Việt Nam Quê Hương Tôi!

.

ChumKheNgot

 

Đã có lần tôi thấy bạn định nghĩa hai chữ “Đi – Về.” Về Việt Nam hay đi Việt Nam? Về Mỹ hay trở lại Mỹ? Lúc ấy tôi thấy sự định nghĩa của bạn rất đúng… chúng ta về Việt Nam và chúng ta trở lại Mỹ. Nhưng xin thú thật với bạn sau chuyến đi vừa qua, tôi không biết sự định nghĩa trên có đúng với riêng tôi hay không bởi tôi không tìm được chỗ đứng nào cho riêng mình tại quê nhà. Quê nhà nghe hai chữ thân thương quá nhưng sao thấy đau lòng và xa cách quá.

Tuy thế, tôi cũng xin được gởi đến bạn những cảm nghĩ thô thiển về chuyến đi của tôi dưới mục tạp ghi này về một quê hương tôi đã sinh ra, lớn lên và đầy ắp kỷ niệm. Vâng, đó là Việt Nam Quê Hương Tôi!

ChoBenThanh

Sài Gòn ngày xưa có lá me bay, có những tà áo bay trong gió, có những mái tóc dài ngang lưng, có những anh chàng lẽo đẽo theo sau. Không khí trong lành thoang thoảng hương thơm ở một vườn hoa vừa đi ngang hay gió mát lạnh về đêm cho dù Sài Gòn có là 2 mùa nắng mưa đi nữa. Sài Gòn ngày xưa yêu kiều diễm lệ như cô gái đầy nhựa sống với dân số hơn 2 triệu người đã không còn hiện hữu, Sài Gòn đã thay đổi hoàn toàn, Sài Gòn tuy trông như sầm uất, phồn thịnh với những bảng hiệu, những danh từ quảng cáo cũng dùng bằng tiếng ngoại quốc và vào dịp cuối năm với cách trang trí của những băng vải màu đỏ giăng đầy để mừng đảng, đón xuân cộng thêm cách trang trí đỏ vàng bạn sẽ có cảm tưởng như bạn đang đứng ở giữa một thành phố của Trung Quốc. Với dân số hiện nay hơn 8 triệu người thì bạn có thể tưởng tượng cái sự đông đúc ấy như thế nào?

Ngoài đường, xe cộ lúc nào cũng đông, đông vô cùng với những chiếc xe động cơ 2 bánh, mọi người bắt buộc phải đội nón an toàn, và hầu như ai cũng bịt mặt từ mắt trở xuống đến cổ chỉ vì cái nắng gắt, khói xe mịt mù cay mắt, và nước mắt cứ thế mà chảy dài xuống má. Bạn không thể nào nhận diện được người quen trên đường phố bởi ai cũng giống ai, bạn không thấy gì ngoại trừ đôi mắt, và nếu họ đeo kiếng râm thì… chịu thua thôi, viết đến đây chợt liên tưởng đến những người đàn bà Trung Đông… Các bà các cô đeo găng tay cùng một màu lên đến tận nách và đi tất cũng giống nhau… nhìn họ bạn có cảm tưởng họ đến từ một hành tinh nào đó và bạn cảm thấy lạc lõng trong giòng người vội vã ấy.

Giòng xe cộ nườm nượp như một con nước xuôi giòng, cứ từ từ len lỏi trôi qua các ngã tư đèn xanh đèn đỏ và vèo vèo qua mũi xe nhau để phóng về phía trước. Họ lái xe rất tài tình cứ như những tay lái xe thiện nghệ có hạng trên thế giới, ít khi thấy một chiếc xe hơi hay taxi nào bị móp hay trầy sướt, nhưng mạng sống con người cũng mong manh lắm, cứ như sợi chỉ treo mành, bất cứ lúc nào cũng có thể gặp tai nạn. Bên cạnh giòng xe cộ nườm nượp đó, đôi khi thấy vài chiếc xe hơi hiệu Lexus hay BMW của những người giàu có đang cố gắng để len lỏi trong giòng nước xe cộ một cách thật khổ sở, tội nghiệp… đôi khi đã gây trở ngại cho người lái xe hai bánh và dĩ nhiên là sẽ được nghe những câu chửi thề không thiện cảm.

Phi Trường Tân Sơn Nhất đã hoàn toàn đổi mới, trông đẹp đẽ hơn, khang trang hơn nhưng nếu bạn để ý 1 tý thì bạn sẽ ngạc nhiên là không thấy một người miền nam nào làm việc tại “ga” Quốc Tế, mà chỉ toàn toàn là người bắc, dĩ nhiên là Bắc sau năm 1975 đó cơ. Thì thôi, cũng là một cuộc đổi đời…

Du Lịch:

Thật ra cũng một công 2 chuyện, cái chuyện chính là tôi phải về Nam Định, nơi phần mộ Tổ tiên, Nội, Ngoại tôi ở đó với nhiệm vụ mang một số tiền về làm quà cho họ tộc bên Nội cũng như những người nghèo mà khi ba tôi mất đã để lại một số tiền. Số tiền này chúng tôi đã dùng để giúp những người nghèo khó hằng năm để làm công đức cho linh hồn ba tôi.

Hoa Hạ là trung tâm du lịch trên thế giới cũng như tại VN. Chúng tôi chọn chuyến đi ngắn nhất 4 ngày 3 đêm, trong chuyến du lịch này chúng tôi sẽ đi Vịnh Hạ Long, nơi đã từng là 1 trong những kỳ quan của thế giới, tuy đã bị loại ra khỏi danh sách 1 trong 7 kỳ quan chỉ vì không khí môi sinh không được trong lành cho lắm.

Một điều kỳ lạ là khi bạn mua vé đi du lịch, người ta sẽ không cho bạn biết giờ giấc nhất định bạn phải có mặt tại phi trường mà bạn sẽ phải chờ nhân viên hướng dẫn chuyến đi gọi báo cho biết. Bởi thế không dám đi đâu, lúc nào cũng túc trực điện thoại. Sau cùng thì cũng có mặt ở phi trường TSN, cái nóng hung húc của những ngày đầu năm làm choáng váng bừng người, cho dù chỉ mặc một cái áo phong phanh đi chăng nữa. Đến phi trường Nội Bài Hà Nội đã 9 giờ tối, thế là mất đi một ngày, chỉ còn lại 3 ngày, 3 đêm. Mất đi một buổi ăn trưa tại Hồ Gươm như chương trình đã in trên giấy.

 

TPHCM

Bữa ăn tối cho phái đoàn du lịch chỉ có đậu hũ chiên sốt với cà chua, canh là một bát canh trong veo với vài lát bí được bào mỏng và những món ăn sơ sài khác. Không phải chỉ nơi này mà hầu như tất cả những bữa cơm do du lịch Hoa Hạ khoản đãi, mà lúc nào cũng thấy có món đâu hũ. Canh thì bao giờ cũng trong veo có lúc là vài sợi rau hẹ hay vài lá cải xanh bơi lội trong đó.

Về đến khách sạn, tuy đã hơn 10g đêm, nhưng tất cả chúng tôi đều tìm cách tiêu những thì giờ không nhiều mà cơ quan dịch vụ Hoa Hạ đã lấy đi một ngày. Hai chúng tôi thả bộ trên những con phố của 36 phố phường, con phố mang tên phố này phố nọ thay vì mang tên những con đường như ở trong Nam. Trời lành lạnh đủ để khoác cái áo “poncho” bên ngoài, trong khi những người ở đây, những người từ trong Nam ra đã phải mặc những chiếc áo lạnh to, đeo găng tay, đội mũ quàng khăn kín thế mà vẫn cứ xuýt xoa, cái lạnh ở đây chỉ đủ hiu hiu cho tôi cái cảm giác nhẹ nhàng dễ chịu hơn cái không khí oi bức của Sài Gòn…

Nhìn những tấm chiếu trải sát nhau trên vỉa hè trước những cửa tiệm đóng cửa, lúc đầu chúng tôi cứ ngỡ đó là những chỗ nằm của những người không nhà cửa, sống ngoài đường đã trải chiếu dành chỗ nằm như ở trong Sài Gòn trước kia, nhưng không, đó là những tấm chiếu của những người bán khô mực ở bên lề đường. Khách là một nhóm nhỏ của mấy cô mấy cậu ngồi quây quần trên chiếu nhâm nhi rượu với mực khô.

Nhưng nếu bạn đi dạo Hồ Gươm vào buổi tối, bạn sẽ lại thấy những chiếc bàn ngắn chân được kê trên những tấm chiếu trải trên vỉa hè hay dọc theo Hồ Gươm mà các tiệm ở đấy đã kê ra cho khách thưởng ngoạn những món ăn đặc sản của họ. Khách ngồi trên chiếu, thức ăn với những chiếc lẫu nóng hổi hay những thức ăn khác bày trên bàn với những chai rượu trắng mà khách phần đông là những người trẻ tuổi, họ ngồi ăn chuyện trò vui vẻ ngon lành hình ảnh này chắc bạn cũng đã thường bắt gặp trong các phim ảnh Đại Hàn.

Đi Vịnh Hạ Long phải đi qua Quảng Ninh, nơi những mỏ than đứng đầu của VN nên chính khu vực này đã làm Vịnh Hạ Long không còn có tên trong danh sách 1 trong 7 kỳ quan của Thế Giới. Quảng Ninh khói đen mù trời, xe phải tưới nước trên quốc lộ để giảm bớt sự ô nhiễm trong vùng này. Tuy thế người dân ở đây vẫn an nhàn sống trên mảnh đất quê cha đất tổ của họ.

Không cần nói chắc bạn cũng đồng ý Vịnh Hạ Long rất đẹp nếu bạn đã từng đến đây. Bên trong hang động rất là kỳ tích và không ngờ tạo hóa đã dành nhiều đặc ân cho Việt Nam quê hương chúng ta đến như vậy, không phải chỉ một Vịnh Hạ Long mà còn nhiều thắng cảnh trên khắp các nẻo đường VN. Đặc biệt trong các hang đông của Vịnh Hạ Long, bạn sẽ không thấy một một dấu vết viết chữ hay khắc tên bằng chữ VN trên đá, mà khi đi gần ra ngoài mới thấy những hàng chữ bằng tiếng Tầu sơn đỏ khắc trên một vài hòn đá. Hỏi người hướng dẫn viên, họ cho biết là lính Tàu đã dó một thời gian kéo sang công kích, xung đột, họ đã từng đóng ở đây khi “tình hữu nghị anh em” bị sứt mẻ, tranh chấp.

Ngày hôm sau thì phái đoàn đi “lăng” sau đó sẽ đi tham quan thêm một nơi nào đó và sẽ ra thẳng phi trường trở lại Sài Gòn. Hai chúng tôi bỏ đoàn thuê taxi về Nam Định bởi làm sao tôi có thể nhìn cái xác chết thuở sinh thời đã từng làm khổ dân tôi? Đã làm chúng tôi phải tìm đường đi, đã làm biết bao nhiêu người vùi thân nơi rừng sâu, biển dữ? Đã làm đất nước tôi tang thương? Biết bao gia đình tan nát? Cầm những đồng tiền có in hình mà tôi rùng mình, lạnh người đến phải lật sang mặt khác…  Hình như vấn đề đi “thăm” này bắt buộc phải có cho tất cả các dịch vụ du lịch…

Tình cảm chân thành của bà con họ hàng Nội, Ngoại làm chúng tôi thật cảm động, tất cả những chiếc áo lạnh, áo “jackets” của nhà tôi mang theo đều được đem ra tặng lại cho những ông chú ở nơi đây… Đời sống quê tôi dù sao cũng đỡ vất vả hơn xưa cho dù cái nghèo cái giầu đã quá chênh lệch nơi đất nước này.

Chợ Viềng:

Trên đường trở về sân bay Nội Bài, đi lại con đường đã đi vào buổi sáng, con đường càng lúc càng đông như kiến, nam thanh nữ tú đầy đường. Người ta nhóm chợ, chợ Viềng, một phiên chợ hằng năm nhóm họp vào ngày mùng 7 tết, người người khắp nơi đổ về đây. Ở đây người ta bày bán cây cảnh 2 bên đường, họ bày bán bất cứ những đồ dùng cũ hay đồ mới. Họ bán những cái không may và mua những cái lộc may khác về nhà. Những ngôi chùa bên đường nghi ngút khói nhang. Những công quả chở đây trên xe, xe hơi, xe 2 bánh và cả xe du lịch. Mặc dù kẹt xe nhưng tôi vẫn cảm thấy thích thú vì những nét đặc thù văn hóa của quê hương tôi. Mắt tôi cay sè bởi khói xe lẫn bụi đường. Xe cộ kẹt cứng 2 đầu cứ dồn lại rồi lách qua, len lỏi qua. Xe nằm chờ cả 1 tiếng mà vẫn không nhúc nhích, cậu bé lái “taxi” đành quay lại tìm đường đi khác. Cậu bé lại chẳng rành rẽ cho lắm nên lại gọi điện thoại cho ông chú tôi hỏi đường, đi một quãng lại hỏi chủ xe “taxi”  chạy thế nào? Chúng tôi thật không may…

Xe rồi cũng cố lách lỏi ra khỏi khu chợ Viềng, xe cố chạy nhanh về phía Nội Bài cho kịp chuyến bay cho dù chúng tôi đã phải kiếu từ để trở ra phi trường trước 4 tiếng đồng hồ. Thời gian càng lúc càng gấp rút, con đường gồ ghề lồi lõm khó đi, tài xế nhỏ biết tôi lo lắng trễ chuyến bay nên vừa lái xe vừa gọi cho ông anh đang làm việc ở phi trường TSN xem có cách nào giúp chúng tôi giữ chỗ ngồi trên chuyến bay nếu chúng tôi không thể đến phi trường trước khi chuyến bay khởi hành là 30 phút như điều lệ ấn đinh. Thằng bé tài xế bằng tuổi Vũ của tôi, vừa mới lấy vợ, cậu bé vừa lái xe vừa dặn dò:

– Nếu đến nơi, tụi nó không cho cô chú lên, cô đừng nói tiếng Việt, cô cứ nói tiếng Anh, cô la ầm lên tụi nó sẽ phải giải quyết cho cô chú đi, nhưng mà cô lấy tên Việt hay Mỹ?

Nghe cậu bé nói đang lo lắng bồn chồn cũng phải bật cười:

– Thôi, lỗi tại mình không theo đúng luật thì làm sao mà la với hét.

Rồi cũng đến phi trường, sau khi liên lạc với chủ xe “taxi,”  tôi bằng lòng trả thêm tiền và tặng cậu bé một số tiền làm quà, cậu bé luôn miệng:

– Cháu xin lỗi cô chú… cô chú vào nhanh lên, cháu tìm chỗ đậu xe xong sẽ vào với cô chú sau.

– Thôi đừng, Đại về đi, cô chú cám ơn nhiều…

Chuyến bay trễ, dĩ nhiên là 2 chỗ ngồi của chúng tôi đã có người thay thế. Người phụ trách chuyến bay hững hờ lạnh nhạt, không thèm đếm xỉa đến chúng tôi, nhưng khi nghe chúng tôi bằng lòng trả thêm mỗi ngươi 1 triệu rưỡi để đi chuyến bay với chỗ ngồi “business” thì cô ta niềm nở hẳn lên…

– Dạ cô chú nhanh lên hộ nhé, cô chú đi cổng 39, dạ cô chú…v..v. vâng, kính chúc cô chú…

Eo ơi ngọt ơi là ngọt. “Cell phone” tiếp tục “ring.”

– Cô ơi, cháu xin lỗi cô nhé, cháu rất tiếc là cô chú đã trễ chuyến bay…

Ồ thì lại cậu chủ xe “taxi,” cứ áy náy đã làm chúng tôi trễ chuyến bay, tôi lại cứ phải:

– Không sao đâu, cô cám ơn Thắng nhiều đã lo cho cô, chúc Thắng một năm mới làm ăn phát đạt nhé, cô sắp đi rồi.

Quay sang cậu bé lái xe, tôi lại phải thúc dục:

– Thôi Đại về đi kẻo bà xã chờ, bà xã đang chờ Đại đưa đi ăn Valentine tối nay đó. Cô chú cám ơn thật nhiều, gởi lời cám ơn anh của Đại nhé.

Ngồi trên máy bay tôi thở phào nhẹ nhõm, vì nếu ở lại chờ chuyến bay thì không biết lúc nào vì những ngày như hôm nay người ở ngoài Bắc sau khi ăn tết họ phải vào trong Sài Gòn để làm việc thành ra… cũng lỗi tại mình cho dù đã cố gắng đi sớm 4 tiếng đồng hồ.

Nhưng dù sao tôi cũng cảm thấy tôi là một trong những người may mắn được trở về nơi quê hương mình, được nhìn thấy tận mắt những ngôi mộ tổ tiên Nội, Ngoại, được đứng trong ngôi nhà từ đường, được nhìn thấy những di sản của ông bà Ngoại để lại, được ăn cùng mâm, uống cùng một ly nước của họ tộc Nội – Ngoại và được biết thêm những tấm lòng dễ thương mà chúng tôi đã gặp trong chuyến đi, những người Bắc sinh sau cuộc chiến…

Qui Nhơn:

Đáp xuống phi trường Tân Sơn nhất sau chuyến bay muộn màng từ Nội Bài là 11g30 đêm. Cái nóng hừng hực làm tôi choáng váng trong khi những người chung quanh vẫn những chiếc áo lạnh dầy cộm. Khí hậu ở ngoài bắc dễ chịu bao nhiêu thì khí hậu ở đây làm tôi ngột ngạt bấy nhiêu.

Sáng hôm sau đến nhà cậu em, ngồi nói chuyện một lúc, ý nghĩ đi Qui Nhơn quay quắt trong đầu, vâng, đã nói rồi, bằng bất cứ giá nào tôi cũng phải về lại Qui Nhon, nơi đã một thời ôm ấp tuổi thơ tôi, tuổi con gái của tôi mà hình như không bao giờ tôi có thể quên được, bởi có quá nhiều kỷ niệm. Một trong những kỷ niệm như không bao giờ quên được.

Em tôi đưa đề nghị:

– Anh chị đi xe lửa chiều nay thì sáng mai sẽ đến Qui Nhơn, em sẽ gọi thằng bạn em kiếm khách sạn và lấy phòng trước. Nó sẽ đón anh chị và lo cho anh chị thời gian ở Qui Nhơn.

Tôi e ngại phải làm phiền người khác, nhưng em tôi nhất định, thế là chúng tôi vội vàng chở nhau tìm đường đến ga xe lửa Sài gòn.

5g chiều, chúng tôi phải có mặt tại ga xe lửa, mọi người dặn dò là phải coi chừng xách tay, cẩn thận tiền bạc làm tôi cũng run. Nhưng không, điều phải nói là tại các ga xe lửa, hay bến xe rất an toàn, không thấy những người bán hàng rong, không thấy những em bé bán vé số hay đeo những khay bán kẹo… tôi cảm thấy phục chính phủ hiện tại, họ đã có thể dẹp được những tệ đoan ấy một cách dễ dàng đối với họ.  Vâng, với họ chuyện gì mà chẳng dễ dàng???

Bước vào xe lửa, ghế ngồi trên xe lửa không giống như những chuyến xe lửa ngày tôi còn bé theo ba mẹ từ Huế vào Đà Nẵng, những chuyến xe lửa đi qua đường hầm tối đen, khói than bay vào mắt. Ghế ngồi trên xe lửa như ngồi trên xe, ngả người ra, thỉnh thoảng họ đẩy những chiếc xe bán hàng như trên máy bay… bán vịt lộn, bán cháo, bán bắp luộc, bán xôi…v..v. Nhưng họ không phải là người miền nam, miền trung, họ là những người từ miền bắc vào đây buôn bán làm ăn, thế còn những người buôn bán địa phương đâu? Chẳng lẽ họ không còn muốn rao hàng ở các trạm xe đò, ở các ga xe lửa? Hay cái quyền buôn bán của họ đã bắt buộc phải lui lại và nhường cho người khác???

Xe lửa đến nơi khoảng 6g sáng, không nhớ là tại Bà Gi hay Phù Cát, vì tất đã thay đổi, thay đổi hoàn toàn. Qui Nhơn của mấy chục năm trước đã hoàn toàn biến mất để nhường lại cho một Qui Nhơn mới mẻ, đẹp đẽ hơn, khang trang hơn và tôi không còn nhận diện được một tý gì của Qui Nhơn ngày xưa nữa. Bạn em tôi gọi điện thoại liên lạc thường xuyên để biết lúc nào tôi đến… tôi gọi cho chị Thanh Ba, chị mừng rỡ reo lên vì tôi đã có mặt ở Qui Nhơn, chị sợ tôi không về như đã hứa.

Ông xã tôi từ khi đặt chân trở về nơi đã bỏ đi hơn 28 năm nay, buồn vui lẫn lộn nên tim lại dở chứng đập loạn cả lên trên tuyến đường xe lửa từ SG về Qui Nhơn làm tôi lo lắng, gọi điện thoại cho bạn em tôi, hắn trấn an và nói khi chúng tôi đến khách sạn, hắn sẽ chở nhà tôi đến gặp bác sĩ về tim ngay…

Bạn em tôi đã có mặt ở khách sạn từ sáng thật sớm, gặp hắn tôi nhận ra ngay… Khách sạn quay mặt về biển, để từ đó tôi có thể nhìn thấy những đợt sóng dồn vào nhau rồi lại cuốn ra xa. Sau khi nhận phòng, hắn đưa nhà tôi đi BS… Một lần nữa tôi phải công nhận là thuốc tim ở VN rất hay hơn bên Mỹ nhiều. Bạn đừng bảo tôi nói dóc nhé.  Thật đấy.  Ông xã tôi uống một lúc là nhịp tim trở lại bình thường ngay, không như ở bên này, mỗi lần bị như thế phải chờ rất lâu nhịp tim mới trở lại bình thường. Chẳng thế mà khi trở lại Mỹ chúng tôi đã không quên mua nhiều để phòng khi cần đến.

Trong khi chàng nằm nghĩ, chị Thanh Ba đến đưa tôi đi vòng quanh Qui Nhơn, trước tiên là về nhà chị. Về căn nhà trong chân núi, căn nhà của cái bánh chưng cuối năm. Căn nhà với những cây vú sữa, những cây ổi, những cây tầm ruột và cụm hoa lài ở góc vườn… Con đường về nhà chị, về căn nhà trong chân núi ngày nay không còn là những con đê gập ghềnh, không còn là những thửa ruộng 2 bên đê để mỗi lần lái xe đạp vào nhà nhiều lúc ngả nghiêng muốn ngã… Con đường rộng, những thửa ruộng đã được lấp và những căn nhà to, cổng rào được xây cất lên. Nhà chị vẫn là căn nhà cũ ngày tôi chưa bỏ đi, ngày tôi vẫn vào thăm, nhưng bên trong mai vàng đầy sân, khuôn viên vườn tược thu nhỏ lại, những chậu kiểng to với những loại cây uốn nắn trong đó. Trên hiên nhà những chậu lan treo lủng lẳng đong đưa theo gió. Nhìn khoảng vườn chung quanh, tôi không còn thấy đâu những cây vú sữa, những cây nhãn xum xuê cành lá cho chim làm tổ… chị bảo:

– Chị đã bán một phần để sống, một phần bị họ lấy, chị làm đơn đòi lại cả mấy năm nay mà không thấy họ nói gì…

Bàn thờ có ảnh của ông cụ, của anh, tôi thắp nén nhang để tưởng nhớ đến người đã khuất. Hai khuôn mặt quen thuộc đã dự một phần trong tuổi đời bé bỏng ngây thơ của tôi làm tôi rưng rưng… Chị Nhị đang ở trong Saigon trông cháu trong thời gian Vy, con gái của anh chị du học ở Á Nhĩ Lan cả 1 năm rưỡi. Con bé Vy bé nhỏ ngày nay cũng đã trưởng thành, giáo sư của một trường đại học SG, và ngoài ra còn làm việc cho một ngân hàng ngoại quốc. Anh nhé, anh yên tâm lắm phải không? em mừng cho anh chị…

Chị Thanh Ba chở tôi đến những nơi chị nghĩ tôi muốn đến… đến ngôi trường tôi học ngày xưa, nhìn ngôi trường khác lạ ngôi trường ngày nay được gọi là trường Đại Học Quang Trung, tôi không thấy những tà áo trắng, tôi không thấy những bà sơ mặc áo đen đi lại trên hành lang…  Tôi ngậm ngùi xin phép vào trong để chụp vài tấm hình lưu niệm. Trường tôi ngày xưa đâu có cần trạm gác, cổng trường tôi ngày xưa chỉ có một bà già hung dữ canh chừng chúng tôi không cho đám con gái chúng tôi lén ra ngoài trong giờ học… Trước cổng trường tôi cũng không còn thấy ai đẩy xe bán chè đậu đỏ, bán gỏi khô bò và cũng chẳng còn thấy ai bán hàng rong trước cổng trường, tất cả đã theo tôi bỏ đi mắt tăm từ cái thuở nào xa xưa lắm.

Thời tiết ở Qui Nhơn đẹp làm sao, trời không nắng, chỉ có cái lạnh nhè nhẹ đủ cho tôi khoác poncho bên ngoài cái áo mỏng manh của mình, cho tôi có cơ hội trang điểm khuôn mặt mình chứ không phải như ở SG, cái nóng đã làm tôi điêu đứng khi bước ra ngoài. Thấy tôi tươi vui ngồi sau không kêu ca cái lạnh, không xuýt xoa, chị nhìn tôi cười:

– Con nhỏ này khoẻ ghê, bộ em không lạnh hả, đi xe lửa cả đêm không mệt sao?

Tôi tươi cười áp mặt sau lưng chị:

– Cái lạnh ở đây dễ thương quá, bộ chị lạnh lắm sao?

– Ừ, năm nay thời tiết thay đổi kỳ quá, lạnh gì đâu không à…

Vậy là cái may của tôi khi đến Qui Nhơn giữa thời tiết êm dịu này để tôi được nhìn lại những gì tôi muốn thấy, cái khí hậu với gió biển đã làm tôi quên đi mất giấc ngủ không đầy trên xe lửa đêm qua.

Về đến khách sạn, chúng tôi rủ nhau đi ăn, sau đó bạn của em tôi đề nghị đưa chúng tôi đi Ghềnh Ráng, đi thăm mộ Hàn Mặc Tử, đi thăm trại cùi Quy Hòa….

Bạn em tôi chở chị Thanh Ba, còn nhà tôi chở tôi, hai chiếc xe honda theo nhau chạy qua những con đường mà tôi không thể nào nhận diện được:

Bạn em tôi quay sang:

– Chị có biết đây là đâu không? Đây là “Eo nín thở” ngày xưa đó.

Tôi bật cười, à thì ra đây là khu 2, nơi eo biển có những đống rác cao mà mỗi lần đi ngang chúng tôi phải ráng đạp xe cho nhanh, không dám cả thở…

– Chị có nhớ đây là đâu không?

Tôi lắc đầu, hắn nói tiếp:

– Đây là nơi ba chị đóng binh ngày xưa, Liên đoàn 6 Công Binh, đại đội 605 đó chị nhớ không?
Không, làm sao mà nhớ vì bây giờ đã thay tên đổi chủ, bây giờ đã thay thế bằng Liên Đoàn Địa Chất 5… Tất cả đã thay đổi, cuộc đời của chúng tôi đã thay đổi, đại đội của ba tôi không còn nữa, Liên Đoàn 6 Công Binh không còn nữa và… ba tôi cũng không còn nữa…

Ghềnh Ráng:

Con đường lên Ghềnh Ráng, đẹp lắm, nhưng cái đẹp nhân tạo đó đã lấy đi những cảnh thiên nhiên của những tảng đá, hòn đá nằm ngả nghiêng nằm chồng lên nhau trên bãi biển, nước đã bị đẩy xa ra khơi, họ làm khu du lịch ra đến tận Hòn Chồng. Hòn Chồng mà mỗi lần chúng tôi đã phải cheo leo khó khăn khi ra đến… bây giờ không còn như xưa… chỗ nào cũng thấy làm khu du lịch… Nhà thờ Ghềnh Ráng nhỏ bé làm thật đẹp, nhưng nghe nói đất chung quanh khuôn viên nhà thờ cũng bị cắt xén, họ đã cắt xén 1 phần và bán cho người Mã Lai xây nhà hàng thật to nằm sát bên nhà thờ, nhưng nhà hàng hình như không có khách…

Mộ Hàn Mặc Tử:

Mộ Hàn Mặc Tử cũng không còn có vẻ một ngôi mộ cũ kỹ mang tính cách lịch sử của giòng thời gian với một thi sĩ nổi tiếng mang theo huyền thoại của những mối tình trong thời gian trước và sau khị bị bịnh. Họ đã làm lại, họ đã lấy đi một ngôi mộ đơn sơ xây bằng xi măng cũ kỹ nằm lưng chừng trên triền núi…

Đường lên trại cùi Qui Hòa, con đường lên dốc cao có cảm tưởng như đang lên vùng cao nguyên Đà Lạt, đẹp lắm, khang trang lắm nên mới có thể lấy tiền du khách. Nhưng sao đành lòng lấy cái đau, cái bất hạnh của người khác làm nơi du lịch cho người đời thưởng ngoạn? Con đường ngày xưa vào khu người bịnh trông rất nên thơ với những hàng thông, hàng liễu chạy dài, con đường như được lót bằng thảm nhung êm chân bởi những lá thông rụng xuống đầy đường đi, đến nỗi ngày ấy tuy còn bé, tôi đã phải thốt lên với mẹ:

– Con ước con được ở nơi này…

Chưa kịp nói xong đã bị mẹ cắt ngang bảo tôi điên, nói vớ vẩn…

Những con đường bây giờ trông sỏi đá, bụi cát tứ tung, đi ngang cả căn phòng của Hàn Mặc Tử ở ngày xưa… một điều mà ngày xưa không thể nào cho phép… Ngày nay sự tôn trọng những người bất hạnh cũng không còn nữa… Những thửa đất dành cho người bị bịnh nhẹ hay chưa phát bịnh cũng đã được lấy đi để nhường đó là những ngôi biệt thư sang trọng.

Những chương trình từ thiện giúp người bịnh phung cùi ngày xưa do các bà sơ giòng Phao Lồ nay đã phải qua sự giám sát của cơ quan chính phủ…

Nhà tôi:

Chúng tôi quay xe trở lại Khách sạn, Hà, em gái của bạn tôi cũng vừa về từ Phan Thiết cho kịp để chị em gặp nhau. Sau khi chúng tôi dùng bữa ở một nhà hàng hải sản, chúng tôi lại lái xe vòng vòng… đến trước một ngôi nhà thật cũ kỹ, hai bên là hai ngôi nhà cất thật cao, thật khang trang…

Hà hỏi tôi:

– Chị có biết đây là đâu không?

Nhìn ngôi nhà có số 13 lu mờ một bên cổng, tôi nhìn mọi người ngờ ngợ:

– Chẳng lẽ nhà chị ngày xưa? Chẳng lẽ đây là 13 Đoàn Thế Khuyến ngày xưa?

Mọi người gật đầu, tôi băng qua đường… Nhà của tôi thê lương đến thế này sao? Hai cây dừa đi đâu rồi, cổng nhà của tôi cũng không thấy, cây leo lá thật to cuốn ở cột một góc sân cũng không còn nữa… Ttôi đi vào hẻm nhà… Họ đi ra.  Họ cứ tưởng tôi từ một cơ quan nào đến… Su khi cắt nghĩa tôi là chủ ngôi nhà này ngày xưa, nay có dịp đi ngang muốn vào thăm lại… Họ ân cần mời tôi vào… Nhà tôi không phải chỉ một gia đình mà có đến 5 gia đình chia nhau ở, vì những 5 gia đình mà lại không có giấy tờ nên căn nhà không thể nào đập phá làm lại. Và gia đình tôi càng không thể lấy lại ngôi nhà khi phải nghĩ đến chuyện đóng thuế, đến chuyện phải bồi thường cho những gia đình đang cư ngụ…

Phía sau vườn cũng không còn những cây ổi như xưa, cây ổi mà tôi vẫn thường leo lên ngồi học bài vào những buổi chiều buổi trưa cuối tuần. Căn gác sau vườn cũng không còn, nơi mà tôi vẫn thường ngồi đọc sách hằng đêm, nơi tôi ngồi cắn bút tập làm thơ, và nơi tôi có thể đứng bên cửa sổ nhìn ra ngoài để được thấy hỏa châu sáng ở một góc trời.

Cái hầm trú ẩn bom đạn mà ba mẹ chúng tôi làm kiên cố cũng không còn nữa… Tất cả không còn nữa… Vâng!… Tất cả chỉ còn là một đám rong rêu đã bị phủ kín bụi…

Chúng tôi ở Qui Nhơn 1 ngày, 1 đêm và sáng hôm sau mua vé xe trở vào Nha Trang. Chuyến đi vội vã không kịp ghé Chùa Nguyên Thiều, không kịp ra thăm Cù Lao Xanh để thấy biển có còn trong cho tôi nhìn lại những san hô đủ màu sắc, hay cho tôi nếm lại những chiếc nem chua ở chợ huyện của thuở còn đi hoc. Nhưng dù sao Qui Nhơn đã cho tôi cái không khí ngọt ngào mát dịu, cho tôi được nhìn thấy cái đổi thay nơi tôi đã lớn lên, nơi tôi đã biết thế nào là tình yêu, thế nào là nước mắt và thế nào là kỷ niệm?… Những kỷ niệm ngọt ngào mà một người ủy mị nhiều nước mắt như tôi khó mà quên được. Những kỷ niệm ngây thơ hồn nhiên, những kỷ niệm như rong rêu bám chặt vào đời không dễ gì quên được, kể cả không gian lẫn thời gian.

Sông Cầu:

Con đường trở vào Nha Trang không còn giống con đường ngày xưa mà thỉnh thoảng tôi vẫn đi qua vào những dịp cuối tuần. Đi ngang Sông Cầu, tôi cũng không còn nhận ra hàng dừa với bãi cát vàng mấp mé biển xanh mà có lần tôi đặt chân đến, những bước chân vu vơ trên cát, những cái nhìn huyền hoặc thuở mới biết rung động…cái đẹp Sông Cầu ngày ấy như muốn ôm kín trong lòng… những lần theo bạn bè của chị đi Sông Cầu ăn sò huyết… Chợ Sông Cầu không thấy đâu, hàng dừa, biển xanh bãi cát vàng cũng không thấy nữa, bởi con đường ngày xưa đã được thay thế bằng một con đường khác, con đường đi sâu vào trong phía núi…

Nha Trang:

Nha Trang cũng thế, cũng như Qui Nhơn đã thay đổi rất nhiều, trông thanh lịch hơn, đẹp và sạch hơn, khách du lịch cũng nhiều hơn… Cái không khí mát lạnh của miền trung thổi vào vẫn làm lòng tôi êm dịu. Đến khách sạn khoảng hơn 1g trưa, chúng tôi thuê xe “Honda” chở nhau đi vòng vòng khắp thành phố, kể cả những con đường đưa chúng tôi vào “thành” hay ra “thành” gì đó. Những người quen một thời cùng binh chủng với nhà tôi như không tìm được ai, tất cả đều xa lạ khi hỏi thăm tin tức…

Các quán ăn bên đường mọc lên như nấm, những khách du lịch ngoại quốc tay trong tay thả bộ trên những con đường dọc theo bờ biển hay ngồi bệt xuống lề đường gậm ổ bánh mì với một chai nước lạnh Họ thật đúng là dân du lịch, họ ở trong các quán trọ chứ không được khang trang như Khách sạn tôi ở, thế mà tôi vẫn chưa vừa lòng… Hình như họ chỉ cần chỗ ngả lưng khi cần đến. Thỉnh thoảng tôi không dấu sự ngạc nhiên khi thấy một người ngoại quốc ngồi nhâm nhi càfe trong một quán rất bình dân hay ngồi ăn một đĩa cơm trên chiếc ghế con ngoài vỉa hè…

Biển Nha Trang vẫn xanh; biển Nha Trang vẫn đẹp; những túp lều bằng tranh dựng dọc theo bờ biển cho khách nằm nghỉ. Những quán nhạc cũng bập bùng về đêm. Ở đây tôi không có kỷ niệm nhưng sau khi chính quyền miền bắc thống trị, tôi đã năn nỉ gia đình trở về đây, với ước mong tìm được những tàn tích kỷ niệm còn vương vãi, mà cả gia tài của gia đình tôi đã bỏ lại nơi này khi đoàn xe đơn vị ba của tôi đã không tiến nổi vào Sài Gòn như đã dự định. Ba tôi đã chất chứa chị và các em tôi trong chiếc xe “Jeep” của gia đình. Gia tài bỏ lại Nha Trang, bỏ lại tất cả nơi này, gia tài của ba mẹ tôi lúc đó chỉ còn lại là một đàn con nhỏ bé nên ba đã mang cái nửa tiểu đội của ba trên xe cùng với 2 con chó và 2 cây đàn treo 2 bên ngoài hông xe, điều đáng nhớ là ba đã ráng mang theo cái quyển nhật ký của tôi đi cùng… Tôi biết ba đã đọc được nhật ký của tôi và ba đã ngậm ngùi cho con gái của ba…

Ngày ấy khi trở về, tôi không mong tìm được gì ngoài ước ao được tìm thấy những tấm ảnh chụp từ thời thơ ấu của tôi cho đến khi trở thành đứa con gái ngây thơ bé dại. Nhưng tất cả như gió bay đi, bay mất, cuốn thốc ra đại dương thành ra… Tôi không còn gì cho riêng tôi bắt đầu từ ngày ấy.

Sáng hôm sau chúng tôi lên xe trở vào Sài Gòn cho kịp chuyến đi Châu Đốc, nơi có Chùa Bà, nơi mà lễ hội hằng năm vẫn tổ chức.

Hình như gió biển đang thổi lạnh trong tôi, hình như biển đang lung linh trong tôi và hình như tôi sắp khóc…

Trở lại Sài Gòn cũng vào buổi tối, quá giờ ấn định cho các loại xe lớn chạy vào thành phố nên đành phải đậu ở ngoài vì nếu bị bắt, cảnh sát công lộ sẽ giam xe và tài xế sẽ phải đóng một số tiền phạt lớn.  Những khoản tiền phạt hay hối lộ đều do tài xế lấy tiền túi ra đóng. Ở Hà Nội, chúng tôi cũng đã gặp những cảnh làm tiền của cảnh sát công lộ, họ đón chận ở những con đường mà giờ ấn định cho các xe du lịch không được chạy ngang. Nhưng họ biết là vào giờ giấc ấy các xe du lịch đều phải đi qua để đi về phía Vịnh Hạ Long. Người tài xế miền nam có thể năn nỉ…”xin bác, xin anh thông cảm, tôi mới từ Sài Gòn vào không rành rẽ đường đi…” sau đó người tài xế trở lại với khuôn mặt không vui và xe tiếp tục lên đường, anh cho biết phải tốn hết “2 lít” mới xong. Tôi thắc mắc: “2 lít là gì?”  “là 200 ngàn đó cô…” À thì ra là thế.

Vì thế không ai muốn tài xế gặp sự khó khăn nên mọi người thông cảm xuống xe bên ngoài thành phố và đón xe trở về nhà…cũng lại vào buổi tối.

Châu Đốc:

Hằng năm em dâu của nhà tôi từ khi chồng mất đã làm ăn nên, cuộc sống mấy mẹ con khá hơn nên cứ mỗi năm hai lần đều thuê 2 chuyến xe bus xuống Chùa Bà để tạ ơn và làm công quả. Hai chuyến xe bus toàn là bạn bè, thân thuộc bà con. Những thức ăn đầy dẫy mang theo cho những người đi cùng và lễ vật xuống tạ ơn.

Tôi thật sự chẳng muốn đi khi nghe đến cái bụi cái nóng của Châu Đốc, vả lại tôi cũng muốn nhường vé của tôi cho những người cần đi đến đó. Nhưng không từ chối được, các em xúm vào và nhất định muốn tôi đi cho biết. Các em ân cần săn sóc chúng tôi, nhất là tôi từng li từng tí làm tôi cảm động. Nhờ chuyến đi này,tôi đã có khái niệm về miền nam, về những thành phố tỉnh lỵ mà tôi đi qua, những thành phố mà người dân miền nam hiền hòa chân thật nhất trong 3 miền đất nước. Thành phố nào cũng đẹp cũng khang trang, nhưng tôi thích nhất khi đi ngang thành phố Long Xuyên, những cửa tiệm, những ngôi nhà hai bên đường với một màu xanh mát dịu.

Đi qua phà, các em chồng tôi cắt nghĩa về những chuyến phà chở xe, chở hàng, chở khách sang sông, những con đường thu hẹp hay rộng thêm ra bởi đất bồi đất lở, trong khi nhà tôi cứ huyên thuyên với vài ba ông khách đi chung chuyến về thời binh lửa về những nơi chiến trận xảy ra trong những địa danh miền nam mà họ nhớ đến.

Con đường gồ ghề lồi lõm, bụi mù khủng khiếp, có những tấm bảng cắm trên những đoạn đường ngắn, cát xoài ra với hàng chữ “chờ lún.”  Chúng tôi thắc mắc danh từ “chờ lún” một danh từ chưa bao giờ được nghe. Người tài xế cho biết là nhà nước chờ những con đường đó lún xuống rồi mới làm, họ chờ đã nhiều năm nhưng đất lại chẳng chịu “lún” cho nhà nước làm việc nên những con đường lồi lõm càng ngày càng nguy hiểm thêm cho những chuyến xe chở khách qua lại, những dụng cụ máy móc hoặc những ngân khoản tài trợ cho những con đường “chờ lún” ấy, chờ quá lâu nên đã càng ngày càng… hao hụt.

Những nhà trọ kín mít người thuê, nhưng em dâu nhà tôi đã đặt trước nên đã có hai nhà trọ cho những người hành hương. Chúng tôi 8 người ở vào một căn phòng rộng, 2 người một gường, những tấm khăn trải giường, những chiếc gối màu đỏ màu hồng làm tôi ngần ngại… Ở bên này, những lần đi chơi xa phải ở khách sạn, hay những lần đi “retreat” tôi không thể không mang theo những tấm khăn trải giường để cho mình yên tâm dễ tìm được giấc ngủ hơn, nhưng những tấm khăn trải giường tôi mang theo từ bên này về thế mà tôi vẫn không sao tìm được giấc ngủ, có lẽ tại lạ giường, lạ nơi, đông người trong phòng đã làm tôi thao thức suốt đêm, máy lạnh trong phòng bật được một tý lại phải tắt đi vì thấy những người chung quanh tuy không nói nhưng họ cứ hít hà vì lạnh…

Con đường dẫn đến Chùa Bà không xa lắm, hai bên đường đầy dẫy những đống quần áo bán thật rẻ cho khách tứ phương đến trong những dịp lễ. họ gọi đó là quần áo “si-đa.” Tôi cũng không hiểu tại sao họ lại dùng chữ “Si-đa” để chỉ cho những đống quần áo cũ bán bên lề đường, hay ngoài vỉa hè? Những đống quần áo được mang sang từ Thái Lan, Campuchia của những cơ quan từ thiện đã được các nước tây phương viện trợ.

Chùa Bà:

Đến Chùa Bà mới thấy đức tin của những người đến đây thật mạnh mẽ. Khi người ta khốn khổ, khi người ta khổ đau, đức tin sẽ là cái phao để đưa người ta vào bờ, vào bến bình an, cái tâm bình an mà mọi người cần có. Và Bà Chúa cũng là một trong những cái phao mà người Việt Nam, người Trung Hoa cũng như người Campuchia bám lấy từ khi có cuộc đổi đời ở cái đất nước tội nghiệp của tôi… Trong Chùa Bà kín mít người, khói nhang mù mịt, 2 chúng tôi cũng cố len lỏi vào bên trong chánh điện để xem những hình ảnh và quang cảnh bên trong chùa. Những tượng phật với nhiều tên tuổi mà tôi chưa hề biết đến được xắp xếp trên những bàn thờ sát tường, những người dân lam lũ buôn bán, đứng cúi lạy chấp tay khấn vái lia lịa. Những tiếng ngân nga từ cái chuông to kê ở góc chánh điện thỉnh thoảng được phát ra làm lòng tôi lắng dịu tuy tôi đang ở giữa chỗ chen chúc đông người, giữa những tiếng thì thào, những tiếng van xin không được yên tịnh cho lắm.

Bên ngoài chánh điện khói hương cũng vẫn nghi ngút, những chiếc bàn dài được kê ra cho khách thập phương đặt lên những thức ăn, bao gạo, những con heo quay to lớn, những hoa quả đủ loại đặt đầy bàn để tỏ lòng thành tạ ơn của tín đồ. Tín đồ cũng có thể xin một ít hoa quả, nhang đèn như xin lấy cái phúc lộc cho gia đình hay cho chính mình.

Đến gian nhà chứa đựng những kỷ vật mà khách thập phương tín đồ đã đem đến tặng cho Bà. Ở đây toàn là “vòng vàng, ngọc ngà châu báu” của trần gian mà khách thập phương mang đến để tạ ơn. Tạ ơn Bà đã cho vượt biển đi đến nơi đến chốn nay trở về tạ ơn. Tạ ơn Bà đã cho làm ăn nên… Ở trong các tủ kiếng chưng bày những chiếc áo của Bà mà người ta đem tặng như những “long bào” của một vị hoàng hậu, giát vàng, ngọc trai óng ánh mà tôi thường thấy trong các tuồng tích…  Những chiếc vương miện, những xâu chuỗi đủ màu sắc kể cả ngọc trai, những tấm bẳng khắc ghi tạ ơn bằng vàng chói sáng… Trong những vương miện, long bào của bà thấy có tên của các danh ca cải lương như Bạch Tuyết, Hùng Cường đem tặng…

Sau đó chúng tôi trở về nhà trọ dùng cơm, các cô em chồng rủ nhau thuê xe 2 bánh lên núi, nơi lưng chừng núi chỗ Bà Chúa nằm nghỉ ngày xưa để cầu xin van vái. Khách thập phương leo đến đấy thật vất vả, họ sẽ cột những chiếc lá như những gút mắc bỏ lại nơi này cho Bà Chúa, hy vọng những trắc trở trong cuộc sống sẽ được Bà Chúa tháo gỡ giùm. Tôi cũng có những gút mắc của riêng tôi nhưng tôi muốn tự mình tháo gỡ, cho dù tôi đã cố gắng nhưng hình như các gút mắc càng ngày càng thắt chặt hơn…

Buổi chiều chúng tôi đi xe “thồ” ra phố dùng cơm, tôi chưa hề đặt chân đến đây nên không biết ngày xưa thế nào, cái thay đổi ra sao nhưng cái cũ kỹ vẫn còn, cái thoang thoảng của hương đồng gió nội vẫn phảng phất nơi này.

Chợ Long Biên:

Hôm sau chúng tôi lên xe đi chợ Long Biên thật sớm trước khi trở lại Saigon. Chợ Long Biên bên này đất Việt, bên kia cầu là đất Campuchia. Chợ bán đủ loại mặt hàng và thật rẻ, hàng hóa mang từ Thái Lan sang, người ta chuộng hàng Thái Lan hơn hàng Trung Quốc vì các mặt hàng bền bỉ, tốt và đẹp hơn…  Tôi cũng mua, nhưng tôi lại mua dừa thốt nốt, mua đường thốt nốt làm quà cho em tôi ở Saigon. Một loại dừa chỉ có ở Châu Đốc mà không nơi nào có. Người ngồi trên xe kể lại vào thời giao tranh 2 bên, dân Campuchia tràn sang và họ nói chỗ nào có cây thốt nốt, nơi ấy chính là đất của họ…

Trước khi trở về SG, xe cũng dừng lại nơi mà quân Pon-Pot đã giết và chôn sống biết bao nhiêu người, họ đã thu thập khoảng hơn 6000 xương sọ của các nạn nhân và gom lại 1 nơi, bên ngoài có thể nhìn thấy những chiếc sọ người trắng toát được xếp chồng lên nhau trông như đựng trong một bao ny lông thật lớn. Khách thập phương sau khi đến lễ Bà, họ cũng không quên ghé đến đây để cúng bái và cầu siêu cho những linh hồn bất hạnh ấy sớm được thoát thai hay về nơi hạnh phúc.

Đây là lần thứ hai tôi trở về thăm lại Việt Nam, thăm quê hương tôi kể từ năm 1996, cái năm đầu tiên kỷ niệm ngày đau buồn nhất trong gia đình của tôi. Ngày mà vợ chồng em tôi không rủ không hẹn mà cả 2 cùng ra đi một lần, bỏ lại đứa con gái mồ côi 2 tuổi. Hai em tôi ra đi quá vội vàng trong thời kỳ bao cấp để không kịp thấy sự đổi thay, chuyển mình của quê hương mình, sự đổi thay quá sức tưởng tượng với những người như tôi trở về lần này…

Ăn Chơi:

Nhìn vào giới thượng lưu, giới có tiền hưởng thụ đời sống thừa mứa dư giả, quăng tiền qua cửa sổ không tiếc tay, không nghĩ suy thì không thể không mũi lòng khi nghĩ đến những người khốn khổ bịnh hoạn, nghèo đói mà các nhà từ tâm ngay tại VN và ở ngoại quốc luôn tìm cách gây quỹ để giúp đỡ những người gặp cảnh khó khăn nghèo đói, trẻ em thất học, bịnh tật. Cái cảnh giàu và nghèo quá chênh lệch nhau đến nỗi chính nhà nước cũng nhận thấy điều ấy, nhưng thấy để mà thấy, biết để mà biết chứ vấn đề cứu cái nghèo, cái khó vẫn là bổn phận của những người giàu lòng từ tâm ở bên kia đại dương.

Họ có thể quăng cả ngàn dollars hay hơn nữa trước khi rời bàn tiệc, họ có thể quăng cả chục ngàn dollars trong một bàn đỏ đen. Họ có những cảnh hưởng thụ khoái lạc mà nghe tưởng như đùa, nghe như không thật.

Tắm Bùn – Tắm Tiên:

– Tắm Bùn là tắm gì?

– Là tắm bằng bùn, một loại bùn đặc biệt, đắp bùn lên khắp người, tắm xong rất là thoải mái.

– Thật không?

– Sao lại không thật.

– VN dạo này ăn chơi đến thế sao?

– Ồ, như vậy đã có gì gọi là ăn chơi, bộ không biết ở đây còn có Tắm Tiên nữa hả?

– Tắm Tiên là tắm gì?

– Là tắm không mặc gì hết, không quần áo, mọi người đều giống như Adam và Eva.

– Nói đùa ?…

– Thật mà, ở Thanh Hóa đó.

– Thật không?

– Sao cứ thật không hoài vậy? Té ra Việt Kiều còn nhà quê hơn cả Việt Cộng nữa?

– Nếu vậy thì Việt Kiều quê thật, cứ tưởng đâu chỉ có ở ngoại quốc thôi chứ, ai dè ở VN mà cũng có những chuyện ăn chơi khủng khiếp như vậy. À mà này, sao buổi tối đi ngang đường Huyền Trân Công Chúa, đường Bà Huyện Thanh Quan thấy cứ từng cặp từng cặp ôm sát vào nhau mà sao chính phủ để yên như vậy, không thấy kỳ sao?  Họ không ngăn cấm à?

– Ngăn cấm làm gì, hơi sức đâu nhà nước để ý đến những chuyện đó. Còn nhiều chuyện đáng quan tâm hơn.

– Chuyện gì?

– Thì chuyện nhà đất chẳng hạn.

– À thì ra vậy. Nhưng sao không là những con đường khác mà lại là những con đường mang tên các Nữ lưu Việt Nam?

– Thì đã sao?

Giàu và Nghèo:

Cái giàu và cái nghèo thật khác xa. Cái giàu không thể nào đếm bằng tiền VN, cái giàu đã được đếm bằng vàng, bằng dollars, bằng những căn hộ đắt tiền với hằng mấy trăm ngàn dollars trong một chung cư sang trọng, chung cư có shopping, có hồ bơi, có phòng tập thể dục, có cả trường học cho con học theo chương trình ngoại quốc. Nơi chung cư mà vợ chồng Nguyễn Cao Kỳ đang trú ngụ, nơi mà các tài tử, ca sĩ VN đang ở đó. Nơi mà mà những chiếc xe BMW hay Lexus bao trùm nằm dưới parking, họa hoằn lắm mới đưa xe ra ngoài phơi nắng. Nơi mà khách đến thăm phải trả tiền parking trước khi dắt xe ra về. Nơi mà cận vệ túc trực canh gác ngày đêm.

Đời sống thường nhật của họ thay vì mua thực phẩm ở các chợ, nay họ mua ở các siêu thị với những thực phẩm “cao cấp” ngoại quốc. Họ sắm sửa ở các cửa hiệu hay trong các shopping sang trọng từ quần áo cho đến đồ dùng. Họ dùng tiền dollars rành rẽ hơn tiền Việt Nam và hình như họ cũng như tôi, một Việt kiều lọng ngọng trong cách xử dụng tiền tệ Việt Nam.

Trong khi đó cái Nghèo đã phải đếm bằng từng bữa ăn, từng ổ bánh mì, những bữa ăn đói no, những bó rau, những lon gạo lúc nào cũng phải cân nhắc. Cái nghèo được đếm bằng những lo âu, những đêm mất ngủ khi nhìn những đứa con ngủ đói trên nền xi măng với những áo quần không lành lặn. Những bữa cơm hiếm hoi thịt cá…

Những sáng thật sớm, hay những lúc tối khuya những người phu quét đường lại là những phụ nữ, những cô gái còn trẻ, rất trẻ lum khum quét đường, thu dọn những đống rác hôi thối bên lề đường và chỉ có một chiếc xe đạp cũng có thể là phương tiện di chuyển những thùng rác to lớn len lỏi giữa giòng xe cộ tấp nập trên đường trông như một người đang làm xiệc… Hình ảnh người con gái đạp xe cồng kềnh với những thùng rác trên đường; những người con gái lom khom quét những đống rác trong lòng đường, nơi vỉa hè vẫn làm tôi bận tâm cho dù đang ngồi nơi đây… Họ là những người không có tuổi xuân, họ là những người nghèo khốn khó đang lót đường cho những người giàu có bước lên…

Những Tấm Lòng Vàng:

Cái nghèo khốn khổ đó đã dấy lên lòng từ tâm của những con người có cuộc sống khá hơn những người nghèo, tuy họ không giàu có như những người giàu có, nhưng họ đã có một tấm lòng xót thương đến những người bất hạnh ốm đau. Họ là những người đang sinh sống tại quê nhà đã cùng một số những người VN tại hải ngoại đứng ra mở Chi Hội Từ Thiện Bảo Hòa tại số 220 Đinh Tiên Hoàng để làm những công việc thiện nguyện như nấu ăn cho các bệnh nhân trong các bệnh viện mà các bịnh nhân trong bệnh viện ung bứu là một trong các bệnh viện mà họ đã đưa tay giúp đỡ.

Đó là những tấm lòng vàng giữa một thế giới đang đảo lộn, không phải chỉ có một Chi Hội Bảo Hòa do chính người Việt Nam đang đảm trách mà còn có nhiều hội từ thiện bác ái khác nữa mà chúng ta không biết đến tên hoặc những người Việt Nam hải ngoại từ bên này Thái Bình Dương đang hướng về quê mẹ…

Việt Nam Quê Hương Tôi và Mưa Nắng Hai Mùa

Những cơn nắng cháy da cháy thịt, những cơn mưa ào bất chợt đổ xuống và hầu như người dân phải cần đến những chiếc ô, chiếc dù để che nắng che mưa, để cuộc đời được yên lành, mà quên đi những khổ nhục đắng cay, nghèo đói, để thấy ánh sáng vinh quang danh vọng sáng ở cuối đường hầm.

Những chiếc Ô, Dù:

Phải đấy, nếu bạn sống trong một xã hội như xã hội đang có tại Việt Nam, bạn phải ý thức được cuộc sống của chính mình, của những người chung quanh mình mà phải uốn mình, lượn mình theo chiều gió.

Cô em chồng của tôi đã một thời làm việc nhiều năm với chức vụ phó trưởng ban tài chánh, nhưng từ chức vụ đó cô đã bị dồn đến chân tường và cuối cùng bị hất ra ngoài. Cô tâm sự với một ví dụ điển hình như khi có những hóa đơn cần nhập sổ, cô phải một mắt nhắm, một mắt mở để làm đúng những gì mà trưởng phòng yêu cầu. Cô không được thắc mắc hay ý kiến mà chỉ được làm theo… Nếu hóa đơn nhập hàng ghi 12 chiếc xe Dream, cô phải sửa lại theo ý của trưởng phòng là nhập sổ chỉ có 8 cái mà thôi… Nhưng nếu chuyện làm ăn ấy có bị bại lộ thì dĩ nhiên cô phải là người đứng ra chịu trách nhiệm cho trưởng phòng của cô. Cô biết nhiều về cách làm việc như thế nhưng cô lại không biết đi kiếm những chiếc ô dù để che những cơn bão, nên cô đã bị đẩy xuống làm việc dưới bếp của câu lạc bộ. Sự ương ngạnh của cô tuy vẫn là chức vụ phó trưởng ban tài chánh nhưng cô bị đày xuống làm việc dưới câu lạc bộ phụ trách việc bếp núc. Cô vẫn kiên trì với sự uất ức của mình để có tiền nuôi gia đình. Nhưng cấp trên vẫn không buông tha, một lần nữa họ lại đày cô làm nhiệm vụ rửa những đóng chén bát, những chiếc nồi thật to và bàn tay yếu ớt của cô đã nứt nẻ, hai cánh tay mỏi nhừ như tê liệt… Chồng con thấy vậy xót xa bắt cô nghỉ, và cô đã về hưu với cái tuổi còn quá trẻ so với bên này.

Cô tuy giỏi với những con số, với cộng trừ nhân chia, nhưng cô lại không thông minh bằng con gái của cô, con bé trông gương mẹ nên nhất định cố làm khác hơn. Cô cháu của chồng tôi nhất định làm đơn xin gia nhập đảng. Nhưng nhiều lần cô bé đã bị từ chối với những lý do:

– Gia đình cô sống bằng tiền chu cấp từ nước ngoài.

– Ba cô trốn nghĩa vụ quân sự.

Thật là oan ức cho gia đình cô em chồng của tôi. Trong thời kỳ bao cấp, gia đình cô đã gặp cảnh thật khó khăn như trăm ngàn gia đình khác. Cô một mặt làm việc cho nhà nước để gia đình khỏi đi kinh tế mới, sau giờ nghỉ việc cô làm thêm cho các công ty về sổ sách để kiếm thêm tiền nuôi con trong khi chồng cô bị bắt đi nghĩa vụ quân sự. Tưởng cũng nên nhắc lại là những thanh niên người nam khi bị bắt đi làm nghĩa vụ quân sự, họ không được phát súng đạn như những thanh niên miền Bắc, họ chỉ có nhiệm vụ khuân vác mà thôi. Chính vì lý do này nên một số thanh niên miền nam đã trốn về lại thành phố, họ đã phải sống khó khắn để tránh né những con mắt cú vọ của chính quyền và cuộc sống lúc bấy giờ đều tùy thuộc vào người đàn bà, người phụ nữ phải đương đầu với xã hội bên ngoài để lo cho gia đình từ miếng cơm, manh áo.

Nhưng may thay, một người đàn bà làm việc chung, thấy cô cháu hiền lành, ngoan ngoãn nên đã bảo đảm cho cô cháu được vào đảng. Cô cháu từ dạo ấy đời sống an lành, không sợ bị ai bắt nạt, không sợ bị loại trừ. Chồng của cô cháu cũng là đảng, được làm chức cao trong ngân hàng và nghe đâu họ đang muốn cất nhắc cô từ một thư ký tầm thường sẽ lên làm phó giám đốc ngân hàng trong tương lai. Tương lai gia đình cô cháu của chồng tôi chắc chắn sẽ sáng sủa hơn gia đình của mẹ cô và chắc chắn hơn những gia đình không phải là người của đảng.

Nhân dịp xuống Châu Đốc, ông xã tôi đi tìm một cậu bé ngày xưa ở gần nhà trọ, để xem cậu bé bây giờ sống thế nào?…  Tìm hỏi mãi mới biết cậu bé bây giờ là giám đốc một ngân hàng nổi tiếng ở Thủ Đức, VN. Ông chồng tôi cứ ngớ ra vì không hiểu cậu bé làm sao mà có một địa vị chót vót như vậy? Thì ra bố của cậu bé là dân đi tập kết ngoài bắc đã cân nhắc cậu bé lên chức vụ ngày hôm này… À thì ra thế!

Thế mới biết những người quyền cao chức trọng là người có tên trong đảng, vì thế họ mới bảo đảm được giá trị cuộc sống của họ, bảo đảm được sự giàu sang trong xã hội. Cái giấy đảng viên quan trọng như một tấm hộ chiếu, như một lá bùa bổn mạng nơi cái xã hội xô bồ đang ô nhiễm bởi khói xe, bởi không khi, bởi khí hậu mưa nắng bất thường.

Khai

Những cơn nắng cháy, nóng bức nhiều hơn những cơn mưa. Những cơn mưa ào không đủ thấm đất, chỉ đủ chạm mặt đất để xông lên những mùi khai, nồng nặc ở khắp nơi, nhất là khu tôi đã trú ngụ những ngày về thăm. Con hẻm bên cạnh nhà hầu như sáng nào cũng thấy những vũng nước mà người đi cố lách sang một bên hay cẩn thận bước qua. Mùi khai nồng nặc thật khủng khiếp bởi cơn mưa không đủ nhiều, đủ mạnh để cuốn đi những vũng nước dơ bẩn, những đống rác vừa dọn đi đã thấy vương vãi như chưa dọn bao giờ.

– Em, sao mấy đứa nhỏ trong xóm kỳ vậy. Tại sao tụi nó cứ ra đầu hẽm đứng tiểu tiện là sao? ghê quá, khai đến buồn nôn, đên chóng mặt.

Cô em út lên giọng bực mình:

– Mấy thằng nhỏ nào đâu chị? Mấy thằng cha mắc dịch uống cafe bên kia đường qua tiểu bậy đó chứ. Đúng là mấy thằng cha mắc dịch…

Tôi tròn mắt ngạc nhiên:

– Cái gì? Họ lớn mà còn như vậy sao? Bộ quán cafe không có nơi cho họ đi sao mà lại sang bên này?

Cô em thản nhiên:

– Thì mấy thằng chả bước sang bên này gần hơn, tiện hơn, nhanh hơn là phải đi vào trong…

Tôi ngỡ ngàng:

– À thì ra thế!…

Tôi chợt thầm hỏi, không biết đến bao giờ thì quê hương tôi mới có những cơn mưa rào, những cơn mưa thật to, mưa lâu hơn những cơn mưa để quét đi những mùi hôi thối, khai nồng trên đất nước tôi vừa mới về thăm… hay rồi cứ vậy cho đến ngày đất mẹ lở loét và mục nát? Nhưng cho dù đất có hôi thối hay khai nồng, tôi cũng không thể chối bỏ đó không là quê hương tôi.

 

 

Nguyễn Thị Tê Hát

 

Việt Nam Quê Hương Tôi! – Nguyễn Thị Tê Hát

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *