Thôi kệ nó đi!

 

KhongTu(Khổng Tử 551 BC – 479 BC)

 

Đức Khổng Tử một hôm đọc sách mê say ở thư phòng, đến độ giờ ngọ sắp qua mà chẳng biết, khiến vợ là Khổng thị hấp tấp chạy vô thảng thốt nói:

– Có thực mới vực được đạo, mà chàng lơ lững như vầy, lỡ mai này sức khỏe có phần sút kém đi, thì làm sao tải đạo đến bàn dân bá tánh?

Khổng Tử mắt vẫn không rời sách, bực bội đáp:

– Ngày nào cũng Thánh hiền. Lúc nào cũng Thánh hiền. Lẽ nào không chán mà tin được hay sao?

Khổng thị nghe chồng tỏ bày như vậỵ, ngơ ngác nói:

– Chàng từ nào tới giờ chỉ dựa vào nhân lễ nghĩa trí tín để kiếm cơm, mà nay quay đầu như vậy, thì trước là tự hủy hoại công danh, sau bổng lộc ở đâu mà vui sống?

Khổng Tử đang ngon lành là vậy, bất chợt nghe vợ đụng đến chén cơm, bèn nhảy dựng nói:

– Tai vách mạch rừng, mà nàng nói càn như vậy, lỡ lọt ra ngoài, thì chẳng những lộc không vô, mà công lao gầy dựng bấy lâu cũng đành tan hết cả.

Rồi hậm hực vất cuốn sách xuống bàn, chẳng may trúng phải cạnh nên rơi ào xuống đất. Khổng thị thấy vậy, vội chạy tới lượm lên, bất giác nói:

– Lộc đỉnh ký chớ không phải Tứ thư Ngũ kinh. Sao lại có thể chuyển đài mau như thế?

Khổng Tử vùng vằng đáp:

– Ta đọc tới đọc lui gần chục bận, mà không hiểu tại sao Vi Tiểu Bảo chưa hề đến trường, lại càng không biết đến chữ nghĩa Thánh hiền nó tròn méo làm sao, nhưng cách cư xử thì thiệt thắm tình thắm nghĩa. Đã vậy có những lúc không lý đến mạng sống của mình, miễn hồ bằng hữu được an ổn thì thôi, nên so với hạng chuyên học chữ Thánh nhân đã hơn nhiều lắm vậy. Đã nhiều lần ta tự hỏi: Một đứa trẻ lớn lên nơi kỹ viện, rành bài gian bạc lận, ăn nói tục tằn. Sao lại có thể đem nghĩa khí vung vãi tràn ra như thế?

Khổng thị ngẫm nghĩ một chút, rồi ngoẹo đầu đáp:

– Cơm canh đã sẵn. Xin chàng quá bộ đến ngay, còn chuyện Tiểu Bảo để… tuần sau tính tiếp.

Khổng Tử nghe vợ trả lời trật chìa như vậy, bèn lẩm bẩm nói:

– Tiểu Bảo có bảy bà, mà bà nào cũng bảnh hơn… hiền phụ nhà ta, thiệt là tức chết!

Qua ngày mai, lúc Khổng Tử đang lòng vòng nơi hòn non bộ, chợt thầy Mạnh Tử bước vộ Vòng tay nói:

– Có trận cầu giao hữu ở làng bên. Chúng con đang đợi ở ngoài. Thầy có nhã hứng đi chăng?

Khổng Tử nhìn vào trong, thấy vợ đang lui cui dọn đồ, liền hoảng hốt nghĩ: “Thôi chết! Nó mà bày cái đống này ra, rồi kéo đồ trên tủ xuống, thì tới tối ắt cũng khó hoàn thành cho được. Nếu vào phụ thì mệt, mà không phụ thời áy náy không yên. Chi bằng nhắm mắt mà chuồn đi cho sớm!” Đoạn, một tay cầm dù, một tay cầm bình rượu, khiến Mạnh Tử hết sức ngạc nhiên, tròn mắt nói:

– Từ nào tới giờ thầy chuyên uống rượu của thiên hạ… Nay lại uống rượu của mình, là nghĩa làm sao?

Khổng Tử nghe tới chữ “rượu của mình,” mặt đâm ra sầu não, lòng trĩu nặng thương đau, buồn thiu nói:

– Hai tháng nay tình hình biến động. Lớp cổ phiếu mất giá; lớp nhà cửa đi lùi; lớp việc làm xuống tuột không phanh, nên mời nhậu mỗi ngày thêm mỗi vắng!

Rồi thầy trò cùng nhau kéo qua làng bên coi đá bóng. Lúc đi ngang cánh đồng khô, bất chợt thấy một kẻ giăng lưới bắt chim sẻ, cả thầy trò tò mò dừng lại, thời thấy chỉ bắt được chim sẻ non vàng mép, bèn lạ lùng hỏi:

– Có chim non thì phải có chim già, mà ở đây chỉ rặt mỗi chim non, là nghĩa làm sao?

Kẻ đánh lưới đáp:

– Sẻ già biết sợ, cho nên khó bắt được. Sẻ non tham ăn, cho nên dễ bắt. Nếu sẻ non mà theo sẻ già, thì bắt sẻ non cũng khó, nhưng nếu sẻ già mà theo sẻ non, thời bắt sẻ già cũng dễ.

Thầy Mạnh Tử nghe kẻ kia giải bày như vậy, liền buột miệng nói:

– Nhưng ở đây không có sẻ già. Chẳng lẽ sẻ già chỉ từ xa xem ngó?

Kẻ kia đáp:

– Sẻ già trường đời từng trải, biết hiểm nguy rình rập, ngay cả lúc tưởng bình yên lại đổ ập ra nhiều sóng gió, nên xúi bọn trẻ đi đầu. Sẻ mới lớn, nhiệt tình tròn trịa, máu nóng bốc đầy, nhưng với cạm bẫy mà người đời giăng kín – thử hỏi được mấy lần tự mình mở mắt ra – nên dính chấu lia chia là vì duyên cớ đó!

Rồi ngẩng mặt lên trời mà nói rằng:

– Trẻ người non dạ… Lời nhắc nhớ của tiên nhân nào có được sai. Thiệt là đúng lắm!

Thầy Mạnh Tử nghe người bẫy chim giải bày như vậy, bèn chột dạ nghĩ: “Bấy lâu nay thầy chỉ dạy ta làm sao để thành người quân tử. Làm sao để tránh đục vớt trong. Làm sao để đủ lễ với người mà không thẹn, nhưng với lý luận của người ít học này, thì ta thiệt lao đao. Hổng biết phải hiểu làm sao cho đúng?”

Bèn hướng qua Đức Khổng Tử mà thưa rằng:

– Thưa thầy! Sẻ già là nơi nương tựa tinh thần, là mẫu mực hy sinh, là tượng trưng cho những gì cao đẹp, mà… lút cán kiểu này, là nghĩa làm sao?

Khổng Tử lặng người đi một chút, rồi vuốt râu đáp:

– Biết sợ để tránh tai hại. Tham ăn mà quên cả nguy vong, thời thói thường vẫn xảy ra dài dài như thế. Song phúc hay họa lại nằm ở chỗ theo khôn hay theo dại. Cho nên người quân tử trước khi theo ai phải hết sức cẩn thận, để trước là giữ được châu thân, sau vợ khỏi lo bởi chẳng phải dính vô vòng lao lý.

Bật Tử Tiện, đang hết lòng lắng nghe, bất chợt nghe tới vợ, bèn thảng thốt thưa:

– Theo thầy để mong trở thành người quân tử. Tưởng không đạt được công hầu bá tử nam, thì ít nhất lợi lộc công danh cũng sáng mày sáng mặt. Chứ có đâu chỉ theo người mà sống, thì quân tử làm gì cho nhọc mệt tấm thân, rồi không khéo lại ôm đầu mang họa…

Đoạn, gục đầu xuống mà thở. Khổng Tử thấy vậy, bèn nhìn Tử Tiện với ánh mắt độ lượng bao dung, rồi từ tốn nói:

– Muốn lấy được giọt nước mắt của người, thì trước hết phải chảy nước mắt của mình ra cái đã. Muốn lấy được nụ cười của người, thì trước hết phải cười với người ta cái đã. Cũng vậy, muốn người đi theo mình, thời trước hết mình phải theo người ta cái đã. Chớ một bước đòi nhảy tới trời, thì cho dẫu có tận lực hết ga, cũng cầm như không thấy!

Rồi đảo mắt nhìn đám môn sinh, mà nói rằng:

– Sống mà không nhẫn nhục, thì chẳng những khó tạo lập công danh, mà duyên phận không khéo lại còn xa bay nữa!

Bất chợt thầy Mạnh Tử đưa tay gãi đầu, rồi ấp úng nói:

– Lời cắt nghĩa của thầy mênh mông đạo lý, nhưng không đáp ứng được điều mong mỏi của chúng con. Dám xin thầy đi thẳng vào ưu tư tràn ngập, để chúng con hiểu được điều này, là: Tại sao sẻ già lại đối xử với đàn em cạn tàu ra như thế?

Khổng Tử hết nghiêng người qua trái, rồi nghiêng người qua phải, một lúc sau mới hướng về kẻ bẫy chim mà nói rằng:

– Khẩu khí của ngươi thật là hùng tài thao lược, đáng mặt hùng anh. Vậy theo ý ngươi thì phải trả lời sao cho đúng?

Kẻ bẫy chim khựng người đi một chút, rồi bật cười đáp:

– Thầy từ Tấn qua Tề. Từ Sở qua Chu, đâu đâu cũng được thế nhân tuôn tới nghe lời vàng ngọc, thì sá gì câu hỏi của đám môn sinh, mà đành tâm… bán cái! Lại nữa, tôi chỉ là một nông dân nơi đồng chua nước mặn. Hết mùa thì bẫy chim. Ít chim thì đơm cá. Tuyệt không phải là hạng anh hùng, lại càng không có hùng tài thao lược. Chẳng vậy mà vợ một lần đi dự đám tang, đã buột miệng nói rằng: “Thấy chồng người ta chết mà ham!” thì đủ biết tôi chẳng ngon ăn như thầy đang gán ghép.

Khổng Tử nghe vậy, bỗng nhìn xuống đất, bất chợt thấy bóng mình đổ dài hơn hai thước, bèn hoảng hốt nói:

– Trời đã quá ngọ mà không lẹ bước mau, thì khi tới nơi rồi. E chẳng còn gì mà xem nữa!

Đoạn vội vã bước đi. Mạnh Tử thấy vậy, liền chạy tới bên người giăng lưới, nhỏ giọng hỏi rằng:

– Tương lai của đàn sẻ là ở đám sẻ non, mà sẻ già chơi vậy, thời làm sao khá?

Kẻ ấy trầm ngâm đáp:

– Thời buổi đạo lý suy đồi. Nhân tâm tuột dốc, nên ai cũng muốn… mọi người vì mình. Lại nữa, tuổi trẻ thường ỷ vào sức mạnh, vào sự thông minh, vào phản ứng nhanh lẹ của mình, nên thường không mấy mặn với lời khuyên nhủ thành thử cứ vậy mà chơi cho nên… đổi chỗ ở là vì duyên cớ đó.

Mạnh Tử lại hỏi:

– Theo sự suy luận của ngươi thì sẻ già vô tội. Có phải vậy chăng?

Người ấy đáp:

– Ta bẫy chim để nuôi sống vợ con, nên đối với ta mà nói, già hay non chẳng có gì quan trọng. Điều quan trọng là có bắt được hay không, nên ta chẳng bận tâm đến điều ngươi đang nói.

Tối ấy, người bẫy chim về nhà. Vợ là Hàn thị từ trong bếp te te chạy ra, sửng sốt nói:

– Chàng khổ nhọc để tìm kế mưu sinh, mà mặt sảng khoái như vầy, ắt hẳn ngày này vô đậm. Có phải vậy chăng?

Kẻ ấy liền lôi chiếc giỏ ở sau lưng ra, cười cười đáp:

– Chỉ được hai phần ba. Nếu so với mấy hôm trước đã… nghèo đi trông thấy!

Hàn thị nghe chồng trả lời trớt quớt như vậy, liền lo âu nói:

– Thường thường người ta phớn phở mặt mày khi có tiền hoặc có tình. Nay chàng không có tiền. Lẽ nào dính tình mà tin được hay sao?

Rồi nước mắt chực chờ rơi xuống đất. Kẻ ấy thấy vậy, sợ gia đạo không yên, liền đem chuyện gặp thầy trò Khổng Tử ra làm quà cho vợ… Lúc kể xong, mới cười to nói:

– Mỗi ngày ta ra đồng làm việc, luôn van vái với Cậu với Bà, là làm sao cho ta kiếm đặng miếng ăn để nàng thôi vất vả. Chớ qưởn đâu mà để ý tới việc làm của thiên hạ… Trước là mang vạ vào mình, sau bực chuyện không đâu, sau nữa tâm tánh mỗi ngày thêm mỗi xấu…  Thôi kệ nó đi…

 

Mõ Sàigòn

 

Trần Văn Giang (St)

 

Thôi kệ nó đi! – Mõ Sài gòn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *