Hịch Tướng Sĩ
.
(Đức Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn)
.
Lời giới thiệu:
Trong thời quân Nguyên sang xâm chiếm nước ta, sau hội nghị quân sự ở Vạn Kiếp để bàn định kế chống giặc Nguyên, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn viết “hịch” cho phổ biến trong dân chúng để hiệu triệu các tướng sĩ và nhân dân hãy cương quyết chống xâm lăng.
Nhờ có bài Hịch trên đây mà quân Nam đã toàn thắng quân Mông Cổ hết sức vẻ vang, lưu lại cho hậu thế một kỳ công hiển hách bia truyền vạn đại.
– TVG
*
Hịch Tướng Sĩ
Dụ chư tỳ tướng hịch văn (諭諸裨將檄文), thường được gọi là Hịch Tướng Sĩ, là bài hịch của Trần Hưng Đạo. Cũng như hầu hết các tác phẩm khác ở thời Lý Trần, Hịch tướng sĩ của Trần Quốc Tuấn được viết bằng chữ Hán. Nhiều người đã dịch ra tiếng Việt như Trần Trọng Kim, Phan Kế Bính, Ngô Tất Tố….
– Bản dịch nôm văn xuôi của Trần Trọng Kim
(trích trong”Việt Nam Sử lược”” Tập I, Trần Trọng Kim, Nxb Đại Nam, Sài Gòn, 1964).
Ta thường nghe chuyện: Kỷ Tín (紀 信) liều thân chịu chết thay cho vua Cao-đế; Do Vu (由 于) lấy mình đỡ ngọn giáo cho vua Chiêu-vượng; Dư Nhượng (豫 讓) nuốt than để báo thù cho chủ; Thân Khoái (申 蒯) chặt tay để cứu nạn cho nước; Kính Đức (敬 德) là một chức quan còn nhỏ, mà liều thân cứu vua Thái-tông được thoát vòng vây; Kiểu Khanh (杲 卿) là một bề tôi ở xa, mà kể tội mắng thằng Lộc Sơn (祿 山) là quân nghịch-tặc. Các bậc trung-thần nghĩa-sĩ ngày xưa, bỏ mình vì nước, đời nào không có? Giả-sử mấy người ấy cũng cứ bo bo theo lối thường tình, chết già ở xó nhà thì sao cho lưu danh sử-sách đến nghìn muôn đời như thế được?
Nay các ngươi vốn dòng vũ-tướng, không hiểu văn-nghĩa, nghe những chuyện cổ-tích ấy, nửa tin nửa ngờ, ta không nói làm gì nữa; ta hãy đem chuyện đời Tống, Nguyên mới rồi mà nói: Vương công Kiên (王 公 堅) là người thế nào? Tỳ-tướng của Vương công Kiên là Nguyễn văn Lập (阮 文 立) lại là người thế nào, mà giữ một thành Điếu-ngư nhỏ mọn, chống với quân Mông-kha kể hàng trăm vạn, khiến cho dân sự nhà Tống, đến nay còn đội ơn sâu. Đường ngột Ngại là người như thế nào? Tỳ-tướng của Đường ngột Ngại là Xích tu Tư lại là người thế nào, mà xông vào chỗ lam-chướng xa xôi, đánh được quân Nam-chiếu trong vài ba tuần, khiến cho quân-trướng đời Nguyên đến nay còn lưu tiếng tốt. Huống chi ta cùng các ngươi sinh ở đời nhiễu-nhương, gặp phải buổi gian-nan này, trông thấy những ngụy-sứ đi lại rầm-rập ngoài đường, uốn lưỡi cú diều mà xỉ-mắng triều-đình, đem thân dê chó mà bắt-nạt tổ-phụ, lại cậy thế Hốt tất Liệt (忽 必 烈) mà đòi ngọc-lụa, ỷ thế Vân-nam-vương để vét bạc vàng; của kho có hạn, lòng tham không cùng, khác nào như đem thịt mà nuôi hổ đói, giữ sao cho khỏi tai-vạ về sau!
Ta đây, ngày thì quên ăn, đêm thì quên ngủ, ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa, chỉ căm-tức rằng chưa được sả thịt lột da của quân giặc, dẫu thân này phơi ngoài nội cỏ, xác này gói trong da ngựa, thì cũng đành lòng. Các ngươi ở cùng ta coi giữ binh-quyền, cũng đã lâu ngày, không có áo thì ta cho áo, không có ăn thì ta cho ăn, quan còn nhỏ thì ta thăng thưởng, lương có ít thì ta tăng cấp, đi thủy thì ta cho thuyền, đi bộ thì ta cho ngựa, lúc hoạn-nạn thì cùng nhau sống chết, lúc nhàn-hạ thì cùng nhau vui cười, những cách cư-xử so với Vương công Kiên, Đường ngột Ngại ngày xưa cũng chẳng kém gì.
Nay các ngươi trông thấy chủ nhục mà không biết lo, trông thấy quốc-sỉ mà không biết thẹn, thân làm tướng phải hầu giặc, mà không biết tức, tai nghe nhạc để hiến ngụy sứ, mà không biết căm; hoặc lấy việc chọi gà làm vui-đùa, hoặc lấy việc đánh bạc làm tiêu-khiển, hoặc vui thú về vườn ruộng, hoặc quyến-luyến về vợ con, hoặc nghĩ về lợi riêng mà quên việc nước, hoặc ham về săn-bắn mà quên việc binh, hoặc thích rượu ngon, hoặc mê tiếng hát. Nếu có giặc đến, thì cựa gà trống sao cho đâm thủng được áo-giáp; mẹo cờ-bạc sao cho dùng nổi được quân-mưu; dẫu rằng ruộng lắm vườn nhiều, thân ấy nghìn vàng khôn chuộc; vả lại vợ bìu con díu, nước này trăm sự nghĩ sao; tiền-của đâu mà mua cho được đầu giặc; chó săn ấy thì địch sao nổi quân thù; chén rượu ngon không làm được cho giặc say chết, tiếng hát hay không làm được cho giặc điếc tai; khi bấy giờ chẳng những là thái-ấp của ta không còn, mà bổng-lộc của các ngươi cũng hết; chẳng những là gia-quyến của ta bị đuổi, mà vợ con của các ngươi cũng nguy; chẳng những là ta chịu nhục bây giờ, mà trăm năm về sau, tiếng xấu hãy còn mãi mãi; mà gia-thanh của các ngươi cũng chẳng khỏi mang tiếng nhục, đến lúc bấy giờ các ngươi dẫu muốn vui-vẻ, phỏng có được hay không?
Nay ta bảo thật các ngươi: nên cẩn-thận như nơi củi lửa, nên giữ-gìn như kẻ húp canh, dạy-bảo quân-sĩ, luyện-tập cung tên, khiến cho người nào cũng có sức khỏe như Bàng Mông và Hậu Nghệ, thì mới có thể dẹp tan được quân giặc, mà lập nên được công-danh. Chẳng những là thái-ấp ta được vững bền, mà các ngươi cũng đều được hưởng bổng-lộc; chẳng những là gia-quyến của ta được yên-ổn, mà các ngươi cũng đều được vui với vợ con, chẳng những là tiên-nhân ta được vẻ-vang, mà các ngươi cũng được phụng-thờ tổ-phụ, trăm năm vinh-hiển; chẳng những là một mình ta được sung-sướng, mà các ngươi cũng được lưu-truyền sử sách, nghìn đời thơm-tho; đến bấy giờ các ngươi dầu không vui-vẻ, cũng tự khắc được vui-vẻ.
Nay ta soạn hết các binh-pháp của các nhà danh-gia hợp lại làm một quyển gọi là “Binh-thư yếu-lược.” Nếu các ngươi biết chuyên-tập sách này, theo lời dạy-bảo, thì mới phải đạo thần-tử; nhược bằng khinh bỏ sách này, trái lời dạy-bảo, thì tức là kẻ nghịch-thù.
Bởi cớ sao? Bởi giặc Nguyên cùng ta, là kẻ thù không đội trời chung, thế mà các ngươi cứ điềm-nhiên không nghĩ đến việc báo thù, lại không biết dạy quân-sĩ, khác nào như quay ngọn giáo mà đi theo kẻ thù, giơ tay không mà chịu thua quân giặc, khiến cho sau trận Bình-lỗ mà ta phải chịu tiếng xấu muôn đời, thì còn mặt-mũi nào đứng trong trời đất nữa. Vậy nên ta phải làm ra bài hịch này để cho các ngươi biết bụng ta.
_________
Chú thích:
Kỷ Tín: tướng của Hán Cao Tổ Lưu Bang. Khi Lưu Bang bị Hạng Vũ vây ở Huỳnh Dương, Kỷ Tín giả làm Hán Cao Tổ ra hàng, bị Hạng Vũ thiêu chết. Hán Cao Tổ nhờ thế mới thoát được.
Do Vu: tướng của Sở Chiêu Vương thời Xuân Thu. Theo Tả Truyện, Sở Chiêu Vương bị nước Ngô đánh phải lánh sang phương Đông, một đêm bị cướp vây đánh. Do Vu đã chìa lưng ra đỡ giáo cho vua mình.
Dự Nhượng: gia thần của Trí Bá thời Chiến Quốc. Trí Bá bị Triệu Tương Tử giết, Dự Nhượng bèn nuốt than cho khác giọng đi, giả làm hành khất, mưu giết Tương Tử để báo thù cho chủ.
Thân Khoái: quan giữ ao cá của Tề Trang Công thời Xuân Thu. Trang Công bị Thôi Trữ giết, Thân Khoái bèn chết theo chủ.
Kính Đức: tức Uất Trì Cung đời Đường. Khi Đường Thái Tông (bấy giờ còn là Tần Vương Lý Thế Dân) bị Vương Thế Sung vây, ông đã lấy mình che chở, hộ vệ cho Thái Tông chạy thoát.
Cảo Khanh: họ Nhan, một bề tôi trung của nhà Đường. Khi An Lộc Sơn nổi loạn, đánh đuổi Đường Huyền Tông và Dương Quý Phi, ông đã cả gan chưởi mắng An Lộc Sơn và bị cắt lưỡi.
Vương Công Kiên: tướng tài nhà Tống, giữ Hợp Châu, lãnh đạo quân dân Tống cầm cự với quân Mông Cổ do Mông Kha chỉ huy ở núi Điếu Ngư suốt bốn tháng trời. Mông Kha cuối cùng bị loạn tên chết, quân Mông Cổ đành phải rút lui.
Điếu Ngư: tên ngọn núi hiểm trở ở Tứ Xuyên, ba mặt nhìn xuống sông. Đời Tống, Dư Giới đắp thành ở đó.
Mông Kha: tức Mongka, anh của Nguyên Thế Tổ Hốt Tất Liệt, làm Đại Hãn Mông Cổ từ năm 1251. Mông Kha trực tiếp chỉ huy cuộc viễn chinh sang Trung Quốc và các nước phía Đông. Ông bị tử trận năm 1259 dưới chân thành Điếu Ngư trong cuộc vây hãm đội quân Tống do Vương Công Kiên chỉ huy.
Bình-lỗ: tên một thành, nhưng sử cũ không chép rõ ở đâu và ai xây lên. Sách”Khâm-định Việt-sử” chép rằng theo bộ “Địa-dư-chí“ của ông Nguyễn Trãi, thì đời nhà Lý có đào con sông Bình-lỗ để đi lên Thái-nguyên cho tiện. Vậy thành Bình-lỗ có lẽ ở vào hạt Thái-nguyên. Xem lời dặn của Trần Hưng-đạo-vương thì thành Bình-lỗ này xây vào đời Đinh hay đời Tiền-Lê, rồi Lý thường Kiệt đời Lý đã đánh quân Tống ở đó.
Cốt Đãi Ngột Lang: tức Uriyangqadai, tướng giỏi của Mông Cổ, con của viên tướng nổi tiếng Subutai. Cốt Đãi Ngột Lang nhận lệnh của Mông Kha, cùng Hốt Tất Liệt đánh chiếm nước Nam Chiếu. Cốt Đãi Ngột Lang cũng là viên tướng chỉ huy đạo quân Mông Cổ xâm lược Đại Việt lần thứ nhất (1258).
Xích Tu Tư: chép Xích theo Hoàng Việt Văn Tuyển. Đại Việt Sử Ký Toàn Thư chép Cân. Hai chữ gần giống nhau, không biết quyển nào chép nhầm. Hiện nay, chưa có tài liệu nào nói gì về viên tướng này, và việc khôi phục lại tên Mông Cổ từ Hán tự cũng không phải là chuyện đơn giản.
Nam Chiếu: nước nhỏ nằm ở khoảng giữa tỉnh Tứ Xuyên và Vân Nam ngày nay; thủ đô là Đại Lý, thuộc Vân Nam.
Hốt Tất Liệt: tức Qubilai, em ruột và là tướng của Mông Kha. Sau khi Mông Kha tử trận ở Điếu Ngư, Hốt Tất Liệt tự xưng làm Đại Hãn ở Khai Bình, khiến xảy ra cuộc nội chiến tranh giành ngôi báu với em ruột là Ariq-Buka. Năm 1264, Ariq-Buka đầu hàng, Hốt Tất Liệt bèn dời đô về Yên Kinh (tức Bắc Kinh ngày nay), xưng Nguyên Thế Tổ, lập nên nhà Nguyên.
Vân Nam Vương: tức Hugaci hay Thoát Hoan, con ruột Hốt Tất Liệt, được phong làm Vân Nam Vương năm 1267 với nhiệm vụ khống chế các dân tộc thiểu số vùng này cũng như mở rộng biên cương nhà Nguyên về phía Nam. Thoát Hoan là người chỉ huy quân Nguyên xâm lược Đại Việt lần thứ hai năm 1285 và lần thứ ba năm 1287-1288.
Nghìn thây ta bọc trong da ngựa: điển tích lấy từ câu nói của viên tướng khét tiếng Mã Viện đời Hán chép trong Hậu Hán Thư — Đại trượng phu dương tử ư cương trường, dĩ mã cách khỏa thi nhĩ. Bậc đại trượng phu nên chết ở giữa chiến trường, lấy da ngựa mà bọc thây.
Thái thường: tên loại nhạc triều đình dùng trong những buổi tế lễ quan trọng ở tông miếu. Bấy giờ là thời kỳ ngoại giao căng thẳng giữa ta và quân Nguyên, trong những buổi yến tiệc tiếp sứ Nguyên, triều đình nhà Trần nhiều khi phải buộc dùng đến nhạc thái thường để mua vui cho sứ giả. Trần Quốc Tuấn xem đó là một điều nhục nhã.
Thái ấp: phần đất vua Trần phong cho các vương hầu.
Đặt mồi lửa dưới đống củi nỏ: từ câu văn trong Hán Thư — phù bão hỏa, thố chi tích tân chi hạ nhi tẩm kỳ thượng, hỏa vị cập nhiên nhân vị chi an. Ôm mồi lửa, đặt dưới đống củi rồi nằm lên trên, lửa chưa kịp cháy vẫn cho là yên.
Kiềng canh nóng mà thổi rau nguội: xuất xứ từ một câu văn trong Sở Từ — trừng ư canh nhi xuy Tê hề. Người bị bỏng vì canh nóng, trong lòng đã e sợ sẵn, dù gặp rau nguội đi nữa, cũng vẫn thổi như thường.
Bàng Mông: danh tướng đời nhà Hạ, có tài bắn cung trăm phát trăm trúng.
Hậu Nghệ: một nhân vật bắn cung giỏi nữa trong thần thoại Trung Quốc.
Cảo Nhai: nơi trú ngụ của các vua chư hầu khi vào chầu vua Hán ở Trường An.
Mãi mãi vững bền: nguyên văn chữ Hán là “vĩnh vi thanh chiên.” Sách Thế Thuyết chép chuyện Vương Tử Kính đêm nằm ngủ thấy bọn trộm vào nhà “sạch sành sanh vét” mọi vật. Ông từ tốn bảo chúng rằng: cái nệm xanh (thanh chiên) này là đồ cũ của nhà ta, các ngươi làm ơn để lại. Tác giả dùng điển tích này để chỉ những của cải được lưu truyền từ đời này sang đời khác.
Binh Thư Yếu Lược: tức “Binh Gia Diệu Lý Yếu Lược,” nay đã thất truyền. Tác phẩm với đầu đề tương tự được lưu truyền hiện nay không phải là văn bản thực thụ, trong đó có vài đoạn chép các trận đánh thời Lê Nguyễn sau này.
Dẹp yên nghịch tặc: nguyên văn chữ Hán là “bình lỗ chi hậu.“ Các dịch giả Dương Quảng Hàm, Trần Trọng Kim đoán Bình Lỗ là tên đất ở đâu đó vùng Phù Lỗ thuộc tỉnh Vĩnh Phú ngày nay. Ở đây, chúng tôi theo Ngô Tất Tố và Phan Kế Bính dịch thoát là bình định nghịch tặc nói chung.
__________
Phần chú giải thêm (của Nguyễn Đình Minh)
Tháng 12 năm Giáp Thân 1284, hiệu Thiệu Bảo năm thứ 6, đời Trần Nhân Tông, đại binh Thoát Hoan tiến đánh Chi Lăng, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn thất thế đưa quân chạy về Vạn Kiếp. Vua Nhân Tông thấy thế giặc mạnh, cho mời Hưng Đạo Vương về Hải Dương mà phán rằng:
“Thế giặc to như vậy, mà chống với chúng thì dân chúng bị tàn sát, nhà cửa bị phá hại, hay là trẫm sẽ chịu hàng để cứu muôn dân?”
Hưng Đạo Vương tâu: “
Bệ hạ nói câu ấy là lời nhân đức, nhưng Tôn miếu Xã tắc thì sao? Nếu Bệ hạ muốn hàng, xin trước hết hãy chém đầu thần đi đã, rồi sau hãy hàng!!!”
Vua Trần Nhân Tông nghe thế yên lòng. Hưng Đạo Vương trở về Vạn Kiếp hiệu triệu 20 vạn quân Nam, và thảo bài Dụ chư tỳ tướng hịch văn (諭諸裨將檄文), thường gọi là Hịch tướng sĩ để khuyên răn tướng sĩ, đại ý khuyên binh sĩ học tập và rèn luyện võ nghệ, khuyên các tướng học tập trận pháp theo sách Binh thư yếu lược, chuẩn bị cho cuộc chiến trang chống Nguyên Mông xâm lược lần 2.
Hịch Tướng Sĩ
– Bản dịch nôm theo thể thơ Song Thất Lục Bát của Cụ Cử Nguyễn văn Bình
Xưa Kỷ Tín liều thân chịu chết,
Cứu Hán Vuơng thoát khỏi Hoàng Dương
Do Vu cháu Sở Chiêu Vương,
Giơ lưng đỡ giáo tìm đường cứu vua. (4)
Kìa Dự Nhượng thuở xưa người Tấn,
Từng nuốt than lận đận phục thù.
Kìa Thân Khoái một Tể Phu,
Chặt tay theo nạn với thu vua Tề. (8)
Quan nhỏ nhưa Uất Trì Kính Đức,
Giúp Thái Tông khỏi bước trùng vi.
Cảo Khanh quan ở biên thùy,
Già mồm chửi giặc không hề tiếc thân. (12)
Bậc nghĩa sĩ trung thần từ trước,
Từng diệt thân cứu nước có nhiều.
Những người kia nếu chẳng liều,
Chết suông như đám nữ lưu xó nhà. (16)
Còn danh tiếng đâu mà chép lại,
Cùng kiền khôn truyền mãi không ngần.
Các ngươi dòng dõi vũ thần,
Xưa này nào có hiểu văn nghĩa gì. (20)
Nghe câu chuyện bán nghi bán tin,
Sự muôn năm nhắc đến chi vay ?
Nay ta hãy nói cho hay,
Thử xem Tống, Thát truyện này ra sao ? (24)
Vương Công Kiên người nào thế vậy ?
Tướng Nguyễn Văn Lập ấy người nào ?
Điếu ngư thằng bé tẻo teo,
Chống quân Mông Cổ ồn ào trăm muôn. (28)
Khiến quân Tống thắng luôn mấy trận,
Đến bây giờ dân vẫn hàm ân.
Ngột Lang là tướng Đốc Quân,
Với Tỳ tướng Xích là nhân phẩm nào ? (32)
Ngoài muôn dặm quản bao nước độc,
Trong mấy ngày phá rốc quân Nam.
Lòng vua Thát Đát đã cam,
Đ^’n nay lừng lẫy tiếng thơm nhường nào ? (36)
Ta với ngươi sinh vào đời loạn,
Vừa gặp bao cơn vận hạn gian nan.
Sứ Nguyên lai vãng bao lần,
Mọi nơi đường sá muôn vàn nôn nao. (40)
Triều đình bị cú diều soi mói,
Tể tướng thì lang sói rẻ khinh.
Mượn oai Hốt Liệt tranh giành,
Lấy bao của báu chưa đành lòng tham. (44)
Cậy thế chúa Vân Nam nạt nã,
Đòi bạc vàng hết cả kho ta.
Thịt nuôi hùm đói mãi a ?
Sao cho thoát khỏi lo xa sau này. (48)
Ta đây những hàng ngày quên bữa,
Lúc đêm thâu ngồi dựa gối kiêu.
Giọt châu tầm tã tuôn trào,
Như nung gan sắt, như bào lòng son. (52)
Chí nhừng muốn moi gan lấy tiết,
Lòng những toan xẻ thịt vằm da.
Dù thân dầu với cỏ hoa,
Dù da ngựa bọc thân đà cũng vui. (56)
Các người vốn là người môn thuộc
Được trông nom mọi việc binh cơ,
Áo không, ta cỡi áo cho,
Cơm không, ta sẻ cơm no cho lòng. (60)
Quan nhỏ thì ta phong chức cả,
Lộc ít thì ta trả lương thêm.
Đi sông, ta cấp cho thuyền,
Đi đường, ta cũng lệnh truyền ngựa đi. (64)
Cho cầm quân an nguy cùng lối,
Cho nằm yên, vui nói cùng hàng.
So Vương Kiên với Ngột Lang,
Đãi chư Tỳ tướng mọi người kém chi. (68)
Nếu vua nhục ngươi thì chẳng đoái,
Mà nước nguy, ngươi lại làm ngơ,
Đừng hầu tướng giặc không dơ,
Nghe ca thết sứ vẫn trơ táo ngồi (72)
Khi gà chọi, khi thời cờ bạc,
Cuộc vui chơi, gỡ gạc đủ trò.
Ruộng vườn muôn sự ấm no,
Vợ con vui thú riêng cho một mình. (76)
Ham lập nghiệp, quên tình nhà, nước,
Mãi đi săn, nhác việc ngăn, ngừa.
Rượu chè hôm sớm say sưa,
Hát hay, đàn ngọt sớm trưa thỏa lòng (80)
Đúng có lúc quân Mông, Thát tới,
Cựa gà không chọc nỗi áo da,
Những nghề cờ bạc tinh ma,
Phải đâu kế hoạch của nhà cầm quân ? (84)
Ruộng nương nào đủ phần chuộc mạng,
Vợ con nào đủ cáng quân nhu ?
Của đâu chuốc được đầu thù ?
Chó săn đâu đủ sức khua giặc trời ? (88)
Rượu ngon khó làm mồi bã giặc,
Hát hay không làm điếc tai thù.
Bây giờ chẳng sót lắm ru ?
Vua tôi bị trói gô một đàn ! (92)
Tước ấp ta bị tan nát cả,
Bổng lộc người cũng chẳng còn gì
Gia đình ta bị đuổi đi,
Vợ ngươi cũng phải đến khi nhục nhằn (96)
Tông xã ta, địch quân xéo đi,
Phần mộ ngươi cũng bị quật lên.
Đời ta khổ nhục liên miên,
Cái tên nhơ nhuốc lưu truyền mãi sau ! (100)
Nhà các ngươi cũng đều mang tiếng,
Không khỏi làm những tướng bị thua.
Các ngươi đang lúc bây giờ,
Muốn mong vui thích như xưa được nào ? (104)
Lời ta nhũ thấp ca ngươi nhớ,
Phải coi nằm trên lửa là nguy.
Kiềng canh đưa cũng thổi xùy,
Luyện quân sĩ tốt tập nghề đao cung. (108)
Khiến ai nấy nức lòng mạnh mẽ,
Sức Bàn Mông, Hậu Nghệ cũng ham.
Bêu đầu Hốt Liệt cho cam,
Phơi luôn thịt chúa Vân Nam bên đường. (112)
Tước ấp ta chăn thường ấm chỗ,
Bổng lộc ngươi hưởng có trọn đời
Gia đình ta được yên vui,
Vợ con ngươi cũng lo đời trăm năm. (116)
Tông miếu ta nghìn năm hương lửa,
Tổ tiên ngươi muôn thuở cương thường,
Ta đây phỉ chí bồng tang,
Các ngươi dường cũng vẻ vang vô cùng. (120)
Huy hiệu ta tôn sùng mãi mãi
Tính danh ngươi ghi với sử xanh.
Bấy giờ vui thú linh đình,
Các ngươi đều muốn buồn tênh được nào ? (124)
Này binh pháp soạn theo đời trước,
Là “Binh Thư Yếu Lược” ban ra,
Các ngươi theo đúng sách ta,
Ấy là thần, chủ một nhà từ xưa. (128)
Nếu bỏ sách thờ ơ lời dạy,
Ấy kẻ thù đã mấy đời nay,
Tại sao mà lại thế vầy ?
Là thù không đội trời này được chung. (132)
Nếu các ngươi lòng không biết hổ,
Không coi đều “sát Lỗ” là cần,
Lại không vâng dạy luyện quân,
Ấy là quay giáo, bó thân quy hàng. (136)
Giặn yên rồi còn mang tiếng mãi,
Mặt mũi nào đứng với ca cao đây ?
Muốn ngươi hiểu rõ lòng đây,
Vậy nên thảo bức hịch nầy cho nghe. (140)
*
Bản Nguyên văn (Hán Việt):
Dụ Chu Tỳ Tướng Hịch Văn
Dư thường văn chi: Kỷ Tín dĩ thân đại tử nhi thoát Cao Đế; Do Vu dĩ bối thụ qua nhi tế Chiêu Vương. Dự Nhượng thốn thán nhi phục chủ thù; Thân Khoái đoạn tí nhi phó quốc nạn. Kính Đức nhất tiểu sinh dã, thân dực Thái Tông nhi đắc miễn Thế Sung chi vi; Cảo Khanh nhất viễn thần dã, khẩu mạ Lộc Sơn nhi bất tòng nghịch tặc chi kế. Tự cổ trung thần nghĩa sĩ, dĩ thân tử quốc hà đại vô chi ? Thiết sử sổ tử khu khu vi nhi nữ tử chi thái, đồ tử dũ hạ, ô năng danh thùy trúc bạch, dữ thiên địa tương vi bất hủ tai !
Nhữ đẳng thế vi tướng chủng, bất hiểu văn nghĩa, kỳ văn kỳ thuyết, nghi tín tương bán. Cổ tiên chi sự cô trí vật luận. Kim dư dĩ Tống, Thát chi sự ngôn chi: Vương Công Kiên hà nhân dã ? Kỳ tỳ tướng Nguyễn Văn Lập hựu hà nhân dã ? Dĩ Điếu Ngư tỏa tỏa đẩu đại chi thành, đương Mông Kha đường đường bách vạn chi phong, sử Tống chi sinh linh chí kim thụ tứ ! Cốt Đãi Ngột Lang hà nhân dã ? Kỳ tỳ tướng Xích Tu Tư hựu hà nhân dã ? Mạo chướng lệ ư vạn lý chi đồ, quệ Nam Chiếu ư sổ tuần chi khoảnh, sử Thát chi quân trưởng chí kim lưu danh !
Huống dư dữ nhữ đẳng, sinh ư nhiễu nhương chi thu; trưởng ư gian nan chi tế. Thiết kiến ngụy sứ vãng lai, đạo đồ bàng ngọ. Trạo hào ô chi thốn thiệt nhi lăng nhục triều đình; ủy khuyển dương chi xích khu nhi cứ ngạo tể phụ. Thác Hốt Tất Liệt chi lệnh nhi sách ngọc bạch, dĩ sự vô dĩ chi tru cầu; giả Vân Nam Vương chi hiệu nhi khu kim ngân, dĩ kiệt hữu hạn chi thảng khố. Thí do dĩ nhục đầu nỗi hổ, ninh năng miễn di hậu hoạn dã tai ?
Dư thường lâm xan vong thực, trung dạ phủ chẩm, thế tứ giao di, tâm phúc như đảo. Thường dĩ vị năng thực nhục tẩm bì, nhứ can ẩm huyết vi hận dã. Tuy dư chi bách thân, cao ư thảo dã; dư chi thiên thi, khỏa ư mã cách, diệc nguyện vi chi.
Nhữ đẳng cửu cư môn hạ, chưởng ác binh quyền. Vô y giả tắc ý chi dĩ y; vô thực giả tắc tự chi dĩ thực. Quan ti giả tắc thiên kỳ tước; lộc bạc giả tắc cấp kỳ bổng. Thủy hành cấp chu; lục hành cấp mã. Ủy chi dĩ binh tắc sinh tử đồng kỳ sở vi; tiến chi tại tẩm, tắc tiếu ngữ đồng kỳ sở lạc. Kỳ thị Công Kiên chi vi thiên tì, Ngột Lang chi vi phó nhị, diệc vị hạ nhĩ.
*
Lời bàn thêm của Ngô Quốc Sĩ
Hịch tướng sĩ ngọn roi thần của Trần Hưng Đạo
Luận đàm về dòng văn học chống kẻ thù Bắc Phương, người ta thường nói tới “Bản Tuyên Ngôn Độc Lập” của Lý Thường Kiệt, “Bình Ngô Đại Cáo” của Lê Lợi / Nguyễn Trãi, “Lời Hiệu Trịệu” của Hai Bà Trưng, cũng như “Bản Di Chúc” của Trần Nhân Tông. Còn một áng văn tuyệt vời, đầy hùng khí như thể ngọn roi thần của bậc đế vương. Đó là “Hịch Tướng Sĩ” của Trần Hưng Đạo đã được Trần Khánh Dư, hết lời ca ngợi:
“Lấy ngũ hành cảm ứng với nhau, cân nhắc cửu cung, không lẫn âm dương… Biết dĩ đoản binh chế trường trận, có nghĩa là lấy ngắn chống dài. Khi giặc lộ rõ ý định gây hấn, Trần Quốc Tuấn truyền lệnh cho các tướng, răn dạy chỉ bảo lẽ thắng bại tiến lui. Bản Hịch tướng sĩ viết bằng giọng văn thống thiết hùng hồn, mang tầm tư tưởng của một bậc ‘đại bút’. ”
Thật vậy, Trần Quốc Tuấn là một “đại bút!” Càng nghiền ngẫm bài “Hịch tướng Sĩ,” người ta càng thấy dòng máu nóng sùng sục trong huyết quản, bởi lẽ, giọng thơ mạnh như gió bão, lời thơ tuôn như thác đổ và ý thơ kích động con tim như sóng cồn.
.
Mở đầu bài hịch, Trần Hưng Đạo đã trưng dẫn những gương anh hùng chống ngoại xâm còn sáng chói sử xanh để kích động niềm tự hào dân tộc, như Kỷ Tín chết thay cho Cao Đế, Do Vu chìa lưng che chở cho Cao Vương, Kinh Đức, giúp Thái Tông thoát vòng vây của địch:
.
Từ xưa các bậc trung thần nghĩa sĩ
bỏ mình vì nước đời nào chắng có
Ví mấy người đó cứ khư khư
theo thói nữ nhi thường tình
thì cũng đến chết hoài ở xó cửa.
Sao có thể lưu danh cùng trời đất
Muôn đời bất hủ được?
.
Nhắc tới truyền thống anh hùng đó, Trần Hưng Đạo chỉ muốn làm nổi bật hiện thực bi đát hôm nay, được nhà vua mô tả là vô cảm vô tâm, không còn biết nhục nhã, tức giận trước nanh vuốt của kẻ thù:
.
Nay các người chủ nhục mà không biết lo
Thân chịu quốc sỉ mà không biết thẹn
Làm tướng triều đình đứng hầu quân man mà không biết tức
Nghe nhạc thái thường đãi yến sứ ngụy mà không biết căm!
.
Cảm nhận của Trần Hưng Đạo ngày xưa, cũng chính là cảm nhận của Trần Mạnh Hảo hôm nay, trước hiện thực người cộng sản Việt Nam đã trở nên vô tâm vô cảm, không còn biết hổ thẹ, như thể đã đánh mất chất người, đến nỗi hoa phải xấu hổ thay người:
.
Một nhà nước như không còn ai biết ngượng
Lại mọc đầy hoa xấu hổ nơi nơi
Cây thẹn thùng nép cỏ
Lá nhắm hờ mắt gió trêu ngươi
.
Nhất là những con người đã mất tính người, lại còn đắm mình vào cuộc sống vui chơi, hưởng thụ trên nỗi đau chất ngất của dân tộc:
.
Có kẻ lấy việc chọi gà làm vui
Có kẻ lấy việc cờ bạc làm thích
Có kẻ tính đuờng sản nghiệp mà quên việc nước
Có kẻ ham trò săn bắn mà trễ việc dân
.
Hình ảnh những đứa con hoang quên nước quân dân thời Trần Hưng Đạo cũng chính là hình ảnh những đứa con hoang hôm nay dưới chế độ cộng sản, được Bùi Minh Quốc mô tả là chỉ biết nhậu và nhậu, nhậu quên ngày quên tháng, và quên cả chính mình:
.
Chúng nó nhậu từng cánh rừng dải núi
Từng khoảng trời miệt đất lòng khơi
Nhậu tất cả từ Vua Hùng để lại
Nhậu đến nàng Tô Thị hóa thành vôi
Chúng nó nhậu trên thân em trinh bạch
Trên lưng mẹ già còm cõi một đời bom…
.
Trước hiện thực đáng buồn như thế, Trần Hưng Đạo đã quyết xả thân cứu nước, hy sinh hạnh phúc cá nhân cho đại nghĩa, có phơi thây ngoài ngìn dặm cũng cam lòng:
.
Ta thường tới bữa quên ăn
Nửa đêm vỗ gối
Ruột đau như cắt
Nưóc mắt đầm đìa
Chỉ giận chưa thể xả thịt lột da
Ăn gan uống máu quân thù.
Dẫu cho trăm năm thân ta phơi ngoài nội cỏ
Nghìn thây ta bọc trong da ngựa
Cũng xin làm
.
Nhà vua quyết làm, nhưng làm gì? Trần Hưng Đạo đã vạch ra những chiến lược và chiến thuật cụ thể để chiến thắng giặc Mông. Trước tiên là huấn luyện quân sĩ, thành những mũi tên tinh nhuệ, bắn đâu trúng đó:
.
Phải huấn luyện quân sĩ
Tập dượt cung tên
Khiến cho ai nấy đều giỏi như Bằng Mông
Mọi người đều tài như Hậu Nghệ
Có thể bêu đầu Hốt tất Liệt dưới cửa khuyết
Làm rữa thịt Vân Nam vương ở Cao Nhai
.
Tiếp đến, nha vua truyền cho tướng sĩ phải học tập binh pháp để trau đồi hiểu biết quân sự, nhắm nâng cao kiến thức và khả năng chiến đấu:
.
Nay ta chọn lọc binh pháp
Gọi là Binh Thư yếu lược
Nếu các ngươi chuyên tập sách này
Theo lời ta dây bảo
Thì trọn đời là thần tử
Nhược bằng khinh bỏ sách này
Trái lời ta dạy bảo
Thì trọn đời là nghịch thù.
.
Thế đó! Con đường cứu quốc của Hưng Đạo Vương qua “Hịch Tuớng Sĩ,” là khơi dậy niềm tự hào dân tộc, ý thức tủi nhục trước cảnh ngoại xâm giày xéo đất nước, rồi can đảm đứng lên, đáp lời sông núi, nhận lãnh trách nhiệm cứu nước cứu dân bằng văn ôn võ luyện, bằng ý chí quyết chiến và quyết thắng.
Oai hùng thay tinh thần độc lập và yêu nước của tổ tiên! Nhưng cũng tủi hận thay cho thái độ khiếp nhược và phản bội của tập đoàn lãnh đạo cộng sản hôm nay.
.
Là tướng nhân, Trần Quốc Tuấn thương dân, thương quân.
Là tướng nghĩa, ông coi việc phải hơn điều lợi.
Là tướng chí, ông quyết không nản lòng.
Là tướng dũng, ông sẵn sàng xông pha vào nơi nguy hiểm để dẹp giặc.
Là tướng tín, ông bày tỏ cho quân sĩ biết những ân huệ và phúc lợi khi theo ngài cứu nước..
Còn hôm nay, lãnh đạo cộng sản nói chung và tướng cộng sản Việt Nam chỉ là bọn bất lương, nhẫn tâm làm tay sai cho Tàu, và quân đội Việt Nam cũng chỉ là công cụ của chế độ, đem thân xây ngai vàng đao phủ như Bùi Minh Quốc đã cay đắng nhìn nhận:
.
Chúng lấy máu đúc vàng
Độc quyền ngự trị nghênh ngang
Độc quyền nghĩ
Độc quyền nói
Độc quyền ráo trọi
Dân đen chỉ một quyền được… đói
Và thêm nữa là quyền sợ hãi triền miên
.
Thật là đau lòng đến đứt ruột! Cầu mong Đức Thánh Trần đánh thức bọn con hoang “con cháu Bác,” mở mắt nhận diện bạn thù, quay mũi súng về bọn nghịch tặc, thù trong giặc ngoài. Đồng thời xin Ngài hộ phù cho con cháu Rồng Tiên chiến đấu và chiến thắng cộng sản và ngoại xâm, hầu khỏi thẹn với non sông như lời người đã dạy:
.
Các nguời cứ điềm nhiên
Không lo rửa nhục
Không lo trừ hung
Quay mũi giáo xin đầu hàng
Giơ tay không mà chịu thua giặc,
Để thẹn muôn đời
Há còn mặt mũi nào
Đứng trong cõi trời che đất chở này nữa!
Ngô Quốc Sĩ
Trần Văn Giang (St)