Như Trâu
.
.
Lời mở đầu
Một quang cảnh thường thấy trong đời sống nông thôn Việt Nam là:
“Trên đồng cạn, dưới đồng sâu
Chồng cầy vợ cấy con trâu đi bừa”
Trâu kéo cầy dưới ruộng, trâu kéo gỗ trên rừng, trâu kéo xe trên đường lộ…
TVG
*
A- Chuyện (như) Con Trâu
Vào năm con trâu 2009 (“Kỷ Sửu”), giới viết lách (cả báo in và điện báo), theo như thông lệ, đã tốn khá nhiều giấy mực viết về con trâu… Nếu quý vị đã chán ngấy chuyện trâu thì có thể thong thả lật qua trang khác cho đỡ ngứa mắt; còn không thì… cùng nhau bàn chuyện trâu thêm một lần nữa nhé…
Con trâu đối với dân Việt, nhất là nhà nông (có đến 80% dân số?), đã một thời là một thành viên của gia đình, là của cải, là kế sinh nhai, là cứu cánh, là “đầu cơ nghiệp,” là hạnh phúc, là hiện tại, là hy vọng, là tương lai… Tóm lại là tất cả những gì quý báu nhất của gia đình nhà nông. Nếu quởn, xin mời quý vị đọc lại cuốn “Con Trâu” của Trần Tiêu để thấy rằng một gia đình nông thôn Việt Nam vật vã than khóc, xem sự việc một con trâu bị chết còn bi thảm hơn là chính bố mẹ, con cái trong gia đình bị chết… Vai trò quan trọng của con trâu đã quá rõ rệt…
Nhưng Việt Nam ở thế kỷ 21 đã bắt đầu đánh dấu sự “lúng túng,” sự “lo lắng” là đàn trâu Việt Nam giảm số lượng quá nhanh (cả tỉnh Tiền Giang bây giờ, theo thống kê của năm 2009, chỉ còn vỏn vẹn 377 con trâu ?) Nguyên do của sự giảm sụt số lượng trâu vì vấn đề cơ giới hóa trong việc cày cấy và việc dân ta ào ào giết trâu làm thịt để nhúng dấm, tái chanh, lúc lắc… vì dân nhậu của ta cho là thịt trâu ăn “mát” hơn thịt bò! E rằng một ngày rất gần đây con trâu Việt Nam sẽ biến thành loại động vật tương tự như “khủng long” của thời tiền sử và có lẽ sẽ chỉ còn thấy con trâu trong sách gíao khoa và viện bảo tàng! Bảo đảm là số lượng trâu bị biến mất dần dần sẽ xuất hiện đều đặn trong các báo cáo của ngành nông nghiệp trong các năm sắp đến! Hình ảnh quen thuộc thân yêu “con trâu đi trước cái cày” bao đời nay sẽ là hình ảnh tiêu biểu cho một nền nông nghiệp lạc hậu (!) của xứ sở nghèo đói (!)
Trước mặt chúng ta, con trâu có rất nhiều viễn ảnh “khuất bóng”; nhưng những hình ảnh và biểu tượng văn hóa mà con trâu để lại có lẽ sẽ mãi mãi trong tâm thức người dân Việt: từ tranh sơn mài đến bát phở; từ những câu ca dao mộc mạc đến bản tân nhạc giật gân được ưa chuộng, từ các địa danh “trâu” đến các chuyện huyền thoại về “trâu…”
Hình ảnh con trâu to kềng càng, đắt gía, hiền lành, khỏe mạnh, cần cù… được dân Việt sử dụng để làm đủ loại tiêu chuẩn trong vấn đề mô tả, so sánh v..v…
Tuần tự hãy xem:
“Khỏe như trâu.” Công việc đồng áng rất nặng nhọc đâu có dễ dàng như đi dạo phố hay “shopping.” Ở ngoài ruộng, bùn lầy mềm hay lún, chỉ có sức trâu dẻo dai mới có thể cày được ruộng sâu (“Ruộng sâu, Trâu nái.”) Nên biết là bò cũng có sức kéo mạnh nhưng chỉ có 7 món kéo trên mặt đất khô; còn ở ruộng có nhiều bùn lún, bò chỉ có nước rống lên chứ không thể kéo cày được đâu đấy nhé!
“Ăn như trâu.” Trâu to lớn làm việc nặng thì phải ăn nhiều mới có sức. Mà kể cũng tội nghiệp! Trâu chỉ gặm cỏ dại chứ có đòi hỏi cao lương mỹ vị gì đâu mà con người phải than thở! Chưa nói đến chuyện bây giờ các đồng cỏ cho trâu gặm đã được lấy đi để xây khách sạn 5 sao, sân “gốp!” Trâu muốn sống có lẽ phải ăn “cức khô” (chữ “cực khổ” đọc theo giọng đồng bào Thượng!) bo bo, khoai sắn độn?
“Ngu như trâu.” Nhận đinh hơi vội vàng này có vẻ lấn sân và thiển cận. Lấn sân là vì trạng thái gọi là “ngu, đần độn” người thường dùng để rủa ông Bò láng giềng của trâu (“Ngu như bò”). Trâu là trâu; không phải là bò; cũng như người là người, không phải là khỉ… Thiển cận là vì người biết người mà không biết trâu. Trâu hiểu tiếng người – chẳng hạn người chăn trâu và người cày nói với trâu “hò rí,” “hò tắt,” “dí,” “thá” v.. v.. trâu đều hiểu cả. Trong khi người mù tịt chẳng hiểu tiếng trâu mà lại nói là trâu ngu. Ai ngu ở đây thì biết? Ngoài ra người cũng nên biết thêm là trâu còn có thể phân biệt cỏ non và mạ; và phân biệt được lúa (lúc chưa ra bông) và cỏ thường. Thỉnh thoảng trâu cố tình ăn mạ và lúa của người để tỏ thái độ đó thôi!
“Lì như trâu.” Trâu rất ghét người lắm điều. Trâu chỉ muốn nghe (“selective hearing”) vắn tắt những điều gì phải và ngay thẳng. Nhiều lúc trâu phải bỏ qua tai những chuyện trái tai gai mắt, chuyện nhảm nhí, tuyên truyền ruồi bu mất thời giờ nghỉ ngơi thì lại bị người gán ghép là lì! Bất đồng tình, bất đồng ý có đồng nghĩa với lì hay không? Con người thật cố chấp, cực đoan!
“Béo như trâu trương.” Cái dáng kềnh càng bụng to của trâu là dáng tự nhiên trời cho lại bị người đời ví von, dè bửu, chê bai. Tại sao kỳ cục vậy? Mục sư Martin Luther King đã từng nói là: “Đừng có phán xét con người qua hình dáng, mầu da; mà phải phán xét con người qua tư cách” mà lị. Con người hay con trâu thì cũng vậy thôi; có gì là khác biệt đâu? Nhiều người tư cách còn kém xa con trâu đã không biết ngượng lại còn bày đặt lên nước che bai trâu! Ít ra trâu cũng là con vật bình dị, mộc mạc, không bon chen đi hút mỡ bụng hay bỏ món ăn cỏ hàng ngày để đổi (“diet”) qua ăn củ xả, lá lốt, mỡ chài…!
“Đàn gẩy tai trâu.” Rõ rệt là trâu đã bị hiểu lầm rất lớn về cái tiết mục văn nghệ văn gừng này. Chẳng qua là trình độ thưởng thức âm nhạc của trâu rất cao. Người đời đã gẩy đàn dở ẹc mà lại muốn trâu khen là sao? Công lý ở đâu vậy? Toàn là chuyện Lê Văn Tám…
“Dai như trâu đái.” Trâu bị bắt lao động suốt ngày không cho nghỉ ngơi; không cho đi buồng tắm thì chuyện “xả súp bắp” hơi lâu có gì mà phải ngạc nhiên. Ở Việt Nam bây giờ cứ vào làm việc cho hãng giầy “Nike” là biết ngay. 8 tiếng đồng hồ làm việc mà “xếp” chỉ cho đi đi đái có một bận thì trách trâu đái dai là chuyện “phản động!” thiếu tinh thần “Kách mệnh.”
“Cứt trâu để lâu hóa bùn.” Câu chê bai kiểu này chứng tỏ rằng người chê chẳng những đã không hiểu tí gì về khoa học mà còn thiếu cả đạo đức (Chưa nói vội đến vấn đề chính trị rất phức tạp – bất công và kỳ thị). Khoa học đã chứng minh chăm phần chăm là bất cứ cứt gì để lâu cũng dần dà hóa thành đất; hóa thành bùn cả; chả riêng gì cứt trâu! “Nói đến (cứt) trâu phải nghĩ đến (cứt) người” chứ! Thấy một mà chẳng thấy hai!
“Đầu trâu mặt ngựa.” Cũng lại vấn đề chỉ xem qua nhan sắc mà đã cho điểm tư cách này coi bộ hơi tế nhị đó nghe. Đẹp hay xấu là tùy nơi người đối diện (“Beauty is in the eye of the beholder!”) Cứ bộ xấu trai là hổng lấy được vợ hay sao? Có người nào xấu đến nỗi phải ở giá suốt đời đâu? Về khía cạnh nhan sắc, trâu không dám lên tiếng dùm cho ngựa; vì đó là đời tư riêng của ngưa (mặt ngựa!) Còn về phần trâu, trâu mặc dù có cái mũi hơi to, sừng dài hơi quá khổ mà lại to to cong cong và sún vài cái răng cửa nhưng có trâu đực nào bị trâu cái chê xấu trai đâu mà con người phải cất công chê dùm… Rõ là rảnh hơi, rửng mỡ! Con người vốn có tính xấu nên cứ chê cho được việc vậy thôi. Còn lúc ví von là “vú sừng trâu” thì là loại “vú xấu” hay “vú đẹp?” Nói sao cũng đặng. Ngoài ra, về nhan sắc, đôi khi phải nhìn lâu, nhìn kỹ mới thấy đẹp (“Trâu nhìn lâu thấy đẹp”). Thi si Nguyễn Tất Nhiên cũng đã đồng quan điểm với trâu trong vấn đề “nhìn” này qua bài thơ:
“… hãy nhìn anh thật rõ
trước khi nhìn đám đông
hãy nhìn sâu chút nữa
trước khi vào đám đông!…”
(“Đám đông” – Nguyễn Tất Nhiên)
…
B- Địa danh mang tên Trâu
1- Miền Bắc:
Khoảng thế kỷ 15, Trần Thế Pháp trong sách “Lĩnh Nam Trích Quái” (trích lược các chuyện kỳ lạ ở đất Lĩnh Nam – Đất lập quốc nguyên thủy của dân Việt) có ghi câu chuyện cổ, huyền sử về địa danh miền Bắc Việt Nam liên quan đến con trâu nguyên văn như sau:
“Ngày xưa, đời thượng cổ, có Vương Chất đi đốn củi ở trong núi gặp hai tiên đồng đang đánh cờ. Hai tiên đồng cho Chất một hạt táo, Chất ăn khỏi đói rồi gác rìu mà ngồi xem đánh cờ. Tiên đồng bảo Chất: ‘Cán rìu của người nát rồi.’ Chất cúi xuống, lúc ngẩng lên thì không thấy tiên đồng đâu. Kịp đến khi trở về nhà thì không còn gặp lại những người thân cũ ở trần gian nữa. Do tích đó người đời bèn gọi quả núi này là núi Lạn Kha (núi rìu nát) còn gọi là núi Tiên Du (núi chơi tiên) rồi nhân lấy tên ấy để đặt tên huyện. ở huyện Tiên Du nay vẫn còn vết cũ. Núi Tiên Du có tinh trâu vàng nửa đêm thường tỏa ra ánh sáng. Có nhà sư lấy tích trượng yểm lên trán trâu, trâu vàng bỏ chạy húc vào đất làm sụp thành cái hồ.
Nơi này sau gọi là thôn Húc. Trâu chạy đến địa phận Văn Giang (là huyện cực Tây của tỉnh Hưng Yên), vì vậy ở đây có cái vũng lớn gọi tên là vũng Trâu Đằm (*). Trâu chạy qua các xã Như Phượng, Như Loan, Đại Lạn, Đa Ngưu. Các xã này sở dĩ tên như vậy là vì có vết chân trâu đi tới. Trâu lại từ trong bến ra sông Cái, đến Ninh Giang, đi men phủ Lý Nhân, theo ven sông Cái tới sông Tô Lịch, chỗ ấy chính là Tây Hồ. Người đời truyền tụng rằng Cao Biền của Tàu giỏi thuật số, thông địa lý, thường cưỡi diều giấy bay trên không trung để yểm các nơi thắng cảnh. Biền thấy trâu đi vào hồ Dâm Đàn, nay là Hồ Tây (*), rồi thoắt không thấy trâu đâu nữa. Trên đường trâu chạy, khắp nơi biến thành khe, ngòi, rãnh, lạch.”
——–
(*) Thì ra cái vũng tên là “Trâm Đằm” ở tỉnh Hưng Yên có sự tích hẳn hoi chứ đâu phải là tên được phịa ra; và “Hồ Tây” rất thơ mộng ở Hà Nội còn có một cái tên nguyên thủy là “Hồ Dâm Đàn” (có nghĩa là chỗ nói chuyện dâm tầm bậy tầm bạ!) không có cái gì gọi là thơ mộng cả!
2- Miền Nam:
Có một địa danh mang trên Trâu. Đó là “Kinh Đường Trâu.” Câu chuyện sự tích như sau:
“Địa phận (Huyện / Quận) Bình Minh thuộc tỉnh Vĩnh Long có một con kinh tên là ‘Kinh Đường Trâu.’ Chuyện kể là khi xưa khu vực này có nuôi rất nhiều trâu. Trâu được lùa đi thành từng đàn cả ngàn con trên một con lộ bằng đất. Đường đất qua thời gian bị sức nặng của trâu đè xuống biến thành một con mương gọi là muơng ‘đường trâu đi.’ Dần dà, nước chẩy soi mòn làm mương mở rộng lớn ra biến thành con kinh goi là ‘Kinh Đường Trâu.’ ”
C- Tuổi Sửu (Con Trâu):
Nhân dịp tết Kỷ Sửu, tôi xin ghi lại đây (bài tử vi lượm trên NET của Quỷỉ Cốc Tiên sinh) một vài đặc tính của người có tuổi con trâu. Xin mời quí vị quan tâm đọc cho biết rồi bỏ vì tôi thấy (rất chủ quan!) độ chính xác chỉ cũng chỉ tương đối khoảng 35% thôi:
Mặc dầu chậm chạp cứng chắc như thế, tuổi Trâu không phải là con bò sửa ngoài đồng. Con vật khỏe mạnh nầy sinh ra đã là bậc lãnh đạo, đáng tin cẩn, và có khả năng tự nhiên làm nên việc lớn.
Dầu vậy, tuổi Trâu chậm chạp và nguyên tắc – theo những dự toán từng bước một và không hề mất hướng. Thiên hạ thấy tuổi Trâu quá nghiêm khắc và khó nới nẩm.
Phẩm tính bền chặt tự nhiên làm mất tình xả giao và trở thành ngượng ngập giữa đám đông. Tuổi nầy không màng tới người khác suy nghĩ ra sao mà chỉ thích làm điều gì họ nghĩ là tốt cho họ. Tuy làm mặt lạnh nhưng tuổi Trâu cũng không tránh khỏi chịu đau lòng, cô đơn, và mất thân ái với người khác.
Bạn bè và gia đình là nguồn an ủi lớn lao cho tuổi này, ngay cả khi gia đình họ cũng không hiểu họ đã làm gì cho tuổi Trâu nổi sùng nữa.
Cứng đầu và độc đoán, tuổi Trâu có khuynh hướng càn lên, xông xáo, không biết thối lui. Nếu tuổi nầy bị dồn ép vào chân tường thì có nước là đất cũng phải rung chuyển theo!
Nói tóm tắt là tuổi Trâu không quan tâm đến chuyện bị dồn đẩy lắm, bởi vì tuổi nầy nghĩ là họ là người tốt trong thiên hạ. Lý thuyết nầy cũng đúng, bởi lẻ tuổi Trâu thông minh, đáng tin cậy, lo cho người, và đáng kính.
Nếu bạn cần lời khuyên chân thật, thẳng thắn và không thiên vị thì cứ hỏi tuổi Trâu.
Cái khó nhất cho tuổi Trâu là làm sao khắc phục mình khỏi phải tật thiên kiến đã khiến họ khó làm thân với người khác. Nếu tuổi nầy biết đánh giá những phẩm tính tốt của riêng mình, họ sẽ mở rộng tấm lòng ra để đón tha nhân vào.
Hạp: Tuổi Sửu hạp với tuổi Tỵ (con Rắn) và tuổi Dậu (con Gà).
Xung: Tuổi Sửu khắc / kỵ tuổi Thìn (con Rồng), tuổi Mùi (con Dê) và tuổi Tuất (con Chó).
Trần Văn Giang
(Tết Kỷ Sửu 2009)