Genghis Khan và Đế quốc Mông cổ

.

GengisKhan (Ảnh Genghis Khan vẽ bởi người Trung Hoa)

 

Lời mở đầu

Trung cộng chỉ vừa mới chân ướt chân ráo bước vào giai đoạn phát triển kinh tế và kỹ nghệ của thế kỷ 21 là đã bắt đầu dở trò hèn hạ, hù dọa, chèn ép lãnh địa và lãnh hải các nước lân bang nhỏ hơn.  Nhìn vào lịch sử thế giới, thực tế cho thấy, Trung hoa chỉ là một con “chuột giấy” không hơn không kém; chưa đủ “phẩm chất” để có được tiếng gọi là “cọp giấy” bởi vì Trung hoa luôn luôn bị các nước lân bang, nhỏ bé hơn, lạc hậu hơn – Trung hoa gọi các nước lân bang một cách khinh miệt là “nam man, bắc rợ” – như nước Kim, Mông cổ (Mongolia), Mãn Thanh (Manchuria) chiếm và cai trị hàng thế kỷ.  Đặc biệt là nước Mông cổ nằm giáp ranh giới phía bắc Trung hoa với diện tích chỉ bé bằng 1/15 của Trung hoa, ở cuối thế kỷ 12 ( đầu thế kỷ 13,) đã hoàn toàn thôn tính Trung hoa (và khoảng 30 quốc gia khác trên quả đất).  Người thống lĩnh quân Mông cổ lúc đó là Genghis Khan [1] – Tiếng Việt vì viết theo phiên âm tiếng tàu, loại nghe sao viết lại như vậy (Hán âm của chữ Genghis Khan – 成吉思汗)  – đọc là “Thành Cát Tư Hãn,” một cái tên dài lê thê nhưng hoàn toàn không có ý nghĩa gì cả. 

Bài này viết về Genghis Khan (Tiếng Mông cổ gọi là “Chinggis Khaan” – có nghĩa là “Vua của các vì vua,” “King of kings”) một nhân vật xuất thân rất khiêm nhường từ một bộ lạc du mục bán khai kém văn minh, sống trên vùng đất nghèo nàn toàn đồi trọc, núi và sa mạc Mông cổ mà có thể chinh phục toàn thể nước đã tự gọi mình là Trung quốc  (“nước ở giữa / trung tâm quả đất ?!” – “Đại Hán”), rồi Trung đông và một phần lớn của Âu châu.  Nên biết chỉ có một người thứ hai cũng xuất thân từ giai cấp nghèo nàn của xã hội, từ một nước nhỏ cũng nghèo y như trường hợp Genghis Khan mà chinh phục được con tim của nhiều tầng lớp dân chúng giàu và nghèo trên thế giới đó là Chúa Giê-su (Jesus Christ) của Do thái.

Tóm lại, đừng có cậy cái thế nhất thời mà coi thường nước nhỏ, yếu và kém văn minh hơn mình…  Lịch sử luôn luôn lập lại bản cũ.

 

TVG   

 

*

GengisKhan2(Ảnh Genghis Khan vẽ bởi người Âu châu [2])

Genghis Khan (1162 ?- 1227) từ một thiếu niên mồ côi cha rất sớm, thất học (absolutely no formal education) thuộc một bộ lạc nghèo nàn, gia đình bị khinh miệt (outcasted) đã vượt qua các thử thách sinh tồn cam go của đời sống du mục trên đất hồng hoang sa mạc để trở thành một người cai trị đáng nể sợ nhất của lịch sử thế giới.

Dần dà, Genghis Khan đã đánh bại những thế lực, những bộ lạc hùng mạnh hơn mình gấp bội phần.  Vào tuổi 50, Genghis Khan hoàn toàn làm chủ, kiểm soát tất cả các bộ lạc thuộc đất Mông Cổ và bắt đầu củng cố quân sự để thôn tính các quốc gia văn minh đã từng quấy nhiễu và đày đọa, bắt dân Mông cổ làm nô lệ hàng thế kỷ.  Genghis Khan đã dẫn kỵ binh (Cavalry) Mông cổ tiến qua sa mạc Gobi,  dẵm nát đồng bằng sông Dương tử Trung Hoa, vào miền trung Á châu, Thổ Nhĩ kỳ, Địa Trung Hải, rặng núi A-Phú-Hãn, Liên sô, Âu châu…  Có nơi nào thiếu dấu chân Genghis Khan đâu hà?

Genghis Khan biến một cuộc chiến từ khuôn khổ nhỏ bé du mục, bộ lạc ở miền hoang dã Mông cổ thành cuộc chiến vĩ đại xuyên lục địa với nhiều chiến tuyến dài hàng ngàn dậm xẩy ra cùng một lúc.  Kinh hồn thật!  Genghis Khan phát minh ra kỹ thuật chiến tranh mới: Luôn luôn ở thế tấn công; không lệ thuộc và hệ thống thành trì và chiến hào; dùng kỵ binh trang bị vũ khí nhẹ với rất nhiều cung nỏ, di chuyển thần tốc với nhiều đơn vị nhỏ (cấp số 10, 100, 1000 đơn vị…), mang lương thảo giới hạn [3], vô hiệu hóa các “hiệp sĩ” của Âu châu trang bị áo giáp và vũ khí nặng nề và chiến thuật cố thủ trong các cổ thành lớn với tường cao và hào sâu [4].  Genghis Khan dạy binh sĩ, phần lớn là kỵ binh [5], của mình khép trong kỷ luật, chịu đựng cuộc chiến gian khổ, viễn chinh xa nhà và nhất là cuộc chiến dài ròng rã 2-3 thập niên liên tiếp không hề nghỉ ngơi.

Chỉ trong vòng 25 năm, Genghis Khan và quân Mông cổ chiếm nhiều lãnh thổ và cai trị nhiều dân tộc hơn cả Đế quốc La mã đã phải làm trên 400 năm. Genghis Khan cùng với các con và các cháu đã chiếm đóng những phần lục địa sầm uất và văn minh nhất của thế kỷ 13 – diện tích rộng gấp 2 lần những nhà quân sự vĩ đại khác của lịch sử nhân loại từng chinh phục.  Ngựa và lính Mông cổ đã đi từ bờ Thái Bình Dương đến bờ Địa Trung Hải.  Ở cao điểm, “Đế quốc Mông cổ” bao gồm 11-12 triệu dặm vuông (tương đương với tổng số diện tích gộp lại của cả Phi châu, toàn thể Mỹ châu và các đảo).   Lãnh thổ này trải dài từ vùng băng giá Siberia đến nóng ẩm của Ấn độ; từ cánh đồng lúa gạo Việt Nam (?) cho đến cánh đồng lúa mì của Hung Gia Lợi; từ Đại hàn qua Balkans.  Ngày hôm nay, đại đa số dân chúng thế giới sống trên vùng đất đất kiểm soát bởi đế quốc Mông cổ trước đây.  Một điều rất đáng lưu ý là dân số Mông cổ lúc bấy giờ (ở thế kỷ 13) chỉ có trên dưới 1 triệu người; xem ra chỉ bằng một nửa số nhân viên của một vài công ty lớn trên hoàn cầu – Thí dụ: Báo “Forbes 500” ghi là “Wal-Mart Stores” có 2.2 triệu nhân viên trong niên khóa 2015.  Hơn thế nữa, về quân số tham chiến, Genghis Khan chỉ có dưới 100,000 quân.  Tổng số quân Mông cổ này chưa ngồi cho hết ghế của một vận động trường “Football” của Mỹ (Thí dụ: “Rose Bowl” của thành phố Los Angeles, California USA có độ chứa là 104.000).

Nhìn về thành quả của Genghis Khan và đem so sánh, dưới mắt của một người Mỹ, thấy rằng, đất Hoa kỳ được khai phóng bởi những lái thương có học và tài giỏi; bởi những nhà trồng tỉa giầu có; giải phóng Hoa kỳ khỏi thế lực bên ngoài, viết lên hiến pháp đầu tiên, mở đường cho tự do thương mại, tự do tôn giáo, báo chí, cải tổ quân đội thành hùng manh nhất thế giới…  trong khi trên cán cân thành quả  mà Đế quốc Mông cổ đạt được chỉ bởi một người du mục nghèo, thất học mà hành trang vỏn vẹn chỉ có sự can đảm, quyết tâm.  Ở thế kỷ 13, Genghis Khan và các kỵ mã Mông cổ đã hoàn toàn vẽ lại bản đồ thế giới; xây dựng lại, và hình thành nhiều dân tộc: Ở Âu châu, Mông cổ đã có công kết hợp nhiều dòng dân “Slavic” khác nhau và nhiều thành phố rải rác thành quốc gia Liên sô.  Ở Á châu, Genghis Khan đã tái lập nước Trung hoa bao gồm đất của nhà Tống ở phía Nam với  Tây tạng, Tân cương ở phía Tây, Vương quốc Tangut và Mãn châu ở phía Đông.  Đồng thời, theo chân sự bành trướng thế lực của Mông cổ, các tân quốc gia như Đại hàn và Thái lan đã thành hình…

Thật là lạ!  Genghis Khan và đế quốc Mông cổ không phát minh ra một khoa học kỹ thuật nào; không tạo ra một tôn giáo mới nào mới; không để lại tuyệt tác văn học nghệ thuật nào (không tranh ảnh, không đồ sành, không kiến trúc nào đáng lưu ý…); không tìm ra thực phẩm mới hay kỹ thuật canh tác nào…  Tóm lại Genghis Khan và đế quốc Mông cổ để lại rất nhiếu cái “Không.”  Tuy nhiên, các học giả về Mông cổ đồng ý là Genghis Khan đã để lại một thứ rất quý giá đó là là “Những Cái Cầu.”  Vâng “Những Cái Cầu” muôn thuở viết Hoa với cả nghĩa đen và nghĩa bóng.

Trên đường tiến quân, quân Mông cổ đã đốt, thiêu hủy, tàn phá rất nhiều thành quách, cung điện, dinh thự.  Tuy nhiên đặc biệt Mông cổ đã xây dựng rất nhiều cây cầu bắc qua sông, qua suối để lính kỵ mã Mông cổ có thể vượt qua… Số cầu mà Genghis Khan đã xây đếm ra nhiều hơn tất cả các nhà cai trị vĩ đại (Great Rulers) khác trên thế giới. 

Qua sự chinh phục hết dân tộc này đến dân tộc khác, Genghis Khan cũng đã chuyển các nền văn minh và đặc thù văn hóa từ dân tộc này qua dân tộc khác.  Đây thực sự là một cây cầu trừu tượng nhưng quý giá vô vàn mà Genghis Khan đã để lại.  Dưới thời của Genghis Khan, Marco Polo đã được triều đình Genghis Khan bảo vệ như một nhà ngoại giao, một đại sứ lưu động, được phép đi lại rất thường xuyên trên con đường mà sử gia gọi là “Con đường tơ lụa” (Silk Road  – vùng thương mại mậu dịch tự do lớn nhất lịch sử tử Đông qua Tây – “the history’s largest free-trade zone”) để giới thiệu và buôn các hàng hóa, gia vị từ Âu châu đến Trung hoa và ngược lại.  Marco Polo đã mang Mì (noodles), “Mì ống” (Pasta), Trà, Cờ bạc (playing cards) sang Ý và Âu châu – Cứ tưởng tượng thực đơn nhà hàng Ý mà không có “Pasta” hoặc thế giới không có sòng bạc (Casino) thì đời sống còn có ý nghĩa gì nữa!  Hơn thế nữa, Genghis Khan đem kỹ thuật khai thác hầm mỏ từ Đức quốc sang Trung hoa; mang Y học Trung hoa (Oriental Medecine / herbs) và kỹ thuật lấy dấu tay từ Trung hoa sang Trung đông; Thảm (carpets) của Trung đông được truyền bá toàn cầu cũng nhờ sự cai trị của Genghis Khan.  Vì phải cai trị nhiều quốc gia trong cùng một lúc, Genghis Khan có một tập đoàn rất lớn các thông dịch viên ngoại ngữ ở ngay triều đình và đi kèm theo các đoàn quân viễn chinh.  Việc học ngoại ngữ được dịp phát triển chưa từng thấy trong lịch sử, hết chỗ nói…

Về mặt tôn giáo, bản thân Genghis Khan vẫn được coi như là vô thần.  Genghis Khan chỉ tin vào “Trời Xanh Bao la” (The Eternal Blue Sky).  Ngoài ra, Genghis Khan cho dân bị cai trị được toàn quyền tự do tín ngưỡng. Genghis Khan đã tài trợ và cho phép phổ biến các tôn giáo lớn đến những nơi xa lạ:  Việc xây cất các nhà thờ Thiên chúa giáo ở Trung hoa,  Chùa Phật giáo ở Trung Đông, Đền thờ Hồi giáo ở Liên sô…  Genghis Khan gieo rắc và trải đều các đặc thù của văn hóa và tôn giáo lớn đi toàn cầu.  Genghis Khan rất xứng đáng được trao giải “Nobel Hòa binh” hơn bất cứ ứng viên nào trong lịch sử (!)

Trước khi Genghis Khan tiến quân qua Âu châu, các văn hóa cổ trọng đại trước đó như  Cổ La mã, Ai cập, Hy lạp, Trung Hoa chỉ có tính cách cô lập, địa phương.  Cùng lắm thì chỉ có vài ba quốc gia ở lân cận biết đến mà thôi.  Trung hoa không hề nghe và biết đến Âu châu và ngược lại.  Nói cách khác, trước thời của Genghis Khan, chưa có ai dám cả gan mạo hiểm đi từ lục địa này sang lục địa khác.  Cho đến khi Genghis Khan chết (1227)  Genghis Khan đã nối Trung hoa và Âu châu qua các cầu văn hóa, y tế, khoa học, ngoại giao, và thương mại.  Cái cầu này vẫn còn vững chắc và tồn tại cho đến ngày hôm nay.  Sau Genghis Khan, đế quốc Mông cổ kéo dài thêm được khoảng 150 năm.  Con cháu của Genghis Khan làm chủ một số vương quốc lớn nhỏ trải rộng từ Liên sô, Thổ nhĩ kỳ, qua Ấn dộ, Trung hoa và Trung đông dưới các vương hiệu khác nhau như Hoàng đế (Emperor, King), Khan, Sultan, Shah, Emir, và Dalai Latma…  Hai người cháu chắt cuối cùng mang dòng máu (bloodlines) của Genghis Khan là Hoàng đế Ấn độ (Mughal Emperor / Emperor of India) Bahadur Shah II bị thực dân Anh giết năm 1857; và Hoàng đế (Emir of Buhara) Alim Khan tiếp tục cai trị vương quốc Uzbekistan cho đến khi bị cách mạng công sản Liên sô truất phế năm 1920.

Một điều có thể làm quý vị ngạc nhiên là, theo kết quả khảo cứu lịch sử và về di truyền qua DNA căn cứ trên “identical Y-chromosomes,” các khoa học gia đưa ra giả thuyết là có đến 0.5% dân số thế giới hôm nay (độ 16 triệu người – cứ một trong 200 người) có mang dòng máu của Genghis Khan.  Chính quý vị cũng là con cháu của Genghis Khan mà không hay à ?  Tương truyền rằng Genghis Khan có 40 vợ (chính thức), một con trai của Genghis Khan cũng có 40 vợ và 1 cháu nội có 22 vợ.  Hàng năm mỗi “Khan” còn “giao lưu” với ít nhất 30 trinh nữ ngoài vòng hôn phối – không phải là vợ (?)

Các nhà viết sử đều ghi nhận các lãnh tụ siêu việt có khả năng chinh phục nhiều quốc gia đều có những cái chết, kết liễu cuộc đời khá thê thảm và bất đắc kỳ tử:  Alexander the Great chết lúc 33 tuổi, bị giết hại một cách mờ ám ở Babylon.  Người tùy tùng thân cận dưới quyền sau đó hạ sat hầu hết thân nhân của gia đình Alexander the Great rồi chia nhau đất đai mà Alexander the Great chiếm được trước đó.  Julius Caesar của Đế quốc La mã bị thuộc hạ và cũng là đồng chí đâm chết ngay ở trong phiên họp nghị viện La mã.  Nã Phá Luân sau khi thua trận, mất hết đất đai và tài sản, bị giam cô lập cho đến chết ở một hòn đảo nhỏ xa xôi.  Trong khi Genghis Khan chết một cách bình thản trên giường bệnh ở tuổi 65 (hay 70 vì Genghis Khan có ngày và năm sinh không rõ ràng!) trong trại lính, quây quần bởi người thân trong gia đình, tướng sĩ thân tín.   Quân sĩ mang xác Genghis Khan về quê quán sinh trưởng của Genghis Khan và chôn Genghis Khan một cách bí mật theo tục quán người Mông cổ: không lăng tẩm, không Kim tự tháp, không mộ bia, không để lại một dấu vết gì trên mặt đất.

 

Tóm lại, Genghis Khan và nước Mông cổ nhỏ bé đã từng dạy Trung hoa một bài học đáng đồng tiền bát gạo.  Lịch sử sẽ lập lại (?)

 

_____________

Chú thích

 

[1] Genghis Khan không phải tên thật mà chỉ là tên hiệu. “Khan” có nghĩa là “vua” (king / ruler) trong khi “Genghis” thì chưa có ai hiểu rõ nguồn gốc và ý nghĩa.  “Genghis” có thể có nghĩa là “đại dương” (ocean) hay là “công lý” (just).  “Genghis Khan” (người Mông cổ đọc là “Chinggis Khaan”) được tạm dịch là “Đức Thế Tôn” (supreme ruler) hay “Vua của các vì vua” (universal ruler / King of kings).  Tên thật cúng cơm ghi trên khai sinh của Genghis Khan là Temunjin – Tàu dịch phiên âm ra là “Thiết Mộc Chân (?)” Thiệt hết biết!

 

[2] Trong lúc sinh thời và tại quyền. Genhgis Khan cấm tuyệt đối không ai được phép vẽ chân dung hay làm tượng hình gì về mình.  Hình dạng thực sự của Genghis Khan là cả một sự bí hiểm.  Mãi 50 năm sau khi Genghis Khan chết thì chân dung Genghis Khan mới được vẽ ra. Hình ảnh của Genghis Khan có nhiều điểm tương phản và nhiều khi rất vô lý như:  Người Trung hoa thì vẽ Genghis Khan với mặt tròn, mắt hí, mũi tẹt, nhìn có vẻ thông thái tương tự như một tư tưởng gia của “Bách gia chi tử” thời Chiến quốc ở Trung hoa; trong khi đó người Âu châu thì vẽ Genghis Khan một người da trắng, mắt xanh, mặt xương dài, mũi cao, và tóc đỏ (?) với vẻ nhìn nửa giống một hiệp sĩ thời trung cổ nửa giống một giáo sĩ (?)  Cả hai hình ảnh từ Đông và Tây này không mô tả được Genghis Khan là một nhà quân sự tàn bạo (có lẽ phải xấu xí lắm!?) sẵn sàng giết hết cả đàn bà và con nít; và đồng thời tiêu hủy bất cứ vật gì cản bước tiến của mình. Có nguồn ghi là Genghis Khan giết độ 40 triệu người (khoảng 11% dân số thế giới của thế kỷ 13-  trong đó kể cả việc Genghis Khan giết hết ¾ dân số Iran và độ 10 triệu dân tàu củ cải muối? Ouchie!)

 

[3]Khi đọc qua cuốn “Đông châu liệt quốc” hay “Tam Quốc Chí” chúng ta nhận ra ngay là vấn đề chỉ huy một số quân lớn đi đánh trận xa nhà thì sự thành công phần lớn tùy thuộc vào “lương thảo” (còn gọi là “quân tiếp vụ…”) Một khi các xe lương thảo (thường đi sau quân bộ) nếu bị địch quân phục kích và phá hủy thì đại quân sẽ hoảng và loạn vì lý do đơn giản: không có thực phẩm để ăn thì lấy đâu ra sức mà đánh đấm.  Trường hợp quân Mông cổ thì hoàn toàn khác hẳn.  Mông cổ vốn dĩ là giống dân du mục, giỏi săn bắn.  Khi đi ra trận chỉ cần mang theo một ít thức ăn nhẹ, và ít gia vị.  Trên đường hành quân, quân Mông cổ chỉ uống sữa ngựa, tự túc săn bắn kiếm ăn thêm mỗi ngày (phần lớn là nướng thịt săn bắn được – Quý vị hẳn đã có dịp nếm thử “Mongolian BBQ ?” Tuyệt hảo!) cho nên vấn đề “quân tiếp vụ” đối với quân Mông cổ không phải là chuyện quan trọng.  Đó là lý do tại sao kỵ binh Mông cổ tiến nhanh như vũ bão… quân địch trở tay không kịp!

 

[4] Genghis Khan phát minh ra kỹ thuật chiến tranh mới để vượt qua kỹ thuật chiến tranh cổ điển (tức là giữ thành – Fortresses – với tường cao và hào sâu chờ cho đến khi có quân tiếp viện đến từ bên ngoài; rồi trong đánh ra ngoài đánh vô) bằng cách cho binh sĩ đẩy các tháp, pháo đài cao di động (có gắn bánh xe) với tên lửa và thang dài đến sát bờ tường của cổ thành đang cố thủ.  Quân Mông cổ bắn ào ạt tên lửa và dùng máy phóng các bình lớn chứa dầu hỏa đang cháy (phát minh ra máy phun lửa đầu tiên!) chứ không phải loại máy bắn đá tầm thường như thấy trong chiến tranh trước đây vào bên trong thành.  Sau đó binh sĩ Mông cổ leo thang tràn qua mặt thành, vào thành tàn sát hết quân và dân không kể già trẻ phụ nữ con nít đã cố tình chống cự lại…

 

[5] Không phải quân Mông cổ luôn luôn vô địch.  Quân Mông cổ giỏi cỡi ngựa và bắn cung trên đất liền nhưng khi đánh trên nước (sông và biển) thì xem ra cũng xoàng thôi.  Kết quả cho thấy thủy quân Mông cổ đành chào thua quân Nhật chỉ vì Nhật bản là quần đảo cách xa đất liền.  Quân Mông cổ ra sức chèo thuyền vượt qua bão táp, đi từ lục địa Trung hoa ra đến quần đảo Nhật bản thì hoàn toàn mệt lử.  Quân Nhật chỉ thủng thẳng ngồi chơi uống trà chờ sẵn, rồi đánh tan thủy quân Mông cổ không còn manh giáp.  Ở Việt Nam ta cũng tường tự như vây.  Hoàng tử Thoát hoan (con của Đại đế Khubilai Khan – còn gọi là Hốt Tất Liệt, cháu nội của Genghis Khan) và tướng Toa Đô cùng đoàn quân viễn chinh Mông cổ bị Đức Trần Hưng Đạo đánh tan tành trong trận sông Bạch Đằng.  Ngoài việc kém về thủy quân, quân Mông cổ vốn sống ở vùng thảo nguyên khô và lạnh không quen với khi hậu nóng và ẩm của miền Đông Nam Á và Ấn độ dương.  Đó là lý do quân Mông cổ không chiếm được Nhật bản, Việt Nam và Ấn độ.  

 

_____________

Tham khảo

Wikipedia

– “Genghis Khan, The making of the Modern World” –by Jack Weatherford (2004)

 

Trần Văn Giang

 

Genghis Khan và Đế quốc Mông cổ – Trần Văn Giang

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *