổi một thói quen văn hóa cần hàng thế kỷ, và hàng thế kỷ để được người dân chấp nhận như một di sản văn hóa dân tộc. Một viện hàn lâm, hay một chính quyền không bao giờ có cái quyền lực thiêng liêng đó.
Có người cho rằng trước năm 1975 ở Miền Nam đã có khuynh hướng dùng I thay cho Y. Theo thiển ý, việc dùng “I” thay cho “Y” trước năm 1975 ở Miền Nam chưa thể gọi là một “khuynh hướng” được, mà đúng ra chỉ là một sự lập dị của một vài nhà văn, nhà thơ. Thí dụ có tác giả lấy bút hiệu là Nguyễn Ngu Í. Cũng có thể một vài giáo sư bậc đại học mang khuynh hướng lập dị đó. Tuy nhiên, chữ viết là điều căn bản của ngôn ngữ cho nên phải được bắt đầu dạy, và dạy cho đúng ở bậc tiểu học chứ không phải ở giảng đường đại học. Nếu các sách giáo khoa bậc tiểu học đều viết “ý tứ,” “y lý,” “lý do,” “quản lý” “Nhà Lý,” “lão luyện,” “câu chuyện,” “kỹ sư.”.. thì học trò phải viết như thế suốt đời: Nếu thay y bằng i là sai chính tả.Vậy thì một giáo sư đại học có thể giảng rằng “khuynh hướng” mới là viết I thay cho Y trong vài trường hợp, nhưng điều đó không làm thay đổi ngữ pháp và chính tả Việt Nam một cách chính thức được. Ai là người phê chuẩn sự thay đổi ấy? Theo thiển kiến thì các sách giáo khoa chính thức ở Miền Nam cũng như các sách báo được xuất bản trước năm 1975 không viết “I” thay cho “Y” trong những chữ như kể trên, trừ một vài nhà thơ, nhà văn không tiêu biểu. Đó không phải vấn đề đúng sai, nhưng là một sự làm đúng theo thói quen, theo những quy ước hay tập tục sẵn có từ lâu. Mặc dù Alexandre de Rhodes đã viết lần đầu tiên với “i,” sau này những chữ như “vô ý,” “sử ký” hay “địa lý” đã được viết với “y” từ khi nào chúng ta không biết rõ, nhưng chúng đã trở thành thói quen và là Việt ngữ. Tất cả những tác phẩm của Tự Lực Văn Đoàn xuất bản ngày trước mà chúng tôi đã được đọc qua đều viết “ý tứ,” “có lý,” “ký giả.”.. Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim viết “nhà Lý,” “Đại Việt sử ký,” nhưng ông viết “Mị nương,” “nước Xích Quỉ,” “học sĩ.” Tất cả là thói quen, và là thói quen đã được chấp nhận trong dân gian cũng như trong văn chương tiếng Việt.
Việc “tiêu chuẩn hóa” tiếng Việt đã được cổ võ từ lâu ở trong nước. Hình như vào khoảng năm 1984, Bộ Giáo Dục có ra văn kiện chính thức về việc dùng I thay cho Y (tiếc rằng chúng tôi chưa được đọc toàn bộ văn kiện chính thức ấy). Ngoài ra, so với trước năm 1975 trong Miền Nam thì có những thay đổi như dùng “d” thay cho “gi” ở vài trường hợp (trước kia trong Nam, viết “dòng sông,” “dòng điện” là sai chính tả). Ngày nay, trong tất cả các tự điển VN phát hành trong nước, thí dụ quyển Tự Điển Từ và Ngữ Việt Nam của Nguyễn Lân nói trên, đều viết “dòng.” (Trước 75, Trịnh Công Sơn có bài hát “Lời của giòng sông,” viết “giòng.” Không hiểu sau này xuất bản có phải sửa lại không?) Thế nhưng “gi” trong các chữ “giấy,” “gia,” “giềng,” “giờ,” “giũ…” đều được giữ nguyên. Như vậy thay đổi một “gi” trong “giòng” có được ý nghĩa gì?! Trường hợp chữ Y và I, nếu đã cho rằng nên dùng “i” bất cứ khi nào có thể, ngoại trừ khi Y đi với nguyên âm khác, thì sao không viết “i lí,” “í vị,” ỉ lại” cho thống nhất?
Như vậy cho thấy rằng sự thay thế “Y” bằng “I” chỉ là một sự thay đổi rất phiến diện và xem chừng không giúp ích được bao nhiêu trên phương diện chính tả, nói chi đến những vấn đề bao quát như ngôn ngữ học. Trái lại, thay đổi những thói quen dân gian mà không đem lại một giá trị dân tộc chắc chắn nào chỉ khiến cho ngôn ngữ Việt thêm xáo trộn, và tệ hơn nữa là gây thêm một sự chia rẽ trong tư tưởng người đọc và viết chữ nước nhà. Bây giờ, dù muốn dù không, khi đọc một bài viết với những từ ngữ như “lí luận,” “nước Mĩ…,” người đọc cũng biết ngay được đó là một bài viết của một tác giả trong nước. Trái lại, với những chữ như “quản lý,” “lý do,” “mỹ thuật” thì độc giả biết ngay đó là một bài viết từ người Việt sống ở hải ngoại, hoặc là một bài từ trong nước nhưng tác giả là người đã sống và đi học tại miền Nam trước năm 1975. Làm như vậy có lợi gì không, hay chỉ khiến cho độc giả có một thành kiến đối với tác giả mà bỏ quên đi phần nào giá trị nội dung của bài viết, nếu không muốn nói đến một sự chia rẽ người đọc và viết tiếng Việt ra thành hai khối khác nhau?
Trong khuôn khổ của bài này và với kiến thức hạn hẹp của mình, người viết không mong muốn gì hơn là được phát biểu ý kiến riêng về một khía cạnh nhỏ trong tiếng Việt để tỏ lòng trân trọng đến việc gìn giữ tiếng mẹ đẻ như một bổn phận của mọi người Việt Nam yêu quý tiếng nước nhà. Việc cải tổ tiếng Việt không phải một sớm một chiều, và không phải một vài người, một phong trào, hay ngay cả một chính phủ có thể làm được bằng văn bản hành chánh. Tập tục của một dân tộc bao giờ cũng có hay, có dở. Nhưng trừ ra những hủ tục cần phải bài trừ như tảo hôn, giết chóc để tế lễ thần linh…, còn thì tất cả những thói quen đã làm nên nguồn cội cho một ngôn ngữ, một dân tộc chính là những di sản văn hóa cần phải được giữ gìn và trân trọng. Mọi sự thay đổi một cách không cần thiết và không có căn bản chỉ làm cho xáo trộn những nề nếp dân tộc lâu đời, yên bình và trân quý đó mà thôi.
Nguyễn Hưng
Ngày 30 tháng 4 năm 2010.