Chuyện “Quên”
.
Đến tuổi già, đầu óc chúng ta đã đầy các dữ kiện và kinh nghiệm về giáo dục, gia đình, tình cảm, nghề nghiệp, thương mại, thời tiết, thể thao, du lịch và các thay đổi liên tiếp của luật thuế (của sở thuế vụ)… Chẳng những thế, cái đầu của chúng ta vẫn tiếp tục bị nhồi thêm vào những chuyện nhỏ mọn phải nhớ hàng ngày như: Để cái “TV Remote Control” ở đâu? Cái “hóa đơn” nào phải trả trước? Cái “hóa đơn” nào phải trả sau? …
.
Trên báo chí, truyền hình và truyền thanh hàng ngày có không biết bao nhiêu chuyện vui cười, chuyện đùa chế riễu cái tuổi già lẩm cẩm. Mọi người đều muốn tìm một giải pháp nào đó để trị cái bệnh quên, lãng trí. Theo tôi, giải pháp tốt và đơn giản nhất là viết xuống giấy thành một danh sách các việc phải làm trong ngày. Nhưng quý vị phải nhớ đem theo cái mảnh giấy này trong túi áo; và nhất là phải nhớ đem theo cả kính lão để đọc nhá. Thiệt tình! Muốn khỏi quên mà sao phải nhớ nhiều thứ quá vậy hà?!
.
Ngạn ngữ Trung Hoa có câu:
.
“Những giòng chữ viết dù nguệch ngoạc, mực lờ mờ vẫn hơn là trí nhớ tốt!”
(“The palest ink is better than the best memory!”)
.
Trí nhớ chỉ có giới hạn. Muốn nhớ những điều quan trọng thì phải quên bớt những cái “nhảm nhí” đi. Cái gì gọi là nhảm nhí? Cái đó còn tùy quyết đoán của mỗi người. Theo tôi, những câu chuyện, những con số không có ích lợi gì cho hạnh phúc cá nhân và gia đình được phân loại là nhảm nhí. Tạm dời cái đám chuyện nhảm nhí này xuống bao tử để nó để nó có đường đi ra ngoài cơ thể. Nhường chỗ trong đầu óc để giữ các điều cần thiết phải nhớ. Vào cái tuổi 60+, cái kính lão thật là quan trọng. Không có kính, sẽ bấm lầm số trên cái điện thoại bàn hay cái điện thoại cầm tay nhỏ xíu. Không đọc được con số trên lọ thuốc để gọi nhà thuốc tây làm một cái “rì phiu” (“refill”) cho thuốc cao máu, thuốc hạ “mỡ trong máu” (“cholesterol”); không đọc được tên đường đi về nhà; đi “xả bình” vào lộn chuồng – tưởng buồng tắm đàn bà là buồng tắm đàn ông!
.
Cái nghịch lý là: Quên đôi khi không hẳn là xấu – có thể tốt là đàng khác?! Có nhiều lúc cần phải quên. Thí dụ như cố quên cái lần cuối cùng mình bị bà con đã đảo, xỉ vả vì tuyên bố tầm bậy tầm bạ thọc gậy bánh xe? Cố tình quên trả nợ cho bà chị vợ (kéo dài thêm được ngày nào đỡ ngày đó!) Quên đôi khi cũng là một đề tài hào hứng cho các cuộc chuyện trò. Chẳng hạn:
.
“Tôi chắc là già rồi! Sao hay quên quá?”
“Tôi quên tên của người quen, quên sinh nhật của mọi người!” …
.
Quên [hay giả vờ quên] có thể dùng để may ra tránh khỏi tội, với cảnh sát xa lộ chẳng hạn:
.
“Thưa ông, vì bận rộn quá nên tôi quên ra sở lộ vận để làm lại cái bằng lái xe đã hết hạn.”
.
Hoặc
“Tôi quên đây là đường một chiều?”
.
Hoặc
“Tôi quên là đường này chỉ cho chạy có 35 miles một giờ!”
.
Chúc quý vị may mắn được tha, không bị phạt bởi vì ở xứ sở nầy cảnh sát không chịu nhận hối lộ và cũng không có thời giờ chịu khó nghe lời năn nỉ ỉ ôi của quý vị đâu!
.
Còn lại, quên có nhiều điều tai hại, nặng nhẹ tùy hoàn cảnh.
Đầu tiên, quên khó mà được chấp nhận trong hôn nhân. Chẳng hạn như:
.
“Em ơi, anh quên đi đón con ở trường!”
“Em ơi, hôm nay thứ Sáu mà anh quên đem rác ra!”
“Em ơi, hôm nay có phải là ngày sinh nhật của em không?”
.
Xin nhắc thêm với quý vị có cố tật lẩm cẩm là muốn nhớ ngày sinh nhật của vợ, bạn chỉ cần quên một lần là biết liền!
.
Kế đó, trong sở làm:
.
”Mr. John [một ông xếp lớn nào đó!] tôi không nhớ là ông bảo tôi phải nộp cái tờ báo cáo hôm qua hay là hôm nay?”
[Đồ ngớ ngẩn! Tờ báo cáo phải nộp từ tuần trước rồi!]
.
Chính bản thân tôi luôn luôn dùng các lý do “lúc này bận rộn quá” hoặc là “bây giờ già rồi” để bào chữa cho cái vụ cố tình quên hay thật tình quên. Thật ra tuổi già và “bệnh hay quên” là cập bài trùng, y như là hai miếng “velcro” dính chặt với nhau. Bệnh Quên (“Alzeimer”) được các quý vị cao niên đề cập đến mỗi ngày như tin thời tiết cho tầu chạy ven biển. Rất tiếc cho đến bây giờ, đây là bệnh chưa có thuốc chữa nào gọi là khả dĩ! Mỹ đã lên đến mặt trăng và trở về nhiều lần, vậy mà họ vẫn chưa tìm ra thuốc chữa bệnh Quên. Bây giờ có một quý vị a-na-mít nào tài giỏi trong cộng đồng tìm ra được thuốc trị bệnh Quên, thì chỉ qua một đêm có thể trở thành tỷ phủ liền khỏi phải chờ trúng lô tô!
.
Khi đầu óc chúng ta nhận vào một mẩu tin, một sự việc hay một kế hoạch (plan) nào đó, mình đinh ninh là mọi sự sẽ được giữ một cách linh động trong đầu ít ra cũng được một thời gian ngắn. Chẳng hạn như: Đặt ly cà phê “Starbucks” mới mua ngay trên nóc xe để rảnh tay lấy cái chìa khóa xe trong túi quần ra. Chỉ trong vài giây đồng hồ, làm sao có thể quên được! À há, chỉ mười giây sau đó bạn đã biết là chuyện gì sẽ xảy ra: “Mình đã vào xe và lái đi và quên bẵng đi là ly cà phê 4 đô là rưỡi vẫn còn nằm ở trên nóc xe!” Chuyện này không phải là chuyện lạ, nhìn thấy hoài hoài ở bãi đậu xe. Cũng còn may là chưa đặt con nhỏ sơ sanh ở trên nóc xe để lấy chìa khóa xe! Hậu quả như thế nào, rất dễ hiểu chẳng cần phải bàn thêm!
.
Chỉ vì đầu óc và cơ thể của mình di chuyển nhanh quá, không có thời giờ để ý đến các sự vật chung quanh; cho nên mới dễ quên. Cứ ngồi thử đếm lại mình đã bao nhiêu lần quên mất mấy cái “mật mã” ([PIN – Personal Identification Number, Passwords) dùng cho máy điện toán, các trang mạng và thẻ tín dụng … Xin nhắc lại về cái vụ này thì lại không nên viết rõ ràng xuống giấy đã được nói ở trên. Phải viết cho khéo, nếu không lỡ “mật mã” rơi vào tay kẻ bất lương thì có mà đổ nợ!
.
Bạn có biết rằng trong Anh ngữ chữ “Lethal” và “Lethargy” có nghĩa là: “Có thể gây cho người và vật thiệt hại nặng nề.” Nghĩa thường dùng của chữ “Lethal” là “có thể bị chết!” Chữ này có nguồn gốc từ chữ Hy Lạp “Lethargos” có nghĩa là “Quên (forgetful).” Úi chà chà! Quên nguy hiểm đến thế cơ à!
.
Tuổi già cũng giống như lúc mặt trời sắp lặn, lúc tiệc sắp tàn, chẳng còn ồn ào được bao lâu nữa! Người già được gọi một cách lịch sự là các “quý vị cao niên,” các “bô lão” thay vì sau lưng người ta gọi là “mụ già” hoặc “thằng già!” Đối với văn hoá Đông phương, người già và tuổi già phải được kính trọng bởi vì ai rồi cũng phải đến cái tuổi đó. Đồng thời tuổi già là tượng trưng của sự tích tụ những kinh nghiệm, cái túi khôn, sự sáng suốt. Ngược lại, trong cái xã hội vật chất và tiêu thụ này, tuổi già được xem không hơn “đồ phế thải,” không còn khả năng sản xuất, cần được để qua một bên cho đỡ bận; cho vào viện dưỡng lão, để khỏi làm cản trở lưu thông, làm mất thời giờ, tiền bạc của người khác! Dù trong hoàn cảnh nào, được kính trọng hay bị phế thải, người già dần dần sẽ mất trí nhớ. Mới đầu chỉ quên những chuyện nhỏ, chuyện cũ… rồi dần dần quên tất cả mọi chuyện nhỏ, chuyện lớn, chuyện quan trọng, chuyện không quan trọng, chuyện mới xảy ra, quên không nhận ra người thân nhân trong nhà rồi quên ngay cả chính mình là ai? Bắt đầu từ chuyện quên không biết để chìa khoá xe ở đâu? Để cái kính lão ở đâu? Cho đến không biết mình đậu xe ở chỗ nào ở trong bãi đậu xe? Đến hòan cảnh này, đã đến lúc mình hiểu thực sự là già rồi! Đó là những thay đổi bình thường của tuổi già. Không có ngoại lệ.
.
Tôi nhận thấy, bệnh quên của tuổi già diễn tiến tuần tự qua 5 giai đọan như sau:
.
1. Đầu tiên là quên tên (names).
2. Kế đến là quên mặt (face).
3. Đến một lúc nào đó thì quên kéo ‘phẹc-ma-tuya’ (“zipper”) quần lên sau khi đi tiểu.
4. Tiếp theo sau là quên kéo ‘phẹc-ma-tuya’ xuống trước khi đi tiểu.
5. Và sau cùng là quên hết ráo (cả kéo lên lẫn kéo xuống). Phải có người kéo dùm ‘phẹc-ma-tuya’ khi đi tiểu.
.
Sau đây là một số mẩu chuyện nhỏ, một số câu hỏi và trả lời có liên quan đến vấn để quên và lảng trí mà tôi xin phép được ghi lại làm quà:
.
Học trò: “Thưa thầy, tại sao thày phải dùng tới 3 cặp kính một lúc?”
Thầy: “Cặp kính thứ nhất của thy để dùng cho viễn thị, cặp thứ nhì dùng cho cận thị và cặp thứ ba dùng để tìm hai cặp kính kia!”
.
Tiếp Viên nhà hàng:” Thưa Bác! Hình như Bác quên cái gì đó?”
Khách Già (có vẻ hơi quặu): “Cái gì? Tôi đã cho anh tiền ‘tip’ rồi còn gì nữa?”
Tiếp Viên nhà hàng: “Vâng, Bác đã cho cháu tiền ‘tip’ rồi. Nhưng Bác quên chưa ăn!”
.
Có một bà lão, tôi đoán là “bà lão” vì cái giọng nói lè nhè của bà ta qua điện thoại, gọi lầm đến số điện thoại của tôi. Tôi trả lời là:
“Tôi nghĩ là bà gọi lầm số rồi!”
Bà lão có về bực bội, trả lời gắt gỏng với tôi là:
“Nếu là lầm số thì tại sao cậu lại nhắc máy?”
.
Rượu, thuốc lá, thuốc uống, thực phẩm, những cái chúng ta xử dụng hàng ngày có ảnh hưởng trực tiếp đến sự mất trí nhớ. Các khảo cứu khoa học gần nhất cho biết chất nhôm (“Aluminum”) ở trong dung làm các dụng cụ nấu nướng như nồi niêu, xoong chảo, giấy nhôm (“Aluminum foil”). Nhất là chất nhôm có trong các chất chống mùi mồ hôi của cơ thể (“Deodorant”) là nguyên nhân số một gây ra bệnh mất trí nhớ. Ngoài ra, các ảnh hưởng tinh thần, tâm lý cũng là nguyên nhân trầm trọng: Chẳng hạn như thất tình, hôn nhân đổ vỡ, gia đình chia cách vì hoàn cảnh chính trị hay kinh tế, tức giận, căng thẳng nghề nghiệp ..v..v.. Những suy nghĩ chủ bại, tiêu cực cũng đóng các vai trò quan trọng trong vấn để lành mạnh của trí nhớ; làm xáo trộn rồi lần hồi sẽ gây thiệt hại cho hệ thống suy nghĩ (trí nhớ)…
.
Trong tập truyện ngắn “Anh Phải Sống” của Nhất Linh – Khái Hưng có một đoạn thương tâm mô tả cảnh một người chồng muốn cố gắng bơi để cứu vợ ra khỏi cơn nước lũ chảy xiết. Người vợ bám lấy chồng một lúc rồi phải nhủ lòng là:
.
“Thằng Bò! Cái Nhớn! Cái Bé! … Không? … Anh phải sống!”
.
Rồi người vợ buông chồng ra, cho nước lũ cuốn mình đi. Người chồng mới có sức bơi vào bờ sống sót và nuôi ba đứa con thơ dại.
.
Hoàn cảnh sống tị nạn cộng sản hiện tại của chúng ta cũng không khác gì hoàn cảnh của người chồng còn sống sót này, trong chuyện của Khái Hưng, sau khi đặt chân đến bến bờ bình yên. Vâng. Anh phải sống! Nhưng anh sống mong anh không bao giờ quên những người đã phải chết để cho anh sống. Anh đừng quên quê hương, đừng quên dân tộc của anh nhé!
.
“Nếu mình hay quên thì làm sao mà mình nhớ nhà, nhớ quê hương được?”
.
Thân mến,
Trần Văn Giang
Tôi thích nhất phần kết rất ý nghĩa “Đừng quên các TPB VNCH”