Đào Hồng Tuyết
(còn có tên là “Hồng Tuyết” và “Hồng Hồng Tuyết Tuyết.”)
Lời Giới thiệu:
“Đào Hồng tuyết” có lẽ là một bài hát lọai ca trù đuợc đại chúng biết đến nhiều nhất trong các bài hát ca trù. Nhưng trớ trêu thay, bài hát lại không để lại đuợc tiếng thơm qua bao thế hệ. Ca trù (có thời gian còn đuợc gọi là “Hát Ả Đào”) là hình thức giải trí chỉ dành cho giới thuợng lưu phong kiến, ban đầu chỉ có nghĩa nhẹ nhàng là các buổi họp mặt nghe nhạc uống ruợu, rồi chuyển dần thành một hình thức ăn chơi trác táng. Giống y như sự thay đổi từ “quán cà phê nghe nhac” thành “quán cà phê ôm!!!” “Cô đào” nay đã thành 1 gái làng chơi. Chính bài “Hồng Tuyết” cũng là nói đến mối quan hệ giữa cô đào và nguời nghe hát.
TVG.
*
NÓI
Hồng Hồng, Tuyết Tuyết (1)
紅 紅 雪 雪
Mới ngày nào còn chưa biết chi chi
Mười lăm năm thấm thoát có xa gì
Ngoảnh mặt lại đã đến kỳ tơ liễu. (2)
Ngã lãng du thời quân thượng thiếu
我 浪 遊 時 君 尚 少
Quân kim hứa giá ngã thành ông. (3)
君 今 許 嫁 我 成 翁
Cười cười nói nói sượng sùng
Mà bạch phát (4) với hồng nhan (5) chừng ái ngại
Riêng một thú Thanh sơn (6) đi lại
Khéo ngây ngây dại dại với tình
Đàn ai một tiếng Dương tranh. (7)
MƯỠU 1
Ngày xưa Tuyết muốn lấy ông
Ông chê Tuyết bé, Tuyết không biết gì
Bây giờ Tuyết đã đến thì
Ông muốn lấy Tuyết, Tuyết chê ông già.
MƯỠU 2
Nước nước biếc, non non xanh
Sớm tình tình sớm, trưa tình tình trưa
Nhớ ai tháng đợi năm chờ
Nhớ người độ ấy bây giờ là đây.
Dương Khuê
Chú Thích
1. Hồng Tuyết là tên cô đầu.
2. Cây liễu đương tơ, vì người con gái đã dậy thì.
3. Lúc ta chơi phiếm nàng còn bé,
Nay nàng sắp lấy chồng ta đã thành ông già.
Hai câu này có bản chép:
Ngã nẵng du thì quân thượng thiếu
Nghĩa là: ngày trước lúc ta đi chơi nàng còn bé.
4. Bạch phát 白 髮 : tóc bạc.
5. Hồng nhan 紅 顏 : má hồng.
Hai câu này, bản của ông Dương Thiệu Cương chép là:
Cười cười nói nói sượng sùng
Mà bạch phát hồng nhan chừng ái ngại.
6. Thanh sơn 青 山 : núi xanh, chỉ chỗ ẩn dật. Có bản chép Thanh là làng Thanh Thần, Sơn là huyện Sơn lãng (sau đổi là phủ Thanh Oai) tỉnh Hà Đông, ở đấy có nhiều cô đầu danh ca.
7. Dương tranh 揚 箏 : đàn tranh đất Dương Châu. Sách Dương châu thập nhật ký: Đàn tranh Dương Châu làm bằng tre, có 13 dây, tiếng nghe lanh lảnh. Đất Dương Châu ở huyện Giang Đô tỉnh Giang Tô nước Tầu.
“Đàn ai một tiếng Dương tranh” là câu hát ở đầu bài Thét nhạc, tác giả mượn làm khổ kết, có ý khen tiếng đàn tiếng hát ai mà hay thế.
(Trích sách VIỆT NAM CA TRÙ BIÊN KHẢO của Đỗ bằng Đoàn & Đỗ Trọng Huề, Saigon 1962, trang 405-406)
*
Lời bàn:
“Đào Hồng Tuyết” hay còn đuợc gọi là “Hồng Tuyết” hay dễ hơn,nguời ta hay dùng câu đầu của bài hát thành tên “Hồng Hồng Tuyết Tuyết.”
Theo cách hiểu của nhiều nguời, bài hát kể về 1 cô đào tên Hồng Tuyết, đuợc đi theo học đàn hát từ nhỏ, thấm thoát 15 năm qua, cô Tuyết nay đã đến kỳ tơ liễu. Khách làng chơi khi xưa phong độ khí khái nay tóc đã bạc, muốn lấy cô Tuyết nhưng cô Tuyết chê già. Dân gian có 2 câu Muỡu tóm tắt cách hiểu này như sau
Xưa kia Tuyết muốn lấy ông – Ông chê Tuyết bé Tuyết không biết gì
Bây giờ Tuyết đã đến thì – Ông muốn lấy Tuyết Tuyết chê ông già…
Sau này xã hội thay đổi, nhà hát dần biến thành nhà thổ, con điếm (ca nữ) dần bị đánh đồng với gái làng chơi nên sau này nguời ta dùng hẳn con điếm để chỉ gái làng chơi. Mà gái chơi thì chuyện ca hát có chi là quan trọng, đâu cần phải khổ cực muời mấy năm như xưa, nên nếu có biết cũng chỉ cần vài bài dễ hát dễ tập gọi là mào đầu cho cuộc ăn chơi, buồn thay “Đào Hồng Tuyết” lại là 1 bài thường đuợc chọn nên lại càng mang tiếng xấu.
Tạm bỏ những suy nghĩ phổ biến đó sang 1 bên, ta hãy thử nhìn lại bằng 1 cách hiểu khác với lời ca của tác giả Duơng Khuê. Nghe tác giả bài hát nói “Đào Hồng Tuyết” là Duơng Khuê, hẳn ai cũng thấy quen quen. Đúng. Đó là Duơng Khuê mà ta vẫn biết qua thơ Nguyễn Khuyến. Dương Khuê (sinh năm 1839) thi đỗ Tiến sĩ khoa Mậu Thìn năm 1868. Năm 1883, Tự Đức mất, triều đình ký Hòa ước Quý Mùi (1883) – chính thức thừa nhận sự xâm lăng của Pháp. Muời lăm năm ấy là khoảng thời gian cụ hết lòng phò nuớc, giữ mình trong sạch nhưng cũng chẳng làm gì được hơn. Theo Gs, Ts Dương Thiệu Tống, cháu nội của cụ Dương Lâm, em trai của Dương Khuê, viết trong cuốn Tâm trạng Dương Khuê, Dương Lâm, nhà xuất bản Giáo dục ấn hành năm 1995, thì 15 năm làm quan của Duơng Khuê ứng với câu:
Mười lăm năm thấm thoát có xa gì
Ngoảnh mặt lại đã tới kỳ tơ liễu.
Dương Khuê với lối nói ẩn dụ, coi triều đình là khách làng chơi già, tự ví mình như cô đào trẻ, tuổi 15. Khi xưa ta hết lòng phò tá rồi có đuợc chi, nay có cần ta nữa thì cũng có còn là nuớc của ta nữa đâu, triều đình có còn được như xưa nữa đâu, có gọi ta cũng chả thiết tha gì.
Phải chăng cái tiếng đã tạo nên 1 ấn tuợng không tốt cho bài hát mà đến nay chưa có ai thực sự cố hiểu đằng sau những lời hát viết tặng cho ca nữ kia là gì?
Bài này vần rất chắc, từ đầu đến cuối nhất thể, như thác đổ một chiều, lại vừa đủ khổ dễ hát, đáng làm khuôn mẫu cho các bài hát nói. Vì thế nên ngày xưa cô đầu mới vỡ lòng học hát và quan viên mới tập đánh trống, hay hát bài này.
Tương truyền hai bài Mưỡu là do người sau đặt ra chứ không phải của tác giả Dương Khuê.
*
Theo Việt sử tiêu án của Ngô Thì Sĩ, đời Vua Lý Thái Tổ (1010 – 1028) có người ca nhi là Đào Thị hát rất hay, từng được vua ban thưởng. Sau người ta mộ danh Đào Thị nên con hát gọi là Đào nương. Như vậy ca trù ít nhất cũng có từ thời Lý.
Đến đời Lê có một danh ca là Bạch Hoa cùng chồng là Đinh Lễ sáng tạo ra chiếc đàn đáy, chế ra âm luật, làm rạng rỡ cho giáo phường, thu nhận nhiều đệ tử, khi chết được giới ca nhi suy tôn là Tổ cô đầu. Đền thờ hai vị hiện còn nhiều nơi trên vùng châu thổ sông Hồng. Cũng vì mộ danh Đào Thị tài giỏi hát hay nên người đi hát gọi là “Ả Đào”. Chữ “Ả” nghĩa là Cô, ta thường nói “Cô ả”. Vậy “Ả đào” tức là “Ccô đào.”
Những “ả đào” danh ca dạy con em thành nghề, mỗi khi đi hát đình đám, các đào nương phải trích ra một món tiền để cung dưỡng thầy, gọi là tiền “đầu.” Người ta sau này dùng tiếng “cô” thay tiếng “ả” cho rõ ràng và tiếng “đầu” thay tiếng “đào” để tỏ ý tán tụng là bậc danh ca lão luyện đã dạy nhiều con em thành tài và được tặng nhiều món tiền đầu, nên gọi là “Cô Đầu.”
Hát ả đào, hát cô đầu cũng là “biến âm” của ca trù mà thôi. Ngày xưa hát ở cửa đền có lệ hát thẻ. Thẻ gọi là Trù, làm bằng mảnh tre ghi chữ, đánh dấu, dùng để thưởng ả đào thay cho tiền mặt. Khi hát quan viên thị lễ ngồi hai bên, một bên đánh chiêng và một bên đánh trống.
Chỗ nào ả đào hát hay, bên trống thưởng một tiếng chát, bên kia đánh một tiếng chiêng rồi thưởng luôn cho một cái trù. Sau buổi hát, đào kép cứ theo trù thưởng mà lĩnh tiền. Ca trù xuất xứ từ đó… Ca trù là lối chơi phong lưu tao nhã, tạo nên những áng văn chương bất hủ, sử sách còn ghi lại những tuyệt bút của các thi nhân như: Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát, Nguyễn Khuyến, Dương Khuê, Chu Mạnh Trinh, Trần Tế Xương, Tản Đà…
Hát nói là một thể ca trù phổ biến và được ưa chuộng nhất, ngoài ra còn hơn 40 thể khác. Muốn được ngồi vào chiếu hát, phải có giọng “trời phú”, kiên trì luyện tập khổ công 5 – 6 năm.
Khuyết danh
Trần Văn Giang xin mời quí vị mở “link” dưới đây để nghe Bà Quách Thị Hồ hát bài “Hồng Hồng Tuyết Tuyết” theo điệu Ca Trù (“Hát Ả Đào“):
http://thanngan.googlepages.com/h%E1%BB%93ngh%E1%BB%93ngtuy%E1%BA%BFttuy%E1%BA%BFt
Sau đây, Trần Văn Giang lại xin mời đọc một bài thơ “nhái” rất vui của Lạc Thủy Đỗ Quí Bái:
Dở Khóc Dở Cười
(Thể loại: hát nói)
Mưỡu Tiền:
Xưa kia Dũng muốn yêu bà
Bà chê Dũng nhỏ chẳng ra quái gì
Dũng nay vạm vỡ phương phi
Bà muốn yêu Dũng, Dũng chê bà nhầu
Nói:
Hùng Hùng, Dũng Dũng…
Mới ngày nào lúng túng biết chi đâu?
Mười lăm năm thấm thoắt có bao lâu
Chợt gập lại đã thấy ngầu dễ sợ
Xưa chị chín mùi em ấm ớ
Nay em hơ hớ chị sồn sồn.
Trong vòng tay dại dại khôn khôn
Nào ai biết duyên còn hay đổ nợ?
Trai đôi mươi hung hăng hăm hở
Gái tứ tuần mắc cỡ sượng sùng
Nhìn nhau luống những ngại ngùng
Trống chầu ai nện thùng thùng trêu ngươi?
Ôm em dở khóc dở cười
Mưỡu hậu:
Nhìn quanh thiên hạ hở mười cái răng
Trời ơi! Sao khó nói năng?
Trai tơ, gái mẫu dung dăng cũng kỳ
Nghĩ mà tiếc thủa xuân thì…
Lạc Thủy – Đỗ Quý Bái
Trần Văn Giang (St)