Lưng Em Sau Làn Áo Mỏng

 .

 LungAoMong

Mộng Nga gieo mình đánh phịch xuống ghế đệm, chiếc váy mỏng gấp lại phía sau tấm mông tròn, khiến vạt váy đằng trước co cao, để lộ mảnh đùi trắng trên đầu gối chân. Nở nụ cười làn môi mỏng tô lên lớp son tươi doi dói, Mộng Nga tình tứ nhìn San:

– Tôi đã lùng được món hàng cho chú.

San ngạc nhiên:

– Hàng gì chị?

Vươn người lại gần San, mùi nước hoa ngào ngạt xối theo hơi thở, Mộng Nga ghé sát tai San:

– Một cô gái đúng như chú muốn, rất đứng đắn!

San phì cười vì món hàng “đứng đắn,” nhưng San chợt rùng mình, người râm ran như bị kiến càng đốt lưng. Mộng Nga tiếp tục rỉ tai San, hơi thở gấp hơn, dưới mái tóc búi cao, chiếc cổ trắng tròn, cúc áo đầu ngực không cài, để mở rung rung… San nắm chặt hai bàn tay, các đốt ngón co rụm lại với nhau.

Mộng Nga bảo San, Hà Nội có đủ mốt ăn chơi, gái trẻ và đẹp, lại rẻ nhất thế giới. Từ loại “phong ba bão táp” tới loại “chưa cùng ai.” Giả nhời bằng câu tếu, San nói đùa, San thích loại “đứng đắn.” Không ngờ, Mộng Nga tưởng thật. San đã phóng bậy tia lửa; bây giờ nó bốc cháy xém mặt, “tội làm mà thân chịu!”

San đứng dậy, cố sức trấn tĩnh.

– Cứ thế nhá! Chú San, chị đã trả tiền trước cho họ rồi, đắt một tị đấy… Chị coi đây là món à tặng em trai mà! Việt Kiều lâu năm trở về thăm gia đình, thanh niên chưa vợ đi… “tươi mát” đôi chút… ha ha ha! Người ta mở sẵn cửa chờ chú tới đấy!

San mím môi, thở dài. Nhà dột từ nóc dột xuống…

Người con gái kia là ai? Một món hàng hoá sống! Bị đem ra dạm bán, một phương tiện kiếm ăn cho một đám người thời kỳ đổi mới. Giống như San, một con người không được nơi đây thừa nhận, buộc lòng phải ra đi; họ không cần biết nổi tủi nhục nào San đã đang nếm trải, thoáng bóng đồng “đô la” trong túi San; họ níu lấy gạ bán “thịt người” kiếm lời… Nó là chuỗi mắt xích liên kết cho một nổi đau “tươi mát.” Một nổi đau ê ẩm của những kẻ khốn nạn nhất trong thời đại khốn nạn. Lòng San nổi dậy xót thương, đồng cảm, xen lẩn với sự phẩn nộ đầy khó chịu …

Cuối cùng, San nhẩy lên chiếc xích lô đi hun hút xuống cuối phố Hàng Bài, lăn vào giừa đám người đông nghìn nghịt.

Mấy đứa cháu từng cảnh giác San:

– Chú đừng bao giờ đi một mình, Hà Nội bây giờ chổ nào cũng “A-li ba-ba!”

– “A-li ba-ba” là cái gì?

– Tụi trộm cướp thành “Bát-Đa!”

Mặc! San vẩn cứ đi một mình.

Qua Hàm Long, rẽ vào Lò Đúc, cuối phố, máy nước công cộng, là đầu nguồn tụ hội của khối dân văn minh thành thị, cầm đầu những vùng làng quê xa vắng. Một đám đông người xúm quanh vòi nước. Những chiếc thùng tôn, móc sắt, va dập nhau xủng xoảng. Cảnh tranh dành nhau vì nước. Những cái lưng trần trụi và nhầy nhụa mồ hôi của mọi hạng người nhẩy qua nhẩy lại, dành dật lấn át đám trẻ con, ông bà già, con gái. Tiếng kêu, tiếng nói, tiếng chửi đủ mọi thứ giọng của kẻ giữ nước, chiếm nước, bấn loạn với những kẻ khốn khổ tìm nước cho sự sống, nổi lên những thằng mạnh ăn hiếp kẻ yếu …

San đi xuyên qua đám người đang vật lộn nhau với nước. San nhẩm thầm: “giẫy nhà lán đơn sơ, nó chính là cái ngõ bị lấn chiếm.” Đi vào ngõ, cái ngõ sâu thẳm, lần mò tới hơn một trăm bước chân. Những mảnh tôn, thanh gỗ chắp vá chằng chống nhau tạo thành chổ ở tạm bợ cho đời này sang đời khác, không có vẻ thay đổi. Đi 75 bước nữa, phía tay trái có cây si, tạm đánh dấu cho một khúc ngoặt bất ngờ. 92, 93 bước… Để ý cầu thang gỗ chắn ngang. San thấy rồi: cái cầu thang gỗ. San dẫm chân lên, ván gỗ long lệch ọp ẹp, mỗi bước chân dẫm lên tạo thành một tiếng động nhè nhẹ, như nhảy trên chiếc đàn “piano” khổng lồ với những nốt nhạc trầm buồn.

Vào một hành lang hẹp và tối, San đi tới buồng cuối. Một cô gái đang ngồi quay lưng hí hoáy biên chép. Cô gái này chăng? San trầm ngâm suy nghĩ cho những điều mình sẽ nói, sẽ làm.

Hai phút sau, San gõ nhẹ lên cánh cửa. Cô gái quay mặt lại. San vẫn nhìn qua khen cửa, thấy rõ mọi cử chỉ của cô gái. Cô gái có khuôn mặt đẹp một cách không ngờ, đôi mắt đen lay láy và sáng nhánh hạt na. San giật mình, lúng túng ra mặt. Bên những cô gái quá đẹp, tàu hoả có khi chạy còn trật bánh ra ngoài đường rầy.

Cô gái cỡ tuổi trạc độ 21, 22 gì đó, kém San hàng chục tuổi. Mái tóc cô gái rất dài, vắt qua cổ lên mặt bàn còn chảy xuống một đoạn lủng lẳng. Cô chải đầu gọn ghẽ, khuôn mặt trắng mịm, tuy hơi tai tái nhưng rất ưa nhìn, nét hình cô cân đối, với tấm lưng thon thon vặn chéo sau làn áo trắng mỏng. Cô gái gây cho San cảm giác nao nao về sự mềm mại của tuổi xuân dậy thì.

Nghe tiếng gõ, cô gái quay mặt về phía cữa, đôi lông mày cô hơi cong và nhíu lại. Cô có vẻ như chờ người bên ngoài lên tiếng. Im lặng. Cô dóng tai nghe ngóng. Thấy vẫn im lặng, cô gái toan quay lưng đi… San gõ tiếp khe khẽ lên cánh cửa hai tiếng nữa…

– Ai đấy?

Cô gái nhỏ nhẹ hỏi và đứng dậy ra mở to cánh cửa.

– Xin lỗi. Cô là Oanh?

Nhìn dáng ăn mặc sang trọng của San, Oanh – tức cô gái – gật đầu chào San bằng câu buông thõng, chẳng vồ vập, cũng chẳng ra vẻ khó chịu:

– Chào anh.

San ngượng nghịu, cười gượng bước vào. San không quen, chính thế, lần đầu tiên… San tự trấn mình bằng những ý nghĩ rất đứng đắn của lý trí. Khi tới, lòng San tạo được sự bình thản như đi làm một sự vụ. Giờ đây, trước mặt cô gái đẹp thuỳ mị, San chợt thấy mình khó mở mồm nói những gì dự định trước. San lúng túng thực sự.

Phòng ngủ nhỏ, vừa kê hai giường đơn, giữa dành một lối đi. Đuôi giường kê tấm ván dài làm bàn viết lách. Sách vở học sinh để chồng đống trên bàn. San ngồi đối diện với Oanh, mổi người một giường. Cả hai đều lặng lẻ, thủ miếng kỹ càng như hai đấu vật ra bãi dò hỏi nhau.

Hồi lâu như vậy, không khí trở nên nhạt nhẽo. Oanh cúi đầu xuống hí hoáy viết tiếp. San nhặt quyển sách gần đó lên xem. Sách giáo khoa cho học sinh lớp ba, chữ nghĩa trong trang sách nhẩy múa bài “Vủ Điệu Trong Bóng Mờ!” Đọc không hiểu. Mặc cảm tội lỗi mơ hồ đến với San, mỗi lúc một đậm rõ. San toan tính đứng dậy chào Oanh. San dự định sẽ nói câu như thế này:

“Tôi… chào cô giáo, tôi… đi về. Tôi xin phép được đóng cửa hộ… bạn.”

Nhưng San chưa lấy được can đảm đứng dậy chào từ biệt, trước mặt cô gái đẹp bất ngờ, phải nói đúng hơn là cái đẹp đã khiến San bối rối, làm cho San mất hết tự chủ, San “linh cảm” như có “chuyện gì” sắp xẩy ra, rất là quan trọng! San dằn lòng mình chờ đợi cố chờ thêm ít phút, San nghĩ thầm, năm phút nữa thôi, nếu không có “chuyện gì” xẩy ra, lúc ấy, San sẽ… “Bye-bye”…

Oanh thỉnh thoảng ngẩng đầu, cau mặt kín đáo nhìn trộm San, rồi vội vã cúi gằm mặt xuống. San cũng vậy, ngồi đọc sách giáo khoa chỉ là cái cớ nhìn trộm Oanh… Vô tình… Bốn mắt gặp nhau. Oanh phá lên cười, lấy sách che miệng, chỉ để hở đôi mắt sáng đen trên khuôn mặt xoay nghiêng, mớ tóc vương bồng trên vầng trán trắng rung rinh. San cũng cười, lấy thuốc lá trong túi ra, tay run bắn, lật đật mãi không châm xong điếu thuốc.

Oanh nhíu đôi lông mày, nghiêm giọng:

– Sao anh không nói?

– Còn em?

– Em ngồi đây là để nghe chứ không phải để nói.

– Thế… nói dối có được không?

– Không được! Em không thích nói dối.

– Tiếc thật!

– Sao kia anh?

– Người nói dối, sẽ nói được nhiều. Người nói thật sẽ ít nói, thậm chí không biết nói, như người thời đại bị bịt miệng.

– Ai dậy anh cái triết lý ấy?

– Cuộc đời.

– Cuộc đời nào?

– Cuộc đời của… em!

– Khiếp! Anh nói em phát sợ run lên đưọc.

– Sự thật như vậy, trong đôi mắt em, từ lúc anh bước chân vào đây, anh thấy em hoang mang hoảng hốt, em sợ mà em không dám nói ra, vì vậy em không nói gì hết, đúng không em?

– Anh hơi có lý.

– Có lý quá đi chứ lỵ. Anh định…

– Anh định nói gì?

– Anh định nói “Chào em – cô giáo, anh đi về.”

– Chỉ thế thôi ư?

– Còn, “Anh xin đóng cửa hộ… bạn!’”

– Lạ quá nhỉ? Anh đến chỉ để chào em rồi đi về?

– Không! Anh vừa nói, còn câu “Anh xin đóng cửa hộ … bạn!”

– Nghĩa là gì hở anh? Tại sao anh lại phải đóng cửa hộ em? Em không thể đóng lấy một mình hay sao?

– Bởi vì khi anh đến đây, cửa em mở hé, em chờ anh tới, vì sự bắt buộc. Mà anh thì, tới đây chỉ để nói với em, anh không phải là người bắt buộc em mở cửa, nên anh xin phép em đóng hộ cách cửa lại. Rồi anh đi về.

(— Im lặng. —)

– Anh không biết nói văn hoa, sự thật là như vậy.

– Anh có phải là “Việt Kiều” hay không?

– Anh không giải thích được.

– Tại sao thế anh?

– Giấy tờ của anh, họ ghi là Việt Kiều, anh là người sinh ra và lớn lên trên mảnh đất này. Anh yêu nó tha thiết. Anh không muốn người ta nhìn anh tựa du khách. Anh không xa lạ với Hà Nội.

– Anh có biết không? Khi người ta gọi anh là Việt Kiều, nó mang cái nghĩa ngưỡng mộ anh đấy. Thực sự thì, Việt Kiều là tiền “đô la.” Dân ở đây nghèo túng, một cái hẩy tay của các anh Việt Kiều chút tiền lẻ đủ cho một gia đình qua được cơn hoạn nạn.

– Riêng em thì sao?

– Em ghét tụi Việt Kiều. Chúng nó hợm mình hơm của… Nhưng em nhỏ nhen quá, chuyện yêu hay ghét ấy chẳng bận gì đến mình.

– Anh muốn hỏi riêng em, em có gọi anh là VIệt Kiều không?

– Anh tên là gì nhỉ?

– À! Xin lỗi em. Anh quên chưa giới thiệu tên. Anh tên là San, tên cũ là Cu Tý.

– Anh San đẻ ở đâu?

– Nhà quê.

– Giống em, em cũng đẻ ở nhà quê anh San ạ!

Bức rào ngăn cách giữa hai người vì sự bỡ ngỡ lúc ban đầu đã bị rách. Câu chuyện giữa San và Oanh tự nhiên cởi mở dần.

Tuổi trẻ kỳ lạ thật! Cảm xúc nhậy bén, niềm tin chính xác, bằng trực giác không thể giải thích, họ biết dành cho nhau một chổ chứa đúng lúc cho những tình cảm mạnh mẽ và chân thành.

Nghe Oanh nói, và nàng nói rất say sưa, như nói với người bạn tri kỷ quen lâu năm. San thấy lòng mình nhẹ nhõm, như được thả lỏng như đang bay bổng, chơi vơi với những kỷ niệm đẹp tuyệt vời của Oanh.

Oanh kể chuyện. Câu chuyện dẫn San đi về vùng biển quê xa. Bãi biển cát trắng phau phau, có nhiều cáy mầu sắc đẹp rực rỡ, anh nàng bắt cáy rất giỏi. Nàng bắt cáy rất kém, cáy chạy nhanh như gió, cả ngày chỉ bắt được vài con. Sức nàng yếu, bố mẹ sợ nàng bị chết đuối, cấm nàng ra bãi một mình. Nàng thích tắm biển, hay trốn nhà ra bãi, hay bị mắng. Nàng rát…như con cáy! Nàng sợ ma, sợ chuột, sợ bóng tối, đêm ngủ, nàng trùm chăn kín đầu, cho dù vẫn thăp sáng đèn…

Oanh dẫn San đi tiếp, chỉ cho San thấy ngôi trường, lớp học Oanh đến thực tập nghề nhà giáo. San nhìn thấy một đám đông các em học sinh, nghe tin cô giáo chuyển trường, chạy theo đòi cô giáo ở lại. Các em mến cô giáo, không muốn xa cô. San thú vị, cười tủm tỉm, thỉch thoảng lại xen vào những nhận xét pha trò vui vui, chăm chú nghe chuyện Oanh, như được khích lệ.

Oanh không ngừng kể tiếp:

– Trong nghề dạy học anh ạ! nhà giáo phải biết tự kiềm chế tình cảm, không được quá hiền với học sinh. Hiền, dể bị học sinh coi thường, bắt nạt, không hoàn thành trách nhiệm. Vẫn biết thế, em không làm được. Nghề của em còn non lắm. Anh San biết không, có lần em mắng một học sinh hay ngủ gật trong lớp. Học sinh này bị em phạt đứng khoanh tay. Nó xin lỗi em và nói, bố nó bị xử bắn vì tội ăn cướp, mẹ nó đi tù vì tội buôn lậu, bà nó mù loà. Đi học về, nó phải dẫn bà nó ra ga ăn xin. Em nghe nói, tự nhiên nước mắt em chảy tràn rồi khóc hưng hức. Thế là cả cô và trò đều khóc, không thành buổi học. Lại một lần nữa, giảng bài, em nói:

– Cô có 7 gói xôi, nếu bán cho 7 em, hỏi cô còn thừa mấy gói?

Trong lớp nhiều em giơ tay, em nghe thấy cuối bàn có hai em học sinh bảo nhau:

– Nhẵn thín mày ạ!

Em buồn cuời vì hai chữ “nhẵn thín,” cười rũ ra làm cả lớp cười theo, tiếng cười cứ thế lan ran mãi không chấm dứt. Em bé học sinh trưởng lớp đề nghị:

– Thưa cô! xin cô đừng cười nữa ạ! Cô cười làm các bạn ấy tưởng cô đùa, không chịu yên lặng.

Em bèn giả bộ nghiêm mặt mắng các em:

– Các em tưởng cô giởn với các em đấy phỏng? Cô cười là cái ‘khác kia’ chứ không phải cái các em đang cười!

Khi cả lớp đã im lặng rồi, em quay lên bảng viết. Nghĩ thế nào, em lại cười rũ ra, làm cả lớp cười theo. Sao em không nhịn được cười nhỉ? Nhịn cười dễ lắm kia mà!

San và Oanh cùng phá lên cười như nắc nẻ. San trêu chọc Oanh:

– Sao không ví dụ’ “7 gói xôi của em ‘CHO’ học sinh mà lại ‘BÁN’ cho học sinh?”

Oanh nói giọng buồn buồn:

– Lương của em có 70,000 đồng một tháng, không đủ sống. Em vẫn phải kiếm thêm bằng nghề bán xôi. Anh tính, một đôi guốc cao gót, một cái nón quang dầu đội đầu, cả tháng lương mua không nổi. Muốn đi thăm học sinh, chả biết ăn mặc thế nào nữa! Làm nghề giáo ăn mặc luộm thuộm?… Nhưng chẳng còn biết làm gì hơn. Nhiều khi tiền mua cái bút, cặp giấy còn không có.

San lắc đầu đồng tình:

– Thật thế à? Mỗi ngày em bán xôi như vậy kiếm thêm đưọc bao nhiêu?

Oanh thật thà như nói với người anh ruột thịt:

– Có ngày vài trăm, có ngày vài nghìn, có ngày ế, ăn xôi trừ bữa lại còn nợ tiền đi vay làm vốn.

– Bây giờ còn nợ không?

– Em còn nợ bà Bí 80,000 đồng.

Đang vui cười, giọng nói Oanh nhỏ và chậm dần lại, có vẻ như ngần ngại muốn chấm dứt câu chuyện. San cúi đầu châm thuốc lá hút, San thở nhẹ cuộn khói mỏng qua cánh mũi. Sau một hồi im lặng, San dục Oanh nói tiếp:

– Em có gặp nhiều khó khăn lắm không?

– Em vay vốn bà Bí, phải trả lãi, không có tiền, bà doạ ra giữa sân trường chửi em cho học sinh nghe. Em van lạy bà. Bà giới thiệu em đến vay chị Mộng Nga… Chị Mộng Nga bắt em phải ngồi nói chuyện với anh, thì chị ấy trừ nợ cho. Em sợ quá…

– À! Ra thế… !!!

– À quên… Anh tên là gì nhỉ?

– À! Xin lỗi em. Anh quên chưa giới thiệu tên. Anh tên là San, tên cũ là Cu Tý.

– Anh San đẻ ở đâu?

– Nhà quê.

– Giống em. Em cũng đẻ ở nhà quê anh San ạ!

Khuyết danh

 

Trần Văn Giang (st)

 

 

 

 

 

 

Lưng Em Sau Làn Áo Mỏng – Trần Văn Giang (St)

One thought on “Lưng Em Sau Làn Áo Mỏng – Trần Văn Giang (St)

  • January 20, 2016 at 3:00 am
    Permalink

    Một bài viết ngắn về tình cảnh xã hội “Việt Kiều – Việt Cộng” thật buồn… Càng đọc càng thấy buồn miên man, râm ran khó tả.

    Trần Văn Giang

    Reply

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *