Số 13
.
*Viết cho ngày hôm nay: Thứ Sáu 13.
Người tây phương thường sợ con số 13.
Ngành Y khoa có một danh từ riêng đế gọi căn bệnh “sợ số 13.” Đó là “Triskedekaphobia.” Một loại bệnh tâm lý tương tự như sợ chiều cao, sợ bóng tối… Mặc dầu ngày nay đã có nhiều người bắt đầu cho rằng đây chỉ là vấn đề dị đoan vô căn cứ; tuy nhiên chúng ta vẫn còn thấy là có rất nhiều cao ốc, khách sạn ở Hoa Kỳ không có ghi “tầng thứ 13” trong thang máy cũng như trong sổ sách. Nhiều hãng hàng không dân sự không có ghi hàng ghế số 13 trên máy bay chuyên chở người. Sự kiện dị đoan “sợ số 13” bắt đầu từ lâu lắm rồi. Trong thời Trung cổ, các nhà giầu người Anh mở tiệc đãi khách, không cho 13 người ngồi chung 1 bàn. Các bình hoa trang trí trong nhà không cắm 13 nhánh. Họ tin là số 13 sẽ mang lại sự bất hạnh cho gia chủ; tuy nhiên, người Anh lại cho việc gà mái ấp 13 trứng sẽ mang lại may mắn (?) Cũng ở Anh, các tiệm bánh bán một tá là 13 chứ không phải là 12. Họ gọi là “một tá của hàng bánh – Baker’s dozen.”
Ngày hôm nay, chúng ta vẫn thường nghe thấy nói về “Thứ Sáu 13” như là một ngày, một điều gì xui xẻo đặc biệt (?)
Khởi thủy số 13 được dùng rất rộng rãi, bình thường như những con số khác. Vào thời cổ La Mã, lễ hôn phối (đám cưới) của hang quý tộc phải có đủ 13 người (cô dâu, chú rể, 10 nhân chứng và một chủ tế gọi là Pontifex Maximus) thì hôn nhân mới được xem là hợp pháp. Ngày 13 tháng Hai (February 13th) là ngày lễ về tình yêu rất long trọng của người cổ La Mã (cũng được gọi là ngày thánh Valentine – “Saint Valentine Day”). Sau này, ngày “Valentine Day” bị dời lại thành ngày 14 tháng Hai (February 14th!) Ở Âu Châu (và nay ở Hoa Kỳ!) người ta có lệ ăn mừng 12 ngày trước ngày Chúa giáng sinh. Ngày này được gọi là “Epiphany Eve.” Ngày “Epiphany” để kỷ niệm và đánh dấu ngày mà một số rất lớn người Âu Châu bắt đầu theo đạo thiên chúa. Ngay chính cái ngày “Epiphany” này là ngày thứ 13 trước ngày Thiên Chúa giáng sinh (Christmas day!) Thật là lạ! Riêng ở Thụy Điển và Áo, ngày 13 tháng 12 (December 13th) được xem là ngày của nữ thánh “Ánh Sáng” (Saint Lucia). Ngày 13 tháng 12 là ngày ngắn nhất trong năm ở phía Tây Âu châu. Ngày 13 tháng 12, nữ thánh “Lucia” đem ánh sáng đến để đuổi các “tà ma” (evils) đi !
Vấn đề người tây phương sợ và loại bỏ “số 13” diễn tiến từ nhiều hoàn cảnh (ngẫu nhiên) bất hạnh có liên can đến “số 13.” Chẳng hạn, người tây phương bỏ không dùng Âm lich (đây là âm lịch của tây phương – không phải âm lịch của Trung Hoa). Loại lịch này căn cứ theo sự di chuyển của mặt trăng. Dần dà người tây phương thấy âm lịch đã không được chính xác cho lắm mà còn phức tạp nữa. Họ bắt đầu chuyển qua dùng Dương lịch (lịch tính theo sự di chuyển của quả đất theo mặt trời). Chu kỳ của mặt trăng là 354 ngày – tức là 11 ngày ngắn hơn dương lịch. Ngày thứ 355 là ngày đầu tiên của tháng thứ 13. Tính như vậy, Âm lịch của tây phương hồi đó có 13 tháng và mỗi tháng có 28 ngày và còn dư 1 ngày lẻ không biết để vào đâu? Người ta còn gọi loại “âm lịch (tây phương!)” này là “lịch 1 năm và 1 ngày !!!” King Arthur, một vị vua trong huyền thoại của lịch sử Anh Quốc, đánh thắng người Saxons liên tiếp 12 trận, nhưng đến trận thứ 13 thì bị người Saxons giết chết. Một vị vua khác của Anh Quốc là King William Rufus bi giết vào năm 1100, sau khi trị vì nước Anh đúng 13 năm.
Các điều xấu về “số 13” cũng bắt đầu từ các bài phúc âm đuợc ghi chép trong thánh kinh, trong truyện cổ tích và trong huyền thọai của người tây phương. Judas, người phản chúa Giê-Su và cuối cùng đưa đến sự việc Chúa Giê-Su bị đóng đinh trên cây thánh giá, là tông đồ thứ 13 của Chúa Giê-Su. Trong “Genesis” chương 13 có bài giảng về việc Đức Chúa Trời đã tiêu hủy 2 thành phố của những người “tội lỗi” (là “Sodom” và “Gomorrah”). Người Thiên Chúa giáo tin là hai thành phố này đã bị lún chìm xuống sâu và bị bao phủ bởi một hồ nước mênh mông, nay gọi là “Biển chết” (Dead Sea) ở Trung Đông.
Cũng theo tài liệu được ghi chép lại từ các nhà truyền gíao của đạo Thiên Chúa ở Âu châu trong đó có nhiều huyền thoại về người “Pagan Vikings” – những người Vikings không tin và quyết tâm không theo đạo thiên chúa – Họ thờ một vị “Nữ thần tình yêu” (Goddess of Love) gọi là “Freyja.” “Freyja” là thủ lĩnh của 12 “ác thần” khác làm thành một nhóm 13 vị “ác thần.” Đối với mà nữ thần “Freija,” ngày trong tuần được xem là ngày may mắn là ngày Thứ Sáu. Người Vikings thường làm hôn lễ vào ngày Thứ Sáu. Về sau này những người Anh chống đạo thiên chúa cũng chọn ngày Thứ Sáu để làm lễ thành hôn thay vì Thứ Bảy hay Chúa Nhật trong tuần. Tục truyền trong các ngày “Thứ Sáu 13,” “Freyja” sẽ đi tìm và tiêu diệt những người “Pagan Vikings” đã bỏ “Freyja” đi theo đạo Thiên Chúa giáo (?)
Văn hóa cổ Ai Cập và Hi Lạp cũng có để lại nhiều giai thoại về “Số 13.” Lịch cổ của người Ai Cập có 13 tháng: 12 tháng dài và 1 tháng ngắn. Người Ai Cập tin là thượng đế được sinh ra trong tháng ngắn thứ 13 này. Trong loại bói bài “Tarot” Ai Cập, lá bài thứ 13 được gọi là “Lá Bài Chết” (Death Card!) Vị thần tối cao của cổ Hi Lạp là “Zeus – King of God” có 12 vị thần phu tá. Thần lực sĩ “Hercules,” là con trai của “Zeus,” dùng sức mạnh của mình để tiêu diệt 12 quái thần; nhưng lại bị giết bởi quái thần thứ 13.
Môn bói toán “Zodiac” của người tây phương có 12 con giáp. Nguyên thủy, Zodiac có 13 con giáp: con giáp thứ 13 sau này bị bỏ tên là “Ophiuchus Serpentaius” (hình thể một người cầm con hai rắn). Ở thế kỷ thứ 16, “Ophiuchus” cũng còn được người Hi Lạp gọi là “Alpheichius” (có nghĩa là thần sáng tạo), tên được gọi theo một tên của một thầy thuốc trong huyền thoại Hi Lạp có khả năng làm người chết sống lại. Hai con rắn mà “Ophiuchus” cầm ở tay sau này được ngành y khoa dùng tiêu biểu cho ngành bào chế thuốc tây để chữa bệnh (hình 2 con rắn quấn chung quanh cái ly!) Pluto gọi con giáp thứ 13 này là “Thần chết!) (God of the Underworld). Tuy nhiên, giáo hội Thiên Chúa giáo La Mã vì đã bị ám ảnh bởi số 13, đầu tiên ra lệnh đổi hình ảnh của “Ophiuchus” cầm hai con rắn thành hình thánh Phao Lồ (Saint Paul) cầm một con rắn nhỏ (gọi là “viper”) rồi sau đó giáo hội lại quyết định bỏ hẳn con giáp thứ 13 này ra khỏi “Zodiac.”
Lời Kết
Con số 13 bắt đầu như mọi con số khác, là một con số hiền lành, dễ thương liên quan đến tình yêu, hôn nhân, ánh sáng và sự sáng tạo dần dà bị bỏ rơi và lãng quên vì những dị đoan vớ vẩn cay nghiệt đầy ác ý; bị hiểu lầm, bị kỳ thị bởi những sự trùng hợp ngẫu nhiên hoặc vô căn cứ.
Đã đến lúc chúng ta nên đem con số 13 trở lại với đời sống. Bởi vì con số 13 này đã có số phận thật hẩm hiu, thiệt thòi, bị điêu đứng bầm dập hàng thế kỷ y hệt như hòan cảnh của dân tộc và đất nước Việt Nam chúng ta.
Trần Văn Giang
Viết ngày Thứ Sáu 13