Karl Marx 101

(Đại cương về thuyết cộng sản)

.

 

StupidCoomiePig

 

Lời giới thiệu của người sưu tầm:

 

Nếu quý vị nào chưa hiểu rõ cộng sản cho lắm, hay chỉ biết thuyết cộng sản qua tuyên truyền lếu láo thì nên đọc qua bài này một lần.  Tác giả (tôi chưa tìm ra nguồn gốc?) trình bày các điểm then chốt của học thuyết khát máu cộng sản một cách đơn giản, dễ hiểu.  Nên biết trên hành tinh này chỉ còn vỏn vẹn 5 nước cộng sản – và tất cả đã và đang biến thành “Kinh tế thị trường” cả rồi.  Tóm lại, cộng sản là một sự lường gạt vĩ đại, vô tiền khoáng hậu trong lịch sử nhân loại.  Thật đáng tiếc cho nước và dân tộc Việt Nam ta phải trải qua sự thử nghiệm cái thuyết quái đản phi nhân nghịch lý bẽ bàng này trong suốt 70-80 năm qua.

 

“Còn trời còn đất còn non nước
Có lẽ ta đâu mãi thế này…”
(Nguyễn Công Trứ – “Quân tử cố cùng“)

 

TVG

 

*

Bài thứ nhất: Giá trị thặng dư và bóc lột sức lao động

 

Communism

.

Bà Nông thị Cạn (NTC) (châm điếu ba con 5 hút, mắt nhìn xa xăm): Ngày xửa ngày xưa, khi chủ nghĩa Marx mới manh nha vào Việt Nam, những người thực sự hiểu nó có lẽ đếm trên đầu ngón tay. Ngay cả cụ Hồ Chính Mi học rộng hiểu nhiều, thông minh tài trí là vậy cũng phải lắc đầu nhăn mặt [1]. Chính vì vậy, người dân đi theo ủng hộ Việt Minh không phải vì họ hiểu chủ nghĩa Marx tròn méo ra sao, mà vì hoa mắt trước những lời hứa hẹn đẹp đẽ của nó: “Độc lập – tự do,” “Người cày có ruộng,” “xã hội bình quyền,” “nhà nước của nhân dân,” “không còn người bóc lột người…”

Bống: Ô hay, đang giảng về Marx, bà tự dưng ôn nghèo kể khổ làm cái gì thế?

Bà NTC: Đó là bà muốn nói rằng, chính đời bà, bà đã bị lừa, và vì thế bà không muốn đời các cháu, và mấy cậu trí thức ở đây, tiếp tục mắc lừa nữa. Mà cháu thấy đấy, người dân ủng hộ Đảng vì ấm no, hạnh phúc, chứ đâu có ủng hộ xây dựng CNXH đâu mà người ta nói đó là “lựa chọn lịch sử?” Nếu CNXH không đem lại ấm no hạnh phúc, thì xây dựng nó làm cái gì?

Bống: Sao bà lại kết luận rằng CNXH không thể đem lại những gì nó hứa hẹn?

Bà NTC: Cháu bình tĩnh đê! Để bà từ từ giải thích cho cháu và các cậu trí thức ở đây hiểu… Một trong những nền tảng lý luận mà Marx dùng để xây dựng lên CNXH chính là học thuyết về giá trị thặng dư. Dựa trên kết luận “tư bản bóc lột giá trị thặng dư của người lao động” của Marx, Việt Nam ta đã từng tìm mọi cách để xóa bỏ tư bản, rồi cả nước suýt chết đói đó cháu. Hôm nay, bà sẽ từ từ giảng giải cho cháu sai lầm của Marx trong học thuyết này nhé. À mà cháu có biết giá trị thặng dư là cái quái gì không đấy?

Bống: Có chứ bà! Cô giáo cháu ở trường dạy rằng, tư bản bỏ ra tư liệu sản xuất (c), trả lương cho lao động (v) và làm ra sản phẩm. Khi đem bán sản phẩm, thu về khoản tiền là G. Mà khoản G này thường lớn hơn giá trị c+v bỏ ra ban đầu, số dư đó là m, được gọi là giá trị thặng dư… [2]

Bà NTC (vỗ đùi): Cha bố anh, anh học thuộc lòng giỏi đấy! Theo Marx, giá trị thặng dư (m) chính là do sức lao động của người làm công mà ra, chuyển vào hàng hóa. Khi chiếm đoạt giá trị thặng dư, nhà tư bản đã bóc lột sức lao động của người làm công, phải không nào?

Bống: Đúng đó bà, cô giáo cháu cũng nói thế… Nhưng mà cháu thấy hơi vô lý!

Bà NTC: Cháu thấy vô lý ở điểm nào?

Bống: Nếu giá trị thặng dư (m) là do sức lao động của công nhân tạo ra, thì công nhân xứng đáng chiếm trọn khoản (m) đó. Nhưng nếu chiếm hết (m,) thì nhà tư bản chẳng còn gì, vậy ông ta bỏ vốn và nhà xưởng ra để làm gì?

Bà NTC (lại vỗ đùi): Đúng là cháu bà giỏi thật! Cháu hãy tưởng tượng rằng cháu nghĩ ra sáng kiến mua hoa về bán ngày 20/11 ở trường cháu. Cháu bỏ vốn ra cho thằng bạn thực hiện, lại còn cho nó mượn cả xe máy để đi Nhật Tân mua hoa nữa. Đến hết 8/3, bạn cháu thanh toán tiền xe và trả lại tiền vốn; còn nó giữ hết tiền lời. Liệu cháu có chịu vậy không?

Bống: Chịu là thế nào hả bà? Cháu oánh bỏ mẹ nó ấy chứ… Tiền vốn của cháu, sáng kiến của cháu, nó chỉ có sức lao động mà đòi hưởng tất hả?

Bà NTC: Đấy, vấn đề là ở đó! Marx không chứng minh được rằng giá trị thặng dư là của ai: Người lao động hay Tư bản. Có lẽ câu trả lời công bằng nhất là: Hai bên chia đều lợi nhuận thu được. Nhà tư bản hưởng hết cũng không đúng, mà người lao động hưởng hết cũng sai toét…

Bống: Vậy hả bà? Thế phân chia thế nào mới ổn thỏa? 30-70 hay 50-50?

Bà NTC (cười sằng sặc): Chẳng có gianh giới phân chia cố định nào ở đây cả, cháu ạ! Phân chia thế nào cho để hai bên đều chấp nhận được phụ thuộc vào sức mạnh mặc cả của hai bên. Ngày xưa, vào thời của Marx, lao động dư thừa và thiếu sự đoàn kết, người lao động luôn ở thế yếu nên tư bản chèn ép. Ngày nay, ở các nước tiên tiến, lao động phổ thông nhiều khi thiếu hụt, lại biết đoàn kết với nhau thành công đoàn bảo vệ quyền lợi cho mình, nên tư bản nhiều khi lại bị chèn ép trở lại. Cháu biết không, ở nhiều nước tiên tiến hiện nay, lái xe bus nhiều khi được coi là “overpaid” đó cháu! Tại họ cứ đình công suốt, bắt giới chủ phải tăng lương mà…

Nhưng thôi, quay lại với học thuyết giá trị thặng dư của Marx. Như cháu thấy đó, vấn đề ở đây đơn giản chỉ là phân chia lợi nhuận thế nào cho công bằng; nhưng Marx đã hình sự hóa lên thành “Bản chất của tư bản là bóc lột,” và đi tới phương án ngu ngốc là “xóa bỏ tư hữu,” chuyển sang “sở hữu toàn dân”…

Bống: Tại sao phương án đó lại ngu ngốc hả bà?

Bà NTC (mỉm cười nhe hàm răng lơ thơ): Ngu quá đi ấy chứ! Bây giờ thay vì tư bản hay người lao động chiếm đoạt giá trị thặng dư (m), nhà nước sẽ nhận giá trị này và phân bổ lại cho người dân. Mà nhà nước XHCN là ai? Là ông A bà B chú C, một nhóm người mệnh danh đại diện cho nhân dân lao động, nhưng những gì họ làm phản ánh lợi ích cá nhân của họ nhiều hơn là lợi ích của nhân dân lao động. Cháu thấy cái ông Dũng gì đó đánh bạc 2.5 triệu USD không? Tiền đó ở đâu ra? Là từ vốn ODA vay của nước ngoài. Nhưng thực chất ai sẽ trả khoản nợ đó? Ngân sách nhà nước, mà nguồn thu của nó chính là giá trị thặng dư của toàn xã hội đấy cháu ạ. Nói thẳng hơn nữa thì đó là tiền của bà, của cháu, và của các cậu trí thức ở đây đấy!

Giao việc phân chia giá trị thặng dư cho Nhà nước, Marx đã gửi trứng cho ác, đồng thời giết chết động lực phát triển của xã hội. Phần sau bà sẽ kể tiếp cho cháu những tác hại của giải pháp “công hữu hóa” của Marx nhé. Bây giờ thì đi ngủ đi, khuya lắm rồi!

Bống: Vâng, mai bà lại kể tiếp nhé! Chúc bà ngủ ngon…

 

_____________________

 

Chú thích của Bống:

 

[1] “Ông Nguyễn lắng nghe nhưng không hiểu rõ lắm, vì người ta thường nhắc đi nhắc lại những tiếng, những câu: Chủ nghĩa tư bản, giai cấp vô sản, bóc lột, chủ nghĩa xã hội, cách mạng không tưởng, khoa học, Xi mông, Phu-ri-ê, Mác (Saint Simon, Fourrier, Marx) chủ nghĩa vô chính phủ, chủ nghĩa cải lương, sản xuất, luận đề, phản luận đề ….

 Ngoài những ý kiến trên, còn có những lời giải thích và những lời tranh luận khác. Ông Nguyễn nhức đầu vì khó hiểu” (trang 43 cuốn “Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ chủ tịch”).

 [2] Tham khảo đề cương Kinh tế chính trị ở đây:

http://www.fotech.org/forums/index.p…2&t=3193&st=15

 ______________________

Tôi bước đi không thấy phố,

không thấy nhà,

chỉ thấy mưa sa trên màu cờ đỏ.

(Trần Dần)

*

KinhTeThiTruong_XHCN

Bài thứ hai: Bóc lột tư nhân chuyển thành bóc lột nhà nước

Cộc, cộc, cộc…

– Cháu chào bác Trưởng thôn! Có việc gì không hả bác?

– Bà cháu đâu hả Bống? Có mấy chú ở bên Cơ quan An ninh Văn hóa, PA25, muốn mời bà cháu lên trụ sở làm việc…

– Ấy chết, các bác các chú định bắt bà cháu ạ…

– Cháu ạ, với mấy bài viết phản động chống lại đường lối của Đảng như thế, nếu là thập niên 80 hoặc trước đó, bà cháu đi tù mọt gông rồi! Bây giờ thì khác, các chú chỉ muốn hỏi chuyện bà cháu thôi, sau đó sẽ lại thả bà về…

– Hu hu hu hu, bà cháu già rồi, không ai được động vào bà cháu! Bà cháu có tội tình gì đâu mà bị thẩm vấn, bà cháu chỉ nói lên sự thật thôi mà! Hu hu hu…

Đang khóc ngon lành thì có ai đó nhẹ nhàng vuốt má em, mở mắt ra, hóa ra là bà. Kể lại cho bà giấc mơ của em, bà cười móm mém:

Bà Nông thị Cạn: Cháu có biết phản động là gì không?

Bống: Phản động có phải là phản đối, kích động không hả bà?

Bà Nông thị Cạn: Không phải đâu, cháu ạ! Phản động là đi ngược lại với trào lưu tiến bộ, ngược lại xu hướng chuyển động của xã hội văn minh. Thật đáng buồn là từ “phản động” hiện nay lại được dùng để chỉ chính những người mong muốn thúc đẩy Việt Nam tiến lên trên con đường văn minh. Lý tưởng CNXH đã từng là động lực hữu hiệu để giúp Việt Nam dành độc lập, chống lại những tư tưởng thủ cựu phong kiến – thực dân. Nhưng khi chúng ta dành được độc lập rồi, lý tưởng này lại trở thành lực cản bước tiến của dân tộc.

Bà và những người đồng đội của mình đã từng cống hiến cả tuổi thanh xuân để gìn giữ nền độc lập nước nhà. Bây giờ cũng vậy, bà chẳng ngại già yếu, chẳng sợ cái mũ “phản động” kia đâu, bà sẽ nói ra tất cả sự thật, miễn sao tương lai các cháu được hưởng tự do – ấm no – hạnh phúc thực sự… Mà thôi cháu đừng quá lo lắng, hôm qua bà giảng tới đâu rồi ấy nhỉ? Tuổi già trí nhớ kém quá!

Bống: Hôm qua bà đang nói tới đoạn phương án giải quyết vấn đề của Marx, giao quyền phán xử cho Nhà nước, là “gửi trứng cho ác.”..

Bà Nông thị Cạn: Phải rồi, phải rồi… Nào chúng ta hãy quay lại câu chuyện chi lợi nhuận bán hoa ngày 20/11 ở bài thứ nhất nhé! Giả sử cháu và bạn cháu không đi tới được sự đồng thuận trong chuyện phân chia giá trị thặng dư (m); và Marx dự đoán rằng mâu thuẫn giữa cháu và bạn cháu sẽ trở nên gay gắt không thể giải quyết được, sẽ dẫn tới người này “đào mồ chôn” người kia…

Bống: Ặc ặc, bà nói nghe ghê quá! Cháu với nó là bạn, nỡ lòng nào vác hàng ra xử lý nhau. Vả lại, cháu còn cần nó sống, đủ sức khỏe để làm vụ hoa 20/11 năm sau cơ mà?

Bà Nông thị Cạn (cười khà khà): Cháu tinh ý lắm! Đó chính là một trong nhiều lập luận cực đoan của Marx. Có thể bị hạn chế bởi tầm nhìn của thời đại ông ta, Marx không thấy rằng giới chủ và người làm công có thể đi tới thỏa hiệp, bởi cả hai bên đều cần có nhau. Hai bên có mâu thuẫn đối kháng, nhưng cũng có nhu cầu tương sinh tương hỗ.

Nhưng thôi, bà với cháu cứ giả sử là lập luận trên của Marx hoàn toàn đúng đi. Bạn cháu, với sức khỏe của một thằng lao động chân tay, cộng với số lượng đông hơn, chắc chắn sẽ đào mồ chôn cháu. Xóa sổ giai cấp tư bản bóc lột rồi, giai cấp lao động sẽ lập ra một nhóm đại diện cho mình, gọi là Nhà nước, để quản lý tài sản của toàn xã hội. Bây giờ mọi người cùng nhau chung lưng đấu cật, sản xuất ra của cải vật chất cho toàn xã hội, và cùng chia nhau số của cải vật chất đó…

Bống: Như vậy thì có gì không tốt hở bà?

Bà Nông thị Cạn: Cứ từ từ bà kể cho mà nghe! Nhà nước, theo định nghĩa của Marx, sẽ là đại diện chân chính duy nhất của toàn xã hội; có nhiệm vụ kiểm soát và phân chia của cải một cách công bằng trong xã hội. Vì giá trị thặng dư bây giờ thuộc về Nhà nước, mà Nhà nước lại là đại diện của giai cấp lao động, vậy thì khái niệm bóc lột không còn nữa, phải không nào? Đây là cách suy nghĩ cực kỳ ngây thơ của Marx, cháu ạ!

Nếu Nhà nước là đức Bồ Tát thánh thiện và toàn năng, lúc nào cũng chỉ nghĩ về đại cuộc, về nhân dân, thì giấc mơ của Marx về CNXH có lẽ đã trở thành sự thật. Tiếc thay, Nhà nước là một tổ chức gồm những con người trần tục, có lòng tham và vị kỷ của riêng nó. Khi đã nắm trong tay quyền lực, nó sẽ tìm cách thâu tóm nhiều quyền lực lớn hơn nữa [1], và chiếm miếng phần to nhất trong các miếng bánh đáng ra phải chia đều.

Bống: Như vậy là Nhà nước phản bội lại những người mà mình đáng ra phải đại diện?

Bà Nông thị Cạn: Chính thế đó cháu ạ! Trong khi công nhân đầu tắt mặt tối kiếm được 1 triệu / tháng, lại có những vị lãnh đạo Nhà nước đánh bạc cả triệu đôla, đi xe hơi trị giá cả ngàn tháng lương công nhân, được mua biệt thự với giá cực kỳ ưu đãi… Kể từ khi xây dựng Nhà nước XHCN theo định hướng của Marx, chúng ta đã tạo ra một tầng lớp bóc lột mới mà người dân mỉa mai gọi là “Tư bản đỏ” [2].

Cháu có biết không, mức lương trung bình của người lao động trong khu vực doanh nghiệp nhà nước THẤP HƠN mức lương trung bình của người lao động trong khu vực tư nhân và khu vực nước ngoài đấy. Nếu phân tích theo Marx thì ở Việt Nam hiện nay, người công nhân làm cho nhà nước đang bị bóc lột số giờ lao động LỚN HƠN người công nhân làm cho doanh nghiệp tư nhân… Thật là ngược đời, phải không cháu?

Đứng trên cương vị là một Nhà nước XHCN – Nhà nước của người lao động – đáng lẽ người ta phải quan tâm đến người lao động hơn giới chủ. Thế nhưng, ở nước ta, công nhân lại là người bị bóc lột thậm tệ hơn, và người được bảo vệ lại là giới chủ đấy cháu ạ! [3]

Bống: Bà ơi, thế giả sử tồn tại một Nhà nước “tốt,” có những người lãnh đạo thực sự lo cho dân thì sao?

Bà Nông thị Cạn (ôm bụng cười hô hố, suýt rụng cả cái răng cửa duy nhất sót lại): Marx cũng biết sơ hở của mình về Nhà nước thánh thiện và toàn năng, do đó Marx chú trọng vào việc đào tạo “con người mới xã hội chủ nghĩa.” Đó lại là một sai lầm mới của Marx.

Bống
: Ủa, giáo dục đào tạo thì tốt chứ bà?

Bà Nông thị Cạn: Giáo dục con người để họ trở thành CON NGƯỜI thì tốt, nhưng giáo dục con người để họ trở thành cái máy hay những kẻ nô lệ thì sao gọi là tốt được? Bà sẽ có dịp quay trở lại vấn đề này sau. Giờ đây, bà chỉ muốn hỏi cháu rằng, đạo Phật và đạo Thiên chúa ra đời bao lâu rồi?

Bống: Cái này thì cháu chịu. Mà sao bà hỏi vậy?

Bà Nông thị Cạn: Đạo Phật có cách đây khoảng 2.500-2.600 năm. Đạo Thiên chúa cũng có khoảng hơn 2.000 năm tuổi. Hai đạo này đường lối khác nhau, nhưng đều có điểm chung là giáo dục và kêu gọi con người sống tốt đẹp hơn, thánh thiện hơn. Nhưng liệu có ai kết luận được rằng hai đạo này đã thành công trong công cuộc cải tạo con người? Hai đạo cả ngàn năm tuổi này không làm được điều mà Marx mong muốn làm được, như vậy đến khi nào chúng ta mới có CNXH – 2000 năm nữa?

Giải pháp “con người mới xã hội chủ nghĩa” của Marx được liệt vào hàng “Đức trị,” sánh ngang với mơ ước “vua sáng, tôi hiền” và “quan lại thanh liêm như Bao Công” của 1000 năm phong kiến. Trong khi đó, những xã hội văn minh đã đi theo con đường “Pháp trị” từ lâu rồi, cháu ạ!

Thôi, bà cháu ta tạm nghỉ ở đây nhé, bà đi vào mạng “X-cafevn.org” để xem các chú bên ấy làm ăn thế nào đã! Lần sau bà sẽ nói về sai lầm của Marx trong việc tiêu diệt động lực phát triển của xã hội đấy!

(Chưa dứt lời, bà em đã long tong chạy ra hàng “Internet Cafe” ở đầu làng…)

____________________

Chú thích của Bống

[1] Một minh chứng quan trọng cho sự tìm cách gia tăng quyền lực của Nhà nước là Hiến pháp Việt Nam. Hiến pháp năm 1946, khi nước nhà mới dành độc lập, là một hiến pháp tương đối dân chủ, nêu rõ quyền bính thuộc về Nhân dân. Sau những lần sửa đổi sau đó, quyền của Nhân dân ngày càng giảm xuống, thay vào đó là quyền lực của Đảng Cộng Sản Việt Nam.

Nhớ rằng Hiến pháp là bộ luật có hiệu lực bao trùm tất cả các bộ luật khác, là hợp đồng giữa Nhân dân và Nhà nước. Hợp đồng này chỉ được thay đổi nếu có sự đồng ý của Nhân dân. Trên thực tế, các lần thay đổi Hiến pháp sau năm 1946 đều không trưng cầu dân ý, mà chỉ do Quốc hội với 90% là Đảng viên ĐCSVN thông qua.

[2] Bàn về giai cấp mới: http://www.x-cafevn.org/forum/showpo…4&postcount=28

*

 

ToiAccongSan2

 

Bài thứ ba: Những thất bại của kinh tế kế hoạch hóa

 

Vừa thấy bà đi lảo đảo như say rượu từ hàng Internet về (chắc hôm nay lại chơi nhiều Võ Lâm Truyền Kỳ quá nên chóng mặt), em liền chạy ra chào và vòi luôn:

 

Bống: Bà ơi, bà lại giảng tiếp về Marx đi…

Bà Nông thị Cạn: Từ từ để bà thở cái nào… Gớm, hôm nay bọn bạn tự dưng cứ Buzz ầm ầm, hỏi cái áo gấm đi lễ chùa hôm nọ may ở đâu mà đẹp thế, thế là lại phải chat chít với chúng nó mệt quá… Thế sáng nay bà giảng tới đâu rồi ấy nhỉ?

Bống: Dạ bà nói về việc Nhà nước là một nhóm người, cũng có những thói xấu và điểm không hoàn hảo, do đó giao toàn quyền cho Nhà nước quản lý giá trị thặng dư xã hội sẽ dẫn đến thất thoát, và lợi ích của người lao động bị phản bội ạ!

Bà Nông thị Cạn (thở nặng nhọc): Ô-kê con gà đen! Nhưng trước khi bà giảng tiếp, bà có một điều cần minh định với các tri thức trẻ ở đây. Có rất nhiều trường phái chủ nghĩa xã hội khác nhau, và chủ nghĩa Marx (Marxism) chỉ là một trong số này. Thêm vào đó, cũng có nhiều cách hiểu khác nhau về chủ nghĩa Marx. Ở đây bà phân tích chủ nghĩa Marx kinh điển mà ở trường người ta vẫn nhồi nhét cho các tri thức trẻ. Sau này, nếu có thời gian, bà sẽ đề cập tới những biến thể của chủ nghĩa xã hội, chẳng hạn trường phái xã hội dân chủ (Social democracy).

Quay lại với bài học của chúng ta: Như cháu biết đấy, kể từ sau cách mạng và thành lập Nhà nước XHCN, cả dân tộc trở thành một khối, làm việc theo kế hoạch của Nhà nước. Nhà nước sẽ nắm giữ toàn bộ tư liệu sản xuất, thành lập những kế hoạch lớn cho cả nước, và toàn dân chỉ việc làm theo. Của cải vật chất làm ra sẽ do Nhà nước thu hoạch và phân phối tới mọi người. Người ta gọi đó là “nền kinh tế kế hoạch hóa” (hoặc “nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung”), để phân biệt với “nền kinh tế thị trường” của Tư Bản Chủ Nghĩa, nơi mà tư nhân được tự do mua bán và sản xuất kinh doanh theo quy luật cạnh tranh của thị trường.

Bống: Cháu nghe nói nước ta bây giờ đã từ bỏ “nền kinh tế kế hoạch” để đi theo “nền kinh tế thị trường” rồi mà bà?

Bà Nông thị Cạn (cười mệt): Từ bỏ thì đúng rồi, nhưng vẫn chưa sang hẳn “nền kinh tế thị trường” đâu, vì còn vướng cái đuôi “định hướng XHCN.” Cháu thấy đấy, nhà nước ta vẫn còn nắm giữ rất nhiều lĩnh vực kinh tế quan trọng, và phần lớn ngân sách vẫn rót cho những doanh nghiệp nhà nước làm ăn không hiệu quả đấy thôi [1]! Tư hữu tư liệu sản xuất vẫn chưa được thực hiện đầy đủ; đất đai, tài nguyên thiên nhiên và cơ sở hạ tầng đa phần vẫn nằm trong tay nhà nước và bị sử dụng một cách lãng phí và tùy tiện. Tư duy ủng hộ Nhà nước ra kế hoạch và can thiệp vào mọi lĩnh vực kinh tế – xã hội vẫn còn nặng nề lắm…

Bống: Có phải ý bà muốn nói rằng “nền kinh tế kế hoạch hóa” làm ăn không hiệu quả?

Bà Nông thị Cạn: Đúng vậy, cháu ạ! Marx cho rằng “nền kinh tế kế hoạch hóa” là điều cần thiết vì hai nguyên nhân: Thứ nhất, kế hoạch hóa sẽ giúp tập trung nguồn lực của toàn xã hội vào công cuộc phát triển, tránh được sự “chen lấn xô đẩy,” “trùng lặp” giữa các cá nhân làm hao tổn nguồn lực quý báu này. Thứ hai, ông ta cho rằng tư bản chủ nghĩa sẽ tất yếu dẫn tới độc quyền tư nhân, bởi ở trong xã hội tư bản, cá lớn sẽ nuốt cá bé cho tới khi chỉ còn một con cá bự.

Thế nhưng cả hai nguyên nhân “dẫn đến kế hoạch hóa” này của Marx, trên thực tế, lại là yếu điểm của “nền kinh tế kế hoạch hóa,” khiến nó nhanh chóng phá sản. Thứ nhất, tuy kế hoạch hóa là một công cụ cực kỳ hữu hiệu, nhưng khả năng áp dụng được nó lại có hạn. Cháu có thể lên kế hoạch chi tiết cho một mình cháu trong một ngày, thậm chí một tuần; nhưng không thể lên kế hoạch chi tiết cho cháu trong cả tháng hoặc cả năm; lại càng không thể lên kế hoạch chi tiết cho cả xóm với trên ngàn hộ dân. Nhà nước cũng vậy, nó không thể kịp thời nắm bắt nhu cầu của toàn xã hội để lên kế hoạch sản xuất tương ứng. Bà thích Võ Lâm Truyền Kỳ, con bạn bà nó thích WoW, cháu lại thích Counter-strike: Vậy nhà nước phải lên kế hoạch phân bổ nguồn lực hữu hạn của mình như thế nào để thỏa mãn nhu cầu khác nhau của ba người một cách tối ưu nhất? Đó là một câu hỏi khó trả lời, phải không cháu?

Bống: Thế trong “nền kinh tế thị trường” của bọn Tư bản thối nát bên bờ vực tiêu vong, vấn đề này được giải quyết như thế nào hả bà?

Bà Nông thị Cạn: Ở nền kinh tế thị trường, quyết định phân bổ nguồn lực được đưa ra dựa trên quy luật cung cầu một cách phi tập trung [2]. Quy luật cung cầu là gì, chắc các cậu tri thức trẻ ở đây biết rồi. Còn phi tập trung nghĩa là không có một cá nhân hay tổ chức nào đưa ra quyết định này, mà là toàn xã hội, bao gồm có cả bà và cháu đấy. Phi tập trung trái ngược với “tập trung,” nơi mà Nhà nước là người quyết định việc phân bổ nguồn lực. Mà thôi, bàn về vấn đề này lại rời xa mục tiêu phân tích chủ nghĩa Marx của bà rồi!

Bống: Còn nguyên nhân thứ hai dẫn đến “kế hoạch hóa” thì sao?

Bà Nông thị Cạn: Marx tránh vỏ dưa lại gặp vỏ dừa, cháu ạ! Cháu thấy đó, ở các nước tư bản phát triển, tình trạng độc quyền không diễn ra trành lan như Marx dự đoán. Phần là vì họ đưa ra những biện pháp ngăn chặn độc quyền, một phần khác là vì các công ty, dù lớn đến mấy, cũng không bao trùm được toàn bộ thị trường và các công ty con luôn tìm ra được thị trường riêng phù hợp lợi thế cạnh tranh của mình. Ngược lại, ở nước Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, bà và cháu lại được chứng kiến nhiều kiểu độc quyền. Độc quyền điện, độc quyền nước, độc quyền viễn thông, độc quyền sách giáo khoa, độc quyền báo chí, độc quyền cả tư tưởng nữa…

Độc quyền nhà nước tệ hại không kém độc quyền tư nhân. Cháu xem, hệ điều hành Cửa-sổ XP (Windows XP) trên cái “laptop” của bà còn được công-ty độc -quyền “Microsoft” thỉnh thoảng vá lỗi, chứ đường ống nước cả xóm ta thủng hơn tháng nay có thấy thằng công ty cấp nước xuống vá víu gì đâu…

Chết, nói tới đây mới nhớ, bà phải đi lên huyện lót tiền cho mấy thằng cấp nước xuống sửa đường ống. Thôi, để lúc khác học tiếp nhé các cháu!

Bống (tiu nghỉu): Vâng ạ.

 

______________________

 

[1] Vai trò của doanh nghiệp nhà nước sau hội nhập –

http://www.x-cafevn.org/node/224

[2] Kinh tế thị trường – http://vi.wikipedia.org/wiki/Kinh_t%…%B0%E1%BB%9Dng

 

 

Trần Văn Giang (Thu lượm trên Net)

 

Karl Marx 101 (Đại cương về thuyết cộng sản) – Trần Văn Giang (St)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *