Nhiễm Độc Thực Phẩm Từ Đồ Chứa Đựng & Giải Pháp

Đồ đựng bằng nhựa

Theo thông tin của Tổ chức Green Guide (Mỹ), nhựa được phân loại theo mã xác định loại nhựa, được đánh số từ Mã số 1 đến Mã số 7 để chỉ các loại nhựa khác nhau. Con số này được đặt bên trong biểu tượng hình tam giác, thường thấy dưới đáy hộp.

ThucPham1• Mã số 1: Polyethylene terephthalate (PET, PETE) thường sử dụng cho các chai đựng nước ngọt và nước uống đóng chai, là loại nhựa chỉ đảm bảo chất lượng cho sử dụng một lần.

 

ThucPham2• Mã số 2: High-Density Polyethylene (HDPE)

ThucPham3• Mã số 3: Polyvinyl Chloride (PVC, nhựa vinyl)

ThucPham4• Mã số 4: Low-Density Polyethylene (LDPE)

ThucPham5• Mã số 5: Polypropylene (PP)

ThucPham6• Mã số 6: Polystyrene (PS)

ThucPham7• Mã số 7: Loại khác: bao bì được làm ra từ loại nhựa không thuộc 6 loại trên hoặc từ nhiều loại nhưa trên kết hợp với nhau như nhựa polycarbonate (hoặc bisphenol A).

Trong các loại nhựa trên chỉ có nhựa Mã số 2 HDPE, • Mã số 4 LDPE và • Mã số 5 PP là lựa chọn tốt nhất để tiếp xúc với thực phẩm, bởi chúng không thôi bất cứ một hóa chất nào đã được biết đến ra thực phẩm. • Mã số 5 PP là thích hợp nhất cho sử dụng làm hộp đựng thực phẩm và màng bọc thực phẩm, trong khi đó • Mã số 2 HDPE dùng làm chai đựng sữa và • Mã số 4 LDPE thích hợp để sản xuất túi đựng thực phẩm. Và • Mã số 7 sẽ là loại đáng sợ nhất!

Ngoài ra chất DEHP (2- ethylhexyl phthalate), đôi khi được gọi là DOP (phthalate di-octyl), nhằm tạo độ dẻo làm mềm nhựa, biến nhựa thành nhựa dẻo, nếu vào cơ thể với một lượng nhất định là sẽ phá vỡ tuyến nội tiết, làm thay đổi lượng hormone, lâu dài sẽ nguy hại đến sức khỏe, độc hơn cả melamine. DEHP, DINP là hợp chất hữu cơ lỏng, nhớt không màu, tan trong dầu, không tan trong nước và đã bị nhiều nước ở châu Âu cấm sử dụng, trong chế tạo đồ chơi cho trẻ em dưới 3 tuổi vì chúng có thể gây bệnh ung thư, biến đổi “gien” và nhiễm các hoá chất độc hại thông qua hành vi mút hay nhai đồ chơi bằng nhựa dẻo.

Tại Pháp từ 1999 – 2000, đồ chơi nhựa nếu kiểm tra thấy chứa trên 0.1% các dẫn xuất của phtalate (DINP, DIDP, DEHP, DBP, DNOP, BBP), nhất là DINP, DEHP sẽ bị cấm đưa ra thị trường. Các nhà khoa học ĐH Rochester (Mỹ) còn phát hiện chỉ cần bị phơi nhiễm với DINP, DEHP đã tăng nguy cơ dị tật cơ quan sinh dục, tổn thương quá trình sinh sản của nam giới, tiêu diệt và làm biến dạng tinh trùng, kích thích trẻ gái 2 – 8 tuổi có thể có kinh nguyệt…

Mới đây (tháng 11/2015) báo chí Việt Nam báo động “ Các Miếng dán đồ chơi Trung Quốc bán đầy rẫy ở nước ta có chứa chất phthalate (DEHP) có nguy cơ gây vô sinh”. Ngoài ra còn lượng cadmium trong món đồ chơi này là 273 mg /kg, quá cao so với mức an toàn. Cadmium đặc biệt nếu tích lũy trong cơ thể sẽ làm hỏng các cơ quan nội tạng, thậm chí dẫn đến ung thư.

Tại Hội thảo “DEHP và sức khỏe cộng đồng” được tổ chức sáng 13-7-2011 tại Sài Gòn, GS. Nguyễn Chấn Hùng, Chủ tịch Hội Ung thư TP Sài Gòn cho biết, trong y tế, DEHP chiếm 20-40% nguyên liệu làm ra các ống truyền dịch, truyền máu, găng tay, mâm dụng cụ… Hiện nhiều BV đang sử dụng thiết bị nhựa PVC (polyvinyl chloride) là plastic dùng nhiều trong thiết bị y tế, loại nhựa này có tỷ lệ chứa DEHP rất cao. Ngoài ra nó còn có trong vật liệu xây dựng, y phục, áo mưa, bao bì thức ăn, đồ chơi trẻ em và dược phẩm. Nhưng điều này có đáng ngại không, có gây hại đến sức khỏe hay không thì chưa có đầy đủ căn cứ để chứng minh.

Theo các chuyên gia thì trong khi tiêm thuốc không bị đun nóng, thời gian bơm thuốc cho người bệnh diễn ra rất ngắn, các loại thuốc nước không hòa tan DEHP, nên nếu bơm kim tiêm có chứa DEHP thì không hẳn sẽ gây độc…

Tương tự, DEHP cũng có mặt trong rất nhiều sản phẩm đồ nhựa như xô, chậu, ống dẫn nước, chai, lọ đựng thực phẩm, đồ chơi trẻ em…

– Xô, chậu, ống dẫn nước, chai, lọ đựng thực phẩm nếu không chứa nước nóng và thực phẩm nước có muối có khả năng tương tác với vật đựng thì không độc. Tốt nhất đồ nhựa chỉ đựng đồ khô.

– Đồ chơi trẻ em, nếu trẻ không ngậm đồ chơi, hoặc có thói quen ngậm tay thì ít bị nhiễm độc.

Đồ nhựa đựng thực phẩm nóng rất nguy hiểm

Theo GS Chu Phạm Ngọc Sơn – Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật TP Sài Gòn, thì melamine là một nguyên liệu cho công nghiệp polymer, được cho phản ứng với formaldehyt tạo nhựa nhiệt cứng melamine – formaldehyde, áp dụng trong sản xuất chất kết dính, vải, vật liệu gia dụng như tô, đĩa, muỗng, hộp…

Các đồ dùng gia đình bằng nhựa melamine-formaldehyde tương đối bền, đẹp. Tuy nhiên, khi sử dụng chúng để chứa thức ăn nóng, chua, chúng có thể tiết vào thức ăn chất melamine và formaldehyde. Những chất này vẫn còn trong mạng nhựa, khi gặp nhiệt nóng và acid, chúng sẽ bị tiết ra hòa lẫn với thức ăn.

PGS-TS Hồ Sơn Lâm – nghiên cứu viên cao cấp Viện Khoa học vật liệu ứng dụng, TP Sài Gòn – khuyến cáo, khi sử dụng để làm bao bì, hộp đựng ở nhiệt độ cao (thức ăn, nước, sữa nóng) khả năng các chất phụ gia có trong nhựa sẽ thôi ra ngấm vào thức ăn.

Trên thị trường hiện có loại nhựa chịu được nhiệt độ cao từ 150 – 2000C, tuy nhiên cần phải biết chính xác xuất xứ và chất lượng của nó. Vì nhựa mà chịu nhiệt độ cao chắc chắn nhà sản xuất sẽ phải trộn thêm một vài thành phần phụ gia, do đó về lâu dài khả năng ngộ độc xảy ra là điều không thể tránh khỏi.

Trên thị trường hiện có loại sản phẩm được giới thiệu là nhựa chịu nhiệt, có thể dùng để đựng thực phẩm nấu trong lò vi sóng. Loại nhựa này không bắt được sóng của lò viba (nên không bị nóng chảy khi nấu) nhưng thực phẩm đựng bên trong lại bắt được loại sóng này, nóng lên và chín. Nhiệt độ của thức ăn sẽ tác động vào sản phẩm nhựa, làm cho cấu trúc nhựa bị thay đổi và hậu quả là chất độc có thể thôi nhiễm ra thực phẩm.

Tiến sĩ James Brophy thuộc Đại học Stirling, Scotland và tiến sĩ Margaret Keith thuộc Đại học Windsor, Canada cho biết những phụ nữ làm việc trong lĩnh vực thực phẩm đóng hộp hay sản xuất đồ nhựa bị tăng gấp đôi nguy cơ ung thư vú. Thậm chí, trong giai đoạn tiền mãn kinh, nguy cơ này còn tăng gấp 5 lần (Nghiên cứu được đăng trên tạp chí Environmental Health).

Thói quen dùng túi nylon – độc hại không ai hay

Hiện nay, người mua hàng và bán hàng đều quen sử dụng túi nylon để đựng hàng thực phẩn tươi sống, thức ăn chín và kể cả thức ăn nóng. Đó là thói quen, nhưng cả người mua và người bán không mấy ai ý thức rằng thực phẩm, thức ăn, đặc biệt là thức ăn nóng, đồ chua (dưa, cà) đựng trong túi nylon có nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người vì hầu hết túi nylon bán ngoài thị trường đều được sản xuất từ nhựa tái sinh từ các cơ sở sản xuất gia công, họ tận dụng cả rác thải (nhựa) y tế, quy trình sản xuất thủ công, đặc biệt là túi màu để đựng thức ăn, thực phẩm đều bị nhiễm kim loại chì, clohydric… gây tác hại cho não và nguy cơ ung thư phổi cao.

Nhiều người vẫn chưa biết hết nguy hại từ túi nylon dùng để đựng thực phẩm và thức ăn chín, họ dùng túi nylon đựng thức ăn nóng như bắp luộc, đựng phở …mà nước còn bốc khói nghi ngút.

Nguy hiểm từ sơn tráng bên trong đồ nhựa

Nhằm bảo quản, chống lão hóa, chống thấm và ăn mòn đồ nhựa, nhà sản xuất tráng bên trong đồ nhựa một lớp sơn epoxy, đó là chất bisphenol-A (BPA) thuộc nhóm polycarbonat, gồm các chất polymer dẻo nóng và trong suốt, được sử dụng như chất tạo khuôn.

Ở Việt Nam, BPA có mặt trong các loại đồ chơi trẻ em và đồ gia dụng bằng nhựa như bát đĩa, cốc, cặp lồng, hộp, chai, lọ, thùng đựng đồ uống như sữa, bia, rượu, tiền giấy… Nồng độ bisphenol A phát hiện cao nhất trên tiền Australia, Braxin và CH Séc. Phần lớn đồ hộp bằng kim loại cũng được tráng sơn epoxy để bảo quản thức ăn. Bên cạnh epoxy, người ta còn sử dụng một số loại sơn bảo quản khác như urniorethan và diputinxalat cho các sản phẩm đựng thức ăn trong tủ lạnh. Ngoài đồ gia dụng, chất bisphenol-A còn rất phổ biến trong các loại sơn tổng hợp, đặc biệt là những loại dùng để sơn cửa, bàn ghế, tường nhà…

ThucPham8Chất bisphenol-A này có thể thôi nhiễm khi bao bì được đun nóng, được làm sạch bằng các chất tẩy rửa mạnh hoặc tiếp xúc với thức ăn hoặc đồ uống có tính axit.

Tại Mỹ, người ta đã cảnh báo BPA có thể ảnh hưởng xấu đến khả năng sinh sản của cả nam và nữ, làm thay đổi chức năng của hệ miễn dịch, gây rối loạn hành vi và khả năng nhận thức. Về lâu dài, nó có thể gây tổn thương não bộ, gây ra căn bệnh Alzheimer và một số bệnh ung thư. Trẻ nhỏ sớm tiếp xúc với Bisphenol-A sẽ bị tổn thương vĩnh viễn.
Theo bản tin ngày 20/7/2012 của vietnamnet.vn, thì “Cơ quan quản lý thuốc và thực phẩm Mỹ (FDA) vừa chính thức công bố cấm sử dụng chất bisphenol A, hay còn gọi là BPA trong sản xuất bình sữa và các loại cốc uống nước trẻ em. BPA là một loại hóa chất nhân tạo được sử dụng trong sản xuất bình nhựa và hộp đựng thực phẩm và cũng là chủ đề của các cuộc nghiên cứu khoa học trong nhiều năm.

Các nhà sản xuất đã ngừng sử dụng loại hóa chất này để sản xuất bình sữa và cốc uống trẻ em, và FDA cho biết quyết định cấm của họ là để đáp ứng yêu cầu của Hội đồng hóa học Mỹ (ACC).”

Để hạn chế rủi ro chúng ta không nên dùng đồ nhựa đựng các thực phẩm chế biến, các nước uống thực phẩm có nước có muối có acid hoặc kiềm, thực phẩm nóng hay ướp lạnh, chỉ có thể đựng các thực phẩm khô không có muối.

Không nên dùng bát đĩa, ly tách nhựa nhất dùng cho trẻ em. Không cho trẻ em chơi các đồ nhựa ở lứa tuổi hay mút tay hoặc ngậm đồ chơi vào miệng.

Hộp nhựa dùng cho lò vi ba vẫn bị thôi hóa chất.

Biểu tượng hay nhãn “Microwave-safe” hoặc “Microwavable” (sử dụng được trong lò vi ba) trên các hộp nhựa chỉ có nghĩa rằng chúng sẽ không bị chảy, nứt vỡ, hoặc tách rời ra khi quay trong lò vi ba.

Biểu tượng này không đảm bảo rằng những cái hộp đó sẽ không thôi hóa chất ra trong quá trình xử lý nhiệt. Tốt nhất hãy chỉ sử dụng hộp đựng hay bát đĩa bằng thủy tinh, sành, sứ để quay thực phẩm trong lò vi ba.

Các nhà khoa học cũng cảnh báo về việc tránh sử dụng hộp nhựa hoặc các loại túi, màng bọc bằng chất dẻo để cất giữ thịt và pho mát. Hãy rửa các hộp nhựa nhẹ nhàng với xà phòng không chứa chất ăn mòn, bởi các loại cọ và hóa chất tẩy rửa mạnh có thể làm xước bề mặt nhựa, trở thành “ngôi nhà lý tưởng” cho vi khuẩn.

Hộp nhựa, bao xốp tái sinh

Hiện nay trên cả nước có rất nhiều cơ sở sản xuất hạt nhựa tái sinh từ những chai nhựa, bao bì nhựa phế thải bất kể bao bì đựng thực phẩm hóa chất độc cả rác thải y tế, nghĩa là mọi loại nhựa có thể nấu chảy ra dụng cụ khác.

Theo báo Sức khỏe và đời sống, chủ một xưởng nhựa ở Sóc Sơn-Hà Nội mỗi tháng cơ sở làm được khoảng 30 tấn hạt nhựa thành phẩm bán cho các cơ sở trong nước, chủ yếu là các cơ sở làm bát, thìa, hay hộp đựng thức ăn bằng nhựa đến nhập hàng với khối lượng cũng rất lớn và đều.

Cũng theo lời ông chủ xưởng này thì phần lớn các xưởng chuyên sản xuất đồ hộp đựng thức ăn khi nhập loại nhựa này về sẽ pha trộn thêm nhiều phụ gia khác để giảm lượng nhựa vì giá thành để sản xuất một hộp nhựa là khá cao. Khoảng 12 ngàn đồng cho 10 cái so với giá 45 ngàn một cây hộp nhựa xốp (1 cây khoảng 150 hộp).

Cũng theo tìm hiểu của phái viên báo, thì hộp xốp đựng thức ăn được các cơ sở sản xuất thu mua những hộp xốp vứt ra từ những thùng đựng tivi, máy lạnh, đầu đĩa… về làm.

Điều nguy hiểm là các sản phẩm tái chế này chỉ được sản xuất để phục vụ các ngành khác như gạch ngói, tấm lợp hay vỏ máy khác không dùng trong thực phẩm vì chúng sử dụng dùng hàng loạt chất tẩy và chất phụ gia rất độc hại.

Hộp xốp

Theo các nhà khoa học, nguyên liệu làm hộp xốp là nhựa nhiệt dẻo Polystyren (PS) phân tử thấp. Ở nhiệt độ 70 – 80oC, một số phụ gia trong nhựa bắt đầu hòa tan vào thực phẩm. Đáng nhẽ chỉ dùng hộp xốp đựng thức ăn nguội thì người VN lại dùng đựng thức ăn nóng, gây độc hại.

PGS.TS Đỗ Văn Kháng, trưởng phòng công nghệ polyme (Viện Hóa học) còn cho biết, những hộp xốp đựng cơm có thể chứa chất DOP (dioctin phatalat) làm ảnh hưởng đến cơ quan sinh dục nam, khiến các bé trai có thể bị nữ tính hóa, vô sinh nam, còn trẻ em nữ có nguy cơ dậy thì quá sớm.

Ông Nguyễn Công Khẩn cũng cho biết, hiện mới chỉ thấy các loại hộp xốp Trung Quốc dùng đựng hoa quả nhập khẩu vào Việt Nam chứ chưa có hộp xốp Trung Quốc đựng trực tiếp thức ăn. Các loại hộp xốp đựng trực tiếp thức ăn chủ yếu do trong nước sản xuất.

Cuối tuần trước, Trung Quốc đã ra quyết định cấm bán và sử dụng hộp thức ăn bằng xốp do nước này sản xuất vì chúng có thể làm từ đồ phế thải.

Giải pháp phòng tránh ngộ độc từ nhựa

Chất DEHP chính là loại “dầu bôi trơn” làm tăng độ dẻo cho nhiều loại nhựa, trong quá trình sử dụng chất này bốc hơi dần nên đồ nhựa mới trở nên cứng dòn gọi là nhựa bị lão hóa, nếu sử dụng nơi nhiệt độ cao hay đựng đồ nóng thì càng lão hóa nhanh, ta thấy rõ đồ gia dụng nhựa một thời gian trở nên dòn gãy vỡ là vì lý do này, cho nên chất DEHP không ít thì nhiều đều phát tán ra ngoài gây độc.

Có thể nói sản phẩm có DEHP đang bao vây cuộc sống chúng ta, để tránh tích lũy nhiều “giọt nước nhiễm DEHP” trong cái “ly nước nhiều chất ô nhiễm cả cuộc đời” chúng ta nên cố gắng thay thế càng nhiều càng tốt những vật dụng nhựa bằng đồ dùng thủy tinh hay inox, gỗ, giấy… Có như thế chúng ta mới giữ vững cái ly trên không bị tràn và qua biện pháp ăn uống an toàn và luyện tập thể dục, chắc chắn chúng ta sẽ luôn khỏe mạnh.

Giải pháp sử dụng đồ nhựa

-Dùng đồ đựng thủy tinh hoặc sứ trong lò vi ba.
-Đựng các thực phẩm nóng, có nước, có muối trong đồ đựng thủy tinh hoặc đồ gốm.
-Hộp nhựa đựng thực phẩm chỉ có thể dùng đựng cho thực phẩm khô.

Đề nghị giải pháp thay thế bao bì túi xốp nhựa

Trong khi chờ đợi thế giới phát minh ra bao bì không độc hại và mau phân hũy thay thế nhựa, điều kiện Việt Nam ta có thể khuyến khích các cơ sở tiểu thủ công nghiệp sản xuất bao bì giỏ đựng bằng lát, tre, đay,..v..v.. cung cấp với giá rẽ cho người dùng. Các cơ sở sản xuất bao bì bằng nguyên liệu giấy để gói hàng hóa.

Bao bì mây tre lá, hay giấy phế thải phân hũy nhanh không gây ô nhiễm môi trường, lại nuôi sống được nông dân trồng cây nguyên liệu và công nhân làm thủ công bao bì.

Việc xử lý rác ở các đô thị bằng cách chôn lấp như hiện nay (do thiếu kinh phí) nên qui định bắt buộc người dân bỏ rác vào bao bì bằng lát, tre, túi giấy… để mau phân hũy, còn túi nylon túi xốp có thể gom lại một sân bãi phơi nắng rất mau tan rã thành bột có thể nghiên cứu tái chế làm vật dụng khác như vật liệu xây dựng,..v..v.. thay vì chôn lấp khó phân hũy và ô nhiễm nguồn nước, đất đai còn đưa vào lò đốt vừa tốn năng lượng, vừa phóng thích vào không khí các chất độc hại gây các bệnh hiễm nghèo hơn cả khói thuốc lá nữa.

 

Lương Trọng Nhàn
Kỹ Sư Canh Nông
Chuyên Khoa Biến Chế Nông Sản (Khoa Học Thực Phẩm)
Cao Đẳng Canh Nông-Trung Tâm Quốc Gia Nông Nghiệp-Sài Gòn

Nhiễm Độc Thực Phẩm Từ Đồ Chứa Đựng & Giải Pháp – Lương Trọng Nhàn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *