Ly Dị  và Về Việt Nam Lấy Vợ

.

Divorce1

.

Lời mở đầu:

Việc hôn nhân và sinh con đẻ cái không phải là chuyện mới lạ. Nó đã có từ thuở khai thiên lập địa khi ông Adam gặp bà Eva. Dân số của Việt Nam đã gần 100 triệu thì kể sao cho hết các vụ lập gia đình và sinh con. Tuy nhiên với người Việt, sự liên hệ vợ chồng đã biến chuyển rất nhiều theo sự biến chuyển của lịch sử Việt Nam.

*

Sống trên đất Mỹ, nơi mà đám cưới có thể tổ chức vào lúc 2 giờ sáng từ một cái “drive thru wedding chapel” ở Las Vegas, định nghĩa về tình Vợ-Chồng và nghĩa Phu-Thê có một ý nghĩa khác hẳn với ý nghĩa mà chúng ta được dậy dỗ từ Văn Hoá Cổ Truyền Việt Nam. 

Cũng trên xứ sở này, luật ly dị của nhiều tiểu bang rất dễ dàng. Chỉ cần một người, vợ hoặc chồng, tuyên bố là “không hợp” (“incompatibility”) hoặc “bất đồng ý kiến không hòa giải được” (“irreconcilable differences”) là tòa án gia đình đã chấp nhận cho ly dị rồi!

Thôi thì ly dị xảy ra với đủ kiểu, đủ cách mỗi ngày. Đôi khi chúng ta phải thắc mắc là chuyện lập gia đình đâu có dễ dàng như là rủ nhau đi uống cà phê “Dĩ vãng” hay ăn phở “79” đâu mà sao ở Mỹ bà con ly dị dễ dàng quá vậy! Chúng ta đã chứng kiến cô ca sĩ Britney Spears ly dị chồng sau khi làm đám cưới (cũng vào lúc 2 giờ sáng) chỉ có 48 tiếng đồng hồ! Nhiều cặp vợ chồng trẻ Việt Nam ở Mỹ làm đám cưới rất linh đình: rước dâu bằng “limousine;” làm kẹt cả lưu thông; hơn một tiểu đội bưng mâm trầu cau heo quay bánh trái; trao cho nhau vòng vàng và hột xoàn kêu rủng rảng; mời 200-300 khách tham dự; trong tiệc đám cưới thay 3-4 bộ quần áo lộng lẫy; mướn ban nhạc sống giúp vui với ca sĩ nổi tiếng; mướn thợ chuyên môn chụp hình mười mấy cuốn “album” và quay phim, làm “video” rất cầu kỳ tốn kém. Thế mà chỉ hơn một năm sau đã ly dị rồi! OMG.  Phải chi dùng số tiền chi phí đám cưới này mà tặng cho các hội từ thiện có lẽ còn có phúc và ý nghĩa hơn.

Nhiều cặp vợ chồng già hoặc sồn sồn đã lấy nhau từ Việt Nam vài chục năm rồi, đã có 6-7 mặt con đều trưởng thành rồi, thế mà qua xứ này được một vài năm cũng ly dị.

Vợ chồng trẻ cũng ly dị.  Vợ chồng già cũng ly dị. Thống kê cho thấy ở California, trong 5 cặp vợ chồng thì có đến 2-3 cặp phải ly dị. Chúng ta thử nhìn vào cái thực tế ly dị này và phân tách cái nguyên nhân và hậu quả (“cause and effect”) xem nó như thế “lào”? 

Trong khuôn khổ bài này tôi chỉ xin mạn phép bàn về sự ly dị của các cặp vợ chồng già và cũng xin phép đóng góp một vài ý kiến cá nhân về hôn nhân cho các con các cháu sắp và vừa mới lập gia đình ở Mỹ.

 

1- Bối Cảnh Lịch Sử Việt Nam

Xã hội Việt Nam chịu ảnh hưởng sâu xa đạo lý của Khổng Mạnh. Vai trò của mọi người công dân chúng ta trong liên hệ xã hội đã được định nghĩa rõ rệt.

Phái nam “liền ông” thì khi sống cũng như khi chết phải triệt để tôn trọng 3 giềng mối gọi là Tam-Cương: vua-tôi, thầy-trò và cha-con. Đồng thời phải giữ gìn 5 đức tính gọi là Ngũ Thường: Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí và Tín.

Riêng phái nữ “liền bà” phải theo Tam Tòng: sống ở nhà thì theo cha, lấy chồng thì phải theo chồng, chồng lỡ chết sớm thì phải theo con (trai). Phái nữ còn phải trau dồi Tứ-Đức công-dung-ngôn-hạnh: lo toan việc may vá nấu nướng, giữ gìn nhan sắc và vóc dáng, e dè về lời nói ngôn ngữ, giữ gìn tư cách và đức hạnh.

Nhìn qua cái văn hóa này, thấy người phụ nữ Việt Nam bị thiệt thòi và chịu đựng bất công rất nhiều. Không thấy Khổng Mạnh đề cập gì đến sự đối xử của chồng đối với vợ phải như thế nào? Đồng thời cũng không nói gì về quyền hạn của phụ nữ ngoài việc buộc phụ nữ phải phục tòng chồng chứ không có quyền thắc mắc gì cả! Cái “Tam-Tòng” khắt khe này làm cho phụ nữ bị lép vế, nhiều khi tức hộc máu mồm mà đành phải cắn răng chịu đựng. Chồng thì năm thê bảy thiếp, vợ lớn vợ bé và con rơi con rớt chẳng có sao! Vợ thì phải thờ một chồng, “trong” thì nhờ nếu lỡ mà “đục” thì ráng mà chịu trận cho đến chết, không làm sao hơn được! Chữ “chồng bé” tuyệt đối không thấy có trong tự điển Việt Nam. Lỡ mà chồng bị chết sớm thì tốt nhất là ở vậy nuôi con. Không có lựa chọn nào dành cho phụ nữ tạm gọi là dân chủ hay bình đẳng cả!

Các Vua chúa Trung Hoa và Việt Nam, việc đầu tiên sau khi lên ngôi vua không phải là lo việc an dân hay việc trị nước mà lo xây lăng tẩm và nhất là lập “Tam Cung Lục Viện” để nuôi 2-3 ngàn cung nữ “hầu hạ” vua lúc sớm cũng như lúc tối. Nhiều cung nữ đẹp tuyệt trần được tuyển vào cung mà đến khi chết đi cũng chưa được “mình rồng” (long thể) đến “thăm” một lần nào. Thật là phí của giời! Các vua vì xa đọa, hoang dâm quá xá, thường bị chết vì “thuợng mã phong” (chết mà miêng vẫn mỉm cười) khi còn trẻ. Chưa hết. Các vua lúc sống thì tham lam dâm ô. Lúc chết lại còn ích kỷ và tàn nhẫn. Trong di chúc, có nhiều vua ra lệnh đem chôn sống các cung nữ vào trong lăng tẩm theo mình, chứ không thả tự do cho các cô được về làng lấy chồng lập lại cuộc đời mới.

Trong lịch sử rất dài của Trung Hoa, chỉ có duy nhất một Nữ Hoàng có can đảm mở “tam-cung lục-viện” và tuyển 3000 chàng trai mạnh khỏe để “phục vụ” cho Nữ Hoàng cả ngày lẫn đêm.  Đó là Nữ hoàng Võ Tắc Thiên. Dĩ nhiên các nhà viết sử Trung Hoa chửi bới Võ Tắc Thiên đến tắt đèn luôn!

Sự đối xử bất nhân, mất công bằng đối với phụ nữ Việt Nam diễn ra từ trên cao nhất là hoàng gia cho đến thấp nhất là gia đình của “dân ngu khu đen.”

Vào năm 1307, vua Trần Anh Tôn, người được các nhà viết sử Việt Nam xem là một minh chúa, đã ngang nhiên đem gả em gái là Công Chúa Trần Huyền Trân cho vua Chàm là Chế Mân mà không cần phải hỏi ý kiến công chúa có bằng lòng hay không (?) để lấy hai châu Ô và châu Ri (nay là tỉnh Quảng Trị và một phần của tỉnh Thừa Thiên và Huế).  Vua Chàm Chế Mân lấy được giai nhân Huyền Trân sung sướng quá xá, chỉ có 2 năm sau là chết (có lẽ cũng lại vì thượng mã phong!) Nên biết thêm là theo tục lệ của dân Chàm, một khi vua chết thì các vợ của vua phải được đem thiêu sống để chết theo vua. Vua Trần Anh Tôn phải vội vàng sai tướng Trần Khắc Chung đi đánh Chàm để cứu Huyền Trân về kịp trước khi công chúa bị quay “barbecued” tên dàn lưa. Trong cuốn “Việt Nam Sử Lược,”  sử gia Trần Trọng Kim còn khen chuyện “gả gấm” này là một đòn ngoại giao khôn ngoan của vua Trần Anh Tôn trong việc “Nam tiến!” Không có sử gia nào viết là Huyền Trân Công Chúa được sử dụng như một con cờ chính trị, bị đối xử một cách bất nhân, bất công cả?

Ca dao dân gian Việt Nam có 2 câu thơ để tả tâm sự của Huyền Trân Công Chúa như sau:

“Thương cho cây quế giữa rừng

Để cho thằng Mán thắng Mường nó leo”

Lịch sử Việt Nam có lúc thăng lúc trầm, nhưng số phận của Phụ nữ Việt nam chẳng có thay đổi bao nhiêu, lúc nào cũng phải “tòng.”  Từ ngàn xưa, xã hội Việt Nam là một xã hội nông nghiệp, nhân lực dùng để cày cấy và chăn nuôi gia súc rất quan trọng. Các chủ đất, chủ ruộng giàu có tham lam, muốn có thêm nô lệ, tức là nhân công không có lãnh lương hay lãnh thù lao gì cả, bèn bày ra cái tục “tảo hôn” rất man rợ.  Họ “cưới” các thiếu nữ con nhà nghèo cho con trai mới đẻ ra hoặc còn thơ ấu của mình. Dĩ nhiên thiếu nữ đáng thương này đây mới chỉ là vợ đầu tiên. Khi lớn lên cậu “chó” còn cưới thêm một vài vợ nhỏ nữa chứ không chịu thua gì ông bố mất nết.  Đúng là “con hơn cha nhà có phúc.”  Ca dao Việt Nam cũng có câu mô tả cái cảnh vợ chồng “tảo hôn” như sau đây:

“Bồng bồng cõng chồng đi chơi

Đi qua chỗ lội đánh rơi mất chồng!”

Đây là một vết đen trong văn hóa cổ truyền Việt Nam.

 

2- Thực Tế của ngày hôm nay

Sau khi qua Mỹ bằng cách di tản, vượt biên, đoàn tụ gia đình hay HO, vì vấn đề sinh tồn, các gia đình Việt Nam không có cách nào hơn là phải hội nhập vào một xã hội tân tiến và cởi mở hơn.

Bỗng nhiên, phụ nữ Việt Nam được nhiều cơ hội giao tế, đi học và đi làm việc như đàn ông. Hơn thế nữa phụ nữ của xã hội này được chiều chuộng và kính trọng hơn hẳn xã hội Khổng Mạnh ở Việt Nam.  Nhiều gia đình, vợ còn làm lương nhiều hơn chồng bởi vì các luật lao động ở xứ sở này làm ra nhằm nâng đỡ người thiểu số. Trong khi phụ nữ Việt Nam là thiểu số của thiểu số (“female – minority of the minorities”) thì cơ hội tìm việc làm và cơ hội thăng tiến trong việc làm sáng sủa nhiều hơn các đức ông chồng.

Với cái hoàn cảnh mới này, “tam tòng” không còn có cái ý nghĩa bất bình đẳng như ở Việt Nam. Phụ nữ vẫn tiếp tục theo cha, theo chồng và theo con nhưng cũng sẵn sàng mạnh dạn nói lên nguyện vọng của mình, sẵn sàng thay đổi hoàn cảnh của mình nếu họ thấy nhân phẩm và quyền hạn của họ bị xâm phạm. Trong gia đình Việt Nam, chồng không còn được xem như vua và vợ không còn được xem như bầy tôi nữa (cảnh “Chồng Chúa Vợ tôi!)  Sự căng thẳng trong liên hệ gia đĩnh không thể nào tránh được. Nếu đức ông chồng sáng suốt nhìn thấy cái hoàn cảnh mới này rồi cũng từ từ thay đổi cho phù hợp thì may ra cơm tiếp tục lành, canh tiếp tục ngọt. Nếu không, ly dị chỉ là chuyện không thể tránh được!

Trường hợp gia đình có người vợ hiền, đảm đang vừa phải đi làm để đóng góp tài chánh cho gia đình, vừa phải lo gánh vác chuyện gia đình con cái mà gặp ông chồng chỉ lo nhậu nhẹt, tán phét, đánh rắm rong, vô tích sự cho gia đình thì chẳng mấy chốc ông phải gia nhập hội độc thân.

Ngược lại hoàn cảnh gia đình có người vợ thuộc loại bon chen, ích kỷ, đứng núi này trông núi nọ, hay so sánh chồng mình với chồng bạn hoặc đồng nghiệp tại sở làm thì đấng ông chồng còn gia nhập hội độc thân càng nhanh hơn nữa.

Theo các thống kê về hôn nhân bị đổ vỡ của vợ chồng người Mỹ, tám mươi lăm phần trăm (85%) các vụ ly dị vì lý do tài chánh. Con số này cũng tiêu biểu cho các gia đình tị nạn Việt Nam. Phần lớn các chủ gia đình tị nạn Việt Nam là cựu quân nhân. Kinh nghiệm nhà binh của các cụ cựu quân nhân không giúp ích gì nhiều cho các ông trong vấn đề tìm việc làm tốt, lương bổng hậu ở cái xứ sở tân tiến kỹ thuật cao này. Nếu các ông chồng không cố gắng đi học lại một nghề mới thì dù có “cầy” hai ba việc lao động một lúc đến trầy trán, hói đầu thì kinh tế gia đinh cũng chẳng sáng sủa gì cho lắm ! Chồng chỉ làm lương tối thiểu mà vợ cứ đòi mua xe “Lexus,” đòi sửa sắc đẹp thì chẳng mấy chốc sẽ ly dị.

Thêm vào đó, phải thẳng thắn công nhận là dân Việt tị nạn mình chịu khó làm việc chăm chỉ, nhưng cũng có rất nhiều Việt người thích đánh bạc! Bị ngựa đá (ngựa đua ở các trường đua Santa Anita Park, Del Mar); hoặc bị gà đá (“Vè Gà” (Las Vegas) hoặc “Bẻ Chân Gà” (‘Pechanga’ Indian Casino) vài cú “sặc gạch” thì gia đình sẽ trở thành thiếu thốn, trả “bills” không nổi. Vợ chồng gây gỗ thường xuyên về vấn đề tiền. Rồi chẳng mấy chốc sẽ ly dị. Tôi đã chứng kiến nhiều gia đình Việt Nam mua nhà đã 25 năm mà vẫn còn nợ nhà băng 28 năm vì đã ”tái tài trợ” (refinance) vài lần để lấy tiền đánh bạc. Lấy tiền dành dụm cho hưu trí ra để đánh bạc.  Lấy tiền để dành cho con vào đại học để đánh bạc ! Thua bạc và ly dị hình như đồng nghĩa với nhau.

 

3- Về Việt Nam lấy vợ (?)

.

VoTreChongGia

.

Con số ly dị càng ngày càng tăng. Bỗng nhiên có một tập thể rất lớn các “bố già” sắp đến tuổi về hưu mà chỉ qua một đêm trở thành “độc thân tại chỗ.”

Danh ngôn tây phương có câu là

“Nhu cầu là mẹ đẻ của phát minh.”

(Necessity is the mother of invention).

Các “bố già” mặc dù bị vợ ly dị, nhưng nhờ Viagra, Levitra… nên súng đạn vẫn còn tạm xử dụng được, xúm nhau lại phát minh ra một kỹ nghệ mới toanh: “Về Việt Nam lấy vợ!”

Quí vị sẽ hỏi tôi là:

“Một người đang cần có vợ, mà họ về Việt Nam lấy vợ thì có gì để mà nói? Ngoại trừ là ông có ác ý hay ganh tị?” 

Dạ thưa quý vị, điều mà tôi muốn nói ở đây là cái tuổi của cô dâu và tuổi của chú rể trong cái vụ về “Việt Nam lấy vợ” này: “Chú rể 62 tuổi, đã có con trưởng thành vào tuổi 40 tuổi, có cả bầy cháu nội cháu ngoại đếm không hết; Cô dâu 20 tuổi, thiếu nữ mới lớn chưa bao giờ lấy chồng cả và bố vợ chỉ có 42 tuổi!”  Quý vị nhìn vào bức ảnh đám cưới thời đại này rồi quý vị nghĩ thế nào?

Tôi cứ tưởng là xã hội Việt Nam mình đã xóa bỏ được cái phong tục man rợ “tảo hôn” gần một thế kỷ rồi. Hôm nay lịch sử được tái diễn trở lại. Tục “tảo hôn” được các “bô lão” tị nạn cộng sản mất nết dựng trở lại.  Bây giờ sự khác biệt là tuổi tác của nhân vật chú rể trong cái nạn “tân tảo hôn” này. Cậu ấm nhi đồng nhà giàu ngày trước bây giờ là “bô lão” gần đất xa trời 62 tuổi có một ít “đô la” trong tay. Thiếu nữ 18-22 tuổi, quí vị còn nhớ cô vợ đáng thương nhà nghèo ngày trước phải “cõng” chồng đi chơi bây giờ vẫn là cô bé nhà nghèo đáng thương, nhưng lần này bị ông già 62 tuổi “cưỡi !” (Cũng nên biết có nhiều bố loại “bò già thích gặm cỏ non” về Việt Nam gặm phải “cỏ non độc” bị trợn mắt xùi bọt mép đấy!!!)

Dù sao đi nữa cũng thấy thương xót cho số phận của rất nhiều phụ nữ Việt Nam qua lịch sử cận đại. Vì vận nước và hoàn cảnh kinh tế của đất nước chỉ vì lãnh đạo “lủng” mà phải đành nhắm mắt đưa chân. Mới hôm nào nhiều người phụ nữ phải làm me Tây, me Chà-và, me Mỹ, me Phi, me Đại Hàn. Nhiều người phụ nữ phải khóc chồng, khóc con tử trận. Nhiều người phụ nữ phải lặn lội nuôi chồng, nuôi con từ các trại “tù cải tạo.” Nhiều người phụ nữ bị hải tặc Thái Lan xâm phạm. Hôm nay, nhiều người phụ nữ lại bị “xuất cảng” làm “cô dâu” Đài Loan, Trung Quốc, Đại Hàn … và tội nghiệp nhất là làm me Việt Kiều già. Tôi chưa thấy một “anh hùng dân tộc” nào, một đảng phái “cách mạng” nào, một “phong trào” dân chủ nào, một giới chức có thẩm quyển nào lên tiếng hoặc đưa ra một phưong cách, một chính sách nào nhằm vào việc giảm thiểu hoặc ngăn chặn hẳn cái kỹ nghệ vô nhân đạo này. Đây là một kỹ nghệ duy nhất ở Việt Nam đang làm việc “overtime.”

Có phải đây là cái “Nhân Quả” mà trời phạt dân Việt vì đã tiêu diệt dân và xứ sở của người Chàm ngày trước? Có thể như vậy. Nhưng tại sao phụ nữ Việt Nam lại cứ phải chịu đựng không ngừng?

“Đoạn trường ai có qua cầu mới hay!”

 

 4- Vài thiển ý về việc hôn nhân…

Tôi không bao giờ dám đóng vai trò “thầy đời.”  Nhưng với tuổi đời đã gần 7 bó.  Đã chứng kiến chính con cháu và thân nhân của tôi lâm vào cái cảnh ly dị rất ngang trái và đau lòng, tôi xin mạn phép đóng góp một vài ý kiến xây dựng quê mùa của tôi để mong các bạn trẻ đang ở trước ngưỡng của hôn nhân suy gẫm như sau:

 

– Khi yêu có thể mù quáng, nhưng với hôn nhân phải mở mắt nhìn cho rõ. Nhất là phải nhìn cho rõ mẹ vợ tương lai hoặc mẹ chồng tương lai.

– Tình yêu là một giấc mơ ngọt ngào, nhưng hôn nhân là cái đồng hồ báo thức. Phải nhớ hoàn toàn tỉnh ngủ trước khi xúc tiến việc chuyện hôn nhân.

 – Sự khác biệt giữa người tình và người vợ sẽ có thể là 45 Lbs (20 kí lô). Nếu nghĩ rằng mình có thể sẵn sàng chấp nhận cái thực tế 20-kí-lô đó thì mới tiếp tục đi đến hôn nhân.

 – Có nhiều tâm lý thông thường có thể được dùng để tránh nhiều vụ ly dị. Nhưng nếu dùng cái tâm lý thông thường đó để tránh làm đám cưới thì tốt hơn. Để dành được bao nhiêu là tiền bạc và công sức. 

– Chỉ nên có một mẹ vợ (hay một mẹ chồng) là quá đủ rồi. Đừng tính chuyện có thêm một mẹ vợ (hay một mẹ chồng) nữa.  Cả tài chánh lẫn sức khỏe đều bị hao mòn.  (Cũng nên biết Ông Adam là người đàn ông may mắn nhất của lich sử nhân lọai vì Adam không có mẹ vợ!!!)

 

Chào thân ái và chúc may mắn nhe.

 

Trần Văn Giang

Ly Dị và Về Việt Nam Lấy Vợ – Trần Văn Giang

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *